Nhân loại phải và có thể hoàn thành sự thống nhất tôn giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1254 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Kính thưa Ông Chủ tọa,

Kính thưa quý quan khách,

Kính thưa quý vị,


Danh sách những diễn giả phàm tục xuất sắc của chúng ta ngày nay cũng tương tự như hai năm qua vào lần đầu khi ngày Tôn giáo Hoàn Cầu được khai hội tại Việt Nam.


Sự việc này chứng tỏ một sự tươi sáng của thế kỷ chúng ta. Đó là thế kỷ của thường dân, trong 21 diễn giả đã thuyết trình diễn đàn này kể từ lần đầu của ngày Tôn giáo Hoàn Cầu tại Việt Nam chúng ta chỉ có hân hạnh mời được một tu sĩ đến thuyết trình. Tuy nhiên chúng tôi vẫn được an ủi bởi những dấu hiệu ấy và vì lịch sử Tôn giáo đã làm thành một định lệ chung là tất cả tông đồ môn đệ đầu tiên của các Đấng Sáng Lập Tôn giáo đều là những người tầm thường với những đức tính thông thường nơi họ, đó là lòng trong sạch, tìm hiểu. Có lẽ chính đức tính này chứ không phải trí thông minh xảo quyệt hay quyền thế hay tiền của, đã làm các vị Anjuna, Aaron, Vistashpa, Ananda, Piere, và Khadija nổi bật lên trên những người thời đó và hàng triệu người theo sau các Ngài, tâm linh hướng về gần các mặt trời thiêng liêng như Khirsna, Moise, Zoroastre, Đức Phật, Đức Chúa, Đức Ma-hô-mê. Trong thời gian này cũng vậy, khi mặt trời của Đức Baha’u’llah (Vinh quang của Thượng Đế) mọc tại Ba Tư cách đây trên 100 năm, 20.000 người già trẻ trai gái theo Ngài đã vui vẻ chịu đựng cực hình tử đạo chỉ vì đã công bố đức tin của họ trong ngày mới của Thượng Đế đến với nhân loại. Không ai có thể phủ nhận đó là ngày kỳ diệu. Cựu Ước và Tân Ước, Kinh Coran kinh Gita, Kinh Gathas của Zoroastre và kinh điển của Phật Giáo đều tiên tri về sự bắt đầu của thế kỷ đầy ánh sáng này. Sự xuất hiện của mặt trời Thiêng Liêng Hoàn Vũ mọc tại Ba Tư sáng khắp hoàn cầu cũng tương tợ với mặt trời tâm linh của các Đấng Khrisna, Moise, Đức Phật, Đức Chúa, Ma-hô-mê đã sáng khắp thế gian thời trước. Tuy nhiên, buồn thay khi những người đi theo các nguồn sáng thiêng liêng của Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, lại đứng ra chống đối nhau hàng ngàn năm chỉ vì những cái gì có vẻ khác biệt nhỏ giữa các tôn giáo do những vị lãnh đạo tạo ra hoặc do họ khai thác ra.


Thưa quý vị, rõ ràng là thành kiến được bắt nguồn từ chỗ theo sát hình thức tôn giáo và sự bắt chước tín ngưỡng của tổ tiên đã làm trở ngại sự tiến bộ của nhân loại trong hàng ngàn năm. Biết bao trận chiến đã xảy ra nhân danh tôn giáo mà mục đích duy nhất không thay đổi của tôn giáo là tạo sự thống nhất cho con cái loài người trong tình thương Thượng Đế. Biết bao sự chia rẽ thù hận được tạo nên nhân danh Thượng Đế.


Một lần nữa, Baha’u’llah đã xác nhận lại rằng những điều các giáo tổ công bố là chính điểm của tôn giáo. Chỉ có một Thượng đế, nhân loại là một gia đình và đặc điểm của các tôn giáo là tình thương.


