Vài nét sơ lược về lịch sử Thánh Thất Bàu Sen

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 6503 | Cật nhập lần cuối: 12/23/2017 3:51:59 PM | RSS

Thánh Thất Bàu Sen là một trong ba Thánh Thất do ông Phan Thanh thành lập (trong đó có Liên Hoa Cửu Cung và Nam Thành Thánh Thất).

Thánh Thất Bàu Sen tọa lạc tại số 59/9 Trần Phú, Phường 4 – Quận 5 – TP. Hồ Chí Minh. Thánh Thất bàu Sen được xây dựng vào năm 1949.

Vào năm 1947 vì chiến tranh loạn lạc nên ông Phan Thanh đưa bổn đạo từ Liên Hoa Cửu Cung – Thủ Đức đến Sài Gòn trú ngụ tạm thời nơi các Thánh Thất để lánh nạn. Kế đó ông tìm cách mướn đất lập cơ sở Phước thiện và tạo nơi ở cho bổn Đạo.

Đến năm 1949, được ông Lê Văn Châu (thuộc dòng dõi Huyện sĩ) là bạn đồng nghiệp đứng ra cho mướn 6 lô đất giúp ông Phan Thanh tạo nơi ở cho bổn Đạo. Đất gồm các lô 44-45-46-47-48-49 với tổng diện tích 240 m2.

Sau đó biết được ông Phan Thanh mướn đất để lập cơ sở Phước thiện nên ông Lê Văn Châu ký giấy hiến luôn 6 lô đất trên mà không đòi hỏi điều kiện nào. Được dịp tốt ông Phan Thanh lập phòng Chẩn tế Xã hội, kế đó mở Phổ tế Học đường.

Đến tháng 3 năm 1949 một ngôi điện thờ Đức Chí Tôn bằng vật liệu thô sơ được ông Phan Thanh khởi công xây cất. Cùng thời điểm này ông chia đất cho bổn Đạo xây nhà, mỗi gia đình một nền nhà cùng diện tích bằng nhau, để cư ngụ và cùng nhau sanh sống bằng nghề bán sương sâm.

Đến năm 1950, ông lập cô Nhi Viện Bàu Sen. Từ đó Ngôi Điện Thờ Đức Chí Tôn được chính thức mang tên Thánh Thất Bàu Sen. Sở dĩ gọi là Bàu Sen vì vùng đất này trước đây là một cái bàu trồng sen rất lớn. Và ông Thanh muốn cho bà con trong bổn Đạo có cuộc sống vĩnh viễn tại đây nên ông Phan Thanh tạo dựng Thánh Thất theo hình chữ VẠN ở giữa khu đất và bà con cất nhà ở chung quanh.

Sau một thời gian dài trải qua những năm tháng nắng mưa, nên vật liệu thật sơ xây dựng Thánh Thất ban đầu không còn bền chắc nên đến tháng 4 năm 1967, Thánh Thất Bàu Sen được tái thiết và tồn tại đến ngày nay.

Đặc biệt lối đi dẫn vào Thánh Thất Bàu Sen có tới hai cổng ở hai con đường, đó là 59/9 Trần Phú, quận 5 và 338 An Dương Vương, quận 5. Trên hai cổng chính này đều có bảng ghi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - Cao Đài Giáo Lý Thánh Thất Bàu Sen. Thoạt nhìn tấm bảng có dòng chữ này chúng ta cũng chưa rõ hết được nội dung ý nghĩa của chữ Cao Đài Giáo Lý mà các bậc tiền khai tạo dựng để lại, nhưng tìm hiểu mới thấy có ý nghĩa thâm sâu vì hàng tiền đạo muốn nhắc nhở chúng ta:

Gặp gỡ nhau trên dòng Giáo Lý,

Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài,

Không còn phân biệt Đông Tây,

Không còn phái nọ, chi này Phật Tiên.

và tuân hành theo tôn chỉ đó nên Thánh Thất Bàu Sen là một thánh thất độc lập không thuộc hệ phái nào.

