Tư tưởng Lão giáo qua bảy chủ đề (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3258 | Cật nhập lần cuối: 3/12/2017 12:51:53 PM | RSS

(tiếp theo)

IV. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Vạn vật được sinh ra, phát triển và thành toàn trong trời đất vũ trụ là do một sức hóa dục hanh thông mãi mãi gọi là đức sinh. Thế thì sự sống thật không phải là sự an trụ. An trụ thì không có đức.

Sự sống thật không đứng dừng được nên không riêng tây. Mỗi phần tử hiện hữu thành vạn hữu vạn tượng, còn sự sống chỉ là một "Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất".

Sự sống thật vượt ra hiện hữu để trường cữu, vượt ra cá thể để hòa hợp. Sự sống thật không "chấp đoạn" cũng không "chấp thường", chân tướng của mọi hiện tượng là bất sinh bất diệt, không thường cũng không đoạn, không sanh tử, không Niết Bàn.

Vậy nhân sinh có cứu cánh vĩnh cữu. Cứu cánh ấy không phải ở xa tít chín từng mây hay diệu vợi bên kia bờ biển rộng mà từng giây từng phút sự sống thật đã nằm trong cứu cánh. Thế nên nhân sinh vốn nằm sẵn trong thực tại, có chân tướng bất diệt trong cái thực của Niết Bàn.

Bởi thế, con người phải hiểu rõ địa vị của mình. Con người ra đời không phải để mưu sinh mà để thực hiện sứ mạng. Mưu sinh là phương tiện, phụng sự là mục đích. Nếu ôm chầm lấy phương tiện làm sự sống là lấy giả làm thật thì cuộc đời bị quay cuồng theo mọi biến thiên, chợt khóc chợt cười, oán than không dứt.

Theo ĐĐK, ở đời thân hình là một cái không đáng quý nhất, vì nó thường là mối lo cho con người ta. Đáng quý nhất là lúc người ta đem thân ra phụng sự cho thiên hạ. "Ngô sở dĩ đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cận ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn? Cố quý dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả ký thiên hạ, ái dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ." (ĐĐK)

Đã biết nhân sinh là thế, đã rõ nhân vị là thế, tất có một nhân tâm giải thoát. Hễ có một nhân tâm giải thoát thì nắm được đầu mối giải thoát cho tất cả các biến trạng khác.

Tâm giải thoát là minh. Đối với Lão giáo, cái minh ấy có được khi ta tự quán chiếu về mình, rời bỏ sự cầu biết tha nhân một khi chưa biết mình, chối từ vật dục. Nhờ đó mà đem vạn vật trở về với đạo tự nhiên.

"Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thị dĩ thánh nhân dục bất dục, bất quý nan đắc chi vật, học bất học, phụng chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi." (ĐĐK). Đó cũng là giải thoát.

Con người đã giác ngộ là được giải thoát ra ngoài trường ảo hóa, lại tiến đến mức minh triết là đã thông suốt mọi thực tại, nhưng phải đắc nhất (được một) mới gọi là giải thoát hoàn toàn.

Người được một là bản thể của mình đã hòa hợp được với bản thể của vũ trụ. Mọi tư tưởng việc làm của mình tựu trung đều theo một nguyên lý, mọi hiện tượng đối với mình đều chỉ có một căn cơ. Do đó người được một thì không còn gì giới hạn được nữa. "Nhơn đắc nhất vi đại." Địa vị ấy chính là căn nguyên của muôn vật, bất biến, trường cữu, hóa sinh, chí thiện, chí mỹ.

ĐĐK, Ch. 68, viết: "Phối thiên, kết hợp với Trời, là cực điểm của người xưa." Do đó, chủ trương của Đạo gia xưa nay là trở nên một với Trời. Sự tu luyện nhằm quy căn phản bổn là giải thoát khỏi cuộc sống ngoại vi biến thiên sinh diệt để trở về với trung tâm hằng hữu là Thái Cực, là Nhất.

Thái Cực hay Nhất trong vũ trụ là Trời. Thái Cực hay Nhất trong con người là Tính, là Thiên Tâm, là Thiên Chân. Cả hai đều ở ngôi trung. Nơi đó là chính vị giải thoát con người trở nên đẹp đẽ, sự nghiệp trở nên vẻ vang.