Tôn giáo Baha’i là sự Canh tân Tôn giáo và là một lời kêu gọi cho sự thống nhất tôn giáo. Ngài nhấn mạnh là mọi người phải tự tìm hiểu chân lý một cách độc lập chứ không được để thành kiến của những người khác hướng dẫn.


Thế giới đang chứng kiến những cố gắng chính trị và xã hội thực hiện sự Thống Nhất. Thống nhất màu da, thống nhất chủng tộc, thống nhất ngôn ngữ. Thưa quý vị, những sự thống nhất ấy chắc chắn sẽ thất bại vì chính nó đã phản tự nhiên và không xét đến nhu cầu căn bản của lòng người. Nếu sự thống nhất giữa lòng người không thực hiện được thì những cố gắng ấu trĩ thúc đẩy bởi lòng vị kỷ hướng về sự thống nhất chắc chắn sẽ tạo cho chúng ta sự thống nhất dưới đất sâu. Vì chúng ta không phải là loài cầm thú có cùng một màu sắc, chủng loại, chúng ta cũng không có những tiếng kêu, hót giống nhau. Chúng ta là nhân loại, sinh vật biết suy nghĩ, trên hết muôn loài, khác nhau về thể xác và lý trí chúng ta không thể bị đồng hóa thành một khối người không biết suy nghĩ.


Vì vậy chỉ nhờ ở lòng người mới có thể tạo được sự thống nhất cho biết lý trí sai biệt và chỉ có tôn giáo mới tiếp xúc được lòng người. Cũng như nhân loại ngày nay đã được biết rằng không quốc gia nào có thể ở trong tình trạng nửa tự do, nửa nô lệ, ngày nay quý vị cũng cần nhận rõ rằng thế giới – cái thế giới của chúng ta, không thể tiếp tục cảnh chia rẽ thành những cảnh sống rời rạc, những phương thức luân lý rời rạc và thường chống đối nhau, những tôn giáo chia rẽ nặng phần cổ tục làm cho họ không thể lại gần nhau trong tình thân hữu và sự thống nhất. Nhưng vì tôn giáo là nguồn cảm xúc chính của nhân loại, nên không thể nào có một nền hòa bình trường cửu nếu không tạo được sự thống nhất tôn giáo.


Chính là nhờ các tín ngưỡng thông thường về tôn giáo mà chúng ta có được cái hy vọng hoàn thành sự thống nhất lương tri và cùng nhau đi đến mục đích cao cả của nhân loại là lập một thiên đàng trên mặt đất chứ không phải là một địa ngục mà hiện nay chúng ta có đủ khả năng để tạo ra. Chỉ vì hướng về sự thiết lập một sự thống nhất như vậy mà những cố gắng của chúng tôi ngày nay hướng về sự nhấn mạnh các “Mẫu số Chung” của các tôn giáo lớn trên thế giới vì các tín hữu Baha’i tin ở tính chất hoàn cầu của tôn giáo. Các tín hữu Baha’i tin rằng các tôn giáo lớn trên tôn giáo đều có giá trị mặc khải chân lý từ một Nguồn Vô Biên. Họ cũng tin rằng tôn giáo nhắm mục đích đem lại sự thống nhất cho thế giới, chứ không phải sự chia rẽ, hòa bình chứ không phải chiến tranh, tình huynh đệ chứ không phải lòng thù hận giữa các tín đồ.


Sự góp phần quan trọng của giáo lý Baha’i đối với các tôn giáo là sự cởi mở chân lý tâm linh, từ lãnh vực lương tri cá nhân bao trùm toàn thể lãnh vực tương quan nhân loại và xã hội. Giáo lý của Đức Baha’u’llah đem lại một trật tự xã hội chắc chắn thích ứng với việc quản trị địa phương, quốc gia và quốc tế.