Thánh Thất Bàu Sen với một quá trình dài hành Đạo gần nửa thế kỷ, trải qua thăng trầm của lịch sử, các Ban Cai Quản gồm các vị Chánh Hội Trưởng từ xưa đến nay như sau:

1. Lê Văn Mới (liễu đạo)

2. Đặng Văn Liêu (liễu đạo)

3. Đặng Văn Trữ (liễu đạo)

4. Phạm Duy Tẩy (liễu đạo)

5. Cao Văn Giang (liễu đạo)

6. Nguyễn Văn Sấn (liễu đạo)

7. Nguyễn Văn Tôn (đương chức)

Trải qua lịch sử hình thành và xây dựng Thánh Thất Bàu Sen. Bổn Đạo chúng tôi không thể không tri ân sâu xa công đức cao dày của Vị tiền khai tạo dựng Thánh Thất trong những thời kỳ khó khăn đầu tiên khi Thánh Thất được hình thành. Để ghi nhớ công ơn đó, sau đây chúng tôi xin tóm tắt vài dòng về Tiểu Sử của Đạo Trưởng Phan Thanh:

Đạo Trưởng Phan Thanh sinh quán tại làng Bình Trị Đông (Bà Hom) của Tỉnh Chợ Lớn cũ, cha ngài là một Thầy Lang gốc miền Trung, mẹ ngài là một người con gái của gia đình nông dân nghèo trong xã. Khi cậu bé Thanh ra đời có tướng: miệng rộng, cằm bạnh, mắt sáng, trán cao, đầu lớn, tóc mây, chứng tỏ của một con người có nhiều ý chí, việc gì khi đã quyết tâm thì làm cho kỳ được. Thuở thiếu thời ông rất thông minh, siêng năng học hành, ngoài giờ học ông còn làm việc đồng áng phụ giúp gia đình. Khi mùa màng đã rảnh mẹ ngài cho ngài đi làm tại tiệm làm tương của người Hoa ở Chợ Lớn, do ngài thông minh nên được chủ thương cho đi học chung với con gái của chủ tại Trường Tiểu Học Chợ Lớn. Sáu năm sau ngài thi đậu Tiểu Học Pháp Nam, sau đó thi đậu vào Trường Bá Nghệ Sài Gòn được học bổng và ở nội trú. Khi ra trường được bổ đi lính Hải Quân Pháp. Khi mãn lính về làm tài xế cho ông Kinh Lý Đinh Văn Kế. Do tính cần mẫn và biết sửa máy xe hơi nên được ông Đinh Văn Kế để ý, chọn làm môn đồ cho đi đo đất, phóng tiêu, vẽ họa đồ ruộng đất. Nhân nhà nước Pháp mở khoa thi chọn Kinh lý ngài được đổ tối ưu và được cấp bằng hành nghề Kinh lý của nhà nước và được quyền mở Phòng Đo đất – Ngành Trắc địa, rồi làm chức Thanh Tra kinh lý. Sau đó ông lập gia đình và sinh được 3 người con.

Về sự nghiệp hành Đạo, Đạo trưởng Phan Thanh đã tạo dựng nhiều công trình đáng kể như sau:

- Vào năm 1936, được ơn trên dạy Đạo Trưởng đến tạo tác Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung.

- Vào năm 1940, ơn trên truyền lịnh lập Hiệp Thiên Môn, kích thước kiến trúc do ơn trên ấn định. Đạo Trưởng Phan Thanh lập ra Thiên Đạo Học Đường.

- Vào năm 1942, nhờ có Thiên Đạo Học Đường nên cơ bút giáng dạy thường xuyên cho nhơn sanh học hỏi tu hành, qua đó Đạo trưởng lập ra Cao Đài Giáo Lý Viện.

- Vào năm 1948 ngài tạo tác Thánh Thất Nam Thánh.

- Vào năm 1949 ngài xây dựng Thánh Thất Bàu Sen.

