Dũng mạnh để yêu thương (10)
Những ước mơ không thành hiện thực
"Khi nào tôi sang Tây Ban Nha,
tôi hy vọng trên đường đi
tôi sẽ ghé thăm anh em…"
(Rm 15, 24)
Một trong những điều làm ta phải đau lòng nhất, đó là ít ai trong chúng ta sống đủ lâu để nhìn thấy các ước mơ chân chính trở thành hiện thực. Các hy vọng của tuổi thơ, các hứa hẹn của tuổi trưởng thành, tất cả chỉ là những bản hòa tấu chưa hoàn tất. Trong một bức tranh nổi tiếng, họa sĩ George Fréderic Watt vẽ Thần Hy Vọng ngồi bình thản trên đỉnh địa cầu, đầu cúi xuống , nét mặt buồn buồn, ta gảy đàn - một cây đàn harpe chỉ còn là một dây duy nhất. Có ai trong chúng ta lại không phải đau khổ khi nhìn thấy các niềm hy vọng tiêu tan, ước mơ không thành hiện thực?
Trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, ta tìm thấy một minh họa rõ ràng cho vấn đề làm ta nhức nhối khi "mộng không thành thực": "Khi nào tôi sang Tây Ban Nha, tôi hy vọng trên đường đi sẽ ghé thăm anh em…". Thánh Phaolô ước ao sang Tây Ban Nha; như thế, ngài sẽ đem Tin mừng "đến tận cùng trái đất", vì miền đất này được biết đến như tận cùng của thế giới thời đó. Trên đường về, ngài cũng ước ao gặp gỡ các Kitô hữu Rôma - một cộng đoàn tín hữu dũng cảm kiên cường. Càng nghĩ về những điều này, ngài lại thấy lòng tràn ngập niềm vui. Từ nay, ngài tập trung chuẩn bị tâm trí để đem Tin mừng đến tận thủ đô là Rôma và đến tận cùng đế quốc là Tây Ban Nha.
Niềm hy vọng này làm thánh Phaolô phấn khởi biết bao! Nhưng chẳng bao giờ ngài lại đến Rôma đúng như ý ngài muốn. Trái lại, vì niềm tin vào Đức Kitô, ngài bị dẫn độ đến đây như một tù nhân và bị cầm giữ tại một căn nhà nhỏ bé. Và cũng chẳng bao giờ ngàu rảo bước trên các nẻo đường gió bụi mịt mù tại Tây Ban Nha, ngắm nhìn các sườn đồi thoai thoải hay quan sát đời sống náo nhiệt tại các bến cảng. Ngài bị đem đi giết tại Rôma để làm chứng cho Đức Kitô. Đời sống của ngài thật là một câu chuyện bi thảm của một ước mơ không thành hiện thực.
Trong cuộc sống, nhiều người cũng đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Ai trong chúng ta lại không ước mơ đặt chân đến một Tây Ban Nha nào đó, lại không đề ra một mục tiêu quan trọng và cố gắng đạt được mục tiêu đó với một chút ít vẻ vang nào đó? Nhưng cuối cùng ta không đến được Tây Ban Nha như ta mong ước, không hoàn toàn đạt được mục tiêu như ta đề ra. Chẳng bao giờ ta rảo bước trên con đường Rôma của ta; trái lại, các hoàn cảnh lại đưa đẩy ta phải sống trong một căn nhà nhỏ bé. Có một sự rạn nứt tai hại xuyên qua cuộc đời chúng ta, và cũng có một sự phân chia phi lý và không thể tiên liệu được xuyên suốt dòng lịch sử. Như tổ phụ Abraham, ta sống trên mảnh đất của lời hứa, nhưng thường lại không trở thành "những người đồng thừa kế cùng một lời hứa" (Dt 11, 9). Điều ta ước mơ luôn vượt xa điều ta nắm bắt được.
