Lòng nhân ái cao tột là kết quả của sự hy hiến cao tột

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3307 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đạo là bản thể tối linh vô hình sanh ra Đấng Tạo Hóa. Đấng Tạo Hóa sanh ra vạn hữu chúng sanh trong đó có loài người theo luật tiến hóa từ một đến vô lượng để hoàn thành những thế giới hoàn hảo. Nên có thể gọi Đạo là linh thể. Con người sinh ra bởi Đấng Tạo Hóa nơi thế giới vạn hữu cũng cần có năng lực của Đạo để sinh tồn về thể chất và tâm linh, giúp giềng bảo sanh của nhơn loại không bị lệch hướng nhờ có phương tiện của Đạo là tôn giáo. Vậy tôn giáo là phương tiện của linh thể Đạo.

Đối tượng của tôn giáo nhắm vào nhân vị của con người đứng giữa trời đất, và con người được đặt vào hàng tam tài Thiên Địa Nhơn. Cho nên nên lấy NHÂN làm chuẩn để tạo thế nhân hòa và bình an cho vạn loại. Tôn chỉ đạo Cao Đài nhằm phát huy tinh thần vạn giáo đồng nguyên (mọi tôn giáo đều chung nguồn gốc) mà trong đó có yếu tố công bình của Thánh Đạo. Công bình là sự công chính kèm theo bác ái đã thành toàn được chữ Nhân trong Thánh Đạo.

Hình ảnh và cuộc đời của Đức Chúa Giêsu chính là diệu dụng của Đạo, thị hiện lòng Nhân từ Đấng Tạo Hóa - Đấng Chúa Cha để mang đến cho nhơn loài sự bình an thật. Bình an thật mà Ngài đã ban cho loài người bằng sự hy hiến tột cùng. Giọt máu đào của Ngài là bức thông điệp “bất ngôn chi giáo” của bậc Chí Thánh, Chí Nhân. Đức Nhân của Ngài thể hiện qua mấy đặc điểm:

1. Tình yêu thương và sự công chính

Đức Gia Tô Giáo Chủ dạy:

Luật Tạo Hóa không tăng không giảm         

Lẽ công bình khử ám hồi minh

Giáng sanh Ta cốt lấy tình

Cho đời lập chí giữ gìn câu thương.

Thương gia đạo hiệp nương trên dưới

Thương giống nòi khỏi lưới rẽ chia

Thương là nền móng làm bia

Thương người đau khổ không lìa đoạn nhau.[1]

Đức Giêsu cho chúng ta biết, luật công bình của Tạo Hóa không tăng không giảm, nếu tăng giảm thì không còn là công bình nữa. Nhưng chúng ta nên hiểu thế nào về lẽ công bình trong tình yêu thương sanh chúng? Và tại sao Ngài dạy ta phải “lập chí” để “giữ gìn câu thương”? Trả lời được câu hỏi sau tất sẽ xác định được câu hỏi trước.

Lập chí ở đây là tự xây dựng cho mình một chí hướng yêu sanh vô vị kỷ, mỗi khi tương tác với loài hữu tình đều chỉ tiết ra tố chất tình thương không có mầm ghét ganh xen lẫn. Điều nầy rất cần đến ý chí nhẫn nại để tu rèn nên tố chất thuần khiết của tình thương hay bác ái.

Người đời thường cho rằng, công bình và bác ái là hai vấn đề hầu như đối lập nhau: công bình là “đừng làm cho người khác cái mình không muốn người khác làm cho mình”; còn bác ái là “làm những cái anh muốn người ta làm cho anh”. Nhưng với cái nhìn bao quát về đạo đức, thì công bình và bác ái có sự liên hệ chặt chẽ và bổ túc cho nhau. Công bình là quy luật có tính phổ quát, như làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ. Nhưng hoàn cảnh và địa vị của từng con người trong xã hội không giống nhau thì trường hợp “làm lành” hay “làm dữ” nêu trên đều bắt đầu từ nguyên nhân, từ sự chủ ý không giống nhau. Nếu nguyên nhân hay sự chủ ý không giống nhau mà bắt họ phải chịu chung một quy luật thì hóa ra công bình mà thiếu đi công chính.

