Sinh viên Thần học Công giáo gặp gỡ tín đồ Islam
Trong tâm tình ấy, khi tim hiểu về Islam (Hồi Giáo) của môn “Thần học Kitô giáo về các tôn giáo”, thuộc chương trình thần học năm thứ III, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, chúng tôi muốn gặp gỡ trực tiếp những anh em Islam để được hiểu biết thêm về giáo lý, niềm tin cũng như tinh thần sống đạo của họ. Trong thực tế, chúng tôi thường nghe nói đến những điểm tiêu cực của Islam, điều này có thể gây trở ngại cho việc đối thoại liên tôn, trong sứ vụ của mình sau này.
Ý thức được tầm quan trọng và ý nghiã của cuộc gặp gỡ này, nên dù bận rộn trong những ngày Tuần Thánh, nhưng Cha Giáo và chị em tổ 5 đã sắp xếp thời gian để đến viếng thăm Thánh Đường Islam (66 Đông Du). Chúng tôi khởi hành vào lúc 13g45 thứ ba ngày 30.03.2010 từ Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp. HCM. Đúng 14g00, chúng tôi có mặt tại Thánh Đường và được Imam - người đại diện anh em Islam đã tiếp đón một cách vui vẻ và chân thành.
Imam Ibrahim Trịnh Ngọc Đạt giải đáp thắc mắc cho các nữ tu sinh viên
Cuộc tọa đàm diễn ra thật đơn sơ và gần gũi tại tiền sảnh của Thánh Đường Islam, chúng tôi ngồi thành vòng tròn xung quanh Imam. Trước hết, Imam cầu nguyện với Thượng Đế cho cuộc gặp gỡ này đem lại kết quả tốt đẹp. Cuộc hội thoại này không mang tính thuyết trình nặng về lý thuyết, nhưng là cuộc trao đổi chân thành, cởi mở giữa Imam với chúng tôi.
Chúng tôi được giải thích về ý nghĩa và nguồn gốc của giếng nước Zăm Zăm ở Mecca, Tiếp đến, Imam trình bày về 5 cột trụ chính của Islam, đó là:
1. Lời tuyên xưng đức tin vào Đấng Allah duy nhất để tôn thờ.
2. Cầu nguyện theo quy định: mỗi tín đồ Islam từ 15 tuổi trở lên phải cầu nguyện mỗi ngày 5 lần (sáng, trưa, chiều, lúc mặt trời lặn và tối). Khi cầu nguyện phải hướng về Mecca, mở đầu mỗi giờ cầu nguyện là lời tuyên xưng Thượng Đế “Allah thật vĩ đại”.
3 Bố thí: mỗi tín đồ Islam phải bố thí một phần của cải của mình cho người nghèo, nhưng phải lo cho gia đình mình đầy đủ trước, rồi mới lo cho người khác sau.
4. Ăn chay: mỗi tín đồ Islam phải ăn chay hàng năm trọn tháng Ramadan. Giữ chay từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lăn, khi mặt trời lặn thì được ăn uống như thường.
5. Hành hương đến Mecca: mọi tín đồ Islam khi có khả năng phải đi hành hương Mecca ít là một lần trong đời, nhưng nếu không có điều kiện thì không buộc. Cuộc hành hương là để đổi mới sâu xa đời sống tâm linh, sống kinh nghiệm tha thứ của Thượng Đê nhân từ thương xót và đâm rễ sâu trong đức tin vào Thượng Đế duy nhất. Sau khi hành hương trở về người tín đồ Islam được coi như đã được thanh tẩy vì đã sống kinh nghiệm gặp gỡ Thượng Đế.
Cuộc gặp gỡ được tiếp tục rất sinh động với những thắc mắc còn tồn đọng nơi các sinh viên với những câu hỏi như:
Tại sao đạo Islam không tạc tượng, không có biểu tượng?
Tại sao phụ nữ phải đội khăn che đầu, không được vào đền thờ cầu nguyện? Tại sao phải thanh tẩy, rửa mắt, mũi, tay chân… trước khi cầu nguyện? Đạo Islam có hàng giáo sỹ, tu sỹ không?- quan niệm gì về đời sống độc thân? Về sự Phục Sinh? Nghi thức gia nhập Islam? ...và rất nhiều câu hỏi chúng tôi không ngừng đặt ra cho Imam nhưng Imam không tỏ ra khó chịu hay dè dặt; mà rất vui lòng và tận tình giải thích tỉ mỉ cho chúng tôi, tuy có những điều khá tế nhị, nhưng Imam tỏ ra rất khéo léo để trả lời cho chúng tôi, chẳng hạn khi một chị đã đặt vấn đề về nạn “khủng bố”.
Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ từ 14h-16h15 mà vẫn còn rất hào hứng, đến nỗi câu chuyện chỉ được kết thúc khi lời mời gọi cầu nguyện vang lên từ trong Thánh Đường, báo hiệu giờ cầu nguyện ban chiều đã đến. Và đó cũng là điều rất có ích cho chúng tôi, khi được tận mắt chứng kiến buổi cầu nguyện của anh em Islam.
Trong lời cám ơn Imam, chị đại diện cũng đã nói lên tinh thần đối thoại liên tôn của phía Công Giáo, cũng như ước ao có nhiều cơ hội hơn để được trao đổi và tìm hiểu.
Sau đó, chúng tôi còn nán lại ít phút để quan sát nghi thức cầu nguyện của anh em Islam và quang cảnh xung quanh Thánh Đường.
Qua cuộc gặp gỡ, mỗi người trong chúng tôi đều có những cảm xúc thật sâu sắc, cái nhìn về một tôn giáo đầy khắt khe đã biến mất; mà thay vào đó là một sự cởi mở, chân thành và rất nhiều điểm tích cực mà xưa nay chúng tôi chưa từng được biết đến về Islam. Chúng tôi thầm cám ơn Chúa đã tạo cơ hội để chúng tôi được tiếp xúc với anh em Islam, nhờ đó mà chúng tôi hiểu về mình và về Islam hơn, thấy được sự gắn kết thân tình giữa hai tôn giáo, tuy có những khác biệt đáng kể, nhưng cũng có những điểm chung như: niềm tin độc thần, tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo dựng thế giới và con người, Ngài là Đấng quyền năng và toàn tri; tin vào sự sống đời sau, tin có thiên đàng- hỏa ngục nên quan tâm đến đời sống luân lý; nhấn mạnh đến vai trò của đức tin và vâng phục trong tương quan với Thượng Đế.
Đó là những giá trị Tin Mừng đang tiềm ẩn nơi Islam mà người Kitô hữu cần nhìn nhận, và ước mong chính mình cộng tác với Ân Sủng để làm cho những hạt giống của Lời ấy được sinh hoa kết trái trong thế giới hôm nay. Đây cũng là chất liệu thật quí giá cho lời cầu nguyện của chúng tôi, đặc biệt trong Tuần Thánh, để sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Năm Thánh này.
Tổ 5 - Sinh viên Năm III
Hv. LDN Phaolô Nguyễn Văn Bình
Nhịp Cầu Tâm Giao 1 (06.2010),
LHNB, tr. 19-21.