Tìm hiểu ảnh hưởng của Đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam thông qua thuật ngữ "Nghiệp"

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1586 | Cật nhập lần cuối: 10/30/2019 2:45:22 PM | RSS

Tìm hiểu ảnh hưởng của Đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam thông qua thuật ngữ Từ khóa:

Văn hóa, đạo Phật, nghiệp, dân tộc, tiếp biến, Ấn Độ.

Tóm tắt:

Đề tài “Ảnh hưởng của đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam” là một đề tài rất rộng, nội dung được triển khai có thể thành nội dung của một quyển sách tầm cỡ, vì vậy nó đã được thu hẹp lại khi chèn thêm cụm từ “Thông qua thuật ngữ nghiệp”. Bài viết có hai nội dung chính. Trước hết là cố gắng trình bày ý nghĩa căn bản của từ vựng “Nghiệp” trong đạo Phật, từ “Nghiệp” mà các nhà truyền giáo từ Ấn Độ mang vào Việt Nam từ thời cổ đại. Sau đó bài viết bàn về những điều liên quan đến việc người Việt đã tiếp thu, chế tác lại, chế tác thêm, còn gọi là tiếp biến, và sử dụng những ý nghĩa của từ “nghiệp” trong đời sống văn hóa của mình như thế nào. Rõ ràng, ý nghĩa “nguyên chất” triết học và hàn lâm của từ nghiệp không còn nguyên chất nữa mà đã được pha chế theo khẩu vị của dân tộc Việt Nam, một dân tộc thấm nhuần đạo lý và minh triết Đông phương.

Dẫn khởi

“Ảnh hưởng của Đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam” là một đề tài rộng lớn và từ trước đến nay đã có những công trình học thuật quy mô đảm đương. Ngoài ra còn có nhiều bài những bài báo lẻ liên quan cụ thể như hai bài viết “Ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc” và bài “Đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam” của tác gia Chữ Thị Kim Phương đăng trên Phật Học Từ Quang lần lượt ở tập 13 và 22. Bài viết thứ hai đã tiếp cận đề tài qua bốn mảng: (1) Phật giáo đã góp phần đào tạo một tầng lớp trí thức; (2) Đóng góp của Phật giáo về mặt văn tự; (3) Phật giáo đưa đến một nền kiến trúc chùa tháp phong phú; và (4) Phật giáo Việt Nam mang đậm tính dân gian. Bài viết này có thể xếp vào mảng thứ hai trong khung nhìn gồm bốn mảng ở trên: Đóng góp của Phật giáo về mặt văn tự.

Trong bài này người viết cố gắng (1) nêu lên và triển khai một cách khái quát ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của một vài thuật ngữ quan trọng của đạo Phật – Nghiệp và Tái sinh (2). Hai thuật ngữ này đã đi vào nền văn hóa Việt Nam, hòa tan vào trong nền văn hóa đó gần như mất dạng đến mức người dân Việt, có tôn giáo hay không tôn giáo, dùng từ vựng chuyên ngành Phật giáo trong đời sống thường nhật một cách tự nhiên, tự nhiên đến độ xem đó là từ vựng thông thường. Bài viết sẽ nói về từ vựng “nghiệp” như là một thuật ngữ chuyên ngành Phật học và từ vựng “nghiệp” xuất hiện trong các tác phẩm văn học tiêu biểu. Người viết cũng ý thức được rằng

I. THUẬT NGỮ “NGHIỆP” TRONG PHẬT GIÁO

Hơi chuyên ngành một chút, người viết xin được dẫn nhập vào đề tài Nghiệp theo một đoạn giáo khoa trong tác phẩm Giáo trình trung cấp Phật học (3) như sau: Hạnh phúc và đau khổ là mối ưu tư hàng đầu trong cuộc sống của con người. Trên hành trình suy tư về ngọn nguồn của hạnh phúc và đau khổ thỉnh thoảng người ta chạm tới một vấn đề siêu hình sâu thẳm: Ta là ai? Một khoảnh khắc trực cảm giúp con người nhận ra rằng có một cái gì đó biến chuyển không ngừng trong một guồng máy vận hành của sinh mệnh. Giáo lý nghiệp sẽ giúp cho con người vén lên bức màn bí mật, làm lộ ra một nguyên lý trong cơ cấu vận hành chi phối sinh mệnh, tạo nên hạnh phúc và gây nên đau khổ cho con người. Đạo Phật gọi đó là nguyên lý hay giáo lý Nghiệp. Lời dạy căn bản về giáo lý nghiệp được thể hiện qua câu kinh Trung Bộ: "...các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu." (4) Khi học về nghiệp một cách đầy đủ hơn, người học chúng ta có thể học qua các tiểu đề: Định nghĩa thuật ngữ “Nghiệp”, những quan điểm liên quan tới nghiệp trong thời Đức Phật còn tại thế, cốt lõi của giáo lý nghiệp trong đạo Phật, các phương pháp phân chia tất cả nghiệp thành các chủng loại khác nhau, những điều tối quan trọng mà người ta cần nhận thức về nghiệp.

