Tìm hiểu về nền quản trị Baha'i

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3037 | Cật nhập lần cuối: 7/31/2017 3:24:18 PM | RSS

“Nền Quản trị do Đức Baha’u’llah khởi xướng để hoàn thành mục đích thiên định bằng một hệ thống và nhiệm vụ các Cơ cấu, mỗi Cơ cấu có phạm vi hoạt động rõ ràng. Cơ quan điều động trung tâm của Nền Quản trị là Toà Công lý Quốc tế mà thẩm quyền giải quyết dựa trên Lời thiên khải của Đức Baha’u’llah cùng với những điều giải thích và luận giảng của Đức Abdul-Baha và Đức Giáo hộ Shoghi Effendi. Dưới sự hướng dẫn của Toà, thẩm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với các sự việc của cộng đồng Baha’i được thi hành bởi các Hội đồng Tinh thần Địa phương và Quốc gia. Thẩm quyền này cũng được thi hành bởi Hội đồng Vùng, các Ủy ban và các Cơ quan khác do các Cơ cấu này thành lập, trong phạm vi mình được giao cho.

Cùng với thẩm quyền được trao cho các cơ quan công cử để lập quyết định cho cộng đồng là ảnh hưởng tâm linh, đạo đức và trí tuệ liên quan đến đời sống tín đồ và công việc của các Cơ cấu của Chánh Đạo. Ảnh hưởng này có tính chất đặc biệt qua những giáo vụ được thực hiện bởi các cá nhân được cử vào các vị trí cao là các Cố vấn, các Tùy viên và các Phó Tùy viên được trao cho chức năng liên quan tới việc củng cố và quảng bá Chánh Đạo. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, các Cố vấn Châu lục nhận sự hướng dẫn từ Trung tâm Truyền giáo Quốc tế, một Cơ cấu mà lệnh truyền mang tính toàn cầu và hoạt động bên cạnh Toà Công lý Quốc tế.

Hành động trong vai trò riêng của mình, Cơ cấu Cố vấn và Hội đồng Tinh thần cùng chia sẻ trách nhiệm về bảo vệ và quảng bá Chánh Đạo. Sự tương tác hoà hợp giữa hai cơ cấu này bảo đảm sự hướng dẫn liên tục, tình yêu và sự khuyến khích đối với các tín đồ và tăng sức cho các nỗ lực cá nhân cũng như tập thể để đưa Chánh Đạo đi tới.

Không bị ràng buộc bởi các chức năng quản trị được trao cho các cơ cấu công cử, các Cố vấn và các Tùy viên có thể tập trung năng lực vào nhiệm vụ cỗ vũ các cá nhân Baha’i, các cơ cấu Baha’i và các cộng đồng Baha’i, tuân tùng nguyên lý. Kiến thức của các vị ấy về giáo lý, cùng với sự khôn ngoan có được nhờ kinh nghiệm thu thập qua việc tham gia mật thiết trong sinh hoạt Baha’i trên nhiều phương diện, đặc biệt giúp các vị ấy đủ tư cách đưa ra lời khuyên giúp đỡ cho công việc của các cơ cấu công cử. Ngoài ra, bởi sự kiện các vị ấy có cương vị cao hơn các Hội đồng Tinh thần, nên được cung cấp thông tin thích hợp, và các Hội đồng Tinh thần dành sự xem xét đích đáng cho lời khuyên và các đề nghị của các vị ấy. Quá trình quản trị Chánh Đạo không phải chỉ liên quan tới các vấn đề tư pháp, giáo luật, các qui định và các chương trình điều khiển hành động, mà còn bao trùm cả các biện pháp khơi dậy nơi các đạo hữu sự hưởng ứng toàn tâm và khai thông các năng lực của họ. Các vị Cố vấn và các Tùy viên đem hết khả năng ra gánh vác tất cả các quá trình quản trị ấy với tư cách là những cá nhân thực sự tận tụy và có tinh thần hiến dâng. Đồng thời, các vị ấy cũng thể hiện vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các đạo hữu, nuôi dưỡng các sáng kiến cá nhân, tính đa dạng và sự tự do trong hành động. Trong sự nghiệp của mình, các vị ấy cố gắng tiếp bước các vị Giáo thủ, mà Đức Abdul-Baha đã kêu gọi để “phân phát Hương thơm Thiêng liêng, nâng cao tâm hồn con người, cỗ vũ sự học vấn, chính thiện phẩm hạnh mọi người, và vào bất cứ lúc nào trong bất cứ hoàn cảnh nào, các vị ấy sẽ vượt khỏi và tách rời mọi điều phàm tục.” (1)

Như vậy, trước hết chúng ta cần hiểu rằng Nền Quản trị Baha'i là nền quản trị thiêng liêng, bởi do chính Thánh thư của Đấng Giáo Tổ và Trung tâm Giao ước của Ngài giáng bút, phát họa và triển khai.