Trong công tác hành Đạo, Ngài đã đề xướng 3 tiêu chuẩn như sau:

1. Chẩn tế Xã hội.

2. Liên Giao Chi Phái.

3. Phổ thông Giáo Lý.

Vào năm 1950, ngài rời bến Sài Gòn ngày 10.6 bằng tàu Athes II để sang Ấn Độ, Anh và Pháo lãnh sứ mạng truyền đạo và giao tiếp với các nhà Đạo Đức và Tôn Giáo trên Thế giới. Ngài được mời dự Hội Nghị Quốc Tế khai mạc vào ngày 18.8.1950 tại Luân Đôn để tìm giải pháp hòa bình cho dân. Sau đó ngài đến Pháp và mất vào ngày 12.1.1952 tại đường Rousseaw, số 1 Verseilles France.

Sau khi thoát xác, Đạo Trưởng được đắc vị Bạch Liên Tiên Trưởng. Ngài giáng đàn rất nhiều tại Thánh Thất Bàu Sen, Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung và Nam Thành Thánh Thất.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài giáng cơ dạy Đạo của ngài tại Thánh Thất Bàu Sen, Tuất thời đêm Giáng Sinh 24.12.1971 như sau:

THI

Người còn có kẻ đã đi đâu,

Mà nước mà non vẫn một màu;

Dải đất năm xưa rừng dã thảo,

Khung Trời hiện tại ngọn phi lao.

Chở đầy cam lộ khi mưa nhuận,

Che mát nhơn sanh lúc nắng xào;

Về viếng Hồ Sen miền thế Đạo,

Nào ai tri kỷ tỏ âm hao.

BẠCH LIÊN TIÊN TRƯỜNG PHAN THANH, Tiên huynh chào chư hướng đạo Thiên ân, chào các em lưỡng phái đàn tiền.

Hôm nay ngày lễ liên giao hành đạo của các em nơi Thánh Thất Bàu Sen, nhân dịp lễ Giáng Sinh Đức GIA-TÔ GIÁO CHỦ, Tiên Huynh trước hết vâng lịnh TAM TRẤN OAI NGHIÊM đến với các em để gởi lại đôi lời về sự hành đạo của các em trong tinh thần khích lệ của một Tiền-Bối đối với người hiện hữu thế gian. Vậy Tiên Huynh miễn phép, các em đồng đẳng an tọa.

Này các em! Nhìn chung quanh công cuộc hành đạo trong lúc này bằng nét tổng quát, Tiên Huynh rất mừng thấy các em là những hành Hướng Đạo, những người hành Đạo, đều bước sang một giai đoạn, mặc dù không phải là mới, nhưng nó biểu hiện được đúng tinh thần tôn chỉ của Cao Đài Đại Đạo mà Đức Chí Tôn đã vạch ra. Đó là vấn đề thống nhứt tinh thần bằng sự hòa đồng tình huynh đệ và thể hiện sự cộng tác lẫn nhau.

Hỡi các em! Tiên Huynh cũng nhớ rõ, ở dạo nào đó, Tiên Huynh cũng với những bạn đồng thời, nhiệt thành lo đạo không ngoài mục tiêu qui hiệp tinh thần. Điều đó lúc nào cũng cần, nếu lúc đó còn tha thiết đến việc phổ độ nhơn sanh hoằng hóa chơn truyền. Các em lớn tuổi hiện tiền cũng nhận thấy điều đó, cho nên không phải đặt vấn đề chán nản ngã lòng trước một vài thất bại, vì công cuộc mình đã xem là trường kỳ, là mọi thời, như sự sống cần phải có vậy.

Sự sống ấy được dễ dãi hay túng quẩn đều tùy thuộc ở hoàn cảnh kinh tế và điều kiện hoạt động chân tay. Hành trình Đại đạo không xa hơn định luật ấy. Tiên Huynh rất mong mỏi tinh thần đó, như một ngọn lửa miên trường trải dài từ bao thế hệ, chỉ có tắt đi khi con người trên xã hội này hoàn toàn được tốt đẹp an vui.

