Nói về cái Tâm - Định Pháp Minh Thiện

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3240 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2016 2:28:01 PM | RSS

BÀI GIẢNG CỦA NGÀI ĐỊNH PHÁP MINH THIỆN TẠI CHÙA TAM TÔNG MIẾU,
RẰM THÁNG 7 NĂM MẬU TUẤT (29.8.1958)

Thưa chư quí Ông, chư quí bà,
Thưa các đạo hữu Nam nữ,

Hôm nay là Ngày vía Trung-nguơn, các chùa đâu đâu cũng đều thiết lễ long trọng, cốt để cho bổn đạo và Bá tánh thập phương đến chiêm bái Phật Trời, sau là nghe kinh nghe giảng.

Tại chùa Tam-Tông Miếu, chúng tôi thờ Thượng Đế và ba vị Giáo chủ, là : Tây-Phương Phật-Tổ, Thái-Thượng Lão-Quân, và Văn-Tuyên Khổng-Thánh.

Tam giáo đều dạy tu tâm, mà tâm có nhiều nghĩa, nên cần phải phân biệt ra cho rành rẽ, các bực Tiền-bối đã giải thích nhiều rồi nhưng kỳ thiệt ít ai hiểu cho thấu đáo.

Xét vì tâm là một vấn đề căn bổn trong phép tu hành, nay tôi cũng xin góp ý kiến để giúp cho các bạn tu hành một phần nào.

A.- ĐỊNH NGHĨA CHỮ TÂM

I.- Nghĩa Sanh-Lý

Đây nói về cái tâm thịt. Ấy là một cơ quan vận huyết trong thân thể con người: Tâm nầy là một tạng trong ngũ tạng của thân thể, nên cũng gọi là tạng tâm.

Tạng tâm ở trong lồng ngực, mà trịch qua tay trái một chút. Hình nó như cái bông sen búp, chưa nở. Ta hãy đặt bàn tay ta lên ngực, phía tay trái thì nghe nó đập mạnh, để vận huyết đi khắp cả châu thân.

Theo môn sanh-lý học dạy, nhờ tạng tâm mà khi phát ra đi, huyết màu đỏ đem chất bổ nuôi nấng cho cả đầu mình chơn tay. Khi trở về, huyết rút chất trược các nơi nên thành ra máu xanh, phải nhờ có dưỡng khí của phổi rút trong không khí của Trời để khử trược. Rồi huyết trở lại đỏ tốt chạy về tạng tâm, để bắt đầu châu lưu nữa, tuần huờn như thế mãi mãi.

Các tạng phủ khác bịnh hoạn, thì sự sống còn có thể kéo dài một ít lâu. Chớ tạng tâm mà bịnh và không vận huyết được, thì sự chết trong nháy mắt. Đũ thấy tạng tâm nơi đây tuy thuộc về vật chất, mà phận sự của nó cũng quan hệ lắm.

II.- Nghĩa Triết-Lý

Theo Triết lý phương đông, thì cái tâm, ngoài phận sự vật chất nói trên, lại còn phát sinh ra tư tưởng. Các sự hiểu biết, khôn ngoan đều do nơi tạng tâm mà có. Các nhà Triết-học phương tây lại nói: sự suy nghĩ, khôn ngoan do cái não; còn tình tự gốc ở tâm.

Thành thử cái não chủ về trí, cái tâm chủ về tình. Tình mà phát ra lộn xộn, có khi trái lẽ, là vì thiếu suy nghĩ.

Có phái lại cãi rằng: Cái chi cũng do tâm, còn óc chỉ là một cơ quan để giúp cho tâm về sự phân biệt lành dữ, phải chẳng mà thôi.

Nói về tư tưởng, hiểu biết mà thuộc về con đường lành, các nhà Triết học phương tây gọi tâm là lương tâm. Lương tâm có hai nghĩa: có phái chủ trương về sự kinh nghiệm mà hiểu biết, còn phái khác là cho rằng cái tâm tự nhiên khôn thiêng, có việc chẳng cần phải học hỏi hay là kinh nghiệm mà cũng biết được. Thiết tưởng hai nghĩa đều cũng có phần đúng, là tùy theo trường hợp , tùy theo phương diện mà xét. Đây tôi xin miễn bàn rộng thêm nữa.

III.- Nghĩa Nho-Giáo

Mục đích cứu cánh của Nho-giáo là “Tồn tâm dưỡng tánh” nghĩa là: gìn giữ cái tâm, nuôi nấng cái tánh.

