Dũng mạnh để yêu thương (14)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 997 | Cật nhập lần cuối: 7/11/2021 9:16:30 PM | RSS

Trả lời một câu hỏi gây nhiều bối rối

"Tại sao chúng con đây
lại không trừ nổi tên quỷ này".

(Mt 17, 19)

Dũng mạnh để yêu thương (14)Trải qua các thế kỷ, con người đã kiên trì cố gắng xóa bỏ sự dữ trên mặt đất này. Hiếm khi con người có thể hoàn toàn thích nghi với sự dữ bởi vì, cho dù có có lý giải, thỏa hiệp, lánh mặt, con người vẫn biết rằng "có" không phải là "có thể có", và điều hiện có không phải là điều có thể có. Mặc dầu gian dâm, ích kỷ, độc ác, thường trỗi dậy mãnh liệt trong lòng người, nhưng cũng từ đáy lòng có cái gì đó cho con người biết rằng những điều xấu xa ấy đã len lỏi vào lòng mình, và rằng vận mệnh con người còn cao trọng hơn, điều an ủi con người còn thanh cao hơn. Con người thường bị lôi cuốn hướng về điếu xấu xa, nhưng lại luôn bị đánh động bởi ước muốn điều tốt lành. Tuy tìm cách thích nghi với thời gian, con người vẫn biết rằng vĩnh cửu mới thật là ngôi nhà cuối cùng của mình. Một khi quay về với lòng mình, con người biết rằng sự dữ chỉ là một vị khách không mời mà đến và cần phải được tống khứ ra khỏi lòng mình, nếu con người muốn đạt tới phẩm tước tinh thần và đạo lý.

Nhưng vấn đề luôn làm con người phải bối rối là không thể thắng được sự dữ với sức riêng của mình. Con người ngạc nhiên tự hỏi: "Tại sao tôi không thể khử trừ sự dữ? Tại sao tôi không thể xua đuổi sự dữ ra khỏi cuộc sống?".

Câu hỏi này làm chúng ta lo âu, bối rối, đồng thời nhắc chúng ta nhớ lại sự kiện xãy ra sau khi Đức Giêsu hiển dung. Từ trên núi đi xuống, Người gặp một đứa trẻ bị kinh phong. Các môn đệ đã cố gắng chữa em nhưng không được. Các ông càng cố gắng thì càng ý thức rằng mình bất lực và quyền năng của mình cũng có giới hạn. Thất vọng, các môn đệ muốn bỏ cuộc. Chính vào thời điểm này, Đức Giêsu đến với các ông. Cha đứa trẻ kể cho Người nghe chuyện các môn đệ đã không thể chữa con ông. Đức Giêsu liền "quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất và đứa trẻ được khỏi ngay từ giờ đó". Sau đó, các môn đệ hỏi riêng Đức Giêsu rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?". Các môn đệ muốn Đức Giêsu giải thích cho biết tại sao họ lại không thể làm được chuyện ấy. Người nói cho họ biết là vì họ thiếu lòng tin: "Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: 'Rời khỉ đây, qua bên kia', nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không thể làm được". Họ đã cố gắng thực hiện điều mà họ chỉ thực hiện được sau khi từ bỏ mình và tin vào Thiên Chúa, đồng thời lòng tin của họ phải đạt tới một mức độ để sức mạnh của Thiên Chúa có thể nhờ họ mà đến được với người khác một cách dễ dàng.

I

Làm thế nào để khử trừ sự dữ? Con người thường đi theo hai con đường để xóa bỏ sự dữ và, nhờ vậy, giải thoát thế giới.