Với những ai cho rằng tôn giáo không nên xen vào sinh hoạt nhân loại hoặc các tương quan xã hội. Chúng tôi xin quý vị nhớ rằng nền văn minh Đông Phương và Tây Phương đều được thiết lập trên những đạo lý mà đức Phật truyền giảng, Đức Moise, Khổng tử đã công bố. Và những ai nghĩ rằng một lời giảng của các tôn giáo chỉ là một lời kêu gọi lương tri cá nhân hay một lời thỉnh cầu đạo đức hướng về điều thiện tức là họ đã bỏ qua ý nghĩa cao cả thập tự giá của Chúa Cơ Đốc, sự cố gắng và thành công rực rỡ của Đức Phật và ý nghĩa sự tù đày gian khổ của Moise.


Vì đó là những lời kêu gọi vĩ đại hướng về tập thể nhân loại và chúng ta cũng biết quá rõ rằng từng thời kỳ một, tập thể nhân loại vĩ đại đã đáp lại lời kêu gọi đó, lời kêu gọi của tôn giáo, lời kêu gọi cho tình huynh đệ dưới phụ quyền của Thượng Đế.


Vì vậy tôn giáo không phải chỉ là một vấn đề liên quan đến cá nhân mà là một dụng cụ mạnh mẽ nhất cho sự giải thoát tập thể nhân loại.


Giáo lý Baha’i giản dị và hợp lý. Đấng Thiêng Liêng trong bản thể vô tận không thể diễn tả được và loài người không thể hiểu được, tuy nhiên Đấng Thiêng Liêng này có thể liên lạc với nhân loại. Các tôn giáo trên thế giới là chính lời giảng và là Mặc khải từ nguồn thiêng liêng ấy. Chân lý đã Mặc Khải từng thời kỳ một và sẽ tiếp tục như thế mãi qua các Đấng Giáo Sư Vĩ đại và các Đấng Sáng Lập Tôn Giáo, Đức Tin Baha’i là một trong những thời kỳ mặc khải đó đến với thời đại nhân loại trưởng thành này và mục đích của Đức tin ấy là hoàn tất các lời giảng và mục đích của các tôn giáo hiện có trên thế giới, là tạo cơ hội cho một nền văn minh thế giới, lý tưởng trên mặt đất. Tôn giáo Baha’i không có giáo sĩ hoặc tu sĩ hoặc các hình thức lễ rửa tội.


Chính là vì các tín đồ hăng hái chờ đợi trong các tôn giáo hiện có trên thế giới đã thấy ở Đức Tin Baha’i sự hoàn tất mục đích tôn giáo của họ rất tự nhiên nên họ đã được lôi cuốn vào Đức tin Baha’i. Những ai tin ở các lời tiên tri sẽ tìm thấy trong Tôn giáo Baha’i sự hoàn thành của Đấng cứu thế họ mong đợi.

Ngài là Đấng Ruhullah mà những người Sunn Muslin mong chờ và là Đấng Qayyum trong giáo phái Shi’ih, Đấng Messiah bên Israel mà những người Do Thái mong đợi và là Đấng Chúa Cha đã được Chúa Cơ Đốc tiên đoán. Ngài là Phật Di Lặc như Phật Thích Ca Mâu Ni đã tiên tri và là Đấng Kahamki Avatar được Khrisna hứa hẹn. Ngài là Lão Tử mà người Trung Hoa đợi và Ngài là Đấng Shah Bahram của những người theo Bái Hỏa Giáo. Vì vậy chấp nhận Đức Baha’u’llah và các giáo lý của Ngài không có nghĩa là làm giảm lòng trung thành với các giáo lý cao quý của các Đấng giáo tổ thiêng liêng đã qua nhưng đó là mở rộng các giáo lý đó để cung ứng nhu cầu của nhân loại và đem các giáo lý đó đến chỗ kết quả.