Sau những năm chiến tranh dành độc lập, Mahamat Gandhi đã phải chứng kiến cuộc chiến tranh đẫm máu giữa người Ấn Độ và người Hồi giáo: Ấn Độ và Pakistan phân chia thành hai quốc gia và điều này đã làm tiêu tan ước mơ mà ông ấp ủ suốt đời: một nước Ấn Độ độc lập, thống nhất, đoàn kết. Tổng thống Wilson đã nhắm mắt lìa đời trước khi thấy Hiệp Hội Các Quốc Gia được thành lập. Nhiều người da đen đã ao ước nhìn thấy ngày mình được sống tự do, nhưng đã phải ra đi trước ngày giải phóng đến. Sau khi cầu nguyện tại vườn Giệtsimani để khỏi uống chén đắng, Đức Giêsu đã phải uống đến giọt cuối cùng. Thánh Phaolô đã kiên trì và sốt sắng cầu xin Chúa cất cái dằm khỏi thân xác Ngài, nhưng nó vẫn đeo đuổi ngài cho đến ngày cuối đời. Các ước mơ không thành hiện thực đích thực là dấu in sâu vào cuộc đời con người phải chết vậy.
I
Trước khi quyết định phải sống thế nào trong một thế giới mà các ước mơ lớn lao nhất không bao giờ được thành hiện thực trọn vẹn, ta phải tự hỏi: bình thường, người ta phản ứng ra sao trong những trường hợp như vậy?
Có thể ta biến các thất vọng thành những nỗi đắng cay chua xót. Kẻ đi theo con đường này có thể trở thành dửng dưng, lạnh lùng, thù oán đối với Thiên Chúa, đối với những người chung sống với mình cũng như đối với bản thân. Không thể dồn Thiên Chúa hay đời sống vào chân tường, họ trút hết cơn giận lên người khác. Họ không yêu ai và không cần ai yêu mình. Họ không tin tưởng ai và cũng không cần ai tin tưởng mình. Họ độc ác đối với chồng hoặc vợ, bất nhân đối với con cái. Tắt một lời, họ quả là con người đê tiện. Nhìn người khác, việc khác, họ chỉ biết "vạch lá tìm sâu" và không ngừng kêu ca, than vãn.
Phản ứng như trên làm cho tâm trí bị nhiễm độc, nhân cách phải hủy hoại. Thật không có gì tai hại hơn cho một con người khi phải sống trong một tình trạn gnhu7 vậy. Y học ngày nay cho ta biết rằng, trong một số trường hợp, các bệnh đau dạ dày, thấp khớp, hen suyễn có thể phát sinh từ những bực bội, ấm ức tích trữ lâu ngày. Y học tâm thể nghiên cứu các bệnh phát sinh từ các tổn thương tâm thần, cho thấy rằng oán giận hận thù cũng có thể hủy hoại cơ thể con người.
Cũng có thể có một cách phản ứng thông thường khác: khi thấy hy vọng tiêu tan, con người rút lui vào torng các ranh giới của mình, sống co rúm khép kín, không để người khác đến với mình cũng như từ chối đến với người khác. Những con người như thế chỉ biết giơ tay đầu hàng; không còn cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống, họ tìm cách thoát khỏi cuộc sống để vươn tới một thế giới siêu việt, lạnh lùng. Họ là những "con người thoát tục". Quá dửng dưng để có thể yêu thương và quá lãnh đạm để có thể thù ghét; quá xa lạ để có thể sống ích kỷ và quá yếu nhược để có thể thờ ơ; quá thản nhiên để có thể đón nhận niềm vui và quá lạnh lùng để có thể hứng chịu nỗi buồn. Họ là những con người không chết cũng không sống. Họ chỉ có mặt đó thôi. Mắt họ mù và không còn nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên; tai họ điếc và không nghe được giai điệu của bản hùng ca; tay họ chai cứng và không còn cảm nhận được sự mơn trớn dịu dàng ấm áp của trẻ thơ. Sự sống biến mất nơi họ; chỉ còn lại cuộc sống lạnh lùng, trần trụi. Họ trở thành những con người cay nghiệt, yếm thế, bất lực, như Omar Khayyâm mô tả:
"Con người đặt hết tin tưởng vào hy vọng trần thế,
nhưng nó lại tiêu tan thành tro bụi… hoặc có thành tựu,
thì, một đôi khi, như tuyết rơi trên sa mạc,
nó lấp lánh một giờ hoặc hai… và biến mất".