Muốn đắc nhất phải nghịch hành. Đi theo chiều thuận của Tạo Hóa tức sinh người sinh vật, làm vòng sinh bệnh lão tử, luân hồi không dứt. Đi theo chiều nghịch của Tạo Hóa sẽ thành Tiên thành Phật, bất sinh bất diệt cùng trời đất.

Đi theo chiều thuận, trong thì bị thất tình lục dục làm muội mê, ngoài thì bị trăm điều nghìn việc quấy đảo tâm thần, lấy giả làm chơn, lấy tà làm chánh, lấy khổ làm vui, cứ bị lôi cuốn theo dục vọng của mình mãi mãi cho đến tiêu hao tinh thần.

Người đại trí đại huệ đi theo chiều nghịch sẽ thoát vòng kềm toả của các định luật Tạo Hóa, sẽ không còn bị âm dương nung nấu, không còn bị vạn vật cuốn lôi, vạn duyên biến dịch, dùng đời để tu đạo, lấy nhân đạo để chu toàn thiên đạo. Nghịch đó là trở về với tuyệt đối thể y như một kẻ bỏ nhà ra đi thật xa xôi, nay trở lại nhà, và Đạo gia gọi là "phản ư thái phác, hoàn ư thái sơ".

ĐĐK, Ch.16, viết:

Vạn vật cùng được xuất sinh,
Nhìn qua ta thấy đăng trình về nguyên.
Vạn vật sinh hóa triền miên,
Để rồi mỗi mỗi quày lên một nguồn.
Đó là hồi phục mệnh thường,
Ngàn năm bất biến vĩnh tồn một ngôi.

V. THIÊN ĐÀNG HAY NIẾT BÀN

ĐĐK viết: "Thường đức không xuyến xao, lại trở về Vô Cực." (Ch. 28)

NHK viết: "Thái sơ hữu vô, vô hữu, vô danh." (Thiên địa)

Các đạo gia tu luyện là để thần huờn hư. Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư.

Vật hữu hình nên hữu hoại, duy thái hư không biến thiên, chuyển động, nên mới là chí thực. Hư là chí thiện. Hư là thủy tổ vạn hữu. Trời đất đều từ hư phát xuất ra.

Hư không hàm tàng hết sắc tướng vạn vật bao gồm nhựt nguyệt tinh cầu, sông núi, đất đai, suối nguồn, khe lạch, v.v...

ho nên cái không của Niết Bàn là cái không mà viên mãn tròn đầy. Do đó: "Vạn vật sinh từ hữu, hữu sinh từ vô." (ĐĐK, Ch. 2)

Như thế, Niết Bàn phải được hình dung bằng một vòng Vô Cực hay đúng hơn Niết Bàn tuyệt đối chính là Vô Cực, với bản chất hư vô và viên mãn.

Vạn vật bắt đầu từ không. Thái Cực là không. Không sinh ra nhất. Nhất sinh ra vạn. Vạn trở về nhất. Nhất trở về không. Từ Vô Cực mà suy luận tới vạn vật tức là suy luận ra đầu đuôi của trời đất. Từ vạn tượng suy ngược về Vô Cực tức là đầu đuôi của Thánh Thần.

Máy Trời đã chuyển ra cho vạn vật sinh thì cũng chuyển vào cho vạn vật thành. Các tôn giáo xưa nay được thành lập và phổ truyền là để hướng dẫn con người tự thăng hoa nương theo lẽ mầu nhiệm của đất trời mà các giáo chủ đã thông suốt qua thần nhãn của mình.

Chiều tiến thủ của chúng ta nhằm đích điểm rất phi thường siêu việt nhưng phương tiện và cách thức vốn sẵn kề bên. Những cái trước mắt ta, quanh ta và chính trong ta đang ẩn tàng thiên lý.

Đức Lão Tử chứng đắc được thiên lý ấy nên ĐĐK chỉ viết 12 chữ mà thấu đáo được đạo lý muôn đời: "Nhơn pháp địa. Địa pháp thiên. Thiên pháp Đạo. Đạo pháp tự nhiên."