Nền Quản trị Baha'i có hai trụ cột, đó là Trụ cột Hội đồng Tinh thần (còn gọi là Trụ cột bầu cử (công cử) và Trụ cột Cố vấn còn gọi là Trụ cột chỉ định (bổ nhiệm).

Hai trụ cột ấy có thể mô phỏng theo hình vẽ dưới đây:

Tìm hiểu về nền quản trị Baha'i

Về trụ cột bầu cử: Thể thức bầu cử Baha’i mang tính thiêng liêng do Đấng Giáo Tổ và Trung tâm Giao ước của Ngài thiết lập qua Thánh thư thiêng liêng và nhờ vậy luôn duy trì được tính thống nhất và thiêng liêng. Đây là thể thức bầu cử hoàn toàn khác với cách bầu cử đang diễn ra ngoài đời mà ta thường thấy. Thể thức này mang tính thiêng liêng, không có ứng cử, không có đề cử và không có chiến dịch vận động tranh cử.

· Ở cấp cơ sở có Hội đồng Tinh thần Địa phương (nhiệm kỳ 1 năm), do tín đồ trưởng thành (tức từ 21 tuổi trở lên) sống trong ranh giới Hội đồng Tinh thần Địa phương đó, bầu lên vào một ngày duy nhất trong năm. Đó là ngày đầu của Thánh Lễ Ridvan, Thánh Lễ đánh dấu Tuyên ngôn của Đức Baha’u'llah kéo dài trong 12 ngày (thường nằm trong khoảng 20 hay 21 tháng 4 vào kéo dài đến hết ngày 1 hoặc 2 tháng 5 theo Niên lịch Baha’i).

· Ở cấp quốc gia có Hội đồng Tinh thần Quốc gia (nhiệm kỳ 1 năm), được bầu cử theo hai giai đoạn. Đầu tiên, các đơn vị bầu cử được Hội đồng Tinh thần Quốc gia đương nhiệm phân bổ số lượng đại biểu theo tỷ lệ tín đồ trưởng thành sinh sống trong khu vực đơn vị bầu cử ấy, họp mặt và bầu số đại biểu đã được phân bổ để đại diện cho số tín đồ của khu vực bầu cử ấy tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc. Sau đó các Đại biểu trên toàn quốc sẽ tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc được tổ chức mỗi năm một lần trong khoảng thời gian 12 ngày Thánh Lễ Ridvan đó, để các Đại biểu chọn 9 người Baha’i trưởng thành là các tín đồ hiện đang sinh sống trong toàn quốc không phân biệt giới tính, tuổi tác và thành phần xã hội v.v. để bầu vào Hội đồng Tinh thần Quốc gia.

· Ở cấp quốc tế có Tòa Công lý Quốc tế (nhiệm kỳ 5 năm). Cũng được bầu theo thể thức trên nhưng số tín đồ được chọn nằm rải rác trên khắp thế giới. Chín người có số phiều cao nhất trong cuộc kiểm phiếu sẽ đắc cử vào Tòa Công lý Quốc tế. Đại hội Baha’i Quốc tế được tổ chức 5 năm một lần tại Thánh Địa Baha’i ở Haifa, Israel để bầu Tòa Công lý Quốc tế. Đại hội này cũng được tổ chức trong khoảng thời gian 12 ngày của Thánh Lễ Ridvan. Đại biểu tham dự Đại hội Baha’i Quốc tế là 9 ủy viên của Hội đồng Tinh thần Quốc gia của mỗi nước trên toàn thế giới. Tòa Công lý Quốc tế là cơ cấu trung tâm và tối cao của Chánh Đạo mà mọi người phải hướng về.

Để hiểu rõ hơn về tính thiêng liêng của bầu cử Baha’i xin vui lòng đọc sách Tính Thiêng liêng của Bầu cử Baha’i.

Về trụ cột chỉ định : Ngoài trụ cột công cử, nền Quản trị Baha’i còn có trụ cột chỉ định gồm các cá nhân lỗi lạc do Tòa Công lý Quốc tế chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm. Với trụ cột chỉ định này, Tòa Công lý Quốc tế hiện chỉ định 9 thành viên của Trung tâm Truyền giáo Quốc tế trong tất cả những tín đồ thành niên trên thế giới với nhiệm kỳ 5 năm. Tòa Công lý Quốc tế chỉ định các Cố vấn tại các Châu lục nhiệm kỳ 5 năm.