Ở bài này chúng ta chỉ định nghĩa thuật ngữ “Nghiệp” để làm nền cho việc tìm hiểu ảnh hưởng của Đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam. Giáo trình trung cấp Phật học cho người học chúng ta định nghĩa như sau:

Nghiệp có gốc chữ Hán 業 [yè], Sanskrit: Karma, Pàli: Kamma. Nghiệp nghĩa là hành động có tác ý. Nói cách khác nghiệp luôn luôn có nguồn gốc từ những tạo tác trong tâm thức và được thể hiện ra ngoài qua những hoạt động của thân, miệng và ý. Vì vậy mà có thuật ngữ Tam nghiệp để chỉ cho Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Theo định nghĩa trên thì nghiệp có tính chất trung tính, tức là không chứa sẳn tính chất thiện hay tính chất bất thiện. Tuy nhiên trong đời sống cũng như trong dòng sinh diệt tương tục của một con người mà nói về nghiệp thì chủ yếu nói về nghiệp thiện và nghiệp ác (5). Sự vận hành của nghiệp nằm trong sự vận hành của nhân quả và theo tương quan nhân quả thì nghiệp thiện góp phần dựng xây hạnh phúc và nghiệp ác góp phần gây ra khổ đau. (6)

Trong nền văn học Phật giáo có gần 70 thuật ngữ có chứa từ tố “Nghiệp”. Dưới đây là 10 loại nghiệp thường thấy trong thế giới Phật học.

1. Ẩn nghiệp: Loại nghiệp có mặt trong thân tâm nhưng người ta không thấy một cách rõ ràng; thuật ngữ chuyên môn chỉ cho ẩn nghiệp là “Chủng tử”.

2. Hành nghiệp: Những loại hành vi dù tốt hay xấu.

3. nghiệp: Những ý tưởng hay động cơ dù tốt hay xấu.

4. Bạch nghiệp: Còn gọi là nghiệp trắng chỉ cho các loại nghiệp thiện.

5. Hắc nghiệp: Còn gọi là nghiệp đen chỉ cho các loại nghiệp ác.

6. Biệt nghiệp: Còn gọi là nghiệp riêng chỉ cho các loại nghiệp thuộc về cá nhân của một người.

7. Cộng nghiệp: Loại nghiệp chung chỉ cho các loại nghiệp chung của một tập thể gồm nhiều người.

8. Chướng nghiệp: Loại nghiệp làm cản trở tiến trình từ nghiệp đến quả của một nghiệp khác.

9. Đoạn nghiệp: Loại nghiệp làm đứt hẳn tiến trình từ nghiệp đến quả của một nghiệp khác.

10. Cận tử nghiệp: Loại nghiệp hiện khởi khi sắp chết, quyết định cảnh giới và thân tướng của kiếp sống kế tiếp.

Không muốn làm nãn lòng người học chúng ta nhưng cũng phải khiêm tốn nói rằng số lượng 10 loại nghiệp nêu trên đây chỉ là 1/10 số lượng loại nghiệp mà người viết có thể nêu lên.

II. “NGHIỆP” TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Khi đề cập về ảnh hưởng của Đạo Phật trên đời sống văn hóa Việt Nam, Lệ Như Thích Trung Hậu (7) có nói “Trải suốt hơn 2000 năm từ khi du nhập, Phật giáo đã bắt rễ sâu rộng trên mảnh đất Việt Nam, cùng với dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với dân tộc thật sâu đậm, từ trong tư duy, tình cảm, thể hiện ra trong ngôn ngữ và trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.” (8)

Nghiệp trong những tác phẩm cổ đại

Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần, ấn phẩm 2015 do Nguyễn Hữu Vinh và Trần Đình Hoành chung tay thực hiện. Trong tác phẩm cổ xưa này chứa đựng những câu chuyện liên quan mật thiết với Phật giáo, cụ thể là chuyện Mai An Tiêm và chuyện Nhất Dạ Trạch.