Phản ánh như vậy là tách rời khỏi cuộc sống, lẫn trốn cuộc sống. Các nhà phân tâm học cho biết rằng, nơi những con người sống như vậy, nhân cách ngày càng suy yếu và cuối cùng bị hủy hoại. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh tâm thần phân lập.
Cũng còn có một cách phản ứng thứ ba trước các thất vọng trong cuộc sống: đó là chấp nhận sống theo thuyết định mệnh, cho rằng việc gì đến thì phải đến và các biến cố đã được đặt định trước. Thuyết định mệnh chủ trương rằng tất cả đều đã được quyết định trước và không sao tránh khỏi. Những người sống theo thuyết định mệnh chỉ còn biết cam chịu mọi sự mà họ xem là số phận dành riêng cho họ. Với thời gian, họ cảm thấy mình giống như những đứa trẻ mồ côi mất hút trong không gian vô tận đáng sợ. Tin rằng con người không được hưởng một sự tự do nào cả, họ không còn cố gắng tranh luận, quyết định, mà chỉ còn biết chờ đợi một cách thụ động các sức mạnh bên ngoài quyết định thay cho họ. Họ không bao giờ tỏ ra tích cực trong việc tìm cách thay đổi các hoàn cảnh của cuộc sống, vì họ tin rằng, như trong các bi kịch Hy Lạp, mọi sự đã được sắp đặt và điều khiển bởi các sức mạnh mà con người không thể chống lại. Một số người sống như thế có khi lại là những người rất "sùng đạo", xem Thiên Chúa là Đấng an bài mọi sự, quyết định số phận mỗi người. Một số bài thánh ca cũng nói lên quan niệm này, như trong đoạn sau đây:
"Đường đời con có đen tối,
số phận con có hẩm hiu,
con cũng chỉ biết ngậm miệng làm thinh,
và dâng lên Chúa lời ước nguyện:
Xin vâng theo ý Chúa".
Vì tin rằng tự do chỉ là huyền thoại, những người chủ trương thuyết định mệnh xem tất cả là tất định, và phó mặc cho định mệnh - một định mệnh làm họ phải tê liệt và dẫn họ tới chỗ kết luận rằng họ chỉ là "những quân cờ vô vọng trong ván cờ đang diễn ra ngày đêm". Họ cũng chẳng phải lo lắng gì về tương lai, vì 'điều gì đã viết là đã viết", và họ không thể thay đổi được câu nào, chữ nào.
Kẻ sống theo thuyết định mệnh giống như người lún sâu vào trong đụn cát và cuối cùng bị chết ngạt, về trí tuệ cũng như về tâm lý. Bởi vì sự tự do thuộc bản chất con người, nên khi phủ nhận sự tự do, người đó không còn là một nhân vị mà chỉ là một con rối. Dĩ nhiên, người sống theo thuyết định mệnh có lý khi xác tín rằng không có tự do tuyệt đối và rằng tự do luôn được thể hiện trong bối cảnh một cơ cấu nhất định. Kinh nghiệm hằng ngày cho ta thấy rằng con người được tự do đi từ Atlanta, tiến về phía bắc và đến Washington, hoặc tiến về phía nam để tới Miami, nhưng không thể nào tiến về phía bắc để tới Miami và về phía nam để tới Washington được. Tự do luôn ở trong khuôn khổ của cuộc sống, nhưng có tự do. Ta vừa được tự do vừa được định hướng. Tự do khi suy nghĩ, quyết định, đáp trả trong bản tính có định hướng của chúng ta. Cho dù cuộc sống có ngăn cản ta đến được một Tây Ban Nha rất hấp dẫn nào đó, nhưng ta có khả năng chấp nhận thất bại và làm một cái gì đó từ thất bại này, trong khi sống theo thuyết định mệnh chỉ có thể làm cho ta trở thành mù quáng và mất hết khả năng thích nghi với đời sống.
