Tìm hiểu học thuyết Nho giáo trong đạo Cao Đài (tt)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4522 | Cật nhập lần cuối: 2/22/2017 9:44:56 AM | RSS

Tìm hiểu học thuyết Nho giáo trong đạo Cao Đài (tt)Nhân lễ kỷ niệm Đức Thánh Sư Hưng Nho giáo Chủ năm nay, chúng ta tiếp tục bàn thêm về học thuyếtNho giáo trong Đạo Cao Đài.

Như các buổi lễ trước đây chúng ta đã tìm hiểu tổng quát đạo lý công bình của Nho giáo, hôm nay chúng ta tìm sâu thêm vào chi tiết để cùng nhau suy nghiệm, nghiên cứu, học tập.

Trong xã hội nhơn gian ai cũng biết câu: “Dục tu Thiên Đạo, Tiên tu nhơn Đạo... Muốn đi đến đạo Trời phải làm cái đạo Người, không làm đạo Người thì đạo Trời xa vậy. Thực sự đạo Trời là đạo Người, đạo Người là đạo Trời, Nhơn loại là chúa vạn vật hữu hình, là Thiên hạ, Trời đã ban cho những đạo lý để tất cả quần sinh học hỏi và thực hành, để cho xã hội có công bằng an ninh trật tự…”

Về cái đạo Người, đức Thánh Sư dạy rất nhiều, dày đặc như rừng cây, rộng mênh mông như bể cả “Rừng nhu bể Thánh”. Nho giáo dạy xã hội, dạy từng người, từng chi tiết để rèn luyện nhân cách, dạy tư tưởng suy nghĩ và hành động cho tất cả nhân gian. Học thuyết Nho giáo là học thuyết hoàn hảo nhất từ trước đến nay, nhưng xã hội đãcó bao nhiêu người thực hiện nốt đạo lý đó để bước vào hàng Thánh thiện mặc dù người học đạo rất đông.

Trong tôn chỉ Đạo Cao Đài, học thuyết Nho giáo được đặt vào trước nhất cũng trong ý nghĩa khi xử tròn đạo Người mới vào được đạo Trời. Đạo Người là lý tưởng công bình xã hội, xây dựng nhân cách con người hướng đến sự hoàn thiện, từ đó đưa con người vào Thánh thiện, nếu không vậy thì dù ta có khổ công bao nhiêu với Tôn giáo trong khi nhân cách con người còn thiếu, phẩm hạnh đạo đức chưa có, ắc không được, sự tôn vinh kính trọng.

Đạo lý Nho giáo dạy thực hiện công bằng xã hội thì: Cách vật trí tri, thành ý chánh tâm tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Thực hiện đạo nghĩa với xã hội thì: Tam cang ngũ thường, tam tùng tứ đức. Rèn luyện nâng cao phẩm hạnh đạo đức nhân cách cá nhân thì có: Hiếu để trung tín lễ nghĩa liêm sỉ. Đó là những đạo lý hết sức bình thường, song rất khó thực hiện.

Hiện nay, tín hữu Đạo Cao Đài trong phương cách tu thân hành đạo, chúng ta cần xem xét lại điều này, phát huy đạo lý này để thật hành tu thân cho chính chắn.

Chữ hiếu, từ những hành động đơn giản ban đầu như thờ cha kính mẹ, phụng tự tổ tiên, giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống đạo đức. Không làm điều trái đạo, xằng bậy để thân thể do cha mẹ tạo nên khỏi bị thế nhân hành hạ, sỉ vả, không tự mình hủy hoại thân thể do tứ đỗ tường rượu trà, xì ke ma túy, chơi bời trác táng cho xác thân tiều tụy tiêu hao, bệnh tật... giữ được những điều đó là đã được cái hiếu ban đầu: Thân thể phác phu thọ ư chi phụ mẫu bất cảm hủy thương hiếu chi thỉ giả.

