Tu chứng

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1081 | Cật nhập lần cuối: 6/13/2021 6:53:40 PM | RSS

Tu chứngTrong một khóa tu đặc biệt dành cho hàng Thiên ân nữ phái Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo tại Vĩnh Nguyên Tự vào năm Đinh Tỵ (1977), Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy: “Đời càng đảo điên, người tu hành càng có trách nhiệm. Trách nhiệm cao quý và nặng nề nhứt là tu chứng để hoằng dương chánh pháp phổ độ nhơn sanh. (…) Chư Thiên ân Cơ Quan và chư muội Nữ Chung Hòa đều là sứ mạng gương mẫu tiến lên trong những khúc quanh co giữa cơ đời cơ đạo mà không tu chứng thì đạo nghiệp phải trễ tràng.” (1)

Lời dạy của Đức Bảo Hòa Thánh Nữ cho ta hai ý:

1. Tu chứng là một trách nhiệm cao quý và nặng nề nhứt của người tu. Và nếu đã gọi là trách nhiệm thì đây là một việc phải làm, không thể chối từ.

2. Nếu không tu chứng thì đạo nghiệp phải trễ tràng, nghĩa là không đáp ứng đúng tiến độ mà cơ cứu độ của Đức Chí Tôn đòi hỏi.

Đức Đông Phương Chưởng Quản đã có lần khuyến dụ các bậc Thiên ân sứ mạng của Cơ Quan:

Chư hiền cố gắng tu chứng Đạo pháp thực tiễn tại tiền thêm hơn càng sớm chừng nào càng làm sáng danh Đạo chừng ấy. (2)

Về tầm quan trọng của sự tu chứng đối với sứ mạng Cơ Quan, chúng ta biết rằng vào đầu niên trình hành đạo năm Kỷ Tỵ 1989, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã ban ơn cho nhân viên Cơ Quan một chương trình hành đạo gồm 5 trọng điểm, trong đó trọng điểm đầu tiên là “Đạo pháp thuần chơn huyền vi chứng đắc”. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng vấn đề công phu tu tịnh cho đến mức độ huyền vi chứng đắc hay cũng gọi là “tu chứng” là điều quan trọng hàng đầu đối với sứ mạng của người nhân viên Cơ Quan.

Từ năm 1974, Đức Ngọc Lịch Đại Tiên đã khẳng định rằng:

“(…) sự thành công của Cơ Quan không phải nhứt thiết bằng hoạt động, bằng tuyên truyền, bằng cứu cánh thực thể mà cần phải bằng tâm linh vi diệu, bằng đạo pháp tu chứng nữa mới thật sự kết quả sứ mạng của Cơ Quan (…)” (3)

Ba tháng sau khi Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo ban cho nhân viên Cơ Quan chương trình hành đạo gồm 5 trọng điểm mà trọng điểm đầu tiên là “Đạo pháp thuần chơn huyền vi chứng đắc”, Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn đã giáng đàn để lời nhắc nhở người nhân viên Cơ Quan về điều cốt lõi của sự tu chứng như sau:

“(…) điều cốt lõi của đạo pháp thuần chơn huyền vi chứng đắc không phải chỉ ở các khóa tu ôn dưỡng, các đợt tịnh bốn mùa hay liên hoàn mùng 8, khóa tịnh kỳ 9 ngày mà chư đệ muội phải ý thức tu luyện từng ngày, từng sát na.” (4)

Sau đây, xin lần lượt tìm hiểu ba vấn đề qua lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng:

1. Thế nào là tu chứng? Sự biểu hiện của tu chứng.

2. Làm thế nào để tu chứng? (Điều kiện để tu chứng)

3. Ai có thể tu chứng?

1. Thế nào là tu chứng? Sự biểu hiện của tu chứng

Đức Hà Tiên Cô đã dạy: “Tâm chí có sáng ngời nhờ có chí lo bồi công lập đức. Có chói sáng được tâm đức thì thể hiện lên những nét thuần hậu minh mẫn, dễ mến dễ thương, chẳng những đoạn được nghiệp thân mà còn cảm hóa được những người chưa giác ngộ. Đó là bước tu chứng đầu tiên của người hành giả, chư hiền muội tịnh viên nên lưu ý.” (5)

Xưa nay, nhiều người cho rằng tu chứng là đạt được lục thông hay làm được những phép lạ nhiệm mầu hoặc hô phong hoán võ, v.v. Tuy nhiên, lời dạy của Đức Hà Tiên Cô giúp cho chúng ta hiểu rằng tu chứng có nhiều mức độ mà mức độ căn bản đầu tiên của sự tu chứng chính là có được dáng vẻ bên ngoài thuần hậu minh mẫn, dễ mến dễ thương, có khả năng cảm hóa được những người chưa giác ngộ.

