Tìm hiểu Đạo giáo (23)
(tiếp theo)
Đạo giáo có các ngày lễ mừng hàng năm không?
Đối với từng cộng đồng tu viện, sinh nhật của vị thần chính thường là dịp lễ hội lớn hằng năm. Người mừng lễ tập trung ở đền và tượng thần chính, sửa sang lại tòa nhà gọn gang, sạch sẽ và tô điểm cho vị thần bằng bộ trang phục mới lộng lẫy. Thêm vào đó còn có nhiều ngày đặc biệt khác nữa. Năm Mới làm nổi bật sự khởi đầu mới mẻ, cùng với lễ mừng Lão Tử vào ngày đầu năm và các bài kinh đặc biệt dâng lên Ngọc Thánh vào ngày mùng tám, và Ngọc Hoàng vào ngày mùng 9/1.
Lễ mừng Ngọc Hoàng là một lễ hội kéo dài và đạt đỉnh điểm vào ngày rằm kèm theo Lễ hội Đèn Lồng. Lễ “Thanh Minh” rơi vào ngày mùng một tháng Ba. (Ở Trung Hoa Lục địa, lễ này không theo âm lịch nhưng luôn diễn ra vào ngày mùng năm tháng Tư). Mục đích chính của lễ này là nhớ tới người quá cố, sửa sang mồ mả, và cúng cơm. Các cuộc đua Thuyền Rồng vào ngày mùng năm tháng Năm tưởng niệm việc một thi sĩ ngày xưa bị chết đuối. Tuy nhiên, quan trọng hơn chính là việc tháng đó liên quan tới nhu cầu xua trừ thần bệnh vào lúc mà hạ chí đang tới gần, âm lực bắt đầu thay thế dương lực. Người hâm mộ TTCĐTH mừng Quan Âm lên trời vào ngày mười chín tháng Sáu. Vào ngày mùng bảy tháng Bảy, dân chúng mừng một đêm duy nhất khi Chức Nữ và Ngưu Lang (the Weaving Maid and the Cowherd), đôi vợ chồng thần, có thể ở bên nhau. Và ngày rằm đánh dấu sinh nhật của một vị thần Đạo giáo có tên là Thổ Thần, trong TTCĐTH được biết đến vua Thuấn minh quân. Tháng Bảy tập trung nhiều nghi lễ nhằm ủi an các cô hồn. Nổi bật nhất là lễ Vu Lan (Ghost Festival) vào ngày rằm, khi đó người dân tìm cách xoa dịu các hồn ma qua việc để thức ăn ở ngoài cho họ. Lễ hội trung thu mừng sinh nhật của nữ nguyệt thần, xưa kia là lễ hội ngày mùa, diễn ra vào rằm tháng Tám. Vào ngày mùng chín tháng Chín, được gọi là Song-Dương vì tính chất tốt lành của con số chín, người dân đã có lần đi tìm sự che chở nơi bùa hộ mạng và trốn chạy ác thần của vùng đất thấp bằng cách leo lên đồi. Ngày nay, đa phần người ta chỉ tản bộ trong không khí mùa thu trong lành. Vào rằm tháng Mười, người cúng bái kỷ niệm sinh nhật của một vị thần Đạo giáo có tên là Thủy Thần, trong TTCĐTH gọi là hiền giả Vũ (Yu). Một ngày hội mùa đông đánh dấu điểm chí của tháng Mười Một. Trước khi tháng Chạp qua đi được phân nửa, việc trồng trọt khởi sự cho Năm Mới.
Tại sao Năm Mới của Trung Hoa lại quan trọng thế?
Các ngày hội mừng Năm Mới của Trung Hoa có liên quan với sự đổi mới và các lực vốn hứa hẹn mang lại sự chở che cho năm tới. Trong các lễ mừng này, những người có tín ngưỡng của Trung Hoa đưa thêm hình ảnh của các nhân vật quan trọng như Bát Tiên và các phúc thần vào bảng danh sách thông thường của hệ thống biểu tượng. Năm Mới không phải là một lễ riêng của Đạo giáo, mà đúng hơn là một dịp đặc biệt mang tính đại chúng. Lễ hội bắt đầu khoảng mười ngày trước. Nó khởi sự khi các gia đình phái Táo Quân (Cao Jun) đi tường trình các việc làm của gia đình suốt năm qua cho Ngọc Hoàng. Vào ngày Đầu Năm, Táo Quân trở lại ngai của ông ở bếp, nơi gia đình nghênh đón ông bằng một tấm ảnh mới toanh trên tường. Hầu hết các gia đình tuân thủ một loạt những nghi lễ riêng, bao gồm những bữa ăn chuẩn bị đầy công phu và sự tôn kính tổ tiên. Trong suốt chừng khoảng hai tuần, người ta tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với thần tài. Các ngày hội kết thúc bằng Lễ hội Đèn Lồng vào ngày rằm đầu tiên của Năm Mới.
Lễ kỷ niệm quan trọng nhất của Đạo giáo là lễ nào?
Một sự việc rất quan trọng được gọi là nghi lễ Canh tân Vũ trụ (Cosmic Renewal) diễn ra cách nhau không đều và ở những nơi khác nhau. Trước kia nó theo chu kỳ sáu mươi năm, theo cách tính lịch cổ xưa tính theo “can và chi”. Giờ thì một số đền thường mừng nghi lễ này cứ mười năm một lần. Các chuyên viên nghi lễ tụng Kinh Ngọc Hoàng, cầu xin vận may cho tương lai.
Các tín đồ Đạo giáo và những người sống theo TTCĐTH có mừng sinh nhật của bất cứ nhân vật tôn giáo nào không?
Các thần lớn nhỏ thường được cho là có sinh nhật bởi vì đa số các thần trước kia là người thường. TTCĐTH đã biến vô số nhân vật của Đạo giáo, Phật giáo, và Khổng giáo thành những nhân vật quyền năng hơn. Sinh nhật sớm nhất trong năm là của Ngọc Hoàng, được mừng vào ngày mùng chín tháng Giêng. Vào ngày mùng ba tháng Hai, TTCĐTH tỏ lòng biết ơn Văn Trương Đệ Quân (Wen Chang Di Jun), thần văn chương và kiến thức. Sinh nhật của Quan Âm là vào ngày mười chín tháng Hai Huyền Thiên Thượng Đế (Xuan Tian Shang Di) sinh vào ngày mùng ba tháng Ba và được mừng trong khoảng bốn trăm đền của Đài Loan. Vị thần hầu như thuộc Đạo giáo có tên là Bảo Sanh Đại Đế (Bao Sheng Da Di), được mừng vào rằm tháng Ba. Mã Châu, thường được gọi là Dì Cả hay Bà Nội, được mừng vào ngày hai mươi ba tháng Ba. Vào ngày mười ba tháng Năm là ngày mừng Quan Đế. Ngày mừng Thị Thần là rằm tháng Sáu. Những người hâm mộ TTCĐTH mừng sinh nhật của Táo Quân vào ngày mùng ba tháng Tám, và Từ Đế Cung vào ngày rằm. Cũng vào ngày mùng ba tháng đó các tín đồ Đạo giáo mừng sinh nhật của Tư Minh, Thần Số mạng.
(còn tiếp)
John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.440-442.
---------------------------------------