Hơn nữa thuyết định mệnh đặt nền tảng trên một quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, khi cho rằng tất cả mọi sự, tốt hay xấu, tất cả đều do bởi Thiên Chúa. Một tôn giáo lành mạnh luôn chống lại quan niệm xem Thiên Chúa là Đấng muốn sự dữ cho con người. Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra; nhưng Thiên Chúa không phải là nguồn gốc của sự dữ. Nói rằng Thiên Chúa muốn cho một trẻ em sinh ra phải mù, một con người phải điên, đích thực là một tà thuyết mô tả Thiên Chúa như một ác quỷ thay vì một người Cha đầy lòng yêu thương. Sống theo thuyết định mệnh cũng là một lối sống phó mặc trước những ước mơ không thành hiện thực - một lối sống buông thả và nguy hiểm, không kém lối sống khép kín, oán hận.
II
Vậy đâu là câu trả lời? Là tự ý chấp nhận các hoàn cảnh bất trắc, các nỗi bất hạnh bằng các bám chắc vào một niềm hy vọng sáng chói, là chấp nhận một thất bại có giới hạn, bằng cách gắn bó với một niềm hy vọng không có giới hạn. Đây không phải là thái độ cam chịu, đau khổ của kẻ sống theo thuyết định mệnh, nhưng là một thái độ tích cực như ngô sứ Giêrêmia đã mô tả:
"Đau khổ của mình chỉ có bấy nhiêu ư?
Thế thì mình sẽ chịu đựng nổi".
(Gr 10, 19)
Bạn phải đối phó nghiêm túc với các ước mơ không thành hiện thực. Lẫn trốn vấn đề bằng cách xua đuổi chúng khỏi tâm trí bạn chỉ có thể dẫn đến một tình trạng dòn nén tâm lý đầy nguy hại. Trái lại, bạn hãy đặt thất bại của mình lên bàn mổ và mạnh dạn quan sát thật kỹ càng. "Làm thế nào tôi có thể biến chướng ngại này thành một điểm xuất phát mới?". Bị cầm giữ trong một ngục tù Rôma nào đó và không thể đến được Tây Ban Nha mà tôi mơ ước, làm thế nào tôi có thể biến ngục tù thành bến cảng và ô nhục đau khổ thành sức mạnh cứu độ? Hầu hết những gì xảy đến cho ta có thể ở trong các ý định của Thiên Chúa. Suy nghĩ như vậy làm ta nhìn mọi sự với đôi mắt thiện cảm và giúp ta đánh bại tính kiêu căng. Thánh giá mà người đời độc ác bắt ta phải vác, lại là hàng chỉ trong tấm thảm rộng lớn là sự cứu chuộc mà Thiên Chúa đang ra công dệt nên.
Trong số các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới, nhiều người đã biến mũ gai thành triều thiên: Charles Darwin bị bệnh mãn tính, Robert Louis Stevenson bị bệnh lao phổi, Hellen Keller bị điếc và mỳ. Họ đã không có thái độ hận đời, phó mặc cho số phận, nhưng đã vận dụng sức mạnh năng động của ý chí để biến các hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực. Người viết tiểu sử Georg Friedric Haendel kể lại như sau:
"Sức khỏe tồi tệ, tiền bạc cạn kiệt, ông bị bán thân bất toại. Các con nợ đe dọa tống ông vào ngục. Và cũng có lúc ông cũng đã muốn buông xuôi… nhưng ông đã trấn tỉnh và đã sáng tác tác phẩm hay nhất trong đời ông: 'Đấng Mêssia'".
"Halleluia" ra đời không phải trong một ngôi nhà sang trọng, nhưng trong một căn phòng chật hẹp, nghèo nàn.
Có ý định rang Tây Ban Nha nhưng lại kết thúc cuộc đời trong ngục tù Rôma, đây quả là một kinh nghiệm quen thuộc đối với ta. Cũng như biến các mảnh vụn của hy vọng tiêu tan thành cơ may phục vụ ý định Thiên Chúa vậy. Đối với ta, sống cuộc đời năng động chính là chiến thắng bản thân và hoàn cảnh.
