Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (4)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2269 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


VII. CUỘC CANH TÂN


88. Trọng sắc "Ite Vos" của Đức Giáo Hoàng Lêô X năm 1517 đưa Dòng Phan sinh đến chỗ chia cắt thành hai gia đình riêng rẽ, Anh em Hèn mọn Tuân thủ và Anh em Hèn mọn Tu viện.


89. Sự chia cắt này trên thực tế không giải quyết hết những vấn đề liên quan đến sự hiệp nhất của Dòng. Cần ghi nhận trước rằng, gia đình Anh em Tuân thủ không phải là một phong trào thống nhất, và tự nội bộ, mầm mống phân rẽ đã được gieo xuống rồi. Gia đình rộng lớn của Dòng Phan sinh Tuân thủ cũng chia thành hai nhóm tây-bắc và đông-nam của núi Alpes. Những nhân tố chính trị, đặc biệt, sự chiến lược ngoại giao của triều đình Tây-ban -nha, đã đóng một vai trò quan trọng cho tương lai của phong trào Tuân thủ, nhất là trong việc chọn anh Tổng Phục vụ của Dòng. Sự cân bằng mà trọng sắc "Ite Vos" cố gắng thực hiện trong sự luân phiên chọn các Tổng Phục vụ giữa các nhóm bên này bên kia núi cho mỗi nhiệm kỳ sáu năm hiếm khi được tôn trọng. Có những chục năm trường, vai trò Tổng Phục vụ luôn do nhóm bên kia núi nắm giữ (Phía Tây-ban-nha).


90. Chúng tôi không đi sâu vào việc tường thuật buồn tẻ sự nối tiếp của những anh Tổng Phục vụ trong giai đoạn giữa trọng sắc "Ite Vos" năm 1517 và trọng sắc "Felicitate quadam" năm 1897, hoặc còn gọi là sự Hợp Nhất của Đức Giáo Hoàng Lêô cho Dòng Anh em Hèn mọn, ngoại trừ danh tánh của một số khuôn mặt quan trọng nhất. Tốt hơn, chúng tôi tập trung vào những cuộc canh tân khác nhau nảy sinh từ bên trong hoặc từ bên ngoài Dòng Phan sinh Tuân thủ, và những cố gắng tìm sự hiệp nhất suốt Thế kỷ 19, khi nhiều cuộc canh tân ấy có vẻ như cho thấy sự sai lầm từ phía quyền bính của Giáo Hội và của Dòng.


A. Những bước đầu cuộc canh tân trong nội bộ Dòng Phan sinh Tuân thủ


91. Các anh em Tây-ban-nha dưới áp lực chính trị, đã xin lập một đại diện quốc gia năm 1521. Anh Phanxicô Angêlô Quinôes được chọn vào chức vụ. Năm 1523, anh cũng được bầu làm Tổng Phục vụ Dòng (1523-1529) tại Tổng Tu nghị Bergos. Trước anh, các anh Phục vụ Christophe Numai (1517-1518), Phanxicô Lichettô (1518-1520) và Phaolô Soncinô (1521-1523) đều là những người Itali. Năm 1529, anh Quinônes trở thành Hồng Y và anh Phaolô Pisotti (1529-1533) được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh là con người ít được biết đến và đã phải từ chức do áp lực của Đức Giáo Hoàng Phaolô III.


92. Tu nghị Nixê bầu chọn anh Vincent Lunellô (1535-1542). Anh vất vả hoạt động để tiếp tục canh tân Dòng. Sau anh, anh Gioan Matthêu Calvi đã được bầu làm Tổng Phục vụ (1541-1547). Anh Tổng Phục vụ tiếp theo là người Bồ-đào-nha, anh Anđrê Varez, được biết đến như một Insúlanus : người ở đảo (1547-1553). Tu nghị Salamanca bầu chọn anh Clêmentê Đôlêra (1553-1557) và công bố Hiến Chương mới, gọi là "Hiến Chương Salamanca". Trong khi đó, gia đình Phan sinh phía Tây-nam Alpes cương quyết giữ Hiến Chương Baxêlôn. Những anh Tổng Phục vụ tiếp theo là anh Phanxicô Zamôra Cuenca (1559-1565) và anh Alôsius Pozzô Borgônuôvô (1565-1571), trong thời gian anh này làm Tổng Phục vụ, Đức Giáo Hoàng Piô V truyền cho các anh em Phan sinh nhóm Amadeiti, Clarenô, và Anh Anh em Tu việncanh tân phải gia nhập Dòng Anh em Hèn mọn Tuân thủ. Cũng trong thời gian anh làm Tổng Phục vụ, vương cung Thánh đường Nữ Vương các Thiên Thần (Portiocula) bắt đầu được xây dựng. Anh Christôphe Chaffontaines làm Tổng Phục vụ từ 1571 đến 1579, được tiếp nối bởi anh Phanxicô Gonzaga (1579-1587) trong triều đại Đức Giáo Hoàng Sixtô V (1585-1590), là một anh em Hèn mọn Tu viện.


