Sứ điệp gửi các Phật tử nhân đại lễ Phật Đản 2010 (PL. 2554)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1714 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Người Kitô hữu và Phật tử tôn trọng sự sống con người
như nền tảng cho sự tôn trọng toàn diện cuộc sống


Các Bạn Phật tử thân mến,


1. Nhân dịp lễ Vesak của các Bạn, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn xin gửi lời chào mừng và chúc bình an cùng niềm vui đến toàn thể quý Phật tử ở mọi nơi. Ước gì sứ điệp này giúp củng cố mối liên hệ bằng hữu và sự cộng tác trong việc phục vụ nhân loại, vốn đã liên kết chúng ta với nhau.


2. Đây là cơ hội thuận tiện để cùng nhau suy nghĩ về một chủ đề quan trọng đặc biệt ngày nay, đó là sự khủng hoảng về môi trường, nguyên nhân gây nên bao khó khăn và đau khổ trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, những cố gắng của hai cộng đồng chúng ta, qua việc dấn thân đối thoại liên tôn, đã góp phần tạo nên một ý thức mới về tầm quan trọng mang tính xã hội và tâm linh của mỗi truyền thống tôn giáo của mình. Chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta có chung mối quan tâm về các giá trị, như tôn trọng bản chất của mọi sự vật, quán tưởng (chiêm niệm), khiêm tốn, đơn sơ, từ bi và quảng đại. Những giá trị này đóng góp vào việc tìm kiếm một cuộc sống phi bạo lực, quân bình và hài lòng.


3. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhận xét rằng “những hiện tượng khác nhau về môi trường xuống cấp cùng các thiên tai…nhắc nhở chúng ta về nhu cầu khẩn thiết phải tôn trọng thiên nhiên và thiết lập một quan hệ đúng đắn với môi trường sống hàng ngày” (Tiếp kiến chung, ngày 26.8.2009). Giáo hội Công giáo xem sự bảo vệ môi trường gắn liền với việc phát triển toàn diện con người; về phần mình, Giáo hội không chỉ lưu tâm đến việc bảo vệ đất, nước và không khí như tặng phẩm dành cho mỗi người, mà còn nhằm khích lệ người khác kết hợp với nhau trong cố gắng bảo vệ nhân loại chống lại sự tự hủy diệt. Thực vậy, trách nhiệm của chúng ta đối với việc bảo vệ các nguồn mạch của thiên nhiên, cũng như sự tôn trọng của chúng ta đối với nhau, xuất phát từ qui luật được ghi khắc trong tâm khảm mọi người nam và nữ. Do đó, khi môi trường nhân bản được tôn trọng trong xã hội, thì môi trường sinh học cũng được nhờ (x. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác ái trong chân lý, số 51).


4. Người Kitô hữu cũng như anh chị em Phật tử đều có lòng kính trọng sâu xa đối với sự sống con người. Do đó, điều thiết yếu là chúng ta phải khuyến khích những nỗ lực tạo nên một ý thức trách nhiệm đối với môi sinh, đồng thời tái xác định các xác tín chung của chúng ta về sự sống con người ở mọi giai đoạn, về phẩm giá của nhân vị và sứ mạng duy nhất của gia đình, nơi đầu tiên con người học biết yêu thương người thân cận và tôn trọng thiên nhiên.


5. Ước gì chúng ta cùng nhau tạo thuận lợi cho một quan hệ lành mạnh giữa con người với nhau và giữa con người với môi trường sống. Bằng cách tập trung nỗ lực gây ý thức về môi trường nhằm thiện ích cho tất cả mọi người và cuộc sống chung hòa bình, chúng ta có thể trao ban một chứng từ về lối sống tôn trọng lẫn nhau, và như thế tạo ý nghĩa cho điều chúng ta là hơn điều chúng ta có. Chính nhờ việc phân định chung và qua sự dấn thân của mỗi truyền thống tôn giáo mà chúng ta có thể đóng góp vào sự phong phú của thế giới.


Các Bạn Phật tử thân mến, một lần nữa, chúng tôi xin gửi đến các bạn lời chào mừng chân thành nhất và xin chúc tất cả các bạn một lễ Phật Đản thật vui tươi!

Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Tổng Giám mục Pier Luigi Celata
Thư ký

Chuyển ngữ: Ban MVĐTLT TGP Tp.HCM
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...