Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 26. Cuộc đời Chúa Giêsu
Bài 26. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU
Trong suốt năm, Hội Thánh cử hành toàn bộ các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, từ lễ Truyền Tin (ngày 25 tháng 3) đến Lễ Chúa Thăng Thiên. Những cử hành phụng vụ này không chỉ đơn thuần là sự tưởng nhớ nhưng còn mang một tầm vóc lớn lao và sâu sắc hơn.
Đúng là Chúa Giêsu đã sống vào một thời điểm nhất định trong lịch sử, khi Augustô là hoàng đế Rôma. Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời tổng trấn Phongxiô Philatô. Tất cả những sự kiện này đã thuộc về quá khứ, và chúng ta có thể nhớ lại những sự kiện đó cũng như nhớ lại những biến cố khác trong quá khứ.
Thế nhưng việc tưởng nhớ này mang một ý nghĩa khác khi nói về Chúa Giêsu. Bởi lẽ chúng ta tin và tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, cho nên toàn bộ đời sống của Người mang tính chất “thần-nhân”. Tất cả những gì Người đã nói, đã làm, đã đau khổ – từ khi sinh ra ở Bêlem đến lúc phục sinh ở Giêrusalem – tất cả đều mang tính độc đáo duy nhất: đây không chỉ là cuộc sống chóng qua của một con người, nhưng là đời sống trên trần thế của Đấng là Con vĩnh cửu của Chúa Cha.
Sách Giáo Lý dành cả một phần dài để nói về “Những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô” (số 512-560). Từ “mầu nhiệm” ở đây muốn nói rằng: “Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người giáng sinh, cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình, và tấm khăn liệm ngày Người phục sinh, mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ về mầu nhiệm của Người… Những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa và sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giêsu” (số 515).
Nghiên cứu về cuộc đời Đức Kitô bằng những phương pháp của khoa lịch sử chắc chắn là điều đáng quý. Thật hữu ích nếu hiểu biết về lịch sử của thời đại đó, về hoàn cảnh sống ở Galilê, về những phong tục tôn giáo và tín ngưỡng của người Do Thái thời đó. Khoa khảo cổ đã đưa ra ánh sáng nhiều bằng chứng về Chúa Giêsu. Khoa nghiên cứu Kinh Thánh cũng đã góp phần lớn vào việc xây dựng chân dung lịch sử của Chúa Giêsu và môi trường sống lúc đó cách chính xác hết sức có thể.
Khách hành hương Thánh Địa cảm động biết bao khi tận mắt nhìn thấy mảnh đất Chúa Giêsu đã sống. Thế nhưng điều mà chúng ta phải quan tâm hơn, đó là mầu nhiệm của Đấng đã sống trên mảnh đất ấy. Khi chúng ta suy niệm về biến cố Truyền Tin ở Nadarét, hoặc nhìn thấy hội đường ở Capharnaum là nơi Chúa Giêsu giảng về Bánh hằng sống, hoặc ở Tagba và nhớ lại Chúa Giêsu đứng trên con thuyền của Phêrô mà giảng dạy… thì tất cả những sự kiện ấy đang là hiện tại. Không có gì trong cuộc đời Chúa Giêsu chỉ là quá khứ đơn thuần. Những sự kiện ấy, những biến cố ấy đang là hiện tại, vì Đấng đã trải qua những biến cố ấy là Đấng Phục Sinh, Đấng hằng sống, cả trong nhân tính của Người. “Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước nhan Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta” đến muôn đời” (số 519).
Trong sách hướng dẫn Linh Thao, thánh Inhaxiô Lôyôla khuyên chúng ta là khi suy niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, hãy hình dung cách cụ thể nơi chốn và quang cảnh Chúa đã sống, và cố gắng đi sâu vào tâm tình, niềm vui nỗi buồn của Chúa. Phương pháp này có ích lợi vì không những giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu như một mẫu mực, mà còn giúp chúng ta cùng sống với Chúa. Do đó, Sách Giáo Lý viết rằng “Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta” (số 521). Trong suốt Năm Phụng Vụ, Hội Thánh cử hành phụng vụ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời của Chúa, nhằm mục đích giúp chúng ta đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.