Là những người da đen, chúng ta luôn ước mơ sống tự do nhưng lại bị giam hãm trong một ngụ tù là sự kỳ thị chủng tộc. Chúng ta phải phản ứng thế nào? Bằng thù ghét oán hận chăng? Không đời nào! Vì làm như thế là làm suy yếu và hủy hoại nhân cách của chúng ta. Chúng ta phải kết luận rằng kỳ thị chủng tộc là điều Thiên Chúa muốn và ta đành phải cam chịu chăng? Không đời nào! Vì làm như vậy là xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách gán cho Người những điều xấu xa từ ma quỷ mà đến. Thụ động hợp tác với một chế độ bất công sẽ làm cho kẻ bị đàn áp trở thành xấu xa như kẻ đàn áp vậy. Cách thức hành động có hiệu quả chính là can đảm giữ vững quyết tâm luôn tiến lên và vượt lên trên các chướng ngại và các bất hạnh mà không sử dụng bạo lực. Là chấp nhận các thất bại trong khi vẫn luôn bám chặt vào niềm hy vọng, để rồi, cuối cùng, quyết tâm tiến lên, sẽ mở ra cho chúng ta các cánh cửa dẫn đến thành công. Sống trong ngục tù là sự phân biệt chủng tộc, chúng ta phải tự hỏi: "Làm thế nào chúng ta có thể biến chướng ngại này thành một khởi điểm?" Nhận biết rằng phải chịu đau khổ là điều cần thiết, chúng ta có thể làm cho nhân loại đạt tới tầm vóc viên mãn. Để khỏi rơi vào oán ghét hận thù, chúng ta phải xem các thử thách của thế hệ này như một cơ may có khả năng đổi mới chính chúng ta cũng như xã hội nước Mỹ vậy. Các đau khổ chúng ta phải chịu hiện nay, cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do mà chúng ta đang theo đuổi, tất cả có thể cống hiến cho nền văn minh Tây Phương một mầm mống của sự năng động tinh thần mà nền văn minh này đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng để sống còn.
Hẳn là một số trong chúng ta sẽ chết trước khi biết đến tự do, nhưng chúng ta phải tiếp tục cuộc hành trình. Chúng ta phải biết chấp nhận một thất bại có giới hạn, để không bao giờ đánh mất niềm hy vọng không có giới hạn. Có như vậy, chúng ta mới có thể sống mà không bị oán ghét làm mệt mỏi, hận thù làm tiêu hao.
Đây chính là bí quyết của tổ tiên chúng ta khi phải sống dưới chế độ nô lệ - một chế độ đê hèn và bất nhân. Những người nô lệ bị bắt, bị tách rời khỏi gia đình, bị trói chặt trong con tàu đưa họ từ châu Phi qua châu Mỹ. Đối với con người, không gì bi thảm hơn là bị tách rời khỏi gia đình, ngôn ngữ và cội nguồn của mình. Trong nhiều trường hợp, chồng mất vợ, con cái mất cha mẹ; vợ bị người da trắng làm nhục, chồng cũng không thể chống lại. Nhưng, dù phải chịu nhiều cực hình, tổ tiên chúng ta vẫn vươn lên để sống còn. Khi một ngày mới bắt đầu, những người nô lệ ra đồng hái bông trên những luống dài vô tận, dưới ánh năng gay gắt, dưới làn roi của những tên giám thị độc ác. Ngày nào cũng như ngày nào. Thế nhưng, những người nam và những người nữ can đảm này vẫn mơ ước một ngày mai xán lạn hơn. Họ không có cách nào khác là phải lám nô lệ, nhưng họ vẫn bám chặt vào niềm hy vọng được sống tự do. Sống trong một hoàn cảnh hầu như không có lối thoát, họ đã cố giữ cho tâm hồn luôn lạc quan - một sự lạc quan sáng tạo giúp họ đứng vững trong gian truân. Sức sống không bao giờ cạn kiệt nơi họ đã biến tối tăm thành ánh sáng, ô nhục thành hy vọng vậy.