Cao xa hơn nữa là biết ơn Trời đất. Trời ban cho sự sống, đất nuôi sống. Biết ơn nhân dân đất nước. Nhơn dân nuôi dạy,đất nước cưu mang. Trời ban cho sự sống và thông minh sáng suốt thì cố làm sao sự sáng suốt thông minh đó giúp cho loài người những điều tốt đẹp, đất nuôi sống thì cuộc sống làm sao có ích lợi mọi người, sống phải đạo, làm nên nghĩa lớn, xã hội kính mến tôn vinh, cha mẹ được danh thơm tiếng tốt đó là được cái đạo hiếu sau cuối cao đẹp hơn: Lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế dĩ hiểu kỳ phụ mẫu hiếu chi chung giả.

Hiếu với cha mẹ tổ tiên, nhân dân, tổ quốc và hiếu với đấng tạo hóa vô hình cư xử cho thực tròn vẹn là điều không dễ làm nếu chúng ta không đủ sức kềm chế những dục vọng, tư tưởng buôn lung. Hiếư thường được ghép với Để.

Nhường nhịn khiêm cung cũng là tác phong đạo đức của mỗi cá nhân. Kính già, yêu trẻ, trọng người ngang bậc. Nhường cơm xẻ áo, nhường nhau từng lời nói cử chỉ. Có nhường nhịn sẽ phát xuất sự thương yêu đoàn kết. Không nhường nhịn nhau tất đổ vở tình đoàn kết thương yêu không thành công mọi việc. Có nhịn nhường sẽ ổn định xã hội, không nhịn nhường sẽ có rối loạn.

Nhường nhịn để giữ đạo nghĩa hiếu để khác biệt với sự nịnh bợ cầu thân vụ lợi, hoặc khiếp nhược trước thế lực cúi lòn để an thân.

Do buông lơi đạo đức Hiếu để cho nên xã hội xảy ra lắm chuyện trái tai gay mắt thường ngày, con cháu giết hại cha mẹ, ruột rà mưu hại, mưu sát lẫn nhau, những tệ hại mỗi ngày gia tăng đến đỉnh cao của tệ nạn, xã hội đã lên tiếng báo động: Đạo đức văn hóa đang xuống cấp trầm trọng.

Thực hiện Hiếu Để tất phải có trung tín. Trung là ngay thẳng cũng là trung với đất nước, hiếu với dân.

Bậc thức giả rất trọng chữ trang, rất ghét hạng người bất trung. Xã hội tôn trọng những bậc ngay thẳng trung cang, khinh bỉ hạng người không ngay thẳng.

Thánh Sư dạy mỗi người đều phải giữcho được sự ngay thẳng, chung thủy... Bậc lãnh đạo ngay thẳng với toàn dân. Người phục vụ cho nước ngay thẳng với cấp trên với nhân dân, chung thủy với nước non, dám liều thân giữ nước.

Giữ niềm chung thủy với chí hướng, chân chính, mục đích tốt đẹp, lý tưởng cao siêu, Tôn giáo tín ngưỡng... không thay đổi cũng là trung thành.

Người hướng đạo Tôn giáo giữ sự ngay thẳng với chúng sinh,tín hữu giữ sự ngay thẳng với giáo chủ, mọi công chức giữ sự ngay thẳng với toàn dân, mọi công dân giữ sự ngay thẳng với Tổ quốc, với mọi người. Mọi người giữ được niềm chung thủy với nước non thì chữ Trung có giá trị, sẽ không thiếu các bậc trung thành với non sông Tổ quốc.

Do trung chính ngay thẳng, chung thủy giữ tròn, nên đức Quan Thánh được đời truy tặng danh hiệu trung cang nghĩa khí.

Có Trung tất nhiên có tín. Đức tin, lòng tin, niềm tin là sức sống. Chữ tíncũng rất quan trọng, những học giả không bao giờ chịu thất tín, suốt cuộc đời chỉ một lần thất tín thì hư hỏng thất bại tất cả. Nhơn vô tín bất lập, người mà không tin ai và mọi người không ai tin mình thì cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa, trái lại có hại bản thân, có hại xã hội.

