Tài liệu về thầy giảng Anrê Ranran (Phú Yên) tử đạo tiên khởi của Việt Nam (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2365 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Tài liệu về thầy giảng Anrê Ranran (Phú Yên) tử đạo tiên khởi của Việt Nam (1)Bản tường thuật đầu tiên về cái chết của thầy Anrê do người cha tinh thần và người mục kích tại chỗ linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) viết tại xứ Đàng Trong sau biến cố trên. Văn bản chắc chắn được viết ngay sau ngày thầy An rê bị hành hình và kết thúc ký tên vào ngày 1 tháng 8 năm 1644.

 

Một vài tài liệu tiếng Bồ Đào Nha chưa xuất bản về thầy giảng Anrê Ranran (Phú Yên) tử đạo tiên khởi của Việt Nam

 

Khi đọc qua Huấn thị Mẹ các Thánh (Sanctorum Mater) của Thánh Bộ Tuyên Thánh (Congregatio de Causis Sanctorum) do đức Hồng Y Saraiva Martins, Chủ tịch Thánh Bộ Tuyên Thánh ký ngày lễ Thăng Thiên 17 tháng 5 năm 2007 với 150 khoản chưa kể phần phụ đính, tôi, Antôn Nguyễn Trường Thăng, mới  “tá hỏa tam tinh” là nên thánh đã khó, được phong thánh còn khó hơn. Việc phong thánh đâu phải là chuyện “nổi hứng”, càng không phải là “âm mưu chính trị”, “kinh tế” hay gì gì nữa. Chính vì không am hiểu tiến trình phong thánh, chúng ta hay phàn nàn là sao Thầy Anrê Rànràn tức Anrê Phú Yên lâu được phong thánh làm vậy? Bởi vì nguyên chuyện thu thập chứng liệu đã là khó, nếu ứng viên sống xa thời đại chúng ta, lại càng khó gấp bội. Không đủ thủ tục pháp lý theo Giáo luật và theo quy chế của Huấn thị sẽ khó qua nước cản đầu tiên.


Chẳng hạn khi đọc Mục 5: Giám mục Chủ thẩm điều 21, tiết 1: Giám mục Chủ thẩm để mở Cuộc Điều Tra cấp giáo phận hay cấp giáo tỉnh về các nhân đức anh hùng hay về cuộc tuẫn đạo là VỊ GIÁM MỤC ĐỊA PHẬN SỞ TẠI NƠI TÔI TỚ CHÚA ĐÃ QUA ĐỜI. (Normae servandae [Quy luật phải giữ],1983, số 5,a).


Qua điều lệ nầy, chúng ta thấy không phải ai cũng có thể làm đơn xin phong thánh. Chính vì thế mới hiểu vì sao lá đơn ký ngày 8 tháng giêng 1997 ghi rõ người đứng đơn xin phong thánh là Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục Đà Nẵng. Nhưng tại sao lại có chữ ký và con dấu Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn. Đọc kỹ đơn xin, chúng ta thấy Đức cha Phanxicô đã xin (“à ma demande”) Đức cha Phaolô hỗ trợ công việc nầy và ngoài ra còn ký tên và áp triện giám mục của ngài. Lý do “vì tôi không có sẵn con dấu riêng” (“je ne dispose pas de mon sceau personnel”), ngài không đem theo con dấu hay con dấu có trở ngại? Vậy con dấu Giám mục Đà Nẵng 1963 của Đức Giám mục tiên khởi Phêrô Maria  hiện đang nằm ở đâu?


Qua những chứng liệu nầy, Giáo phận Đà Nẵng chúng ta cần phải ý thức hơn “quyền lợi và bổn phận” của mình đối với vị tử đạo trai trẻ Anrê mà có thời được gọi là Anrê Hội An. Nay ngài đã chính thức có tên là Chân Phước An Rê Phú Yên.


Tuy sống cách chúng ta trên 300 năm, nhưng so với các vị thánh tử đạo Việt Nam thế kỷ 18, 19, tài liệu điều tra về ngài quá dồi dào.

Để giúp hiểu rõ hơn về cuộc tử đạo của Á thánh An Rê, chúng ta thử tìm hiểu về địa danh Phú Yên và những tài liệu điều tra sơ khởi.