93. Tu nghị Valladolid bầu chọn anh Bônaventura Caltagirone (1593-1600) và công bố Hiến Chương Valladolid, gia đình Phan sinh Tây-bắc Alpes đón nhận Hiến Chương này.


94. Sau khi đã nhìn lướt qua sự tiếp nối của các anh Tổng Phục vụ trong thế kỷ 16, bây giờ chúng ta nhìn vào những cố gắng nhằm canh tân một gia đình Phan sinh Tuân thủ. Những cuộc canh tân này là kết quả của một nhu cầu canh tân chung trong Giáo Hội, đặc biệt trong giai đoạn Cải-cách-Tin-Lành và chống-Cải-cách của công đồng Trentô. Dòng Phan sinh đã đáp lại lời kêu gọi canh tân của công đồng Consttance với Dòng Tuân thủ trong Thế kỷ 15. Những cuộc canh tân mới nảy sinh kết quả của cuộc canh tân Giáo Hội trong thế kỷ 16. Chúng chủ yếu chằm duy trì sự vâng phục trực tiếp anh Tổng Phục vụ, nhưng có một nhóm, thật đặc biệt, muốn tự tách mình ra và trở thành một thực thể độc lập ở ngoài Anh em Tuân thủ. Chúng tôi liên tưởng đến sự canh tân của anh em Lúp dài.


B. Những bước đầu của Dòng Phan sinh Lúp dài canh tân (1525-1516)


95. Anh Mathêu Bachi (-1552) là một anh linh mục và giảng thuyết của Dòng Phan sinh Tuân thủ, Tỉnh Dòng Marche-Ancône. Nguyện vọng chính đáng của anh là có thể sống Luật Dòng Phan sinh theo kiểu Tuân thủ nghiêm nhặt nhất. Năm 1525, anh trốn khỏi cộng đoàn của mình ở Montêfalcônê và lên Rôma xin phép Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII (1523-1534) được đi theo nguyện vọng của mình và mặc bộ áo Dòng theo mẫu mà chính Thánh Phanxicô đã cho anh thấy trong một thị kiến. Anh Mathêu được Bà Bá Tước Catherina Cibô, miền Camêrinô che chở, Bà là cháu của Đức Giáo Hoàng.


96. Trong cuộc Tu nghị Tỉnh Dòng ở Jêri, anh Tỉnh Phục vụ Gioan Fanô ra lệnh cho anh Mathêu phải về huynh đệ đoàn Fanô, tại đó anh bị giam giữ cho đến khi Bà Bá Tước Camêrinô xin trả tự do cho anh. Chẳng bao lâu những anh em khác đến theo anh. Anh Lu-y và anh Raphael Fosombrônô xin anh Tổng Phục vụ cho họ đến sống trong một ngôi ẩn viện cùng với anh Mathêu. Anh Tổng Phục vụ từ chối. Thế là những anh em này tìm đến trú ẩn trong huynh đệ đoàn Anh em Tu việnở Cingôli. Khi anh Phaolô Chioggia gia nhập nhóm, họ bắt đầu sống ở Fosombrônô, dưới sự che chở của Bà Bá Tước Camêrinô và theo nhánh Anh em Hèn mọn Tu viện.