· Ở cấp cơ sở có Tùy viên (nhiệm kỳ 5 năm), do Ban Cố vấn Châu lục chỉ định cho mỗi quốc gia trong Châu lục đó. Hiện có 1.134 Tùy viên trên thế giới

· Ở cấp quốc gia có Cố vấn (nhiệm kỳ 5 năm), do Tòa Công lý Quốc tế chỉ định. Hiện nay có tất cả 81 vị Cố vấn tại năm Châu lục là Châu Phi (19), Châu Mỹ (19), Châu Á (20), Châu Úc (11), Châu Âu (12). Còn các Tùy viên tại các nước thì do Ban Cố vấn Châu lục chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm.

· Ở cấp quốc tế có Trung tâm Truyền giáo Quốc tế (nhiệm kỳ 5 năm) gồm 9 vị do Tòa Công lý Quốc tế chỉ định và làm việc tại Thánh Địa là cầu nối giữa các vị Cố vấn với Tòa Công lý Quốc tế.

Mọi quyết định trong cộng đồng đều thuộc về thẩm quyền của trụ cột bầu cử (tức các Hội đồng Tinh thần Địa phương, Hội đồng Tinh thần Quốc gia và Tòa Công lý Quốc tế).

Còn trụ cột chỉ định không có thẩm quyền lập quyết định, mà chủ yếu cho những lời khuyên hữu ích và yêu thương nhằm làm sinh động đời sống của tín đồ trong cộng đồng và duy trì sự thống nhất.

TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO QUỐC TẾ

Trung tâm Truyền giáo Quốc tế có chín thành viên với tư cách là các Cố vấn Quốc tế do Toà Công lý Quốc tế cử ra trong tất cả những tín đồ thành niên trên thế giới với nhiệm kỳ năm năm, mỗi nhiệm kỳ kể từ ngày 23 tháng 5 ngay sau cuộc Đại hội Đại biểu Baha’i Quốc tế. Các Giáo thủ của Thượng Đế là thành viên vĩnh viễn của Trung tâm kể từ ngày nhận việc.

Công việc của Trung tâm Truyền giáo chủ yếu có tính tập thể. Các trách nhiệm của Trung tâm khiến Trung tâm phụng sự như là nguồn thông tin và phân tích của Toà Công lý Quốc tế và cung cấp sự hướng dẫn và nguồn lợi cho các Ban Cố vấn Châu lục. Trung tâm được yêu cầu hiểu biết đầy đủ tình hình của Chánh Đạo ở khắp nơi trên thế giới và nhạy bén nắm bắt các khả năng mở rộng Chánh Đạo, củng cố các cơ cấu và phát triển đời sống cộng đồng Baha’i. Trung tâm phải phân tích các khả năng này trong mối liên hệ với các kế hoạch toàn cầu, dự liệu các nhu cầu trên thế giới và bảo đảm rằng các nguồn lực cần thiết được đưa đến các cộng đồng quốc gia. Trong phạm vi này, Trung tâm đặc biệt chú ý tới việc phát triển nguồn nhân lực, giúp các cộng đồng gia tăng khả năng đem đến cho khối tín đồ ngày càng lớn nhận thức tâm linh, sự hiểu biết về Chánh Đạo, các kỹ năng và các khả năng phụng sự.

Trung tâm Truyền giáo Quốc tế được giao cho sứ mệnh theo dõi sự an toàn và nắm chắc việc bảo vệ Chánh Đạo của Thượng Đế. Trung tâm phải nghiên cứu mọi trường hợp nhen nhóm phản ước – nếu cần, sử dụng công việc của các Cố vấn và các Tùy viên và đánh giá báo cáo của các vị ấy – và quyết định liệu những kẻ vấp phạm có

đáng bị đưa ra khỏi Chánh Đạo hay không, rồi trình Toà Công lý Quốc tế quyết định về sự cứu xét của Trung tâm. Trung tâm cũng theo thể thức này để phục hồi cho người phản ước biết ăn năn. Rộng hơn nữa, Trung tâm cần chú ý tới sức khoẻ tinh thần của cộng đồng Baha’i, thúc đẩy các Cố vấn và các Tùy viên tăng sức cho các tín đồ trước ảnh hưởng của các nguồn chống đối Chánh Đạo ở bên ngoài cũng như bên trong, giúp các Hội đồng Tinh thần Địa phương và Quốc gia trong việc giải quyết những vấn đề có thể khơi lên sự hoài nghi về tính thống nhất của Chánh Đạo và Giáo lý Chánh Đạo.

CÁC BAN CỐ VẤN CHÂU LỤC

Hiện nay, năm Ban Cố vấn Châu lục phục vụ tại năm khu vực lớn trên thế giới: Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Úc và Châu Âu. Nhiệm kỳ của các Cố vấn và phạm vi chính xác của khu vực trong đó các Ban Cố vấn hoạt động do Toà Công lý Quốc tế qui định, cũng như số thành viên trong mỗi Ban. Nhiệm kỳ – lần đầu tiên bắt đầu thành lập vào Ngày Giao ước, 26/11/1980 – hiện nay là năm năm.