1. Về Địa Danh Phú Yên


Từ khi Vua Hồng Đức Lê Thánh Tôn dồn người Chăm về phía Nam Đèo Cả 1471 cho đến khi Nhà Nguyễn chính thức khai phá vùng đất nầy phải mất trên một thế kỷ. Theo công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng ký năm 1597,  dạy Phù Nghĩa Hầu Lương văn Chánh đưa dân vào vùng phía Nam Đèo Cù Mông lập ấp khai khẩn đất đai cho đến khi hình thành Phủ Phú An (Phú An phủ) cũng mất khá nhiều năm (x. Tài liệu Trần Viết Ngạc trên “Nghiên Cứu Huế,” tập 1 năm 1999, trang 306-308). Còn nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu trong sách “Nghiên Cứu Địa Bạ thời Nguyễn: Phú Yên,” xuất bản năm 1997 thì vùng đất nầy có nhiều tên gọi. Từ  năm 1611 đến 1629, căn cứ theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí vùng đất mang tên Phú An phủ  “vua sai … lấy đất ấy làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú yên ( Phú an phủ) thuộc Quảng Nam dinh.”


Từ 1629 vùng nầy được gọi là Dinh Trấn Biên, rồi dinh Phú Yên (1629-1773). Từ 1779 đến 1876, khi thì gọi là dinh, khi là trấn (1808-1826); lúc lại là phủ (1826-1832); từ 1832-1853) làm tỉnh Phú Yên; đến 1853-1876 bị hạ xuống thành đạo Phú Yên; từ  1876 lại thành tỉnh Phú Yên. (x. “Nghiên Cứu Địa Bạ thời Nguyễn: Phú Yên” từ trang 60-73).Từ thời Pháp thuộc cho đến 1975 tiếp tục được gọi là tỉnh Phú Yên. Sau năm 1975, Khánh Hòa và Phú Yên sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh. Thời gian sau lại tách thành tỉnh Phú Yên trở lại.


Nơi vùng trấn biên dinh xa xôi đó vào năm 1625 hoặc 1626, một cậu bé cất tiếng khóc chào đời. Theo tác giả Phạm Đình Khiêm, quê hương á thánh là giáo xứ Mằng lăng và vùng phụ cận hiện nay. Năm 1641, vừa tròn 15 tuổi, cậu Anrê theo cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) về Hoài Phố (Hội An) để học chữ thánh hiền và sau đó nhập đoàn thầy giảng.


2. CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN TẠI DINH CHAM (DINH TRẤN THANH CHIÊM) VÀ TIẾN TRÌNH ĐIỀU TRA PHONG THÁNH 1644-1645


Vào thời Chúa Nguyễn Phúc Lan, Tống thị, vợ góa của Nguyễn Phước Kỳ làm chúa say đắm, trong số các quan can gián có lẽ không ít vị công giáo như thầy Y-nhã xứ Liêm Công chẳng hạn. Có lẽ vì thế Tống thị quyết ra tay, xúi dục chúa Nguyễn Phúc Lan bắt thầy Y-nhã luận tội với sự tiếp tay của ông Nghè Bộ. Ý Chúa nhiệm mầu, thầy Y-nhã không có mặt ở nhà và người thay thế lại chính là Anrê. Câu chuyện chuyển sang hướng khác, thầy Anrê  Phú Yên 19 tuổi bị bắt và bị kết án tử hình chỉ trong hai ngày 25 và  26 tháng 7 năm 1644. Xác thầy được chuyển về Ma Cau trong hào quang và vòng hoa chiến thắng. Sau cái chết của thầy, linh mục Đắc Lộ đã viết bản tường trình thứ nhất từ Đàng Trong đề ngày 1 tháng 8 năm 1644. Ngày 12 tháng 8 năm 1644,chiếc tàu chở xác thầy về đến Ma Cau, cha Gaspar de Amaral ghi lại những sự kiện trên trong nhật ký Học viện Macau việc đón tiếp nầy. Sau đó, thầy Dòng Tên Antonio de Torres gửi bản tường trình việc đón di hài tại Ma Cau để thông tin cho cha Alexandre de Rhodes và giáo dân Đàng Trong vào ngày 5 tháng 10 năm 1664. Dư luận về cái chết anh hùng vì đức tin của thầy đã khiến bề trên nhanh chóng triển khai hồ sơ phong chân phúc vào ngày 12 tháng 12 năm 1644 đến 25 tháng 2 năm 1645, nghĩa là chỉ vài tháng sau đó. Hai mươi ba nhân chứng mục kích tại chỗ hoặc có mặt tại Hội An hoặc nghe nói về cái chết nầy được triệu tập để khai báo về những gì mắt thấy tai nghe.

 

Linh mục Roland Jacques. Phước Kiều 25 tháng 7 năm 2007. Photo Trường Thăng.