(a) Câu chuyện Mai An Tiêm nhận được lời bàn như sau: “Truyện này nói về việc Phật giáo du nhập vào nước ta từ vùng Ấn Độ, phía tây Việt Nam, với thuyết nhân quả. Khởi đầu rất rõ ràng và giản dị với Mai An Tiêm là người ngoại quốc, và hai luồng tư tưởng khác nhau—người ngoại quốc An Tiêm tin vào nghiệp duyên các kiếp trước đưa lại ân phước kiếp này ; Hùng Vương tin rằng ân phước của An Tiêm là do chính vua ban.

Thuyết nhân quả khẳng định được chỗ đứng của nó với thành công tự đến với An Tiêm và sự chấp nhận sau cùng của Hùng Vương, biểu tượng cho thế đứng quan trọng của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam hơn hai ngàn năm nay.” (9)

Người viết xin bàn thêm: Điều thú vị là 10 loại nghiệp mang tính hàn lâm mà người viết liệt kê ở trên không có từ “nghiệp duyên”. Tâm hồn chơn chất của dân tộc Việt đã tiếp nhận từ “Nghiệp” của nhà Phật từ thời xa xưa. Không dừng ở việc tiếp nhận, người Việt còn chế tác thêm, thuật ngữ văn hóa là tiếp biến, để tạo ra phiên bản “nghiệp duyên” để có thể chuyển tải nhuần nhuyển điều muốn chuyển tải hay diễn đạt. Từ vựng “Nghiệp duyên” là một sáng tạo phẩm cho thấy sự giao hòa kết nối giữa văn hóa dân tộc và đạo Phật.

(b) Câu chuyện Nhất Dạ Trạch kể về mối lương duyên giữa Công chúa Tiên Dung với bần dân Chử Đồng Tử. Lời bàn mà Nguyễn Hữu Vinh và Trần Đình Hoành ghi lại như sau: “Tiên Dung và Chử Đồng Tử gặp nhau là duyên tiền định: Số lấy con vua thì nghèo rớt mồng tơi vẫn lấy con vua. Số lấy chồng nghèo thì mình là con vua vẫn lấy anh chàng nghèo nhất nước. Đây là thuyết nhân duyên của nhà Phật. Nghiệp của các kiếp trước dự một phần lớn trong việc định đời sống của ta kiếp này. Tâm hiếu thảo của Chử Đồng Tử kiếp này cũng dự một phần trong việc định đời sống của chàng kiếp này.” (10)

Người viết xin bàn thêm: Trong lời bàn này khái niệm “Nghiệp” được nhận thức khá chính xác, chỉ cho sức mạnh của kiếp trước tác động lên kiếp này. Nâng độ chính xác lên một chút nữa, người viết xin nói: Nghiệp là sức mạnh của quá khứ tác động lên diễn trình của hiện tại. Quá khứ mà người viết muốn nói không nhất thiết phải là kiếp trước mà có thể chỉ là phút trước. Câu tiếng Anh liên quan với nghiệp mà người viết tâm đắc là, “What you practice grows stronger.”

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều chữ nghiệp đã được người Việt chế biến như: “nghiệp duyên”, “lấy nghiệp vào thân”, “oan nghiệp”, “tội nghiệp”. Trong sự nghiệp đưa những khái niệm hàn lâm khô khan của Phật giáo vào cuộc sống, có thể nói người có công lao rất lớn không phải là những nhà hiền triết mà là khả năng sáng tạo của những văn hào nhân sĩ.

Khi nghe câu chuyện của nàng Kiều, sư Giác Duyên tuy có cảm giác rụng rời, cảm giác rằng biến cố xảy ra dường như vượt khỏi năng lực của mình. Nhờ tin vào nghiệp duyên nên không tuyệt vọng. Sư khẳng định “song chẳng hề chi” rồi lên đường cứu độ. Từ nghiệp duyên ở đây có thể hiểu là từ kép chỉ cho hai cái hoạt lực đối nghịch với nhau. Tuy đối nghịch nhưng lại có trong nhau, nương nhau mà tồn tại. Nghiệp thường nghiêng về nghĩa xấu, nghĩa tiêu cực; nhưng duyên thì hay chỉ cho cái tốt, cái tích cực.

