Yên lặng

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3615 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
"Chúng ta rất hạnh phước sanh trưởng nhằm thời kỳ Chí Tôn khai đạo, có chư Phật Tiên gần gũi dạy dỗ. Đó là cơ Phổ Độ Kỳ Ba. Có tu có đắc. Cơ cứu rỗi đó, chư Phật Tiên đã đến trần, dụng đủ hình thức giác ngộ, kêu gọi như túc còi linh. Tiếng túc còi linh cảnh tỉnh nhơn sanh như tiếng còi mục tử với đàn chiên trong buổi chiều tà xế bóng. Những đàn chiên ngoan ngoãn nghe tiếng còi dầu ở phương nào cũng quày trở về chuồng…" Bát Nhã Thiền Sư mùng 7 tháng giêng Quí Sửu (Trích Thánh giáo sưu tập).

Thật đúng như vậy. Nước Việt Nam chúng ta rất may duyên, hữu phước mà được đấng Chí Tôn khai cơ lập đạo trong Kỳ Hạ Nguơn Mạt kiếp nầy, và lại còn được chư Phật Tiên lâm phàm dạy dỗ mấy chục năm nay:

"LỜI LỜI CHÂU NGỌC, HÀNG HÀNG GẤM THÊU"

Những lời châu tiếng Ngọc ấy đã giúp chư vị tiền bối (đã quá vãng). Tu học, hành Đạo và liễu Đạo. Lịch sử trong Đạo đã ghi rõ. Chúng ta là những người hậu sinh, hậu học, hậu bối…tiếp nối bước đường Đạo nghiệp của Cha, Anh, Thầy Tổ để lại, tiếp tục Đạo Nghiệp của Người, cũng nên lần lượt giở ra xem lại những lời Châu tiếng Ngọc xưa để "học" và "hành".

Theo thông lệ hằng năm, vào tháng Giêng, Ơn Trên thường giáng dạy ban cho những đàn gọi là Đàn Xuân. Đặc biệt trong năm Quí Sửu, Ơn Trên giáng dạy trong đêm Giao Thừa, giờ Tuất với đề tài YÊN LẶNG

"Đêm nay, Thầy muốn các con "bình tâm" YÊN LẶNG trước Thiên Bàn, trước một mùa Xuân mà Chúa Xuân đang chào đón. Con ôi! Sự YÊN LẶNG để thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật. YÊN LẶNG tức là quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không sờ mó được, không nghe thấy được. YÊN LẶNG để tìm thấy cương vị của các con trong Sứ Mạng to tát giữa thời phổ độ Kỳ Tam.

Giờ giao điểm của tâm linh và vũ trụ cũng là giờ giao điểm của Đức Nguyên và vạn sinh. Nếu vào một thời kỳ khác, giờ đó các con sẽ nhấp chén trà thơm cạn tuần rượu cúc để đón Xuân. Nhưng trong lúc này, cần hơn lúc nào hết, cần ở tiềm lực quang năng của mỗi người có Sứ Mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ, cần đến tinh thần vạn năng của các sứ đồ trung kiên trong Đại Đạo.

YÊN LẶNG để điều ngự khỏi truân chuyên, YÊN LẶNG để chuyển phong ba trở thành bình địa. Sự YÊN LẶNG rất cần dùng ấy, con phải biết đến giá trị của phút giây YÊN LẶNG đó ".

Thật là quí báu.

SỰ BÌNH TÂM YÊN LẶNG

- Nho giáo gọi là Tĩnh tâm, Hư tâm
- Đạo giáo gọi là Tịnh tâm
- Phật giáo gọi là Vô Niệm Tâm

Chúng ta làm việc, sinh sống hằng ngày ngoài xã hội hay trong Đạo, trong tâm tư đều nảy sanh ra nhiều tư tưởng, nhiều vọng niệm, nên gọi là tâm Đa Niệm. Đến nỗi giờ cúng Tý – Ngọ – Mẹo – Dậu, chúng ta tập trung trước Thiên Bàn đọc kinh, tâm chú trọng vào lời kinh và nghi thức cúng lễ : đó là tâm trở về Nhứt niệm. Cúng xong chúng ta ngồi lại thiền và tịnh trước Thiên Bàn đó là tâm trở về Vô Niệm.

Tâm có Vô Niệm mới thông suốt và cảm thông được với chư linh ở cõi Hư Vô. Tâm có trống không mới tiếp được luồng điển Vô Vi của chư Vị ở cõi Hư Linh ban bố cho chúng ta hầu hóa giải mọi triền phược nghiệp báu bấy lâu ràng buộc đặng sáng suốt mà hành đạo, đặng sáng suốt mà học hỏi và tiến bước trên con đường về với Thầy và Mẹ.

Như vậy, chúng ta đã thực hành đúng theo câu:

- Nhứt bổn tán vạn thù (Đời)
- Vạn thù qui nhứt bổn (Đạo)

Hằng ngày chúng ta đem tâm từ "Đa Niệm" về "Nhứt Niệm" rồi vào "Vô Niệm". Lần lần như vậy, tâm sẽ thuần nhứt, sẽ thuần hóa, khi nhập khóa tu tịnh hằng năm tâm sẽ tiến bước mau trên đường tu tịnh.

Theo lời dạy của bài Đàn Xuân năm Quí Sửu thì: VÔ NIỆM tức là bình tâm YÊN LẶNG để:

1. Thần giao cách cảm: Các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật.

2. Quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không sờ mó được, không nghe thấy được.

3. Tìm thấy cương vị của các con trong Sứ Mạng to tát giữa thời phổ độ Kỳ Tam.

4. Điều ngự khỏi truân chuyên, chuyển phong ba trở thành bình địa.

Ước mong sao mọi người, khi vào Vô Niệm đạt được 4 điều mà Đấng Thượng Phụ đã nói trên đây. Để hiểu rõ thêm, xin ghi lại lời dạy của Đức Lão Tử trong Đạo Đức Kinh:

a. Chương 16 - Qui căn viết: TĨNH, thị vị Phục Mạng, Phục Mạng viết Thường, tu thường viết MINH". Nghĩa là : trở về gốc là YÊN LẶNG, tức là Phục Mạng, Qui luật Phục Mạng là thường hằng bất biến. Hiểu biết được thường hằng mới gọi là Sáng Suốt.

b. Chương 37: "Bất dục dĩ TĨNH, thiên hạ tương tự định" nghĩa là không có (hay dẹp Trừ) dục vọng để được YÊN LẶNG, thiên hạ sẽ tự yên định.

Trong bài Thánh Ngôn ngày 12.2. Kỷ Dậu, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn có dạy:

"Sự làm thinh im lặng ấy không phải là không làm, mà trái lại lúc làm thinh im lặng ấy lại làm việc rất nhiều và hiệu quả vô cùng."

Cũng như đã thấy và đã hiểu, Thượng Đế có nói ra một lời nào đâu (Thiên hà ngôn tai!) nhưng đã điều hành càn khôn vũ trụ, nhựt nguyệt tinh tú vận chuyển lưu hành theo nhứt luật thứ lớp tuần tự, trên cai quản ba mươi sáu cõi Trời, ba ngàn thế giới; dưới điều động bảy mươi hai quả địa cầu và bốn bộ châu lớn" (Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa, thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh – Kinh Xưng tụng Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế).

Chúng ta hãy suy gẫm thêm.
 
Mẫu Đơn
Nguồn: nhipcaugiaoly.com
Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...