Đến phần các em nơi Bàu Sen này cũng như nơi Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung:

Hỡi các em! Tiên Huynh thành thật khen ngợi các em có ý muốn noi chí tiền nhân của Tiên Huynh đây chẳng hạn, nhưng mà này các em! Hình ảnh tên tuổi của Tiên Huynh là một hình ảnh, một tên tuổi, một sư vang ngôn ngữ chết, không sống động và không có công năng gì, nếu các em chỉ đoái hoài thờ kính với một tấm lòng khô khan đóng kín ở những lúc canh thâu tịch mịch hay ở những khi có sự trống trải tâm hồn.

Tiên Huynh muốn các em bao giờ cũng hiện thực, bao giờ cũng tiến bộ hơn cái đà cũ kỹ của Tiên Huynh ngày xưa. Đàn anh của các em chỉ mong cho các em dựa vào đà cũ để bắt thêm những nhịp cầu mới mẻ vững bền, chớ không muốn cho các em an phận cầm chừng để thừa hưởng cái danh dự ngày xưa còn sót lại rồi thôi. Những đường lối các em được di chúc lại từ nơi Tiên Huynh, hiện các em đã cố gắng thực thi nhưng vẫn chưa sốt sắng để đạt thành, nào là phổ thông giáo lý, liên giao hành đạo và chẩn tế khuyến thiện. Đó là những điểm đại cương các em cũng cần có những điều kiện phụ thuộc vào; chẳng hạn muốn thực hiện các đường lối trên, trước hết các em phải có phương tiện gì để xúc tiến. Có lẽ phần kinh tế tài chánh là phương tiện mạnh mẽ nhứt để hỗ trợ các điểm nêu trên.

Tất cả những chi tiết ấy, các em chung nhau cố gắng làm theo tinh thần cố hữu.

Các em ôi! Một khi muốn tương lai có cái gì gọi là đẹp đẽ, là tiến bộ, thì hiện tại các em phải bắt đầu lo liệu ngay đi. Đừng mặc cảm yếu đuối kém cỏi rồi buông xuôi mà than với thở rằng không có người, không có nhơn tài cáng đáng. Thôi thì cứ chấp nhận một sự thật khiêm nhượng ấy đi để đào luyện xây dựng những gì mình đang dự tưởng, nghĩa là muốn có người đủ tài đủ hạnh ra làm hướng đạo, thì bổn phận kẻ đương thời phải rèn luyện cho nên. Muốn thực hiện điểm phổ thông giáo lý cho hoàn hảo, thì phải lo trau dồi học tập cho chính chắn, chịu lắm công phu mới thành tựu; hay muốn có người đảm đương công việc xã hội từ thiện chẩn tế cũng phải tốn công đào luyện theo qui cũ mà phạm vi luật đạo định ra.

Tóm lại, ngoài những thiết sót trên đường hướng lập công bồi đức ra, Tiên Huynh cảm ơn và khen ngợi tinh thần của các em biết theo đuổi chí hướng của đàn anh trong Đại Đạo, và Tiên Huynh mong mỏi từ đây các Thánh Thất, Thánh Tịnh chung quanh, và riêng Liên Hoa Cửu Cung với Bàu Sen tiến bộ hơn nữa để Tiên Huynh khỏi hổ thẹn hình ảnh danh dự và tinh thần của mình đã, đang được các em ở cõi trần thờ kính.

Mấy dòng lưu lại ở đàn nay

Nam nữ các em tạc dạ rày;

Trên lộ trình xa nung ý chí,

Những hàng Tiền bối hộ bên vai.

Thôi các em vui vẻ hành đạo, hẹn gặp lại các em trong sự thành công đáng kể trên sứ mạng.

Giờ này có điển quang của Đức Thánh Linh đến giờ hướng đạo và các em đồng thành tâm tiếp điểm, Tiên Huynh chào chung, giã từ.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,

Công Bình – Bác Ái – Từ Bi (Niên Đạo 76)

Sưu Tập 12 Bài Thánh Giáo của Chúa Kitô, Thánh Thất Bàu Sen, năm 2000, tr. 89-98.