Lần đầu tiên tôi đi từ New York đến London, với loại phi cơ cánh quạt và phải mất 9 giờ 30 phút, thay vì 6 giờ với loại phi cơ phản lực hiện nay. Lúc từ London trở về, người ta cho biết chuyến bay sẽ kéo dài 12 giờ 30 phút, trong khi khoảng cách giữa hai thành phố vẫn không thay đổi. Tại sao phải mất thêm 3 giờ? Khi viên phi công trưởng đến chào hành khách, ông đã giải thích như sau: "Chắc quí vị biết về sức mạnh của gió: khi đi thì xuôi gió, nên mau hơn; còn khi về thì ngược gió, nên chậm hơn". Và ông nói thêm: "Xin quý vị cứ an tâm, với bốn động cơ vừa mạnh vừa khỏe, chúng ta sẽ thắng được gió!". Cuộc đời chúng ta cũng có khi xuôi gió với các niềm vui, các thành công, các hình ảnh thuận lợi; nhưng cũng có khi ngược gió, với các nỗi buồn, các thất bại, các hoàn cảnh bất lợi. Phải chăng ta sẽ để cho gió ngược đánh bại ta khi vượt qua Đại Tây Dương, trong khi các động cơ tinh thần lại không ngừng hỗ trợ ta? Từ chối bị đánh bại, quyết tâm sống dũng cảm và tiến lên dù có nhiều chướng ngại, tất cả phản ánh hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta. Kẻ đã khám phá ra điều này thì biết rõ rằng không một chướng ngại nào có thể làm mình phải lung lạc, không một "cơn gió ngược nào" có thể làm tiêu tan hy vọng ở nơi mình. Con người đó có thể đứng vững dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa.
Thánh Phaolô đích thực là mẫu người sống dũng cảm. Cuộc đời của ngài là một chuỗi dài thất bại. Các dự định không thực hiện được, các ước mơ không thành hiện thực. Muốn sang Tây Ban Nha, nhưng ngài lại bị giam giữ trong một ngục tù nhỏ bé tại Rôma; muốn đi Bithinia, nhưng ngài lại phải xuống Troa. Muốn hoàn tất sứ mạng rao giảng Tin mừng, ngài "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, ngyu hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em" (2Cr 11, 26). Phải chăng ngài đã để cho các hoàn cảnh thắng được ngài? Ngài viết: "Tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào" (Pl 4, 11). Không phải thánh Phaolô đã học sống cam chịu, vì đời sống của ngài cho thấy ngài không bao giờ chấp nhận sống như thế. Trong cuốn "Ngày tàn và sụp đổ của Đế quốc Rôma", Edward Gilbon viết: "Hơn bất cứ một người nào khác đã đặt chân lên phần đất Tây Phương, Phaolô là người đã có nhiều đóng góp cho việc cổ võ sự tự do tại nơi đây". Phải chăng ngài đã để cho hoàn cảnh đưa đẩy? Đã học sống cam chịu chấp nhận một định mệnh khôn dò? Ngài đã phân biệt thế nào là giữ cho tâm hồn thanh thản, thế nào là lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, nên ngài đã học sống tự lập, đứng vững và không ngã lòng trước những thất bại ngài phải chịu trong cuộc sống.
Mỗi người trong chúng ta cũng phải học để biết phân biệt như thánh Phaolô đã làm, và, nhờ vậy, cũng được hưởng "sự bình an vượt trên mọi hiểu biết" (Pl 4, 7). Bình an mà thế gian có thể hiểu được là thứ bình an khi trời mùa hạ quang đãng, ánh sáng mặt trời chói lọi, tinh thần và thể xác vắng bóng đau khổ, và ta đến được bến cảng Tây Ban Nha. Nhưng thứ bình an này không phải là bình an thật. Bình an mà thánh Phaolô nói đến chính là sự bình thản của tâm hồn trước các khó khăn, sự bình tĩnh trong cơn giông tố, sự bình tâm ngay cả khi bị cuốn hút vào tâm bão. Chúng ta dễ dàng hiểu bình an là gì khi các nhu cầu của mỗi người được thỏa mãn, nhưng chúng ta lại bối rối khi nghe thánh Phaolô nói rằng chúng ta chỉ có được sự bình an thật khi mọi sự không xảy ra như mong muốn, khi gánh nặng đè lên đôi vai, khi đau khổ hành ah5 thân xác, khi phải giam cầm trong bốn bức tường của ngục tù, khi phải thất vọng ê chề. Bình an thật - một sự thanh thản không thể giải thích được - là sự bình an trong bão tố, là sự bình an trong thất bại.