97. Ngày 03-07-1528, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII ban cho họ trọng sắc "Religionis Zelus : lòng nhiệt thành", cho phép họ sống Luật Dòng theo kiểu Tuân thủ nghiêm nhặt nhất, được sống trong ẩn viện, để râu dài, mặc áo ngắn với chiếc lúp nhọn, được giảng cho dân chúng và nhận các tập sinh. Họ phải ở dưới quyền các Anh em Hèn mọn Tu viện.


98. Anh Lu-y Fossômbônô trở thành lãnh tụ của gia đình mới. Năm 1529, một bản Hiến Chương mới đã được thành hình, gọi là Hiến Chương Albacina. Luật lệ này ấn định 2 giờ suy gẫm mỗi ngày ; đọc thần vụ ban đêm ; thực hành đền tội trong ăn uống với việc đi khất thực đủ cho một ngày theo nhu cầu của anh em ; một chiếc áo ống ngắn cho người bệnh và người già ; không có quản lý về vật chất ; các huynh đệ đoàn phải ở ngoài thành phố ; quyền sở hữu thuộc vị ân nhân ; nhà nguyện nghèo nhỏ ; rao giảng lưu động và không nhận tiền công ; sách vở phải ít oi. Khi những anh em đầu tiên đi giảng ở Camêriô năm 1534, dân chúng địa phương gọi họ là "Anh em Lúp dài" và "Anh em Rômiti". Chẳng bao lâu họ được biết đến là Anh em Hèn mọn Lúp dài.


99. Trong khi ấy, Anh Matthêu Bachi rời bỏ huynh đệ đoàn mới của anh năm 1537, để trở về hàng ngũ Anh em Tuân thủ và qua đời ở đó năm 1552.


100. Anh Tổng Phục vụ Phao lô Pissotti đã cố gắng giải thể phong trào mới. Đức Hồng Y Quinônes có ý kiến cho rằng điều khôn ngoan hơn, đó là kêu gọi những anh em canh tân mới trong nội bộ gia đình Anh em Tuân thủ, như người ta cố gắng làm ở Tây-Ban-Nha đối với những cuộc canh tân trước đây của anh em Phan sinh. Trong khi đó, anh Lu-y Fossômbônô đã nhanh chân chạy đến trọng sắc "Religionis zelus". Đức Giáo Hoàng truyền cho Anh em Tuân thủ không được quấy rầy anh em Lúp dài, và ngăn cấm anh em Lúp dài vào hàng ngũ của mình.


101. Gia đình mới được lãnh đạo bởi những khuôn mặt nổi bật, chẳng hạn anh Bernađinô Asti, Phanxicô Jêsi, tiến sĩ luật, và Bernađinô Ochinô, một nhà giảng thuyết lừng danh.


102. Năm 1535, anh Bernađinô Asti được bầu làm Phó Tổng Phục vụ. Anh Lu-y Fossômbônô rời khỏi gia đình Phan sinh mới. Mặc dù anh Tổng Phục vụ Lunellô cố gắng hiệp nhất anh em Lúp dài với Dòng Anh em Hèn mọn năm 1542, nhưng anh Bernađinô Asti và anh Bernađinô Ochinô từ chối. Không may, anh Ochinô cuối cùng đã theo lạc giáo năm 1542. Dòng mới này được cứu thoát nhờ công của anh Phanxicô Jêsi, anh trở thành Phó Tổng Phục vụ năm 1543.


103. Dòng mới phát triển nhanh chóng. Năm 1608, Đức Giáo Hoàng Phao lô V tuyên bố Anh em Hèn mọn Lúp dài là những Anh em Hèn mọn đích thực và là con cái của Thánh Phanxicô. Ngày 23-1-1619, Dòng Anh em Hèn mọn Lúp dài được ban một quy chế độc lập và được tách rời khỏi Dòng Anh em Hèn mọn Tu viện, với thông điệp của Đức Giáo Hoàng "Alias felicis recordationis".


104. Trong thế kỷ đầu tiên hiện hữu, Dòng Anh em Hèn mọn Lúp dài cũng đã là một trường dạy sự thánh thiện cho nhiều anh em. Trong số những khuôn mặt nổi bật của họ trong giai đoạn này, chúng tôi xin nêu danh : Felix Cantali (-1587). Thánh Lôrensô Brinđisi, Tiến sĩ Hội Thánh (-1619) và Thánh Fidel Sigmarigen (-1622), Vị tử đạo tiên khởi của Thánh bộ Truyền bá Đức tin.