Giác Duyên nghe nói rụng rời:

Một đời nàng nhé thương ôi còn gì?

Sư rằng song chẳng hề chi,

Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều. (2680)

Lời khuyên nhủ ôn tồn đôn hậu của truyện Kiều có lẽ đã từng giúp cho biết bao người hướng thiện:

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. (3250)

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Trong nhận thức của người tu Phật thì sự gì xảy đến dù là tốt dù là xấu, dù là duyên, dù là nghiệp, đều xảy đến vì sự tự chiêu cảm, tự mình mang vào cổ của là chính (11) không trách ai được (12). Cách xử lý của Nguyễn Du mà cũng là của những người tin Phật là nên sống với cái tâm nhiều hơn là sống với cái tài: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Trong Truyện Kiều còn dùng từ “oan nghiệp” (13) và “nặng nghiệp”, người viết không bàn thêm ở đây.

Đi vào thế giới ca dao tục ngữ Việt Nam, người viết thấy những chữ như “kiếp”, “bụt”, “ta-bà” xuất hiện nhiều hơn, và khá ngạc nhiên khi thấy chữ “nghiệp” xuất hiện ít hơn. Tác phẩm Ca dao tục ngữ Phật giáo đã ghi lại được 12 câu có chứa chữ “nghiệp” (14). Trong đó có hai câu thường nghe nhất là, “Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa làm gì?”, “Sanh nghề tử nghiệp”. Câu “Sanh nghề tử nghiệp” tuy ngắn nhưng hàm ý sâu xa, người viết hiểu là khi sống thì cái nghề nuôi dưỡng mình, che chở mình, tạo cho mình sức mạnh, dẫn dắt mình, đưa mình đi nơi này nơi khác; khi chết thì cái nghiệp nuôi dưỡng mình, che chở mình, dẫn dắt mình đi tái sinh (15).

Một từ mà người viết không thể không nói tới, đó là từ “Tội nghiệp”. Từ này xuất hiện bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu khi có một sự thương cảm nhất định và chừng mực. Trong đời sống thường nhật xưa nay của dân tộc Việt Nam, nhất là trong những biến cố đau buồn của cuộc sống, trong những tác phẩm văn học Việt Nam cổ đại, trung đại và hiện đại đều điểm xuyết bằng từ “Tội nghiệp”.

Tiếp xúc với một mảnh đời bất hạnh của một nạn nhân hay tiếp xúc với một phạm nhân từng xuống tay tàn độc; tiếp xúc với một xác chết bên vệ đường của một con chó hay tiếp xúc với xác chết của một tên trộm chó; tiếp xúc với những thân thể dặt dẹo quái thai của nạn nhân dioxin dở sống dở chết kéo dài hay tiếp xúc với những tâm hồn bị tổn thương và tự dằn vật bản thân của người phi công sau khi đã rải chất độc ấy vào ruộng đồng, vào nguồn nước. Khi tiếp xúc với một sự thương cảm mà không biết và cũng không cần biết ai là người có lỗi, “Tội nghiệp” là một từ vựng phù hợp nhất. Dù đó là tử thi của một tội phạm từng xuống tay tàn độc, tử thi của một tên trộm chó uy hiếp luôn chủ nhà. Dù đó là sự dằn dặt trong tâm hồn của một phi công từng đầu độc sự sống của con người thì cũng nên tiếp xúc với tấm lòng thương cảm mà đừng giận hờn, oán ghét. Hãy có tâm thái “Tội nghiệp” và quẳng bỏ đi tâm thái “Đáng đời”. “Đáng đời” là từ chói tai nhất. Tôi muốn được xóa hẳn từ “đáng đời” trong cuộc sống nhân gian vốn đã nhiều niềm đau và nỗi khổ. Và cũng không muốn từ đó xuất hiện trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thay lời kết

Nếu định nghĩa văn hóa là cái gì còn sót lại khi tất cả những cái khác đều tan biến thì bàn về ảnh hưởng trên đời sống văn hóa là bàn về một đề tài bất tận. Người viết nhấc lên một từ “Nghiệp” để bàn thảo, thế mà bàn thảo vẫn chưa thấu đáo. Vì vậy, nhìn tổng thể mà nói, người viết cảm thấy rằng chuyện mà mình vừa làm được ở trên giống như nhấc lên một hạt cát giữa bạt ngàn biển cát trong diễn trình tiếp biến của một khái niệm văn hóa minh triết Đông phương (16).

Thích Minh Thành PhD

Nguồn:

– Lệ Như Thích Trung Hậu, Ca dao tục ngữ Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM 2002.

– Nguyễn Hữu Vinh và Trần Đình Hoành, Lĩnh Nam Chích Quái, bản điện tử 2015.

– Nhiều tác giả Giáo trình trung cấp Phật học, Nxb. Phương Đông, Tp HCM 2015

– Tỷ-kheo Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Saigon – Việt Nam 1975.

Người viết:

Thượng tọa Thích Minh Thành

– Tốt nghiệp Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam Khóa 1, 1988.

– Cử nhân Anh Văn, Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Tp Hồ Chí Minh, 1990.

– Thạc Sĩ Triết Học (Master of Philosophy), Đại học Delhi, 1997.

– Tiến Sĩ Triết Học (Doctor of Philosophy), Đại Học Delhi, 2000.

Hiện nay đang công tác tại: Ban Thường trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Ban Giáo dục Phật giáo, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam Tp Hồ Chí Minh. Nơi ở: Tịnh xá Trung Tâm, 21 Nguyễn Trung Trực, Phường 5, Quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh.

______________________________

Chú thích:

(1) Kiểu đem thúng úp voi.

(2) Tái sinh được người Việt chuyển hóa thành từ vựng “Đầu thai”.

(3) Nhiều tác giả Giáo trình trung cấp Phật học, Nxb. Phương Đông, Tp HCM 2015, tr. 251.

(4) Tỷ-kheo Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh. Kinh số 135 Tiểu kinh Nghiệp phân biệt.

(5) Ngoài nghiệp thiện và nghiệp ác chỉ cho hành động thiện và hành động ác, Phật học chuyên sâu còn điểm danh thêm hai loại hành động nữa là hành động Duy tác và hành động Vô ký.

(6) Trong chiều sâu của giáo lý thì cách cảm nhận hạnh phúc hay cảm nhận đau khổ là yếu tố quan trọng chi phối sự vận hành của nghiệp. Chính nhờ cách cảm nhận mà người tu theo đạo Phật có thể vượt qua khỏi sự chi phối hoàn toàn của nghiệp và đi vào cảnh giới vô lậu giải thoát. Nói chung, con người có thể làm chủ trong việc tạo nghiệp, làm chủ trong sự vận hành của nghiệp. Làm chủ đối với nghiệp có nghĩa là làm chủ đối với vận mạng của mình.

(7) Cố Trưởng ban Văn hóa – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

(8) Lệ Như Thích Trung Hậu, Ca dao tục ngữ Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Tp. HCM, Tp HCM 2002, tr. 7.

(9) Nguyễn Hữu Vinh và Trần Đình Hoành, Lĩnh Nam Chích Quái, ấn phẩm 2015, tr. 53.

(10) Nguyễn Hữu Vinh và Trần Đình Hoành, sđd., tr. 38.

(11) Sự tác động từ ngoại cảnh hay từ các đấng linh thánh nếu có chỉ ở mức nào đó mà thôi.

(12) Đã chiêu cảm, ở đây có nghĩa là đã tự ý hay vô ý mang vào người thì người đi đâu nghiệp theo đó. Câu Pháp cú số 127 nói rằng: Không trên trời dưới biển, | Không lánh vào động núi, | Không chổ nào trên đời, |Trốn được quả ác nghiệp.

(13) Ra vào theo lũ thanh y, (1745) | Dãi dầu tóc rối da chì quản bao... | Dạy rằng: May rủi đã đành, | Liểu bồ mình giữ lấy mình cho hay, | Cũng là oan nghiệp chi đây, | Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng.

(14) Lệ Như Thích Trung Hậu, sđd, tr. 402 - 3.

(15) Một vài câu khác như: “Quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo”, “Tiền oan nghiệp chướng.”

(16) Chuyện sơ sót là chuyện khó lòng tránh được, xin người đọc niệm tình bỏ qua cho.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...