Nhưng nếu tóm gọn nữa thì có thể nói pháp môn của Ngài chỉ có một chữ tự nhiên. Đem đạo tự nhiên áp dụng vào việc tiếp nhân xử thế. ĐĐK viết:

Làm sao đem hết xác hồn.,
Hòa mình với đạo chẳng còn lìa xa;
Làm sao giữ vẹn tinh ba,
Sống đời thanh thản như là anh nhi.

Muốn đạt được lẽ tự nhiên ấy, nguyên tắc chính của Đạo gia bao giờ cũng là: "Theo đạo càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi." (ĐĐK, Ch. 48)

Cho nên đối với cuộc đời nhiều tần phiền, thì hằng ngày ta giảm trừ đi mọi sự nghe thấy, mọi sự thị phi. Miệng thì "hi ngôn tự nhiên" (ít nói để cho mọi sự tự nhiên), tai mắt thì "bế kỳ môn" (ĐĐK, ch. 52) để cho trọn đời không phải lao nhọc tấm thân (chung thân bất cần). Đó là:

Âm thầm ấp ủ tấc son,
Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi hơi.
Mặc ai đày đọa hình hài,
Một đời tất tưởi phí hoài tấm thân.

Còn đối với bản thân, hằng ngày ta cũng phải giảm trừ tánh riêng tây lợi hại, lòng tham dục thấp hèn, tức là "thiểu tư quả dục" (ĐĐK, Ch.19) cả đến cái học phù phiếm trục vật làm nặng nề trí óc bởi sự so đo câu nệ cũng cần phải bỏ đi "tuyệt học vô ưu" (ĐĐK, Ch. 30). Đó là "Tốn chi hữu tốn" để đi lần đến mức vô vi được giải thoát hoàn toàn lã chỗ "trí hư cực, thủ tịnh đốc" (ĐĐK, Ch.16). Đạt đến chỗ cùng cực của hư không tức là đã nhập thế vào cái tịnh. Phải chăng tịnh ấy chính là Niết Bàn cao tột? ĐĐK đáp ngay rằng:

"Vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi! Mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ, gọi là tịnh. Ấy gọi là phục mạng. Phục mạng gọi là thường." (ĐĐK, Ch.16)


Như vậy, con đường tiến hóa của vạn vật rồi ra sẽ trở về cội rễ khởi nguyên của nó là tịnh và thường. Thì con người khi qua cuộc giảm trừ mọi tần phiền tham dục mãi cho đến khi hư cực tất phục mệnh nhập Niết Bàn vậy. ĐĐK mô tả bản thể tuyệt đối, Thượng Đế hữu ngã như sau: "Thấp thoáng mập mờ, trong đó có hình. Mập mờ thấp thoáng, trong đó có vật. Sâu xa tăm tối, trong đó có tinh (thần). Tinh (thần) đó tất thực, trong đó có tín. Từ xưa đến nay, tên đó không mất. Gốc của vạn vật, ta làm sao biết được trạng thái của nó? Nhờ đó vậy." (ĐĐK, Ch. 21) Hoặc: "Có vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất, yên lặng trống không, đứng riêng mà không đổi, đi khắp mà không mỏi, có thể là mẹ thiên hạ." (ĐĐK, Ch. 25)


Người tu hành sống theo thiên tính để cảm ứng với tâm vũ trụ, mà thoát hóa dần dần đến chỗ huyền đồng trong cõi tịch liêu thấp thoáng ấy, tức là đạt được Niết Bàn tại tâm. Cho nên tâm Niết Bàn là tâm hư vô và huyền đồng. Từ tâm đó phát khởi tình thương vô cực, nảy sanh lòng yêu mến, chăm sóc, dưỡng dục tất cả mọi người, vong kỷ vị tha, sống trong cái sống tương ái tương sanh với mọi người. Vì Trời sanh con người là đã trao cho cái tính ấy để con người thực hiện đức hiếu sinh của Ngài, và trạng thái Niết Bàn xuất hiện ngay khi tâm hòa hợp cùng Tạo Hóa.

VI. CON NGƯỜI

Đặt vấn đề nghiên cứu con người qua dòng tư tưởng của Trang Tử, Lão Tử, chúng ta có thể tìm ra ở đó vấn đề con người trong sự hạn hẹp, chịu vũ trụ chi phối, mà cũng có thể tìm thấy ở đó một con người siêu việt vượt lên thiện ác, vượt lên thế sự, một con người bất khả xâm phạm.

Nhân loại của thế kỷ 20 và nhất là ở cuối thế kỷ này là nhân loại của kỷ nguyên văn minh vật chất cao tột. Loài người đã khám phá được các phương thức cấu tạo vật chất và các quy luật vận dụng vật chất phục vụ cho con người. Con người đã tự giải thoát khỏi sự khống chế của thiên nhiên. Con người đã chiến thắng, nhưng mỉa mai thay! Con người chưa khỏi bị đọa đày đến nỗi ngày nay trên thế giới không ngớt những tiếng kêu cứu về cuộc khủng hoảng của chính các thời đại văn minh tột bực này.

Và nỗi ưu tư của triết gia Martin Heidegger như sau: "Không một thời đại nào chúng ta thu thập nhiều loại tri thức khác nhau như là thời đại chúng ta đang sống. Không có thời nào như thời này lại trình bày sự hiểu biết về con người rõ ràng hơn và dễ hiểu hơn. Không có thời nào lại truyền đạt sự hiểu biết mau chóng dễ dàng hơn, nhưng cũng không một thời đại nào con người lại ít hiểu biết về con người hơn thời đại này. Không có thời kỳ nào con người lại xuất hiện đầy bí ẩn đến thế." (Kant et le problème de la métaphysique)

Quả thực, câu nói là một nhận định chân thành về sự mâu thuẫn lạ kỳ của thực trạng tri thức loài người. Con người của thời đại văn minh tột bực này lại càng ngày càng trở nên mù tịt về chính mình.

Trên con đường tìm về nhân bản, những chướng ngại là tri thức phân biệt, là bản ngã đưa đến hậu quả con người mù quáng vong thân. Thì Lão Trang giữ tâm chuyên nhứt mà uyển chuyển với mọi người, bỏ quên bản ngã, giữ lòng tự nhiên mà huyền đồng cùng vạn hữu.

Như thế, bản ngã tạo thành nhân tâm ly tán khiến cho đời người mờ mịt không định hướng, và cuộc nhân sinh xao động không ngừng. Để đối trị thảm trạng này, ĐĐK dạy: "Lấy lòng của trăm họ làm lòng mình. Với kẻ lành thì lấy lành mà ở, với kẻ chẳng lành cũng lấy lành mà ở, nên được lành vậy. Với kẻ thành tín thì lấy thành tín mà ở, với kẻ không thành tín thì cũng lấy thành tín mà ở, nên được thành tín vậy. Thánh nhơn lo cho thiên hạ, mà không để lộ lòng ra (là thiên vị ai)." (ĐĐK, Ch. 49)

Như thế, con người minh triết giữ vững một tâm chí thiện, chí tín đối đãi với mọi người thì hết thảy mọi người sẽ trở nên thiện tín cùng với mình vậy.

NHK cũng chủ trương vượt lên trên cái tâm phân biệt để hiểu biết sự vật: "Thánh nhân không căn cứ vào phải quấy mà căn cứ vào khiếu hiểu biết tự nhiên của mình để hiểu mọi vật." (Tề vật luận)

Được như thế, chẳng những người không còn chia cách với người mà còn hòa đồng cùng vạn vật và trời đất nữa. Nên Nam Quách Tử Kỳ bảo Nhan Thành Tử Du với một giọng siêu thoát rằng: "Ta nay đã mất bản ngã rồi, người có biết chăng? Ngươi chỉ nghe tiếng sáo của người mà không nghe tiếng sáo của đất, người chỉ nghe tiếng sáo của đất mà chưa nghe tiếng sáo của Trời." (Tề vật luận)

Con người chính danh của Lão Trang là con người tự nhiên. Con người tự nhiên không chuộng tri thức biện biệt nên dễ hòa đồng, không ham quy ước giáo điều nên tự do độc lập, không tham vọng nên được yên vui.

Hai chữ tự nhiên có vẻ thuần phác, đơn sơ mộc mạc, nhưng Lão Trang cho đó là những đức tính cần thiết để con người trở nên to lớn bằng trời đất và được hạnh phúc vô cùng. Bởi vì tính tự nhiên là tính của Đạo. Trở nên tự nhiên tưởng chừng như thô lậu tối tăm, nhưng thật ra là để cho những gì mà Suzuki gọi là "tinh lực cố hữu tiềm tàng" bắt đầu triển chuyển bên trong khiến cho con người cảm thấy sung mãn vô cùng như nằm trong lòng "mẹ của muôn loài":

Người đời sáng chói, riêng ta mịt mờ,
Người đời phân biện, riêng ta hỗn độn.

"Điềm tĩnh dường tối tăm. Vùn vụt dường không lặng. Người đời đều có chỗ dùng, riêng ta ngu dốt thô lậu. Ta riêng khác người đời. Ta quý mẹ muôn loài." (ĐĐK, Ch. 20)

Cho nên người tự nhiên sống ở đời, hành tàng của họ không tạo ra một cái gì cố định, không hiểu biết cái gì theo câu chấp, không toan tính cái gì vững bền.

NHK viết: "Lấy vô vi làm danh vọng chánh của mình, làm mưu vọng chánh của mình, làm việc làm chánh của mình, làm sự hiểu biết chánh của mình. Vô vi dùng mãi không cùng, còn cách sinh hoạt của nó thì không để dấu vết gì cả. Nhận tất cả những gì đã thu ở Trời mà không giữ lại cái gì cho mình tất cả, cũng vì nó là hư không mà thôi.

"Bậc chí nhơn dùng cái tâm mình như tấm gương, không đi theo, không từ bỏ, mà không chấp chứa, vì vậy hay thấy được mọi vật mà không làm hại nó." (Ứng đế vương)

Đó là con người hiện sinh giữa xã hội như bao nhiêu người khác, nhưng người ấy đã vứt bỏ tình thức đa tạp nhỏ nhen, nên cõi lòng đã bao la, hành vi trở nên điềm đạm.

NHK viết: "Thánh nhơn có cái hình của người mà không có cái tình của người. Có cái hình của người nên mới cùng một đàn với người. Không có tình của người nên thị phi mới không được lòng. Cùng một đàn với người là việc nhỏ, mà riêng cùng làm một với Trời là việc lớn vậy." (Đức sung phù)

Tóm lại, con người của Lão Trang cốt cách thì tự nhiên, tâm hồn điềm đạm, hành vi thì thuận hòa. Đó là đức tính của con người chính danh ở giữa cuộc diện nhân sinh, tinh thần và tâm trung là một mới bảo tồn được thiên tánh, phát huy được thiên lý mà an định được nhân tâm.

VII. TỰ GIẢI THOÁT HAY NHỜ CỨU RỖI? TỰ LỰC HAY THA LỰC?

Tiêu đề là một câu hỏi, nhưng cũng xác định sự hiện hữu của ta (tự giải thoát) và cũng đã xác định có một siêu việt thể không phải ta (nhờ cứu rỗi).

Có ta hay không có ta là một cuộc đánh giá rất quan trọng về con người mà xưa nay các tôn giáo đã phải nhận lấy trách nhiệm xác minh một khi nêu lên tôn chỉ giải thoát hay cứu rỗi con người.

Con người đang có mặt đây sẽ thành toàn được gì cho chính mình và đóng góp được gì cho vũ trụ?

Các tôn giáo đã xác minh chính vì giá trị lớn lao của con người mà con người cần giải thoát. Cho nên giải thoát là giải thoát con người ra khỏi con người nhỏ hẹp, nhưng lại đặt con người vào môi trường sống bình thường của nó, nghĩa là các tôn giáo không thể phủ nhận nó, nếu nó hiện hữu gắn liền với cứu cánh của vũ trụ.

ĐĐK viết: "Theo đạo càng ngày càng bớt, bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi." (Ch. 48) Nhưng vô vi không phải là chết mất, mà là tịnh. Tịnh là sống trở lại trong sinh mạng thực của mình. Ấy mới thực là cái sống đúng nghĩa. ĐĐK gọi là thường:

"Phù vật vân vân, các quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh. Thị vị viết phục mạng. Phục mạng viết thường." (ĐĐK, Ch.16)

Cho nên con người phải triệt tiêu những gì để vô công, vô kỷ, vô danh, nhưng con ngưởi vẫn tồn tại trong ứng dụng rất lớn lao của đời mình cho thiên hạ.