Sách Đại-học luận rộng về cái tâm, lấy sự tu thân làm gốc. Cho nên nói: “Tự thiên-tử dĩ chí ư thứ-dân, giai dĩ tu thân vi bổn”. Còn sách Trung-dung nói rõ về cái tánh, lại lấy sự xuất tánh gọi là Đạo. Cho nên trong ba cương lãnh lớn của sách ấy, có nêu câu “Suất tánh chi vị Đạo”[Trong bài tựa sách “Trung-dung chương cú đại toàn”. Hồ thị có nói rằng: “Trong sách Đại-học, chẳng thấy nói đến chữ tánh cho nên trong bài tựa Châu tử nói tánh rõ ràng. Còn trong sách Trung Dung chẳng thấy nói đến chữ tâm, cho nên bài tựa nầy nói về tâm rõ ràng.”]

- Tâm và tánh khác nhau ở chỗ nào?

Trình tử nói: “Tánh hay là tâm cũng là một lý. Nói về lúc bẩm nơi Trời thì gọi là tánh. Nói về khi tồn tại nơi người thì kêu là tâm”.

Sách Dưỡng-Chơn tập nói: “Người ta chỉ có một cái tâm, ra ngoài là tình, vào trong là tánh, đi xuôi là thức, trở ngược là trí. Đủ thấy tâm là tên chung bao quát tất cả, nào là tình, nào là tánh, nào là thức, nào là trí. Cũng là tâm, mà tùy theo cách vận động, nên gọi tên khác nhau đó thôi.”

Sách Mạnh-tử nói: “Đạo là cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ ”. Nghĩa là: Phép Đạo là kiếm cái tâm chạy dông dài ra ngoài mà đem nó lộn ngược về đó thôi. Trên nói: Cầm giữ cái tâm cũng là đồng một nghĩa đó.

Nhưng xin đừng tưởng tâm là vật có hình tướng, mà đi kiếm nó ở ngoài để đem về cầm giữ. Tuy cách nói như thế, chớ ta phải hiểu rộng ra như vầy. Chỉ vừa hay phóng tâm ra ngoài, thì tưởng rằng: Cái tâm nầy là tâm của ta, nó phải do nơi mạng lịnh của ta. Ta chẳng đặng tin theo nó mà để cho nó tự do đi dông dài ra ngoài. Tuy cái tâm bị che lấp đã lâu (bị trần nhơ bao phủ), nếu ta rán sức cổ võ, thì cũng có thể thức tỉnh nó được.

- Cổ võ, thức tỉnh bằng cách nào?

- Cổ võ là lập chí mạnh mẽ, thức tỉnh là xét thấu lẽ phải.

- Nhà Nho dùng ba phương pháp là: Tỉnh-sát, khắc-trị, và tồn-dưỡng.

a) Tỉnh-sát: Tỉnh-sát nghĩa là: Xét cái tâm của mình coi mỗi ngày là 12 giờ, nó ở trong mấy giờ, ra ngoài mấy giờ, nó tư tưởng cái nào phải, nó tư tưởng việc gì quấy. Cách tỉnh-sát nầy phải cho công bình, minh-chánh, không nên có chỗ thiên vị cho mình, hay là làm qua loa lấy có.

b) Khắc-trị: Trước nói Tỉnh-sát là tìm biết kẻ giặc. Còn đây nói Khắc-trị là giết chết kẻ giặc, thì phải một đao chặt làm hai đoạn. Ý nói: chặt một đao cho ngon, chẳng khá dung dị lỗi mình.

Những kẻ muốn trừ nhơn dục, các tư tưởng xấu, thì cũng phải làm như thế, mới mong sau nầy đặng thành công. Bằng mà tự trị không nghiêm tỉ như kẻ nông phu dẩy cỏ, mà không đào xới tới gốc rễ của nó, thì có ngày cỏ ấy sẽ mọc trở lại.

c) Tồn-dưỡng: Tồn-dưỡng là hai chữ vốn chẵng lìa nhau. Nếu chẳng tồn, nghĩa là cầm giữ, thì mới dưỡng, nghĩa là nuôi nấng cái chi?

Sau khi khắc-trị các tư tưởng xấu, ta còn giữ lại những tư tưởng lành mạnh. Chúng ta phải nuôi nấng các tư tưởng đó và mỗi ngày làm cho nó phát triển thêm lên mãi. Thầy Châu-tử gọi công phu nầy là “Hàm dưỡng bổn nguyên”, nghĩa là: hàm súc, tồn dưỡng cái tâm là chánh gốc của mình.

