Thuyết trình: "An lạc trong đau khổ"

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1000 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Thuyết trình: Với ước mong mọi người luôn được an vui trong cuộc sống đầy thăng trầm này, Chương trình Chuyên đề đã tổ chức buổi giao lưu của Đại Đức Ts. Thích Quang Thạnh, Thư ký ban Phật giáo Quốc tế Trung ương với khán giả của chương trình về đề tài “An lạc trong đau khổ” vào chiều thứ Bảy 12.05.2012 tại Trung tâm Mục vụ TGP.

 

Buổi giao lưu gồm 2 phần:


A. Phần Diễn giảng


Trước tiên, Đại Đức phân tích cho mọi người hiểu về sự an lạc và đau khổ mà ngài muốn nói trong bài này:


An lạc là niềm vui, là sự an bình trong con người có được do mình tu và tôi luyện, không phải như niềm vui, nụ cười xuất phát từ xúc cảm chóng qua, mau mất. Những người chuyên chăm tu luyện thì sự an lạc luôn ngự trị trong tâm hồn, vì thế họ ít bị lung lay, chao đảo trong sóng gió của biển đời. Khi tiếp xúc với các người có chất tu, các bạn sẽ cảm thấy nơi họ toát ra sự thanh thản, nhẹ nhàng, bình an và chân thật. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ phải tu luyện theo tôn giáo của mình, để có sức hút với mọi người xung quanh, để các bạn không phải nhọc công tìm kiếm các sự phù vân trên đường đời.


Vẫn giọng nói rõ ràng, trầm ấm, Thượng Tọa cho biết: Khổ đau là sự đau đớn, khó chịu, không hài lòng với bản thân, thất vọng với người xung quanh. Ngài nói: Cuộc đời này khổ hoài khổ mãi, bởi vì cái miệng đòi ăn thì cái thân phải làm, cái thân làm nhiều thì phải ăn nhiều, đòi hỏi nhiều. Vòng đời cứ luẩn quẩn lo cho cái thân xác ươn hèn. Nếu không tu luyện thì chúng ta cứ mải mê chạy theo vật chất và chúng ta sẽ chẳng bao giờ được an nhàn, thanh thản.


Vị tiến sĩ 44 tuổi nói: Dù các bạn có tri thức, có đầy đủ tài năng, sum vầy vật chất nhưng các bạn không tu luyện tâm linh thì các bạn vẫn bị đau khổ chi phối; còn những người không thành công trong cuộc đời nhưng biết hướng về tâm linh thì dù có nghèo đói, thiếu thốn nhưng họ vẫn cảm thấy an lạc, bình an.


Sau giờ giải lao, Thượng Tọa giúp khán giả cách ứng phó với đau khổ, cách tìm được an lạc trong khổ đau. Ngài nói: “Sống trong cuộc đời phải đấu tranh nhưng không phải đấu tranh để sinh tồn, đấu tranh bằng cách chà đạp lên người khác mà chính là đấu tranh với những suy nghĩ bất lợi cho tâm hồn, đấu tranh để loại trừ cái ác, phát huy cái thiện. Ngài khuyên mọi người luôn học tập noi gương Đấng sáng lập của tôn giáo mình. Mọi người đến với tôn giáo đều bằng niềm tin và niềm tin là nấc thang đầu tiên để bước vào cửa ngõ tâm linh, vì thế niềm tin phải đặt nền móng trên trí tuệ, nếu không, chúng ta chỉ như người mù đi trong đêm tối mà thôi. Đức Chúa hy sinh trên thập giá để mang lại hạnh phúc cho con người thì con chiên của Chúa cũng phải tin, phải hiểu và dấn bước theo Chúa để mang lại hanh phúc cho mình và cho tha nhân. Trong Phật giáo, Đức Phật có nói: “Tin Đức Phật mà không hiểu Đức Phật chính là phỉ báng Đức Phật; còn tin Đức Phật, hiểu Đức Phật là tôn kính Đức Phật”.


Đại đức Ts. Thích Quang Thạnh - TK UB Phật giáo Quốc tế Trung Ương - chia sẻ đề tài


Ngài khuyên mọi người phải thường xuyên đến nhà thờ, đến chùa để học tập, rèn luyện để có đủ nội lực đương đầu với sóng gió ba đào, đừng đợi đến lúc khổ mới chạy đến xin cha cầu nguyện, xin thầy khấn giúp.


Đại đức nói tiếp: Muốn nhận thức được cuộc đời là đau khổ hay khổ đau, các bạn phải tìm nguyên nhân gây ra đau khổ. Nếu cuộc đời là khách quan thì chúng ta phải chọn lựa. Trong đạo Phật dạy “Hiểu nhục, tri túc” (ít muốn, biết đủ). Ít muốn để nhận thức được lòng tham của mình. Nhận thức cuộc đời để làm chủ cuộc đời. Cái nào cần thực hiện, cái nào không cần nô lệ. Nếu ước muốn đúng mà đường đi sai thì sẽ không đạt kết quả, không đạt kết quả sẽ dằn vặt khổ đau.

 

Đi vào cuộc đời như đi vào biển cả, biển phải có sóng, cuộc đời phải có khổ đau. Chúng ta đừng cầu Trời cho biển không sóng, cuộc đời không khổ đau mà chúng ta phải chuẩn bị hành trang để đi biển, để bước vào đời. Hành trang đó phải bằng lý trí chứ không bằng cảm xúc. Người trí tuệ đi tìm sự bền bỉ, chứ không tìm sự hào nhoáng bên ngoài. Sự bền bỉ đó là trau dồi tâm linh, để có đủ nội lực làm chủ được cuộc đời, làm cho cuộc đời an lạc trong từng giây phút hiện tại.

 

Phần giao lưu


Bạn Maria Têrêsa Trần Đình Cẩm Tú thuộc giáo xứ Hòa Bình (hạt Gò Vấp) xin thầy giải thích 4 câu thơ trong “Quy sơn cảnh sách”:

Tham luyến thế gian,
Ếm duyên thành chất
Tùng sanh chí lão
Nhất vô sở đắc.


Thầy trả lời: Những câu thơ trên giúp chúng ta nhận thức rõ cuộc đời là vô thường và ảo tưởng để rồi chúng ta chuyên chăm tu luyện trở về với cái bền bỉ, không tham luyến kẻo khổ, nên tìm an lạc trong đau khổ. Thầy giải thích cặn kẽ và khen bạn Tú theo đạo Chúa mà biết chọn sách hay của đạo Phật để đọc.


Thầy Thanh Phong đưa những trường hợp rất hóc búa để hỏi:


Ví dụ thứ nhất: Bạn A và bạn B chơi rất thân với nhau. Một ngày nọ, bạn B mượn tiền bạn A để kinh doanh; sau đó, bạn B không có khả năng chi trả, từ đây, tiền mất, tình bạn cũng mất, những cái mất mát này đã làm đau khổ cho A và B. Vậy, theo thầy, làm cách nào để trong đau khổ này, họ vẫn an lạc?


Ví dụ thứ hai: Có một vị thiền sư tu rất đắc đạo. Một ngày nọ, có cô gái mang thai và đổ vạ cho thầy. Cảm nhận đây là sự vu oan, thầy nén uất hận xuống, nhưng đến lúc vị này không còn làm chủ được nữa, nên chửi bới om xòm, ai cũng chửi, đến nỗi tu viện phải đóng cửa không dám tiếp ai. Vậy theo thầy, trong hoàn cảnh này, phải an lạc như thế nào?


Thầy Quang Thạnh trả lời sắc bén:


Bạn A và bạn B kết nhau vì tình cảm hay lý trí? Bạn B mượn tiền không trả là sai chắc rồi. Còn nữa, ai bảo bạn A cho mượn tiền, nếu không cho mượn thì đâu có khổ. Tự mình làm cho mình khổ. Giúp người vì luyến ái, tham ái nên mất đi nhận thức sâu sắc bằng trí tuệ.


Còn vị thiền sư, tu thế nào mà gặp chuyện rắc rối lại sân hận, như vậy là tu sai, chưa đủ tư cách. Muốn an lạc, vị này phải tu lại vì nếu thật sự chuyên tu thì đến đâu Phật cũng gia hộ.


Xơ Hồng Quế chia sẻ kinh nghiệm vượt đau khổ trong Kinh Thánh. Khi Thánh Phêrô nhìn vào Chúa thì vững vàng bước đi trên biển, còn khi Phêrô nhìn xuống nước thì hoang mang lo sợ sắp bị nhấn chìm. Xơ nói: “Bao lâu chúng ta nhìn vào Chúa thì chúng ta bước đi vững vàng trong cuộc đời, còn bao lâu chúng ta nhìn vào những tổn thương người khác làm cho ta thì ta sẽ mãi mãi cảm thấy đau khổ”. Cuối cùng, xơ cầu chúc mỗi người hãy trở thành một lọ nước hoa đem hương thơm cho đời, dù khi đã trao tặng hết, lọ nước hoa vẫn ngát thơm.


Cha Phanxicô X. Bảo Lộc - Trưởng Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn chia sẻ kinh nghiệm


Buổi giao lưu như có sự đan kết, hòa quyện giữa tín đồ của hai tôn giáo. Khi Đại Đức chưa đến thì cha Bảo Lộc chia sẻ “Cái nhìn của Kitô giáo về đau khổ và kinh nghiệm của cha” để thính giả khỏi đợi chờ. Trong giờ giải lao, ca sĩ Công giáo Thanh Sử hát bài “Đời Tăng Lữ” của Vũ Ngọc Toản và bài “Chúa không lầm” của nhạc sĩ Kim Long.


Khán giả mặc áo lam ngồi xen kẽ khán giả mặc áo dòng. Đại Đức nói chuyện ở Trung tâm Mục vụ mà an nhiên như thuyết pháp ở những ngôi chùa quen thuộc. Ước mong tín đồ các tôn giáo liên kết với nhau để giúp con người tìm được binh an ngay cả trong khổ đau.


Bài: Hoa Tâm  - Ảnh: Văn Chức

Nguồn: tgpsaigon.net

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...