C. Những nhà tĩnh tâm


105. Một điều thú vị là mỗi cuộc canh tân trong lịch sử lâu dài của Dòng Phan sinh đều phát xuất từ khung cảnh những ngôi ẩn viện nhỏ bé. Đó là một kiểu trở về với những buổi đầu đơn sơ, phù hợp với lối sống đơn giản mà Thánh Phanxicô đã viết cho những anh em sống trong các ẩn viện. Chúng ta đã ghi nhận hiện tượng này trong trường hợp anh em Thiêng liêng, những Anh em Tuân thủ đầu tiên, những anh em Phan sinh Canh tân Tây-Ban-Nha, và các Anh em Lúp dài. Trong thế kỷ 16, chúng ta ghi nhận một khuynh hướng tương tự ngay trong nội bộ gia đình Tuân thủ, với việc thiết lập các "nhà tĩnh tâm" trong các Tỉnh Dòng, ở đó anh em có thể sống luật Dòng trong sự đơn sơ và giữ sự hiệp nhất với gia đình tu trì của mình.


106. Ở Tây-Ban Nha, các "nhà tĩnh tâm" đã bắt đầu xuất hiện năm 1502. Năm 1523, anh Tổng Phục vụ Quinônes cho họ những quy chế đặc biệt, bảo đảm họ vẫn phải vâng phục các anh Phục vụ của mình. Ở Ý, anh Tổng Phục vụ Liche ủng hộ các nhà tĩnh tâm. Chính trong những nhà tĩnh tâm này mà những cuộc canh tân trong và ngoài Dòng Tuân thủ đã phát sinh. Chúng ta đã nói đến cuộc canh tân của anh em Lúp dài. Bây giờ chúng tôi sẽ quay về những cuộc canh tân khác trong gia đình Tuân thủ, phát sinh như là kết quả kinh nghiệm sống của anh em Phan sinh trong những nhà tĩnh tâm này ở Ý (nơi họ được biết đến như những "ritiri" ẩn lánh), ở Tây-ban-Nha và Pháp.


D. Anh em Hèn mọn Cải cách


107. Anh Tổng Phục vụ Phao lô Pissotti chống lại cuộc canh tân trong Dòng Tuân thủ, và dĩ nhiên anh cũng chống lại các nhà tĩnh tâm. Bởi thế, anh Phanxicô Jêsi và anh Bernađinô Asti, về sau trở thành anh em Lúp dài, đã chạy đến với Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII, Đức Giáo Hoàng ban cho họ trọng sắc "In Suprema Millitantis Ecclesiae" ngày 16/1/1532. Mỗi Tỉnh Dòng được phép lập những nhà canh tân, nhằm để cho anh em thuận lợi để sống Luật Dòng theo lối nhiệm nhặt hơn, nhưng phải theo những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng trong trọng sắc "Exiit" và "Exivi". Anh em có thể sống trong sự nghèo khó triệt để, kể cả trong việc chọn vải vóc, nhưng y phục của họ không được khác về hình dạng và màu sắc so với bộ áo chính thức của Anh em Hèn mọn Tuân thủ. Các Huynh đệ đoàn này được có một Custos (Thủ trưởng), anh được dự phần vào các cuộc Tu nghị Tỉnh Dòng cùng với các anh Thủ viện (Guardians).


108. Gia đình Tuân thủ mạnh mẽ chống lại sự Cải cách này trong hành ngũ của mình, nhất là giai đoạn 1532-1579. Năm 1535, Đức Giáo Hoàng Phaolô III cảnh báo cho anh Tổng Phục vụ biết rằng, nếu Dòng không thi hành trọng sắc "In Suprema", Ngài sẽ truyền cho Anh em Hèn mọn Cải cách sát nhập vào Nhánh Lúp dài. Kết quả là anh em đã có thái độ mềm dẻo hơn đối với Cải cách. Anh Tỉnh Phục vụ Dòng Rôma trao bốn ẩn viện thung lũng Riêti cho Anh em Cải cách.


109. Những buổi đầu của anh em Cải cách cũng giống như buổi đầu của anh em Lúp dài, với cái nhìn về lối sống của họ, thời gian dành cho việc cầu nguyện, những thực hành khổ chế, và những cái tương tự. Năm 1579, anh em Cải cách xin và Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII đã ra trọng sắc "Cum illis vicem", cho anh em trở thành độc lập đối với Anh em Tuân thủ. Trọng sắc ngăn cấm anh em theo Cải cách về sống trong các Huynh đệ đoàn Tuân thủ, nhưng cho phép các Anh em Tuân thủ được đến sống trong các Huynh đệ đoàn anh em Cải cách.


110. Anh em Cải cách lập một Huynh đệ đoàn tại Thánh Phanxicô Ripa, ở Rôma, để làm trung ương của họ. Huynh đệ đoàn này vẫn là trung tâm chính thức của anh em Cải cách Ý cho đến trọng sắc Hiệp Nhất năm 1897. Năm 1587, anh Tổng Phục vụ Phanxicô GonZaga nhận được phép ngưng áp dụng trọng sắc "Cum illis vicem". Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII truyền các nhà tập của các Tỉnh Dòng Tuân thủ phải đặt trong các nhà tĩnh tâm. Anh Bônaventura Secusi Calragirona ban Hiến Chương mới cho anh em Cải cách Ý năm 1595. Năm 1596, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII ban cho anh em có một Tổng quản lý, trước sự tức giận của Anh em Tuân thủ vì anh em kết tội họ là những kẻ tách rẽ.


111. Mối căng thẳng giữa Anh em Tuân thủ và Anh em Hèn mọn Cải cách là nguyên do gây ra những rối rắm cho các vị lãnh đạo Dòng. Năm 1621, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV cho anh em Cải cách cách được quyền có một quản lý riêng, do Đức Hồng Y bảo trợ của Dòng cắt đặt. Như thế, thẩm quyền của anh Phục vụ trên các anh em Cải cách bị thu hẹp đi rất nhiều. Trong một thời gian ngắn, anh em Cải cách đã có một Phó Tổng Phục vụ riêng, nhưng vai trò này của họ bị Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII hủy bỏ năm 1624.


112. Với sự bành trướng của anh em Cải cách, năm 1639, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII ra trọng sắc "Iniuncti nobis" cho phép các Hạt Dòng anh em Cải cách ở Ý và Ba-lan được trở thành những Tỉnh Dòng độc lập trong Dòng, có thể thêm tính từ "Cải cách" vào tên của Tỉnh Dòng. Anh em Cải cách phải có một Tổng quản lý do Đức Hồng Y Bảo trợ bổ nhiệm. Anh Tổng Phục vụ của Dòng nắm thẩm quyền trên các anh em Cải cách.


113. Như thế, năm 1639, Anh em Hèn mọn Cải cách bắt đầu hiện hữu như một gia đình độc lập trong hàng ngũ Dòng Anh em Hèn mọn, dưới quyền của anh Tổng Phục vụ, nhưng có Tổng quản lý riêng của họ. Tình trạng này sẽ kéo dài cách chính thức mãi đến năm 1897, và trên thực tế, trường hợp các Tỉnh Dòng Ý còn kéo dài lâu hơn nữa.


114. Gia đình anh em Cải cách cũng đem lại cho Dòng Phan sinh một số khá đông các Thánh. Người nổi tiếng nhất là, đó là Thánh Lêônađô Port Maúrice (-1751). Anh đã trở thành một anh Phan sinh trong gia đình "Cải cách", do chân phước Bônaventura gốc Baxêlôna thành lập trong Tỉnh Dòng Rôma Cải cách. Anh em Cải cách sống trong Huynh đệ đoàn Thánh Bônaventura Palatinô gần Côlôssê.


115. Anh em Cải cách lan rộng đến những vùng khác của Châu Âu, chẳng hạn ở Bavaria, nơi mà bá tước Maximiliên I xin họ đến. Anh em Cải cách cũng còn hiện diện ở Tyrol, Ao, Bôhême, và Ba-lan.


(còn tiếp)

Nguồn: ofmvn.org

  

= = = = = = = = = = 

Bài liên quan:

 

Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (1) 

Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (2)

Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (3)


Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...