Sứ điệp ngày Quốc tế Bệnh nhân lần thứ XX (11.2.2012)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 712 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân ngày Quốc tế bệnh nhân lần thứ XX (11.2.2012)

 
“Hãy đứng dậy và đi, đức tin của con đã cứu con (Lc 17, 19).

 

Anh chị em thân mến,


Nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, sẽ được cử hành vào ngày 11.2.2012, là ngày Lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, tôi muốn nhắc lại sự gần gũi tinh thần của tôi với tất cả bệnh nhân tại những nơi điều trị hoặc được chăm sóc nơi gia đình của họ, bằng cách bày tỏ sự quan tâm và thiện cảm của toàn thể Hội Thánh đối với mỗi người. Trong sự tiếp đón quảng đại và mến thương từng cuộc sống con người, nhất là những người yếu đuối và bệnh tật, người Kitô hữu diễn tả một khía cạnh quan trọng trong việc làm chứng cho Tin Mừng, theo gương Đức Kitô, Đấng đã cúi xuống trên những đau khổ thể chất và tinh thần của con người để chữa lành họ.


1. Trong năm có những chuẩn bị gần cho Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân sẽ được tổ chức tại Đức vào ngày 11.2.2013, và chú tâm vào nhân vật biểu tượng của Tin Mừng là người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,29-37), tôi muốn nhấn mạnh đến “các bí tích chữa lành”, là bí tích Thống Hối và Hòa Giải cùng bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là những bí tích được hoàn tất cách tự nhiên trong việc hiệp thông Thánh Thể (Rước Lễ).


Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với mười bệnh nhân phong, được Tin Mừng theo thánh Luca kể lại (x. Lc 17,11-19), và đặc biệt là những lời Chúa nói với một người trong họ, “Hãy đứng dậy và đi, đức tin của con đã cứu con” (c. 19), giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng của đức tin đối với những người lại gần Chúa trong khi đang mang đau khổ và bệnh tật. Khi gặp gỡ Người, họ có thể thực sự cảm nghiệm rằng ai tin thì không bao giờ cô độc! Quả thực, Thiên Chúa, trong Con của Ngài, không bỏ mặc chúng ta chịu đựng những nỗi thống khổ và đau đớn, nhưng Ngài gần gũi, nâng đỡ chúng ta, và mong muốn chữa lành cho chúng ta ở tận tâm lòng (x. Mc 2, 1-12).

 
Đức tin của bệnh nhân phong duy nhất này - đầy kinh ngạc và niềm vui khi thấy mình được chữa lành - không như những người khác, lập tức trở lại với Chúa Giêsu để bày tỏ lòng biết ơn của mình, giúp chúng ta nhận ra rằng sức khỏe phục hồi là một dấu chỉ của một điều gì đó còn cao quý hơn việc được chữa lành về thể lý. Đó là dấu chỉ ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô. Điều này được diễn tả trong lời của Chúa Giêsu: Đức tin của con đã cứu con. Ai cầu nguyện cùng Chúa, trong đau khổ và bệnh tật, thì chắc chắn rằng tình yêu của Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ bỏ họ, và tình yêu của Hội Thánh, là công trình cứu độ của Chúa nối dài trong thời gian, cũng không bao giờ rời họ. Vì thế, sự chữa lành thể lý, biểu hiện của ơn cứu độ sâu xa, tỏ bày tầm quan trọng của con người đối với Chúa, trong toàn thể linh hồn và thể xác. Do vậy, mỗi bí tích diễn tả và hiện thực sự gần gũi của chính Thiên Chúa, là Đấng, một cách hoàn toàn vô vị lợi, “chạm đến chúng ta qua những thực tại thể chất ... mà Ngài dùng như công cụ của cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với chính Ngài” (Bài giảng, Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 1 tháng 4 năm 2010). “Như thế, sự hiệp nhất giữa tạo dựng và cứu chuộc trở nên hữu hình. Các bí tích là biểu lộ về mặt thể lý niềm tin của chúng ta, là điều bao trùm toàn diện con người cả xác lẫn hồn” (Bài giảng, Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 21.4.2011).

 
Nhiệm vụ chính của Hội Thánh chắc chắn là loan báo Nước Thiên Chúa, “Nhưng chính sự loan báo này phải là một tiến trình chữa lành: ‘băng bó những tấm lòng tan nát’ (Is 61, 1)” (ibid), theo nhiệm vụ mà Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Người (x. Lc 9,1-2; Mt 10,1.5-14, Mc 6,7-13). Như thế, sự đi đôi giữa sức khỏe thể lý và đổi mới sau những tan nát của tâm hồn giúp chúng ta hiểu “các bí tích chữa lành” một cách rõ hơn.