Con đường thứ nhất mời gọi con người xóa bỏ sự dữ bằng sức lực của chính mình. Con người xác tín một cách kỳ quái và ngây thơ rằng nhờ suy tư, phát minh, hoàn bị guồng máy cầm quyền mà cuối cùng sức mạnh sự dữ sẽ bị đánh bại. Hãy cho mỗi người một cơ may hưởng một nền giáo dục thật tốt và sẽ tự cứu được mình. Cách suy nghĩ này lan rộng như một chứng bệnh truyền nhiễm trong thế giới ngày nay, đồng thời hạ thấp Thiên Chúa, đề cao con người và thay thế sự điều khiển khôn ngoan của Thiên Chúa bằng sự vụng về của con người. Một số người nghĩ rằng quan niệm này xuất phát từ thời Phục Hưng, khi lý trí truất phế tôn giáo, hoặc, sau này, khi "Các Nguồn gốc các loài" của Darwin thay thế niềm tin vào công cuộc tạo dựng bằng thuyết tiến hóa, hoặc khi cuộc cách mạng công nghiệp hướng con người đến hưởng thụ và sống thoải mái. Dẫu sao ý nghĩ cho rằng con người có khả năng xóa bỏ các tai họa trong dòng lịch sử cũng là một ý tưởng có từ lâu và làm phát sinh tinh lạc quan ngây ngô trong thế kỷ XIX, quan niệm về một tiến trình tiến bộ không thể tránh được, chủ trương của Rousseau về tính bản thiện nguyên thủy của con người, hay xác tín của Condorcet cho rằng chỉ có lý trí mới đưa thế giới này thoát khỏi sự ác, nghèo khổ, chiến tranh.

Với niềm xác tín mãnh liệt vào các khả năng của lý trí và khoa học, con người bắt tay vào việc biến đổi thế giới. Con người không còn quan tâm đến Thiên Chúa, đến đời sống nội tâm, để tập trung chú ý đến thế giới bên ngoài và các khả năng của nó. Con người quan sát, phân tích, nghiên cứu. Phòng thí nghiệm trở thành thánh đường, các nhà khoa học đóng vai trò các tư tế và ngôn sứ. Một nhà nhân văn tin tưởng khẳng định:

"Tương lai không thuộc về các thánh đường nhưng về các phòng thí nghiệm, khong thuộc về lòng đạo đức nhưng về tính hiệu năng. Cuối cùng, con người ý thực được rằng mình chính là người duy nhất chịu trách nhiệm về việc xây dựng thế giới như mình ước mơ, đồng thời là người có đủ mọi khả năng cần thiết để thành công trong việc biến ước mơ thành hiện thực".

Con người đã đưa thiên nhiên ra trước tòa án khi tiến hành nghiên cứu khoa học. Không một ai nghi ngờ rằng công việc nghiên cứu trong các phòng thì nghiệm đã tăng thêm một cách đáng kể sức mạnh, tiện nghi, đã đưa con người lên tận tầng mây và vượt qua cả biển cả với vẻ uy nghi oai vệ.

Thế nhưng, cho dầu khoa học có thành công vượt bậc, thì các tai họa vẫn còn đó, và thời đại của lý trí lại trở thành thời đại của kinh hoàng. Ích kỷ và hận thù vẫn không bị xóa sổ với việc phát triển hệ thống giáo dục và luật pháp. Một thế hệ trước đây tràn trề lạc quan thì nay lại bối rối tự hỏi: "Tại sao chúng con lại không trừ nổi tên quỷ này?".

Câu trả lời quả là đơn giản: tự sức mình, con người không bao giờ có thể xóa bỏ được sự dữ khỏi mặt đất. Niềm hy vọng của các nhà nhân văn chỉ là một ảo tưởng phát sinh từ sự lạc quan quá đáng khi tin rằng con người nguyên thủy vốn tốt.

Tôi sẽ là người cuối cùng lên án hàng vạn người, tuy không phải là tín hữu thuộc các Giáo hội, nhưng vẫn thiệt tình tham gia các phong trào bảo vệ con người và xóa bỏ các tệ nạn xã hội trên thế giới. Thật tình mà nói, tôi quý trọng các nhà nhân văn có trách nhiệm hơn một Kitô vô trách nhiệm. Nhưng trong số hàng vạn con người hăng say tìm kiếm một sự cứu độ cho con người ngay trong thế giới này, thì đã có biết bao con người vỡ mộng, trở thành bi quan đến độ không sao hiểu nổi. Lý do là vì các cố gắng của họ được đặt nền tảng trên một thứ ảo tưởng không am hiểu tận tường các yếu tố căn bản của bản tính con người phải chết.