Đời sau cuốn “Minh-Nho học án” giải đích xác công phu của Nho giáo như vầy:

Cái bổn thể của tâm vừa khởi động, vừa không khởi.

Tuy là vọng niệm phát sanh, nhưng lương-tri luôn luôn tồn tại, im lặng. Chỉ tại người không biết tồn (cầm giữ), cho nên tâm có lúc lại phóng tứ ra ngoài.

Tuy tâm phóng tứ ra ngoài làm cho con người phải tối tăm, nhưng lương-tri bên trong chưa từng chẳng sáng suốt. Chỉ tại người không biết sát (xét đoán), cho nên có lúc nó bị sự mê lầm che khuất.

Tuy là tâm có lúc phóng tứ mà bổn thể của nó chưa từng không tồn tại, là nhờ ta biết tồn (cầm giữ) đó thôi. Tuy là tâm có lúc bị che khuất, mà bổn thể của nó chưa từng không sáng suốt, là nhờ ta biết sát (xét đoán) đó thôi.

Vì đó mà Nho giáo nói: “Tánh vô bất thiện”, nghĩa là : cái tánh của ta không có chi chẳng lành, tức là: trong bổn thể không hề có mảy hào hung dữ. Bất kỳ người nào cũng đồng đều sẳn có cái tánh lành ấy cả.

Chỉ vì cái tánh ấy bị vật dục che tối, cho nên cần phải tu học để gở cái màn che ấy mà thôi. Chớ trong bổn thể của lương tri, có gì phải thêm, phải bớt đâu!

Sách Tam-tự dựa theo đây mà khởi đầu như vầy : “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện”, nghĩa là: Ban sơ tánh người vốn lành. Nhiều người vội phê bình, không xét đoán kỷ càng, cho rằng: tánh con người đâu phải ai cũng lành mà nói như thế!

Phải: Tánh người đâu phải lành hết, nếu thiếu tu học. Nhưng đây không phải nói về tình hình hiện tại, mà chỉ nói về khi ban sơ, là lúc dĩ vãng mà thôi. Xin để ý tới chữ : vốn lành, chớ nào phải nói vẫn lành.

Cũng xin đừng hiểu lầm: lúc ban sơ là lúc con người mới sanh ra còn trẻ nít. Chữ Ban sơ nầy nói vể bổn thể, về cái tánh chất của con người từ thuở khai thiên lập địa, lúc bất đầu mới có loài người kia lận mà!

Lúc ban sơ, tánh ta là một điểm linh quang, do Trời ban phú, nghĩa là : gốc từ nơi Trời mà sản xuất, tự nhiên phải trong sạch, sáng suốt. Vì Trời trong sạch, sáng suốt, có lẽ nào cho ta một cái tánh nhơ bợn, đen tối.

Nó có nhơ bợn, đen tối chăng, là từ khi tiếp xúc với cõi thế gian, bị ngoại cảnh ô nhiễm lần lần. Nếu ta không tìm học Đạo lo tu hành, để quay đầu trở về gốc cũ, thì ô nhiễm càng thêm ô nhiễm. Thế thì sao còn gọi được là tánh lành nữa?

Nho giáo nói: “Tồn tâm dưỡng tánh”, nghĩa là: giữ cái tâm đừng để phóng tứ, dẹp trừ cái ô nhiễm, dưỡng cái tánh vốn lành nói đây, ngõ đem nó trở lại trong sạch, sáng suốt như ban sơ.

Nho giáo, chủ về cải thiện đời sống của gia đình, của xã hội, nên tuy cũng luận tâm, mà nói về phần tư tưởng của con người nhiều hơn.

IV.- Nghĩa Đạo-Giáo

Mục đích cứu cánh của Đạo-giáo là: “Tu tâm luyện tánh”, nghĩa là: Trau sửa cái tâm, trui rèn cái tánh.

Đạo giáo cũng nói về cái tâm, thì phân tích có phần rõ ràng hơn. Chữ tâm nầy chẳng phải chỉ những tư tưởng bị phát sanh, mà chánh nó là ngôi phát sanh ra các tư tưởng ấy, là chủ tể của thân thể, là cái hồn của con người.

Tư tưởng tỉ như cái đồng hồ, cái hồn tỉ như anh thợ làm đồng hồ. Trước phải có anh thợ làm đồng hồ, rồi sau mới có người làm ra cái đồng hồ. Cũng thế, trước phải có cái hồn, rồi sau mới nảy sinh ra tư tưởng. Thế thì cách luận chẳng phải căn cứ trên hiện tượng, mà nó đi sâu lần vào bổn thể, vào thiệt tướng một phần nào.