Vậy, chúng ta có thể hiểu một cách nôm na rằng tu chứng là tu luyện có kết quả hay công thành quả tựu, mà kết quả đầu tiên là có được dáng vẻ bên ngoài khả ái, vui tươi, ôn hòa, phúc hậu. Đó cũng chính là diện mạo của Thánh nhơn tại tiền như lời Đức Quan Thánh Đế Quân đã dạy: [Công phu tham thiền tịnh luyện là] phương tiện chuyển hóa tâm hồn được thuần thành khả ái do không chấp, không câu, không nê, không lự. Hễ lòng người không chấp, câu, nê, lự sẽ được phóng khoáng thuần thành thơ thới vui tươi, khoan dung từ ái, ôn hòa, phúc hậu. Đó là diện mạo của thánh nhơn tại tiền. (6)

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

Mỗi chư hiền đệ muội phải thể hiện một tấm gương đạo đức, nhơn sanh nhìn vào cảm phục, yêu mến và vâng lời. (7)

Đức Ngô Đại Tiên dạy về phong thái của người tu chứng như sau:

Người tu chứng tâm đức sẽ hiển lộ, suốt thấu tất cả sự vật chung quanh mà lòng như dòng nước mát, không ngăn cách phân biệt thấp cao sang hèn thanh trược, tận độ với một lòng bác ái vô biên.

Người tu chứng chung quanh dường như không có một quyền uy pháp luật nào mà ân oai chói rạng, quyền pháp nghiêm minh, tình thương do đó mà dẫy tràn, trật tự do đó mà an bài, giáo lý Đạo do đó mà thâm sâu hoằng hóa. (8

Mức độ thứ hai của tu chứng chính là sự phát huệ, là đạt được trí huệ minh triết để hiểu được lẽ Trời, hiểu được Thiên cơ như lời Đức Đông Phương Lão Tổ đã dạy:

Người tu chứng ngộ biết lẽ Trời,
Sẽ thấy được chỗ rộng khơi mầu nhiệm.
(9)

Tu chứng cũng là sự sáng suốt minh triết để có được những quyết định, những suy nghĩ, lời nói và hành động hợp thời và đúng đạo lý như đã có lần Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy một vị đạo trưởng của chúng ta: sự quyết định của hiền đệ đều do sự sáng suốt tu chứng của chính mình mà thôi. (10)

Hành giả tu chứng thì sáng suốt ứng biến trước hoàn cảnh và có thể nghe được tiếng nói vô thinh tức là hiểu được Thánh ý là Thánh lịnh không lời của Ơn Trên. Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn dạy: “(…) người tu luyện cần nên sống nội tâm nhiều hơn để sáng suốt trước hoàn cảnh mà ứng biến thế nào, [đó] là tu chứng, nên Thánh ý là Thánh lịnh không lời. Người tu luyện, bậc hành giả phải tỏ ngộ lấy.” (11)

Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng dạy:

Khi tâm linh được mẫn tuệ huệ khai thì người và Trời hòa đồng như một, vẫn nghe được tiếng nói không lời, vẫn thấy được hình ảnh không sắc tướng. (12)

Và có lẽ mức độ cao nhứt của sự tu chứng là đạt được sự thần thông biến hóa, không còn bị ngăn ngại bởi không gian và thời gian của cõi trần thế này.

Đức Giáo Tông Đại Đạo đã dạy: “Tu chứng giả biến thông vô tận” (13) có nghĩa là người tu chứng quả thì có thể biến hóa thông suốt không hề bị giới hạn ngăn ngại. Về mức độ tu chứng này thì chúng ta có thể kể đến vị Anh Cả của chúng ta là Đức Ngô Minh Chiêu là bậc đã hiển đạo tại thế. Sử sách đã ghi lại rằng vào ngày 03.04.1930 (05/03 Canh Ngọ), Đức Ngô vẫn đang ở Sài Gòn, nhưng đàn cơ vào giờ Ngọ tại Hiệp Minh Đàn (Cái Khế, Cần Thơ) lại tiếp được một bài thơ thất ngôn bát cú do Đức Ngô và Tiên ông Vân Trung Tử cùng giáng cơ ban cho. Sự kiện này chứng minh Đức Ngô đã tu chứng quả tại thế. Hằng năm, môn sanh Chiếu Minh lấy ngày mùng 05/03 AL làm lễ kỷ niệm ngày Đức Ngô Minh Chiêu hiển đạo tại thế.