Như thế, tình thương sản sinh do hoạt động của tâm hồn, làm điều kiện bổ sung, làm động cơ thúc đẩy việc xây dựng công bình trên nền tảng công chính, giúp cho công bình bền vững và lưu dẫn công bình đi tới những nơi ngóc ngách của thế tình mà tự nó không thể tới được. Đức Giêsu đến nhờ ông Gioan làm phép rửa (Baptism) tại sông Giócđan cũng nhằm trong ý nghĩa dùng nước thánh tẩy gội nhuần “đức công chính”.

Nếu ta cứ luôn miệng bảo rằng ta yêu thương nhơn loại mà ngay trong gia đình luôn bàng bạc sắc thái tẻ lạnh, bất hòa vì sự thương nhiều thương ít; trong cộng đồng dân tộc với nhau luôn âm ỉ ngọn lửa nghi kỵ, hận thù, phân biệt đối xử nhau, làm cho ranh giới giàu nghèo càng rộng hơn; trên dưới không nương tựa nhau, không bao dung nhau để thu ngắn lại khoảng cách phân hóa, khiến cho đức công chính càng bị nhạt nhòa đi và tâm hồn chưa hoàn toàn được ơn thánh tẩy thì lời nói thương yêu nhơn loại chúng sanh chỉ là lời hão huyền mà thôi. Cho nên Đức Giêsu dạy: “Thương gia đạo hiệp nương trên dưới / Thương giống nòi khỏi lưới rẽ chia” là ngụ ý đó.

2. Hạ mình tha thứ

Một trong những nguyên nhân gây khổ cho con người là lòng tự tôn, tự đại. Tự tôn là cảm thấy mình đáng được quý trọng, tự đại là cảm thấy mình nổi trội hơn người. Nếu ta cứ cảm thấy như vậy thì khó mà chia sẻ nỗi khổ của người khác huống hồ hạ mình để ra tay cứu độ họ. Muốn cho người lầm lỗi phục thiện, ta nên cảm thông, an ủi , tha thứ và khuyên lơn để cảm hóa họ nên tốt. Nếu ngồi bên ngoài cậy mình hoàn hảo vừa chê trách họ, vừa giáo huấn họ y như rằng họ chưa được tha thứ thì đời nào họ trở nên tốt được?

“Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” (Huấn Ca 3:18)

Lòng nhân ái cao tột là kết quả của sự hy hiến cao tột

Kinh Thánh chép: “Khi rửa chân cho các môn đồ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gioan 13:12-15)

Nói về sự tha thứ cho nhau, Kinh Thánh chép: “Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Ðức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Matthêu 18:21-22)

3. Biết lắng nghe

Thánh giáo của Đức Gia Tô:

“Từ giờ nầy cho tới ngàn giờ sau nữa, tiếng kêu nơi đồng vắng vẫn mãi vang lên. Ai có tai hãy lắng nghe. Ai có tim hãy rung động. Ai có khối óc hãy suy tư. Ai có đôi tay dịu dàng hãy cứng mạnh vươn lên để xây dựng.” ([2])

Câu “từ giờ nầy cho đến ngàn giờ sau nữa” chỉ cho ta khái niệm về thời gian từ hiện tại đến tương lai, một tương lai tiếp diễn không có chỗ dừng, đó là thời gian tiếp diễn của tiếng kêu nơi đồng vắng. Nhưng đồng vắng là một nơi hoang địa, sao lại có tiếng kêu gì của ai đó? Đây là câu nói hình dung về không gian mà con người tội lỗi đang hiện hữu. Tiếng kêu đó, hoặc là của chính ta, hoặc là của người khác. Và âm hưởng của tiếng kêu đó không phải là tiếng kêu cầu cứu mà là tiếng kêu lạc đàn, tiếng kêu của tự do phóng túng, tiếng kêu của bầy chiên vô chủ, mặc tình quần thảo nhau vì đám cỏ non, vì ao nước ngọt.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...