Trước nhất tự tin bản năng nghị lực và đạo đức của mình, tin xã hội và được xãhội đặt niềm tin, tin Tôn giáo mình đang theo với đức tin chân chính. Nếu con người mất đi niềm tin, mất đạo đức bản thân thì chắc chắn không ai quí trọng và tin tưởng. Người được xã hội đặt niềm tin, chắc chắn người đó đãcó những đạo đức cơ bản tốt đẹp, tự bản thân có thi hành nghĩa hiệp đạo đức có ích nước lợi dân ích lợi nhân quần xã hội.

Đức tin tín ngưỡng, niềm tin xã hội là sức sống, tuy nhiên niềm tin cũng có sự nghiên cứu đo lường tránh bị lợi dụng lừa đảo, điêu ngoa của con người.

Hiếu để trung tín chưa đủ, còn phải có lễ nghĩa liêm sỉ.

Lễ là phép tắc để đối xử giao tiếp hằng ngày, được gọi là phép lịch sự.

Lễ của Nho giáo là trật tự, là tôn ti thứ bậc trong gia đình và ngoài xã hội, lễ là tinh túy văn hóa của mỗi dân tộc, là cốt lỏi của mỗi nền văn minh, lễ không phải là khuôn khổ của phong kiến lạc hậu.

Bước đầu vào đời là học lễ, lấy lễ để giáo dục, lấy lễ đãi người, dùng lễ kính bái thần linh, lấy lễ hòa người, lấy lễ giúp người và cũng lấy lễ để an ninh trật tự xãhội.

“Trước học lễ sau học văn”... bước đầu xây dựng con người là học lễ, lễ là đức, văn là tài... có văn thiếu lễ là có tài thiếu đức, có lễ không văn là thiếu tài, văn lễ tương đương, đức tài đầy đủ mới thật hoàn chỉnh một con người... sẽ đạt thành công trong mọi lãnh vực.

Có lễ tất phải có nghĩa, giữa cuộc sống chung của xã hội mọi quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau gọi là nghĩa.

Xưa bậc trượng phu quân tử trọng nghĩa khinh tài, nghĩa nặng hơn liền vàng vật chất - quân tử giao nghĩa bất giao tài, giao tài nhơn nghĩa tuyệt.

Nghĩa thuộc tâm, lý, khó tìm khó giữ. Tài vật là phương tiện sống, đểtạo ra và có khi do tiền tài vật chất làm cho đổ vở đạo lý nhơn luân, mất tình mất nghĩa. Tuy nhiên, muốn thực hiện việc nghĩa tất phải dùng tiền bạc vật chất để tri ân, tạo nghĩa. Người biết tôn trọng đạo nghĩa khi đã thọ ân không bao giờ phản bội, xem vật chất nhẹ hơn nghĩa ân.

Trong kinh sám hối có dạy về đạo nghĩa như sau:

Hể biết Nghĩa thọ ơn chẳng bội.
Giúp cho người chớ vội khoe ra.
Việc chi cũng có chánh tà.
Làm điều phải Nghĩa lánh xa vạy vò.

Đạo đức nhơn gian cũng đã nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Thấy việc nghĩa mà tránh né không làm thì không phải dũng. Thấy lâm nguy không cứu chẳng phải anh hùng.

Việc nghĩa trên đời rất đa dạng, từ việc tế khổn, phò nguy, trợ cô, giúp khó, cứu đói, giúp nghèo v. v... người biết trọng nghĩa tất không từ nan tránh né.

Biết lễ. trọng nghĩa khinh tài tất phải có liêm, biết sỉ.

Nếu con người giữ được thanh liêm trong sạch tất tránh được sỉ nhục hỗ thẹn với đời, không bị đời sỉ vả.

Quan thanh liêm, dân thanh liêm, nhà tu thanh liêm... mọi người thanh liêm, giữ được thanh liêm, không bị sỉ vả tức giữ được đạo hiếu buổi ban đầu.

Âm mưu lừa đảo thu gom của cải tiền bạc về cho mình bằng hành động bất chính là không thanh liêm. Tự bản thân làm việc không thanh liêm là không biết tự trọng danh dự giá trị nhân phẩm của mình đó là không biết sỉ, bị xã hội khinh bỉ bảo là hạng người vô liêm sỉ.

Quan thanh liêm, không bị lợi dụng chức quyền nhủng nhiểu nhân dân đòi hối lộ, không bòn rút của công, không tham lam quyền tước lợi lộc mà mải quốc cầu vinh. Dân thanh liêm là không lừa đảo dối gạt nhau, không qua mặt pháp luật làm điều trái đạo, lùi lậu phá hoại kinh tế quốc dân. Nhà tu thanh liêm là không lợi dụng lòng tín ngưỡng của chúng sinh để gạt gẩm, thu của cải tiền bạc làm của riêng mình làm điều bất chính trái đạo.

Nếu tất cả đều giữ được thanh liêm thì xã hội vô cùng tốt đẹp. Làm được Liêm thì không bao giờ có sỉ. Con người nếu biết liêm, biết sĩ thì chắc chắn đời sống cá nhân được nhiều người mến trọng.

Trong một bài Thánh ngôn đức Thánh Sư dạy về bốn chử cần kiệm liêm chính, Thánh Sư dạy chử liêm như sau:

Liêm, thanh liêm của công chẳng bợn
Liêm chính là trắng trợn không nhơ
Thanh liêm hai chữ phụng thờ
Rạng đanh hiền đức sỉ thơ tu hành

Tám đức tính để rèn luyện nhân cách phẩm hạnh đạo đức từ trong học thuyết Nho giáo chúng ta vừa trình bày trên, được Ơn Trên khai thác cặn kẻ trong buổi tam kỳ phổ độ để chư môn đệ học hành tu thân đạt phẩm vị tại trần, khi mỗi con người được thật sự hoàn thiện.

Tôn giáo mới xuất hiện giữa thời đại xã hội báo động văn hóa đạo đức bị xuống cấp trầm trọng, cho nên cần phải đem học thuyết Nho gia để hoán cải tâm linh, cải tạo con người, cải tạo xã hội, phục hồi kỷ cương, văn hóa đạo đức để cứu vãng tình thế xã hội, từ đó hướng dẫn tiến lần đến chân thiện mỹ.

Đến khi nào tất cả mọi người, mọi nhà đều xác định đạo đức văn hóa là tinh túy tốt đẹp, đồng thực hiện, thì chừng đó xã hội sẽ có công bằng, có văn minh, văn hóa đạo đức... đó là Tôn giáo góp công xây dựng xà hội công bằng văn minh dân chủ... bằng con đường tu hành nhơn đạọ.

Nhơn đạo là cái đạo bình thường nhưng không phải dễ dàng thực hiện, ba nghìn đồ đệ của đức Thánh Sư ngày xưa chỉ có 4 vị được đổ đạt thành tài đã chứng minh rất rõ. Do đó đức Chí Tôn khuyên môn đệ nên cố gắng học tập thực hành Nhơn đạo, Nhơn đạo làm xong thì con đường Thiên đạo không xa vậy.

Để kết thúc bài phát biểu hôm nay, xin đọc lại hai vế kinh tu chơn thiệp quyết dạy về Nhơn đạo như sau:

Tu cho được Phụ từ Tử hiếu
Tu cho thành huynh hữu đệ cung.
Gái tu tức đức tam tùng
Trai tu nhơn nghĩa hiếu trung làm đầu
Thế tưởng vậy là tu Nhơn đạo
Nào hay đâu Thiên đạo bởi đây Không lo Nhơn đạo cho dày
Mong thành Thiên đạo mặc may làm gì?

Xin chân thành cảm ơn quí vị

Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên
HUỆ CHƠN
PHẠM THÀNH QUẢNG

Nguồn: tapchiliengiaocaodai.org.vn

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...