Nho-giáo chia ra có tư tưởng xấu và tư tưởng tốt, thì Đạo giáo cũng chia ra có tâm động và tâm tịnh: Động là trược, tịnh là thanh.

Bởi tâm động, nên sách Châu Dịch gọi cái tâm ấy là Du-hồn. Du nghĩa là : từ chỗ nầy trấy sang chỗ khác, lưu động hoài không ngừng nghỉ. Ta hãy nghe sách Châu-Dịch giải chữ hồn đây:

Hồn là một vật, hay rời rạc chẳng định, lìa cái nầy bắt cái kia, lìa cái kia bắt cái nọ, luân hồi không cùng, nhiều kiếp mà chẳng hư hoại. Còn phách do phần linh của khí huyết trong thân thể con người mà sanh, nên mất hay còn đều do thân thể. Thân nầy tan rã, thì phách cũng mất theo đó.

Hồn là một hột giống luân hồi đời đời kiếp kiếp : làm người, làm quỉ cũng là tự nó, làm Thánh làm Hiền cũng là tự nó, làm lành làm dữ cũng là tự nó, mang lông đội sừng cũng là tự nó. Thân nầy tuy chưa sanh, chớ nó đã có trước rồi. Còn khí tuy chưa tuyệt, chớ nó đã đi trước rồi.

Đương lúc đứa trẻ mới xé bọc chun đầu ra khỏi lòng mẹ, khóc oa oa lên vài tiếng, thì hồn theo tiếng khóc đó mà nhập vô khiếu của đứa trẻ. Vừa nhập khiếu, hồn đã thọ hậu thiên mộc khí, và hiệp với tiên thiên nguơn tánh, thì cái giả dựa vào cái thiệt mà tồn tại. Cho nên đứa trẻ khi xổ lồng mà không có tiếng khóc, thì nó chẳng thành được con người, khó sống. Vì Du-hồn chưa nhập vào xác thân.

Tuy là có sẵn nguơn-tánh ở đó, chớ một mình nguơn-tánh không thể nào tồn tại được.
Đạo-giáo nói: “Tu tâm luyện tánh”, tức là tu Du-hồn, nghĩa là đừng để nó đi dông, đi dài, vậy mới là có thể luyện nguơn-tánh được.

Kinh Huỳnh-đình nói rằng:
Thuyết ngũ tạng các hữu phương,
Tâm vi quốc chủ ngũ tạng vương.
Ý trung động tịnh khí đắc hành,
Đạo tự trì ngã, thần quang-minh.

Nghĩa là:

Mỗi tạng đều có phương pháp riêng,
Tâm là quốc chủ, vua ngũ tạng.
Trong ý động, tịnh, khí mới chuyển,
Đạo “tự trì ngã”, thần sáng suốt.

Đoạn nầy chỉ chỗ diệu dụng của phép: Cùng tâm.

Cùng tâm nghĩa là: Học hỏi, tìm biết cái tâm cho tột nghĩa, cho ráo lý.

Phải biết: Trong ngũ tạng, mỗi tạng có một công năng khác nhau, không tạng nào giống với tạng nào. Tâm có phận sự lớn lao hơn hết, là vì nó làm đầu cả năm tạng. Tỉ như ông vua cai trị một quốc gia, làm đầu cả thiên hạ vậy.

Tâm làm chủ hết trong thân thể, chẳng cần phải nói. Nhưng trong tâm lại có ý phân ra có động, có tịnh. Ý động thì khí hành, ý tịnh thì khí êm lặng. Cho nên khí hành hay êm lặng, đều do nơi ý động, tịnh mà ra cả.

Đạo là lý ở trong chỗ ý động tịnh đó. Cho nên nói: “Đạo tự trì ngã, thần quang minh”.

Chữ tự nghĩa là ngã (ta). Đây nói tự trì ngã, có phải là ta trì ta không? Trì có nghĩa là: nắm quyền hành trong tay, hay sai sử điều khiển. Động cũng không phải tâm, tịnh cũng không phải ý. Sự động tịnh ấy tự nơi ta chủ trì, nghĩa là làm chủ.

Ta kềm chế, sai sử, chẳng phải là khi nó phát sanh, mà phải sai sử kềm chế trước lúc nó phát, mới là phải : tâm trì tâm, chớ không phải tặc trì tâm.