Tôi cũng không muốn coi thường tầm quan trọng của khoa học và tất cả những gì thời Phục Hưng đã đưa chúng ta ra khỏi vũng lầy là mê tín dị đoan và chân lý nửa vời, đến núi cao chan hòa ánh sáng là phân tích có tính cách xây dựng và phê phán khách quan. Uy tín của Giáo hội là điều không thể chối cãi được. Nhưng liên quan đến các vấn đề thuộc lãnh vực khoa học, Giáo hội cần loại bỏ những gì làm tê liệt sức khai phá, các quan niệm lỗi thời, các lời lên án đáng hổ thẹn. Thời Phục Hưng đã cố gắng giải phóng trí tuệ con người, nhưng đã tỏ ra lạc quan thái quá khi quên rằng con người có thể phạm tội.

II

Con đường thứ hai mời gọi con người xóa bỏ sự dữ bằng cách vâng phục và chờ đợi Thiên Chúa giải thoát thế giới này khỏi sự dữ vào thời điểm Người muốn. Ý tưởng này phát xuất từ một quan niệm bi quan về bản tính con người: con người tội lỗi không còn có khả năng làm được điều gì tốt lành nữa. Ý tưởng này được đề cao vào Thời Cải Cách. Đây là một phong trào cải cách rộng lớn, phát huy dự tự do con người trong đời sống tinh thần và thiêng liêng và, nhờ vậy, giúp Giáo hội thời Trung Cổ ra khỏi tình trạng thoái hóa và bất động. Sự công chính hóa nhờ đức tin, chức vụ tư tế phổ quát của người tín hữu, đó là những nguyên tắc căn bản các người Tin Lành chúng ta phải luôn tuyên xưng. Nhưng Giáo hội Cải Cách đã quá nhấn mạnh đến sự hư hỏng của con người. Thời Phục Hưng đã tỏ ra quá lạc quan; còn thời Cải Cách lại quá bi quan. Thời Phục Hưng coi trọng tính tốt của con người đến nỗi quên khi khuynh hướng chiều về điều xấu; còn thời Cải Cách nhấn mạnh đến sự yếu đuối của con người đến nỗi bỏ qua khả năng làm điều tốt. Thời Cải Cách đã làm đúng khi nhấn mạnh con người là con người tội lỗi không thể tự cứu mình, nhưng đã làm sai khi khẳng định hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị hoàn toàn hủy diệt.

Điều này đã dẫn đến quan niệm của Calvin, theo đó, con người là "con-người-hoàn-toàn-hư-hỏng", đồng thời cũng làm trổi dậy quan niệm về hình phạt các trẻ em phải chịu trong hỏa ngục. Con người hoàn toàn hư hỏng đến nỗi một trẻ em chết khi chưa được rửa tội thì phải "sa hỏa ngục đời đời". Tội trạng con người đã được nhấn mạnh một cách quá đáng.

Nền thần học không quân bình của thời Cải Cách về sự hư hỏng toàn diện của con người thường nhấn mạnh đến "một tôn giáo hướng tới đời sống mai sau". Vì không tìm được một hy vọng nào trong thế giới hiện tại, cá nhân mỗi người được mời gọi tập trung cố gắng chuẩn bị "phần hồn". Không xem cải cách xã hội là cần thiết, tôn giáo rời xa dòng chảy mãnh liệt của cuộc sống. Có ban lãnh đạo giáo hội nghĩ rằng họ hành động đúng khi chỉ đạo một thừa tác viên: "Phải rao giảng Phúc âm tinh tuyền và không đề cập đến các vấn đề xã hội". Kết quả là Giáo hội không còn có khả năng thích ứng với các hoàn cảnh xã hội và, trong các buổi họp, các tín hữu chỉ còn nghe lặp lại các lời khuyên vô bổ, nhàm chán.

Vì không coi trọng việc Tin mừng có liên quan đến con người toàn diện, phần xác cũng như phần hồn, cách thức giảng dạy mất quân bình này chỉ có thể dẫn đến một sự phân chia bi thảm nơi con người. Để xứng đáng với nguồn gốc của mình như được trình bày trong Tân Ước, Giáo hội phai cố gắng biến đổi đời sống cá nhân mỗi người, cũng như thay đổi các cơ cấu xã hội đang làm cho biết bao người phải sống trong lo âu, sợ hãi, trong cảnh nô lệ bạo tàn.

Quan niệm cho rằng con người phải chờ đợi một mình Thiên Chúa ra tay hành động, cũng dẫn đến một hiểu lầm dai dẳng về cầu nguyện. Nếu Thiên Chúa làm hết mọi sự thì con người chỉ còn việc kêu cầu Người và, như vậy, biến Thiên Chúa thành một người đầy tớ mà người ta vẫy gọi mỗi khi cần và vì bất cứ chuyện gì. Thiên Chúa được xem là Đấng Uy Lực vô song, còn con người thì hoàn toàn bất lực đến nỗi cầu nguyện thay thế lao động và vận dụng trí tuệ. Có người nói: "Tôi tin vào sự hòa hợp chủng tộc, nhưng chỉ có sự hòa hợp chủng tộc nếu Thiên Chúa muốn. Vậy, các người da đen hãy chấm dứt đấu tranh và bắt đầu cầu nguyện". Tôi xác tín rằng chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ, hướng dẫn trong cuộc đấu tranh cho hòa hợp chủng tộc, nhưng chúng ta sẽ sai lầm trầm trọng khi nghĩ rằng chiến thắng sẽ đến với chúng ta chỉ bằng lời cầu nguyện mà thôi. Thiên Chúa ban cho chúng ta trí tuệ để suy nghĩ, thân xác để lao động. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại hành động trái với ý định của Người khi nghe lời cầu xin và ban cho chúng ta điều mà đáng lẽ chúng ta có thể có được nhờ lao động và vận dụng trí tuệ? Cầu nguyện là một điều bổ sung kỳ diệu và cần thiết cho các cố gắng yếu kém của chúng ta, nhưng cũng là một điều bổ sung nguy hiểm. Khi ông Môsê dẫn dân Israel đến Đất Hứa, Thiên Chúa đã cho thấy cách rõ ràng Người không làm thay họ những gì họ có thể tự mình làm được. "Đức Chúa phán với ông Môsê: 'Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ nhổ trại lên đường!" (Xh 14, 15).

Chúng ta phải ti1ch cực cầu nguyện cho hòa bình nhưng cũng phải nỗ lực hoạt động cho cuộc giải trừ quân bị và chấm dứt thí nghiệm hạt nhân. Chúng ta phải vận dụng trí tuệ đề ra các chương trình để thiết lập hòa bình tương tự như để cầm quân xung trận. Chúng ta phải không ngừng cầu nguyện cho công bằng chủng tộc, nhưng cũng phải có những chương trình hành động bất bạo động trong quần chúng, đồng thời vận dụng tối đa các khả năng xác hồn chúng ta để chấm dứt bất công. Chúng ta phải không ngừng cầu nguyện cho công bằng xã hội, nhưng cũng phải tích cực hoạt động để biến đổi xã hội hầu có được một sự phân phối tốt hơn các của cải tại quốc gia chúng ta cũng như tại các quốc gia chậm phát triển trên thế giới.

Những điều này đã chẳng cho thấy rằng thật là sai lầm khi nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ xóa bỏ sự dữ khỏi mặt đất, trong khi con người ngồi nghỉ thảnh thơi bên vệ đường đó sao? Sẽ không bao giờ có một tia chớp từ trời xuống tiêu diệt sự dữ. Sẽ không bao giờ có một đạo binh thiên thần từ trời xuống buộc con người làm điều họ từ chối làm. Sách Thánh không mô tả Thiên Chúa như một ông hoàng quyền năng quyết định mọi sự liên quan đến thần dân, hay như một vị chúa tể cần khôn xâm nhập vào đời sống nội tâm con người bằng những phương tiện thô bạo. Trái lại, Sách Thánh mô tả Thiên Chúa như một người cha giàu lòng thương xót, luôn sẵn sàng ban phúc lộc tràn đầy cho con cái, nếu chúng muốn đón nhận. Con người luôn phải làm một cái gì đó. Thiên Chúa nói với ngôn sứ Êdêkien: "Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây" (Ed 2, 1). Con người không phải là một vật tàn phế vô phương cứu chữa, bị vứt bỏ trong thung lũng là sự hư hỏng toàn diện, cho đến ngày Thiên Chúa ra tay cứu vớt. Trái lại, con người là vật mạnh khỏe, có điều là thị lực thì yếu kém vì cái màng là tội lỗi làm đục thủy tinh thể; tâm hồn thì vẩn đục vì con vi khuẩn là tính kiêu ngạo làm tổn thuông. Nhưng con người vẫn còn có thể nhìn đủ xa để hướng đôi mắt tới đỉnh núi cao, và hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn đủ đậm để, trong cuộc sống yếu hèn và tội lỗi, con người biết tìm đến với vị Đại Lương Y chữa lành các vết thương do tội lỗi gây nên.

Quan niệm Thiên Chúa làm hết mọi sự đích thực là một sai lầm trầm trọng về Thiên Chúa cũng như về con người. Quyền năng của Thiên Chúa được xem là tuyệt đối đến nỗi con người không còn là gì và có gì nữa. Sự hư hỏng của con người cũng được xem là tuyệt đối đến nỗi không làm được điều gì mà không cậy nhờ Thiên Chúa. Thế giới cũng bị làm hư hỏng đến nỗi Thiên Chúa hoàn toàn ở trên thế giới và chỉ đến với thế giới vào một thời điểm và tại một địa điểm nhất định nào đó. Một quan niệm như thế biến Thiên Chúa thành một bạo chúa thay vì là một người cha, và, cuối cùng, dẫn đến một cái nhìn bi quan về bản tính con người, đến nỗi con người chỉ là một ấu trùng sống trong vũng lầy ô nhiễm là thế giới xấu xa tội lỗi này. Nhưng con người không phải là "con-người-hoàn-toàn-hư-hỏng" và Thiên Chúa cũng không phải là "chúa tể bạo tàn". Chúng ta phải tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Oai Phong, nhưng không phải vì thế mà tin rằng Thiên Chúa là một bạo chúa chỉ biết áp đặt ý muốn của mình, đồng thời tước đoạt quyền tự do của con người trong việc lựa chọn điều tốt điều xấu. Thiên Chúa không muốn áp đặt ý muốn của Người trên chúng ta, cũng không buộc chúng ta phải ngồi yên khi chúng ta muốn đi đến một nơi nào đó có thể làm phẩm giá chúng ta bị tổn thương. Nhưng Thiên Chúa đi theo chúng ta. Và khi chúng ta hồi tâm, lê đôi chân mệt mỏi trở về Nhà Cha, thì Thiên Chúa có mặt để đợi chúng ta, mở rộng đôi tay để ôm chúng ta vào lòng và tha thứ cho chúng ta.

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ ra tay trừ khử sự dữ khỏi thế giới này bằng một phép lạ phi thường. Bao lâu chúng ta còn nghĩ như vậy thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không được Thiên Chúa chấp nhận, vì chúng ta xin Thiên Chúa làm những điều mà Người không bao giờ muốn làm. Tin rằng Thiên Chúa muốn làm hết mọi sự cho con người thì cũng không thể chấp nhận được như tin rằng con người có thể tự sức mình làm hết mọi sự. Trong cả hai trưòng hợp, đó chính là thiếu lòng tin. Chúng ta phải học để biết rằng chờ đợi mọi sự từ Thiên Chúa trong khi chúng ta không làm gì hết, thì đó không phải là lòng tin mà là mê tín dị đoan vậy.

III

Vậy đâu là câu trả lời cho câu hỏi làm chúng ta bối rối: "Làm thế nào để khử trừ sự dữ khỏi đời sống cá nhân cũng như tập thể?". Nếu thế giới không thể được "chữa lành" bởi một mình Thiên Chúa bay bởi một mình con người, thì ai sẽ "chữa lành" thế giới này được?

Câu trả lời phải hoàn toàn khác với hai câu trả lời như được trình bày trên đây. Thiên Chúa cũng như con người không thể một mình lần lượt ra tay cứu độ thế giới, nhưng phải cùng nhau hành động, thống nhất trong ý định nhờ kiên kết bởi một tình yêu chan chứa: về phía Thiên Chúa, là trao ban chính mình một cách nhưng không; về phía con người, là vâng phục và đón nhận. Có như vậy, Thiên Chúa và con người có thể biến đổi cái cũ thành cái mới và tiêu diệt tận căn tội lỗi.

Chính lòng tin tạo điều kiện thuận lợi cho Thiên Chúa hành động qua trung gian con người. Các môn đệ đã thiếu lòng tin khi cố gắng một cách vô vọng "trừ tên quỷ" và chữa lành đứa trẻ bị kinh phong. Đức Giêsu đã nhắc các ông biết rằng họ đã cố gắng tự mình làm điều mà họ chỉ có thể làm được nếu sẵn sàng mở lòng trí đón nhận sức mạnh của Thiên Chúa.

Trong Sách Thánh, có hai dạng lòng tin được đề nghị một cách rõ ràng. Dạng thứ nhất là lòng tin dựa vào trí tuệ, dẫn đến việc con người chấp nhận Thiên Chúa hiện hữu. Dạng thứ hai là lòng tin dựa vào con tim, có sức lôi cuốn con người toàn diện, dẫn đến việc con người tin tưởng từ bỏ chính mình. Để có thể nhận biết Thiên Chúa, phải có lòng tin này, vì lòng tin dựa vào trí tuệ hướng con người tới một học thuyết, còn lòng tin dựa vào con tim hướng con người tới một Ngôi Vị. Gabriel Marcel nói rằng tin là "tin vào" chứ không phải là "tin rằng"! Tin là tín nhiệm và tự đặt mình dưới sự "sử dụng" của người tôi tin. Tin là mở rộng cõi lòng tới khắp mọi nơi, ở mọi mức độ, để sức mạnh của Thiên Chúa có thể đến được.

Đây chính là điều thánh Phaolô nhấn mạnh khi nói về sự cứu độ nhờ lòng tin. Đối với ngài, lòng tin là khả năng con người chấp nhận để Thiên Chúa giải thoát mình khỏi ách nô lệ tội lỗi, nhờ Đức Kitô. Trong tình thương bao la của Người, Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không điều chúng ta tự sức mình không thể làm được. Như vậy, chúng ta được cứu độ nhờ lòng tin. Con người đầy tràn Thiên Chúa và Thiên Chúa hành động nhờ con người, đó là điều đem lại những thay đổi kỳ diệu cho cuộc sống cá nhân cũng như tập thể.

Các tệ đoan xã hội đã giam hãm một số người trong hẻm núi tối tăm, buồn thảm, không có lối thoát, đồng thời cũng đã xô đẩy một số đông người khác xuống vực thẳm và làm họ chỉ còn biết đầu hàng số phận. Các tệ đoan nguy hại này làm tê liệt loài người. Nhưng chúng có thể khử trừ được, nếu loài người biết vâng phục và liên kết với Thiên Chúa. Chiến thắng sẽ đến, nếu ân sủng Thiên Chúa lấp đầy lòng người và con người mở rộng cõi lòng, nhờ tin vào Thiên Chúa, như cửa biển đón nhận nước từ dòng sông đổ vào.

Bây giờ các bạn cho phép tôi áp dụng những điều tôi vừa nói vào đời sống cá nhân chúng ta. Đa số các bạn biết thế nào là chống lại tội lỗi. Năm này qua năm khác, các bạn ý thức được rằng một tội khủng khiếp nào đó đang chiếm ngự nơi mình: nghiện ngập, gian dâm, ngoại tình, ích kỷ,… Năm tháng trôi qua, tật xấu ngày càng thêm mạnh, nhưng các bạn cũng nhận thấy được rằng đây chỉ là một không mời mà đến. và có thể các bạn cũng đã tự bảo mình: "Một ngày kia, tôi sẽ trừ được tên quỷ này. Tôi biết nó hành hạ, hủy diệt tôi, tàn phá gia đình tôi". Cuối cùng, các bạn quyết tâm tự mình trừ tên quỷ này, khi lấy một quyết định vào ngày Tết Dương Lịch chẳng hạn. Các bạn cũng đã ngạc nhiên khi nhớ lại mình đã phải bối rối, thất vọng như thế nào, vì, sau ba trăm sáu mươi lăm ngày, các cố gắng tích cực nhất đã không giúp bạn bỏ được tật xấu cố hữu này. Các bạn tự hỏi: "Tại sao tôi không trừ nổi tên quỷ này?"

Thất bại và thất vọng, các bạn quyết định trình bày vấn đề cùng Thiên Chúa. Nhưng thay vì xin Thiên Chúa hành động qua trung gian của mình, các bạn lại nói: "Lạy Chúa, Chúa phải giải quyết vấn đề này cho con, con không còn có thể làm gì được nữa". Nhưng ngày tháng trôi qua, tật xấu vẫn còn đó. Thiên Chúa đã không muốn "trừ tên quỷ", vì Người không bao giờ tiêu diệt tội lỗi, khử trừ tật xấu mà không có sự cộng tác tích cực của con người. Không một vấn đề nào sẽ được giải quyết rốt ráo, nếu chúng ta chỉ thảnh thơi ngồi chờ Thiên Chúa ra tay hành động.

Không ai có thể bỏ một thói quen xấu bằng cách quyết tâm suông hay xin Thiên Chúa làm thay cho mình, nhưng họ chỉ có thể làm được điều đó bằng cách vâng phục Thiên Chúa và trở thành khí cụ của Người. Chúng ta sẽ cất được gánh nặng mà sự dữ chồng chất trên đôi vai chúng ta, nếu chúng ta để cho lòng trí được đầy tràn sức mạnh năng động của Thiên Chúa.

Thiên Chúa hứa cộng tác với chúng ta nếu chúng ta khử trừ sự dữ khỏi lòng chúng ta và, nhờ vậy, trở thành những con người sẵn sàng thực thi thánh ý Thiên Chúa. "Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi" (2Cr 5, 17). Nếu một người ở trong Đức Kitô thì là một thọ tạo mới; cái cũ đã qua và con người ấy được đổi mới nhờ sức mạnh của Thiên Chúa và trở thành con cái Thiên Chúa.

Trong Tin mừng, một trong các điều lạ lùng Đức Kitô đã thực hiện là biến đổi hoàn toàn những đứa con hoang đàng, tuy họ không mang tên gọi này: một Simon rệu rã như cát bụi thành một Phêrô vững chắc như Tảng Đá; một Saolô là kẻ bách hại thành một Phaolô là Tông Đồ dân ngoại. Người cũng biến đổi một Âutinh ăn chơi thành thành Âutinh. Kinh nghiệm của Léon Tolstoi cũng là kinh nghiệm của nhiều người chúng ta:

"Cách đây năm năm, đức tin đến với tôi; tôi tin vào đạo lý Đức Giêsu đã dạy, tức thì, cuộc sống của tôi đã được thay đổi. Điều trước đây tôi muốn, thì tôi không muốn nữa và tôi bắt đầu muốn những điều tôi chưa hề muốn. Điều trước đây tôi cho là đúng thì nay là sai; điều trước đây tôi cho là sai thì nay là đúng;… Cuộc sống, các ước muốn đều hoàn toàn thay đổi. Nghĩa của tốt và xấu cũng thay đổi".

Chúng ta tìm thấy ở đây câu trả lời cho câu hỏi làm chúng ta bối rối: có thể xóa bỏ sự dữ được không? Không, nếu con người hành động một mình, do tự sức mình, hoặc nếu Thiên Chúa áp đặt muốn của Người như một Thiên Chúa độc tài chuyên chế. Được, nếu con người mở rộng lòng minh và, nhờ Đức Kitô, mời Thiên Chúa đến, sẵn sàng đón tiếp và để Thiên Chúa đổi mới con người. "Này đây Ta đứng trước cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta" (Kh 3, 20). Thiên Chúa tỏ ra quá lịch sự để có thể phá cửa mà vào. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng mở cửa lòng mình, thì cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người sẽ đổi mới đời sống bị tội tàn phá và chúng ta sẽ trở thành những con người vui tươi rạng rỡ vậy. (1)

Martin Luther King
Nguyên tác: "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris, 1965, tr.171-184

____________________

Chú thích:

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...