"Chỉ quý đem thân vì thiên hạ nên có thể gửi gắm được cả thiên hạ, chỉ yêu đem thân vì thiên hạ nên có thể phó thác được cả thiên hạ." (ĐĐK, Ch.13)

Đạo gia không vì cái đạo lớn mà xem con người là nhỏ bé (Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhất yên. – ĐĐK, Ch. 25). Ngược lại, không vì yêu mình mà cho là mình quý hơn cả, không vì biết mình mà cho là mình đáng hơn cả (Tự tri bất tự kiến, tự ái bất tự quý. – ĐĐK, Ch. 72). Như thế, con người mới có tư cách hiện hữu hiện sinh trong đạo thường của trời đất.

Vậy đường lối giải thoát của đạo Lão đặt trọng tâm ở chỗ tự tritri thường. "Tự tri giả minh" (ĐĐK, Ch. 33) và "Tri thường viết minh" (Ch.16). Tự tri có thể giải thích theo triết gia K. Jaspers là một thể của "hữu tự tại" vượt lên trên "hữu thường nghiệm". Còn "tri thường" là "hữu hiện sinh" nối kết được với mạch sống của siêu việt thể mà ĐĐK gọi là Đạo.

"Biết đạo thường thì bao dung. Bao dung thì công bình. Công bình thì bao khắp. Bao khắp là Trời. Trời là Đạo. Đạo thì lâu dài. Suốt đời không nguy." (ĐĐK, Ch.16). Đó là quan niệm tự giải thoát của đạo Lão vậy.

Dầu quan điểm tự lực giải thoát của mỗi tôn giáo có khác nhau, nhưng các phương cách ấy đều đặt trên một nguyên lý đồng nhất tuyệt đối là khai sáng và tận dụng điểm thiêng liêng hằng hữu của mỗi cá thể con người, cho nên một khi sức mạnh của điểm thiêng liêng ấy phát hoạt rộng rãi, tác động sâu xa thì ta thấy nó bắt đầu giao tiếp với năng lực của siêu việt thể, mà theo Lão giáo - đó là Đạo.

ĐĐK diễn giải cái đức của Đạo như sau: "Đạo lớn tràn lấp. Bên phải bên trái. Vạn vật nhờ nó mà sanh ra. Không vật nào bị nó khước từ. Xong việc rồi không để tên. Che chở nuôi nấng muôn loài mà không làm chủ. Thường không ham muốn nên có thể gọi tên là nhỏ. Được muôn vật theo về mà không làm chủ nên có thể gọi là lớn." (Ch. 34)

Đó là những đức tính của Đạo. Muốn diễn tả cái lực của Đạo thì trong Đạo học chỉ dùng chữ thần, chữ khí là đắc cách nhứt. Tử Huỳnh Tổ diễn tả cuộc diêu hợp giữa tự lực của người và tha lực của Đạo mà Ngài đã hữu ngã hóa thành Thiên:

Thiên nhơn nhất khí bản lai đồng,
Vị hữu hình hài ngại bất thông;
Luyện đạo hình thần diệu hợp xứ,
Phương tri sắc tướng tức hư không.
THTĐ, tr. 47

(Trời người một khí gốc chung đồng,
Mới có hình hài vướng chẳng thông;
Luyện đến xác thần hòa một thể,
Mới hay dáng vẻ cũng là không)

Nhưng sách Thái Thượng bảo phiệt mô tả cái dụng của Đạo một cách xác quyết: "Tâm tức thị Đạo. Đạo tức thị tâm. Tâm dữ đạo ly, tắc nhập lục đạo tam đồ. Tâm dữ đạo hợp, tắc Đạo Bồng Lai tam đảo." (Lão học, Ch. I, Bs. Nguyễn Văn Thọ)

Tóm lại, cảm cùng trời đất, hòa đồng cùng trời đất và phối kết với Trời là những trạng thái của người đã tiếp nhận được tha lực siêu việt của vũ trụ vậy. Đó là thể nhập vào chơn như, chứng được trạng thái Niết Bàn vậy.

3/4 Kỷ Mùi (28.4.1979)

Đạo tỷ Ngọc Kiều

Nguồn: antruong.free.fr/tutuonglaogiao.html