2. Làm thế nào để tu chứng? (Điều kiện để tu chứng)

Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy:

“Muốn tu chứng phải có tâm chí kiên trì, công phu chẳng trễ, sạch lòng phiền não, ái dục, tham sân si, để được thanh tịnh mà tu mà học.” (14)

Trong một đàn cơ khác, Đức Bảo Hòa Thánh Nữ đã dạy: “Ví như muốn đạt đến chỗ tu chứng thì vạn duyên phải đốn tuyệt.” (15)

Đức Hà Tiên Cô dạy:

“Từ đây cố gắng lo tu học chớ lãng xao. Học thầy, học bạn ngày ngày gắn bó với đạo với thiền để tránh điều tội lỗi, tránh việc thị phi, bớt đua tranh thế sự, bớt lo lắng tương lai vật chất của tiền, đói no thiếu đủ, để lòng an định hầu giải quyết mọi hoàn cảnh khó khăn bên ngoài đưa tới.” (16)

Lời dạy của Đức Bảo Hòa Thánh Nữ và Đức Hà Tiên Cô đã giúp chúng ta hiểu rằng điều kiện căn bản đầu tiên để đạt được sự tu chứng chính là lòng an định thanh tịnh, vạn duyên đốn tuyệt, không sân hận phiền não, không ái dục tham sân si, không đua tranh thế sự, không lo lắng vật chất của tiền đói no thiếu đủ. Đức Quan Âm Bồ Tát cũng đã có lần dạy rằng: “Tâm không an định làm sao ngộ Đạo tu chứng thoát khỏi mê đồ? Thiên cơ diễn tiến, người có an định thanh tĩnh mới hiểu được Thiên cơ.” (17)

Đức Giáo Tông Đại Đạo dặn dò các tịnh viên như sau: “Đây các tịnh viên nghe Bần Đạo dạy: trước khi vào nhập tịnh phải giữ lòng yên tịnh thanh thản, dứt bỏ những gì liên hệ đến gia đình, không bận bịu thì công phu mới tu chứng.” (18)

Điều kiện thứ hai để đạt được sự tu chứng là công trình luyện kỷ và rèn luyện tâm hạnh đại thừa. Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy:

“Đừng thấy lỗi nhỏ mà làm, chớ cho điều lành nhỏ mà bỏ qua. Công minh chính trực, mảy hào chớ phạm, lợi kỷ tổn nhơn là điều nên tránh. Quên tự thân mà làm nên đạo đức thì Đại Thừa Thiên Đạo ắt được trọn nên.” Đó chính là công trình luyện kỷ.

Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy người nhân viên Cơ Quan cần phải rèn luyện tâm hạnh đại thừa để đạt được sự tu chứng tâm linh: “Bần Đạo bảo chư Thiên ân đệ muội hãy ý thức về Tâm Hạnh Đại Thừa. Đó là lẽ tất nhiên của người hành giả về nhân vị, về giá trị, cũng như sự tu chứng tâm linh. Nếu trên bước Đại Thừa mà người hành giả thiếu Tâm Hạnh Đại Thừa thì tâm đức sẽ mờ lu, thường bị chư ma hàng phục, sanh sân si hỷ nộ, tật đố, chủ quan, v.v... Hằng ngày bị lôi kéo vào cảnh vô thường mà không hay biết.” (19)

Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc rèn luyện tâm hạnh đối với kết quả tu chứng: “Phải rèn tâm hạnh, tâm hạnh là mức độ thành công của người hành giả.” (20)

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn đã tóm lược hai điều hành giả cần phải làm để đạt được sự tu chứng, đó là khắc kỷ và luyện tâm. Tâm phải được luyện đến mức tuyệt đối thanh tịnh để thần được linh diệu, ngồi một chỗ mà suốt thông mọi hướng, không nói mà mọi việc được điều hành trôi chảy:

Chư đệ muội phải cần tu, tiếp tục phần khắc kỷ luyện tâm. Tâm phải bình thường như mặt nước hồ thu không tí gợn. Tâm phải vững như cật trụ kình thiên, tám gió không lay, mười hung chẳng phạm. Tâm có minh thì thần mới linh. Luyện tâm tức là luyện thần. Luyện được thần thì tâm không còn là tâm nữa mà là thần. Thần là chủ tể vạn sự vạn vật. Thần ứng hóa cả việc thế cơ Trời. Thần năng nhập thạch, thần năng phi hành, nhập thủy bất nịch, nhập hỏa bất phần. Chư đệ muội nhớ những câu tâm ấn này chăng?

Thần linh diệu thì ngồi một chỗ mà suốt thông mọi hướng, lặng lẽ không lời mà cơ cấu vẫn điều hành. (21)

3. Ai có thể tu chứng?

Qua lời dạy của các Đấng về điều kiện để đạt được sự tu chứng, có thể thấy rằng người tu chứng trước hết phải là người đã thọ pháp môn công phu tu tịnh.