 
2. Bí tích Thống Hối thường là mối quan tâm chính của các mục tử Hội Thánh, đặc biệt vì tầm quan trọng lớn lao của bí tích này trên hành trình sống đạo của Kitô hữu, vì: “Tất cả hiệu quả của bí tích Thống Hối là đưa chúng ta về lại trong ân sủng Thiên Chúa và kết hợp chúng ta với Ngài bằng tình thân nghĩa thắm thiết” (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1468). Hội Thánh, đang khi tiếp tục công bố sứ điệp tha thứ và hòa giải của Chúa Giêsu, không ngừng mời gọi toàn thể nhân loại hoán cải và tin vào Tin Mừng. Hội Thánh nhận cho mình lời mời gọi của Tông đồ Phaolô: “Vì vậy, chúng tôi là những người đại diện cho Ðức Kitô, như chính Thiên Chúa khuyên dạy qua chúng tôi.  Vậy, thay mặt Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa” (2 Cr 5, 20). Chúa Giêsu, trong cuộc đời của Người, đã công bố và làm cho lòng thương xót của Chúa Cha được hiện diện. Người đã đến không phải để lên án nhưng để tha thứ và cứu độ, để ban hy vọng trong bóng tối sâu thẳm nhất của đau khổ và tội lỗi, và để ban sự sống đời đời; do đó trong bí tích Thống Hối, trong “thuốc xưng tội”, kinh nghiệm về tội lỗi không biến thành tuyệt vọng nhưng trở thành dịp gặp gỡ Tình Yêu tha thứ và biến đổi (x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Reconciliatio et Paenitentia, 31).

 
Thiên Chúa, “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), như người cha trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 15,11-32), không khép lòng mình đối với bất kỳ người con nào, nhưng Ngài chờ đợi họ, tìm kiếm họ, đến với họ ở nơi mà sự từ chối hiệp thông của họ đang giam cầm họ trong sự cô lập và phân rẽ; Ngài mời gọi họ qui tụ quanh bàn tiệc của Ngài, trong niềm vui của ngày lễ tha thứ và hòa giải. Như thế, thời gian đau khổ, lúc ta có thể bị cám dỗ buông xuôi theo chán chường và tuyệt vọng, có thể được biến đổi thành thời gian ân sủng để trở về với chính mình, và như người con hoang đàng trong dụ ngôn, để suy nghĩ về cuộc sống, nhận ra những lầm lỗi và thất bại của mình, để cảm nghiệm vòng tay của Cha, và lên đường về lại nhà Ngài. Đấng, trong tình yêu cao cả của Ngài, luôn luôn và ở khắp mọi nơi, trông nom cuộc đời chúng ta, và đang chờ đợi chúng ta để ban cho mỗi đứa con trở về với Ngài món quà hòa giải và niềm vui hoàn toàn.
 
3. Việc đọc các sách Tin Mừng soi sáng cho chúng ta rằng Chúa Giêsu luôn quan tâm đặc biệt đến các bệnh nhân. Người không chỉ gửi các môn đệ đi chăm sóc vết thương của các bệnh nhân (x. Mt 10, 8; Lc 9, 2; 10, 9) nhưng còn thiết lập cho họ một bí tích đặc thù: Bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Thư của thánh Giacôbê minh chứng sự hiện diện của hành động bí tích này trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi (x. Gc 5,14-16): qua bí tích Xức Dầu bệnh nhân, với lời nguyện của các kỳ mục, toàn thể Hội Thánh trao phó người bệnh cho Chúa chịu đau khổ và vinh quang, để Người làm thuyên giảm nỗi đau đớn và cứu chữa họ. Hơn nữa, Hội Thánh khuyên họ kết hợp chính mình cách thiêng liêng với cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô để nhờ đó, góp phần vào lợi ích của dân Thiên Chúa.
 
Bí tích này dẫn chúng ta đến việc chiêm niệm về mầu nhiệm kép của Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu thấy mình đối diện cách bi thảm với con đường mà Chúa Cha đã vạch ra cho Người, đó là con đường Khổ Nạn, hành động yêu thương tối cao; và Người đã chấp nhận nó. Trong giờ sầu khổ ấy, Người là Đấng Trung Gian, “mang trong mình, tự mình gánh lấy sự đau khổ và khổ nạn của thế gian, biến đổi nó thành một tiếng kêu lên cùng Thiên Chúa, đưa nó ra trước mắt và vào tay Thiên Chúa và do đó thực sự mang nó đến thời điểm cứu độ “(Lectio Divina, Buổi họp với linh mục giáo xứ của Rôma, ngày 18.2.2010). Nhưng “Vườn Cây Dầu cũng là nơi mà từ đó Người đã lên cùng Chúa Cha, và như thế là nơi cứu chuộc...  Mầu nhiệm kép này của núi Cây Dầu cũng luôn luôn ‘hoạt động’ trong dầu bí tích của Hội Thánh ... là dấu chỉ của của Thiên Chúa nhân lành vươn tay ra chạm đến chúng ta” (Bài giảng, Thánh Lễ Truyền Dầu, ngày 1.4.2010).