Không có tín đồ Thiên Chúa Giáo nào có thể được coi là một tín hữu Baha’i nếu họ không chấp nhận Đức Phật, Mahomed và các Đấng khác bình đẳng với Chúa Cơ Đốc và điều này cũng thực như vậy đối với tín đồ các tôn giáo khác. Lời truyền giảng của Đức Baha’u’llah cho thế giới của chúng ta hiện nay hoàn toàn để mọi khía cạnh cũng như giáo lý của các Giáo tổ đã qua đối với thời đại của các Ngài. Đức Baha’u’llah đã mở rộng một tiêu chuẩn luân lý cho thế giới, một hệ thống quản trị, công bình, giáo dục thế giới, cũng như là một giải pháp tâm linh cho các nguồn lợi Kinh tế mất thăng bằng của hoàn cầu này. Xét về đặc điểm hàng ngàn cộng đồng Baha’i tại hàng trăm quốc gia trên thế giới hiện nay là một trật tự thế giới phôi phai lớn dần lên giữa những sự đổ vỡ gia tăng của thế giới cũ.


Kính thưa quý vị,


Tôn giáo cũng giống nhu mảnh vải che chở và làm văn minh cho thân thể của nhân loại, tuy nhiên chúng ta cũng phải đồng ý là bản chất mảnh vải vật chất thì không thay đổi nhưng kích thước mảnh vải phải thay đổi từ mực cần thiết để che một đứa bé đến mực cần thiết để che một người lớn. Đối với Tôn giáo cũng vậy. Nếu chúng ta không muốn xé mảnh vải chia thành mảnh nhỏ, chúng ta sẽ không cố tìm cách che thân một người lớn với mảnh vải dùng cho đứa bé. Mới đây, thế giới đã nghe nói đến những sự cố gắng thiết lập một sự thống nhất nội bộ của các nhà lãnh đạo các tôn giáo. Dù chúng ta có mong muốn thế nào đi chăng nữa thì những cố gắng đó cũng không thể thành tựu được. Lịch sử tôn giáo đã chứng kiến điều này vì nó mãi mãi tỏ rõ rằng không có Tôn giáo cũ nào có thể tự cải tổ và chấp nối được những sự chia rẽ nứt rạn của nó. Trái lại lịch sử tôn giáo cho ta thấy rằng một giáo chủ mới đứng lên đưa ra một cái lều bao quát hơn, rộng hơn để che được khối lượng nhân loại lớn hơn, đến lượt nó cũng vậy, nó sẽ bị căng thẳng quá đối với dung lượng và được thay thế bởi một cái lều khác rộng hơn đầy đủ hơn. Dù cho các nhà lãnh đạo tôn giáo có thực hiện nổi cái điều bất khả ấy thì họ cũng chỉ có thể thiết lập được sự hòa hợp nội bộ cho hàng trăm chi phái khác nhau, như vậy cũng chỉ như là khâu lại những mảnh rời rạc của sự chia rẽ trước kia. Nó không thể dùng vào mục đích của chúng ta vì nó sẽ rách nếu chúng ta cố dùng nó để bao phủ thân thể  người lớn của nhân loại.