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:

Đấng Chí Tôn luôn luôn ngự trong tâm thanh tịnh của chư đệ muội. Phật Thánh Tiên luôn luôn hộ trì, chỉ cần chư đệ muội công phu tu tập cho thật dũng mãnh sáng suốt, dầu đạo pháp ở cấp bực nào cũng có thể tu chứng được. (22)

Vậy, theo lời dạy của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn thì hành giả dầu ở cấp bực đạo pháp nào cũng có thể tu chứng miễn là thực hành công phu tu tập cho thật dũng mãnh sáng suốt, tức là phải thỏa hai điều kiện đã trình bày ở phần trước đó là luôn giữ lòng an định, vạn duyên đốn tuyệt và khắc kỷ, tập rèn tâm hạnh đại thừa.

Tóm lại:

1. Tu chứng là tu luyện có kết quả thể hiện qua các mức độ tu chứng như sau:

a. Có được dáng vẻ bên ngoài thuần hậu minh mẫn, thơ thới vui tươi, dễ thương dễ mến, có khả năng cảm hóa được những người chưa giác ngộ.

b. Đạt được trí huệ minh triết, hiểu được lẽ Trời, hiểu được Thiên cơ; nghe được tiếng nói không lời (giao cảm thông công được với Ơn Trên); sáng suốt ứng biến trước mọi hoàn cảnh và có được những quyết định hợp thời, hợp Đạo; ngồi một chỗ mà suốt thông mọi hướng, không cần nói mà mọi việc được vận hành điều hòa trôi chảy.

c. Đạt được sự thần thông biến hóa (Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn gọi là nội giới tu chứng, đạt được lục thông) (23), không còn bị ngăn ngại bởi không gian và thời gian của cõi trần thế này.

2. Điều kiện để đạt được sự tu chứng là phải luôn giữ lòng an định thanh tịnh, vạn duyên đốn tuyệt và thực hành công trình luyện kỷ, tập rèn tâm hạnh đại thừa.

3. Tất cả những ai đã thọ pháp môn công phu tu tịnh thì dầu ở cấp bực đạo pháp nào cũng có thể tu chứng miễn là thực hành đầy đủ các điều kiện để đạt được tu chứng.

Sau cùng, xin được gửi đến quý huynh tỷ lời dặn dò của Đức Tôn Sư:

Bần Đạo sẵn sàng dẫn dắt chư đệ trên bước đường Thiên Đạo, còn sự tu chứng là do sự tự tu, tự giác của chư đệ đến thành công. Chư đệ khá nhớ. (24)

Diệu Nguyên
Nguồn: nhipcaugiaoly.com

_____________________

Chú thích:

(1) Vĩnh Nguyên Tự, 22/11 Đinh Tỵ (01.01.1978).

(2) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 10/05 Bính Thìn (07.06.1976).

(3) Vĩnh Nguyên Tự, 11/03 Giáp Dần (03.04.1974).

(4) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo , 02/06 Kỷ Tỵ (04.07.1989).

(5) Vĩnh Nguyên Tự, 22/11 Đinh Tỵ (01.01.1978).

(6) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15/12 Giáp Dần (26.01.1975).

(7) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 17/02 Đinh Sửu (25.03.1997).

(8) Đức Minh Chiêu Đại Tiên, Minh Đức Tu Viện, 01.02 Tân Dậu (06.03.1981).

(9) Minh Lý Thánh Hội, 06/12 Quý Sửu (29.12.1973).

(10) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15/10 Bính Dần (16.11.1986).

(11) Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, Diêu Trì Bửu Điện Thánh thất Bình Hòa, 10/02 Giáp Tý (12.03.1984).

(12) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15/02 Quý Sửu (25-3-1973).

(13) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 29/02 Mậu Ngọ (06.04.1978).

(14) Vĩnh Nguyên Tự, 22/11 Đinh Tỵ (01.01.1978).

(15) Đức Bảo Hòa Thánh Nữ, Vĩnh Nguyên Tự, 29/02 Nhâm Tuất (24.03.1982).

(16) Ibid.

(17) Minh Lý Thánh Hội, 03/05 Giáp Dần (29.06.1974).

(18) Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15/04 Quý Sửu (17.05.1973).

(19) Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 15/01 Tân Dậu (19.02.1981).

(20) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 01/12 Đinh Tỵ (09.01.1978).

(21) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 29/08 Quý Hợi (05.10.1983).

(22) Ibid.

(23) Vĩnh Nguyên Tự, 09/10 Tân Dậu (05.11.1981).

(24) Đức Đông Phương Lão Tổ, Diêu Trì Bửu Điện Thánh thất Bình Hòa, 29/02 Nhâm Tuất (24.03.1982).

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...