Nhờ đức tin, chúng ta có thể đón nhận di sản của Đức Giêsu để lại cho chúng ta: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em" (Ga 14, 27). Tại thành Philipphê, thánh Phaolô bị tống vào ngực, thân xác bị đánh nhừ tử, chân bị cùm, tâm thần mệt mỏi, vậy mà vào quãng nửa đêm, ngài hát thánh ca ngợi khen Thiên Chúa. Trong thao trường, khi phải đối mặt với thú dữ bị bỏ đói, các Kitô hữu tiên khởi vui mừng khôn xiết vì thấy mình xứng đáng được chịu cực hình vì lòng yêu mến Đức Kitô. Sau một ngày làm lụng vất vả dưới ánh nắng mặt trời, thân xác rã rời vì mệt mỏi, vì các lằn roi quất vào lưng, tổ tiên chúng ta cũng ca khúc khải hoàn: "Rồi có ngày tôi cũng sẽ cất được gánh nặng đè trên đôi vai". Trên đây là một vài ví dụ về sự bình an vượt trên mọi hiểu biết.
Từ những ước mơ không thành hiện thực, chúng ta có thể có được cái nhìn tích cực, xây dựng, vì, cuối cùng, chúng ta tin vào Thiên Chúa. Một niềm tin đích thực làm cho chúng ta xác tín rằng bên kia cuộc sống có Sự Sống. Cho dù các hoàn cảnh hiện nay có tỏ ra bất lợi và làm ta phải buồn phiền đến đâu chăng nữa, thì chúng ta vẫn biết rằng chúng ta không chiến đấu một mình. Thiên Chúa chia sẻ với chúng ta ngục tù chật hẹp nhất, tồi tệ nhất đang làm tinh thần chúng ta phải suy sụp. Và ngay cả khi chúng ta có chết mà không tận hưởng được những gì đã được hứa ban ở trần gian này, thì, bằng con đường bí ẩn là cái chết, chúng ta vẫn tới được thành đô được dọn sẵn cho chúng ta. Sức sáng tạo của quyền năng Thiên Chúa không hề bị cuộc sống trần gian làm cạn kiệt, và tình yêu của Thiên Chúa cũng không hề bị cầm giữ trong các ranh giới là thời gian và không gian. Vũ trụ này sẽ vô cùng phi lý khi, cuối cùng, Thiên Chúa không nối kết được nhân đức và thành công. Và cũng vô cùng phi lý khi sự chết dẫn nhân loại vào ngõ cụt. Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã trừ khử nọc độc của sự chết và giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sự chết. Đời sống trần thế của chúng ta là sự báo hiệu của sự sống lại vinh quang và sự chết là cánh cửa dẫn chúng ta đến đời sống vĩnh cửu.
Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta khả năng chấp nhận cách khôn ngoan điều không thể thay đổi được, đối phó một cách bình thản với các khó khăn, các thất bại, cũng như chịu đựng các đau khổ lớn lao mà không đánh mất niềm hy vọng, vì như thánh Phaolô nói, từ sự chết hay sự sống, tại Tây Ban Nha hay tại Rôma, "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là những kẻ được Người kêu gọi theo như ý định người" (Rm 8, 26) (1).
Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.119-132
____________________
Chú thích:
(1) Martin Luther King; "Rêves détruits" trong "La Force d' aimer", Casterman, Paris, 1965, trg.131-143. Tóm tắt.
* Bài liên quan: