Chữ Tín trong lòng một người Baha'i

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 659 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

‘Lời’ (Word) của Thượng Đế mặc khải trong Thánh Kinh có nhiều nghĩa, và mỗi nghĩa con người không sao hiểu hết nổi. Vậy trong lòng cá nhân tôi, là một tín đồ Baha’i, nay hiểu chữ ‘Tín’ tới đâu, tôi xin giải bày tới đó, không dám nói là chữ Tín trong Tôn giáo Baha’i. Quả thật, trăm sách, ngàn sách của loài người không sao diễn giải nổi một ‘mẫu tự’ (Letter) trong Thánh kinh.

 

Trước hết, khi nói đến tín, tôi nghĩ đến ‘tin’ (Faith). Nền tảng của lòng tin là hiểu biết một cách có ý thức về giáo lý, quyết tâm diễn dịch thành hành động những gì mình đã hiểu. Ví dụ giáo lý dạy về ‘Tình yêu’, nghĩa là Thượng Đế yêu Thượng Đế, Thượng Đế yêu nhân loại, nhân loại yêu Thượng Đế và nhân loại yêu nhau. Thượng Đế yêu Thượng Đế, và Thượng Đế yêu nhân loại, đó là điều nhiệm mầu vô cùng to lớn, tôi suy tưởng để nghiệm ra dần. Còn nhiệm mầu gần gũi hơn là nhân loại yêu Thượng Đế và nhân loại yêu nhau, tôi cố gắng chiêm nghiệm và thực hành ngay trong đời sống hằng ngày. Cả thiên niên kỷ qua, tinh hoa tôn giáo chỉ gom lại trong bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”, hỏi mấy ai dám cho rằng mình đã hiểu đúng và thực hành với tất cả lòng sùng kính?

 

Thế nào là hiểu biết một cách có ý thức? Hẳn không phải là nghe ai đó nói, là vâng theo tập tục, mà là tự mình học hỏi chính Kinh và suy nghĩ chín chắn ý nghĩa của thánh thi. Quyết tâm thực hành càng quan trọng, vì lý thuyết suông chẳng đem lại lợi ích gì cho ai, mà chỉ có hành động theo Ý chí của Thượng Đế, mới tạo nên nền văn minh tiến bộ không ngừng trên hành tinh này.

 

Thực hành chữ ‘tín’ theo ý chí của Thượng Đế, đòi hỏi không những sự hiểu biết, mà còn đòi hỏi cả sự chân thành, kiên định và hy sinh. Chữ chân thành, kiên định, hy sinh, lại nói lên bao ý nghĩa mênh mông khác! Bởi vậy bài viết của người Baha’i không có ý nghĩa giáo dục ai cả, chỉ có Lời Thượng Đế trong Thánh Kinh mới là nền tảng giáo dục. Mỗi người trong nhân loại tự nghiên cứu, tự thực hành, để bản thân mình sống xứng đáng là sinh vật được tạo sinh “theo hình ảnh và giống với Thượng Đế.

 

Tôi nghĩ, chữ ‘tín’ của người Baha’i không dừng lại ở đó; mà trong thời đại này, còn có sự đòi hỏi phải vươn lên thật cao xa. Đức Baha’u’llah đã mặc khải nguyên một Bộ Kinh để chuyên dạy về một chữ ‘Xác tín’. Kinh này nhan đề là ‘Kitab-i-Iqan’ (Dịch tiếng Anh là Book of Certitude, tiếng Việt là Kinh Xác tín). Nguyên một Bộ Kinh, Ngài chỉ dạy có một chữ; nếu bây giờ mình tự cho là đã hiểu thấu, thử hỏi cà ngàn năm sau, chúng sinh còn có gì mới lạ để học!

 

Vậy xin mạo muội đóng góp mấy lời. Kính mong độc giả tìm hiểu sâu hơn, ngay trong các Thánh Kinh, mấy chữ căn bản chúng ta nêu lên ở đây: Kính Chúa Yêu người, Niềm tin và Xác tín.



Nhịp Cầu Tâm Giao 6, NXB Phương Đông (09.2011), tr. 63-64.