Nếu ta giữ vững cái tâm như vậy, thì cái ý động tịnh đều là ta với ta, không có ai lọt vào đó mà phá rối ta được. Làm như thế, Nguơn-thần hay là Chơn-tâm mới từ trong phát hiện, đã rõ mà sáng, chẳng hề mê muội.

Nếu ta tự trì không nổi thì tâm ta chẳng rõ chẳng sáng. Nguơn-thần không phát hiện ra thì Đạo do đâu sanh ? Nguơn-thần là ý ở trong tâm, ở giữa khoảng chẳng động chẳng tịnh, đương lúc hoạt bát, là gốc của Đạo.

Tự trì cái tâm như thế gọi là “Tu tâm”. Rồi tự nhiên trong tâm mới có Nguơn-thần phát hiện, Nguơn-tánh sáng suốt, thì gọi là “Luyện tánh”.

Luận về chi tiết, thì Nho-giáo và Đạo-giáo có chỗ khác nhau. Nhưng luận về căn bổn, thì hai bên vẫn có một mục đích mà thôi. Lời nói tuy có khác, mà công phu tu tập cũng đều chú về tâm tánh cả.

V.- Nghĩa Phật-Giáo

Mục đích cứu cánh của Phật-giáo là: “Minh tâm kiến tánh”, nghĩa là: làm cho sáng cái tâm, thì sẽ thấy rõ cái tánh.

Cho nên Ngài Đạt-Ma tổ sư là vị khai sáng phái Thiền-tông của Phật-giáo ở miền Đông-độ, có nói rằng: “Phái ta không phải dạy dông dài, cứ chỉ ngay cái tâm của con người; hễ ai thấy được tánh ở trong tâm thì thành Phật (Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật).

Nhưng phải biết: Phái Phật chia cái tâm ra nhiều loại mà luận rộng lắm, từ cái bực thấp là cái tâm thịt, cho tới bực tối cao là cái tâm Chơn thiệt, ở vào khoảng giữa, không biết bao nhiêu cái tâm mà kể. Rộng lắm là trên 600 thứ Tâm, rộng vừa vừa là 100 thứ; còn hẹp lại là 4 thứ tâm. Đây nói nhiều thứ tâm, kỳ thiệt đó chỉ là các đức tánh của tâm mà thôi.

Sau nầy tôi xin kể sơ lược bốn thứ Tâm:

a) Tâm Nhục-đoàn (tâm thịt), b) Tâm Duyên-lự, c) Tâm tập-khởi, d) Tâm Chơn-thiệt.

a.- Tâm Nhục-đoàn.- Tức là tâm thịt vận huyết, như trên đã giải rồi.

b.- Tâm Duyên-lự.- Tức là cái tâm lo nghĩ, vì duyên với các cảnh ở ngoài.

Lo nghĩ không phải tự nó không không mà phát hiện. Như con mắt đối với sắc tướng, mới có cảm giác những màu mè tốt xấu, rồi cái tâm mới dựa theo cảm giác đó mà lo nghĩ, chọn lựa. Lỗ tai đối với tiếng tăm mới có cảm giác lời người ta nói ra thuận hay nghịch rồi cái tâm mới dựa theo cảm giác đó mà lo nghĩ, phiền muộn hay vui vẻ. Nói về miệng mủi, tay chơn, thì cũng thế.

Vậy thì cái tâm Duyên-lự không phải là thiệt có, chỉ do cái cảnh tiền trần cảm xúc mà phát sanh. Một khi tiền trần kia không còn nữa, thì cái tâm ấy cũng mất luôn.
Thế thì nó chỉ là cái bóng dáng của tiền trần hiện trong cái tâm đó thôi.

c.- Tâm tập-khởi.- Đây là chỉ cái tâm A-lại-da dồn chứa hột giống nơi trong, để sau nầy phát hiện hành các pháp ra ngoài.

Hột giống nói đây là hột giống vô hình, do sự tập quán mà có. Nhưng nó nảy nở phát sanh như hột giống hữu hình kia vậy.

Mỗi tư tưởng, mỗi việc làm bằng miệng hay là tay chơn đều có gieo giống trong cái tâm ta cả. Nếu sau nầy, ta còn tư tưởng và làm các việc làm đó nữa, thì hột giống càng thêm mạnh mẽ. Bởi cớ đó, ta thường làm một việc chi, thì việc ấy lâu ngày càng thấy dễ dàng mãi.

Cái tánh nầy cũng chẳng phải là tánh tự nhiên sẳn có. Nó nhờ thói quen, làm một việc chi nhiều lần mà thành, chớ kỳ thiệt không có thi