Linh mục  Roland Jacques. Phước Kiều (25.7.2007) - Ảnh: Trường Thăng.

 

Vào lễ Phục Sinh 1996, linh mục Dương Hữu Nhân tức Roland Jacques, OMI., cho phát hành bản dịch Pháp ngữ từ bản văn tiếng Bồ Đào Nha lưu trữ tại thư viện Ajuda, thủ đô Lisbonne nước Bồ Đào Nha. Văn bản mà ngài cho là “khá khó đọc” (“de lecture assez difficile”) nầy đã giúp nhiều cho việc đề nghị phong chân phước cho thầy An Rê Phú Yên do hai Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục Đà Nẵng và Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn đồng đứng tên thỉnh nguyên. Chỉ thời gian ngắn sau, tức vào năm 2000, thầy giảng Anrê được Đức thánh cha Gioan Phaolô II  tôn phong Á thánh. Nhiều năm qua, chúng ta chỉ được đọc những trích đoạn mà không thể đọc hết tài liệu trên và cũng chưa có ai chịu khó phiên dịch, do đó việc hiểu biết về Á thánh An Rê vẫn chưa đầy đủ. Qua sự khích lệ của chúng tôi, thầy  Phaolô Hồ Quang Phúc, chủng sinh giáo phận Đà Nẵng, hiện đang theo học tại Đại chủng viện Huế, cử nhân Pháp văn, đã cố gắng nhiều trong công việc dịch thuật nầy. Thầy đã hoàn thành bản dịch tiếng Việt nhờ bản dịch tiếng Pháp của cha Roland Jacques. Đã lỡ nhận, nhiều lúc thầy cũng hơi nản, phải hy sinh những ngày nghỉ hè, ngoài ra phải nói là khá mệt khi dịch “biên bản” của 23 nhân chứng. Tuy vậy vì lòng yêu mến Á thánh Anrê, vì giáo phận mẹ dấu yêu, cuối cùng thầy cũng hoàn thành công việc dịch thuật vào lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2008. Chúng tôi đã lên mạng Dũng lạc một số bài, nay lần lượt công bố bản dịch theo thứ tự thời gian mà cha Dương Hữu Nhân đã trình bày trong tập sách “Tiến Trình Pháp Lý Phong Chân Phước Cho Tôi Tớ Chúa Anrê Phú Yên, Tử Đạo Tiên Khởi Việt Nam” (“Le proces de beatification (1644-1645) du Serviteur de Dieu Andre de Phu Yen Proto-martyr du Viet Nam”). Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng cố gắng làm công việc hiệu đính để độc giả hiểu thêm về văn bản hoặc những gì liên quan đến lịch sử.  Chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót, vì phải trải qua hai lần dịch thuật, xin quý vị  nhất là các vị biết tiếng Bồ Đào Nha, giúp thêm ý kiến để văn bản càng lúc càng chính xác hơn.


Chúng tôi xin bắt đầu bằng bản tường thuật đầu tiên về cái chết của thầy Anrê do người cha tinh thần và người mục kích tại chỗ linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) viết tại xứ Đàng Trong sau biến cố trên. Văn bản chắc chắn được viết ngay sau ngày thầy An rê bị hành hình và kết thúc ký tên vào ngày 1 tháng 8 năm 1644. Bản văn viết bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi cho các Bề trên Dòng Tên tại Ma Cau (Áo Môn) mục đích thông tin và mong nhà dòng tiếp nhận di hài của thầy Anrê. Bản sao chép tay do Alvares thực hiện, khoảng năm 1755 và hiện lưu trữ tại Thư viện Ajuda, thủ đô Lisbonne, Bồ Đào Nha. Nên nhớ thời đó không có “photocopy” nên chỉ có “vẽ tay” tức sao chép y như bản chính. Alvares đã thực hiện với lương tâm nghề nghiệp vì ông đâu có biết chữ quốc ngữ thế nhưng đã nắn nót câu nói lừng danh của thầy Anrê “jữ  nghiã cũ Đuc chua Jesu cho den het hoy. cho dén blon doy” mà linh mục Alexandre de Rhodes ghi lại. Xem ra trình độ chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ năm 1644 còn kém lắm. Bảy năm sau, khi xuất bản Từ điển Annam-Bồ Đào Nha-La tinh (Việt-Bồ-La) 1651 tại Rôma, ngài tiến bộ khá xa.


Chúng ta bắt đầu với trình thuật thứ nhất của cha Đắc Lộ.

 


Hội An ngày 01 tháng 7 năm 2009

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

Nguồn: giaophandanang.org

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...