Dù cho một vài tôn giáo lớn có thể giảm bới hàng trăm sự chia rẽ nội bộ, nó cũng không thể tạo được sự thống nhất liên tôn với các tôn giáo lớn khác trừ ra khi nào nó thành thật sửa soạn sự chấp nhận một ngôi vị bình đẳng cho các Giáo tổ của Tôn giáo khác. Nhưng vì chúng ta tỏ ra bất lực trong việc đó và trong việc chỉ cho tất cả các tín đồ cái chân lý sở đẳng này trong các Tôn giáo lớn trên thế giới thì sự thống nhất tôn giáo là điều không thể thực hiện. Con đường duy nhất để tiến đến sự thống nhất Tôn giáo, chứ không phải tinh thần dung hòa tôn giáo, là mỗi người trong chúng ta nên bước thêm một bước nữa để đi tìm và chấp nhận đấng cứu thế đã được tiên đoán bởi chính tôn giáo của chúng ta, cũng như hàng triệu tín đồ Baha’i theo lời kêu gọi của các tôn giáo trước kia đã tìm và đã thấy. Đây là lời chúng tôi mời nhân loại ở khắp mọi nơi. Thời gian sẽ còn lại rất ít khi tôn giáo định thiết lập một căn bản thống nhất vững mạnh của tình thương và công lý để chống lại cái xấu xa của chủ nghĩa vô thần, duy vật, thù hận và cố chấp. Chỉ sau khi, các tín đồ Phật giáo tìm thấy được đức Baha’u’llah là Phật Di lặc được mong đợi và các tín đồ Thiên Chúa Giáo thấy rằng Ngài là đấng Chúa Cha đã được Chúa Cơ Đốc tiên đoán. Chừng đó mỗi người trong họ cũng chấp nhận Chúa Cơ Đốc và Phật Thích Ca đều do một nguồn gốc và cũng chiếu một ánh sáng rực rỡ, điều này cũng đúng vậy đối với tín hữu của các tôn giáo lớn khác. Vì vậy chúng ta chỉ còn phải bước thêm một bước nữa là đạt đến một nền thống nhất và hòa bình tôn giáo thực sự và trường cửu. Chúng ta sẽ không ngờ là còn đau khổ bao lâu nữa? Tín hữu Baha’i mời quý vị tìm hiểu chân thành và một cách độc lập các tôn giáo của chính quý vị, vì chúng tôi chắc là những sự nghiên cứu như vậy sẽ đưa quý vị đến Đức Baha’u’llah.


Chúng tôi đã thọ ơn quý vị rất nhiều và đã được khuyến khích rất nhiều nhờ sự giúp đỡ của các diễn giả xuất sắc cũng như sự khuyến khích và giúp đỡ của quý vị hiện diện tại đây ngày hôm nay, nhưng chúng tôi sẽ kém thành thật với quý vị nếu chúng tôi bỏ qua, không nói rằng thì giờ này đã rất trễ đối với toàn thể nhân loại và nếu con người bình dân không đứng lên gánh vác lấy trách nhiệm và nắm lấy chương trình hội thì thế kỷ này của họ sẽ được thấy quả đất trở thành một nấm mồ khổng lồ. Mỗi người trong chúng ta tại Việt Nam này và tại khắp nơi trên thế giới phải cương quyết hành động không phải mỗi năm một lần mà ngày đêm phải tiến thêm về đích quan trọng của sự thống nhất tôn giáo.

 

Trong bước đầu tiên các tín đồ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Baha’i giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, và các tôn giáo khác tại Việt Nam thỉnh cầu các vị đại diện hô hào và thiết lập một hội đồng hòa hợp liên tôn chính thức gồm có hai đại diện của mỗi tôn giáo để làm sáng tỏ những cố gắng thành thực và chân chính của hai tôn giáo lớn và chủ trương của họ thường công bố là họ chỉ muốn sự bình đẳng và hòa hợp giữa các tôn giáo. Hãy để Hội đồng này xác nhận lập trường chân thành về sự hoàn toàn tự do bình đẳng và hòa hợp tôn giáo. Hãy để Chính phủ giúp đỡ và khuyến khích Hội đồng này vì mục đích của Hội đồng này là điều lợi trực tiếp của dân tộc và cũng là mục đích của Chính phủ.


Hãy để Chính phủ quy định và nâng đỡ bởi một điều luật chính thức về ngày Tôn giáo hoàn cầu hằng năm là lúc mà đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới có thể gặp nhau tại khắp các địa phương tại Việt Nam cũng như chúng ta đã tổ chức tại đây ngày hôm nay để nhấn mạnh lại mẫu số chung nền tảng tất cả các tín ngưỡng để cùng hiến dâng về mục đích của tình huynh đệ nhân loại dưới Thượng Đế, trước hết tại Việt Nam và rồi tại khắp nơi trên thế giới. Còn gì tốt đẹp hơn nữa.


 

JAMSHED FOZDAR

BẢN TIN BAHA’I

Số 20, Niên lịch Baha’i 121 (Ra ngày 1.2.1964)