Các Cố vấn chỉ hoạt động trong phạm vi khu vực Châu lục của Ban nơi các Cố vấn được chỉ định; nếu các vị này đổi nơi cư trú, thì nhiệm vụ các vị tự động chấm dứt. Nhiệm vụ đầu tiên của các Cố vấn là làm công việc của Ban. Tuy nhiên, các vị hợp tác với thành viên các Ban khác phụng sự trong các khu vực lân cận, và có thể thực hiện các chức năng đặc biệt ở các khu vực khác với khu vực của mình theo yêu cầu của Trung tâm Truyền giáo Quốc tế hoặc do Toà Công lý Quốc tế trực tiếp điều động.

Mỗi Ban Cố vấn tổ chức một số cuộc họp trong nhiệm kỳ để hội ý về những tầm vóc khác nhau của việc quảng bá và bảo vệ Chánh Đạo. Trong việc thực hiện các chức năng khác – chẳng hạn như tạo đà cho các thành phần khác nhau của cộng đồng Baha’i ở một khu vực đặc biệt trong Châu lục – nhiều Cố vấn đến với nhau để hội ý và hợp tác để bổ sung năng lực cho nhau. Một số nhiệm vụ, kể cả giám sát và hướng dẫn các Tùy viên trong một khu vực, thường do một Cố vấn thay mặt toàn Ban để thực hiện. Nói chung, ta nên nhớ rằng, không giống các cơ cấu khác của nền quản trị, buộc phải hoạt động tập thể, các Cố vấn hoạt động chủ yếu với tư cách cá nhân. Trong khi xử lý phần lớn công việc, mỗi vị Cố vấn có một phạm vi khả năng rất rộng tùy theo tính uyển chuyển cố hữu của cơ cấu.

Chủ yếu trong công việc của các Cố vấn là hiểu rằng tất cả thành viên trong Ban Cố vấn Châu lục chịu trách nhiệm về cả Châu lục và cần cố gắng tối đa trong việc làm quen với tình trạng của Chánh Đạo ở các nước trong Châu lục. Qua báo cáo thường kỳ của mỗi cá nhân Cố vấn, Ban Cố vấn theo sát các diễn biến ở mọi khu vực trên Châu lục và có thể hướng dẫn để giúp đỡ các thành viên trong việc thực thi nhiệm vụ. Khi không vị Cố vấn nào được xem là chịu trách nhiệm riêng cho một lãnh thổ nào, sự thông thạo chi tiết của mỗi vị do tương tác mật thiết với Hội đồng Tinh thần Quốc gia

và với các Tùy viên trong một vùng riêng biệt tiêu biểu cho vốn quí của tất cả các Cố vấn trong Ban.

CÁC BAN TÙY VIÊN

Thành viên các Ban Tùy viên được Ban Cố vấn chỉ định trong số các tín đồ trên mỗi Châu lục, mỗi nhiệm kỳ năm năm, bắt đầu từ Ngày Giao ước của năm sau năm chỉ định các Cố vấn. Tùy viên phải từ 21 tuổi trở lên. Toàn thể thành viên Ban Cố vấn thực hiện việc chỉ định bằng hội ý, nếu cần có thể thực hiện bằng thư tín.

Các thành viên Ban Tùy viên chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban Cố vấn đã chỉ định mình. Các Tùy viên không hợp thành cơ quan lập quyết định. Tuy nhiên, các Tùy viên có thể tham khảo và hợp tác với nhau miễn là có lưu ý không rời xa nguyên tắc này.

Mỗi vị Tùy viên được giao cho một lãnh thổ cụ thể, và dù theo mục đích thực tế lãnh thổ ấy có thể là một nước hoặc một khu vực của Hội đồng Quốc gia, Tùy viên không bị bắt buộc phải theo một cách cứng nhắc. Các ban Tùy viên là cơ cấu châu lục, nên không cần có sự trùng hợp về ranh giới lãnh thổ trao cho các Tùy viên và biên giới quốc gia. Nếu không được các Cố vấn ủy nhiệm cụ thể, một Tùy viên không được hoạt động ngoài lãnh thổ mình được giao. Vì những lý do hiển nhiên, các Tùy viên nên ở trong lãnh thổ mà mình phục vụ; tuy nhiên, nếu ở một vùng không có ứng viên thích hợp, các Cố vấn có thể quyết định cách thu xếp khác.

Khi giao khu vực cho các Tùy viên, Ban Cố vấn Châu lục bảo đảm rằng toàn Châu lục đều được phân vùng cho một trong hai Ban Tùy viên. Nghĩa là, người Baha’i ở bất cứ địa phương nào đều có một Tùy viên Bảo vệ và một Tùy viên Quảng bá để họ có thể tham khảo.

CÁC PHÓ TÙY VIÊN

Mỗi Ban Cố vấn Châu lục cho phép các cá nhân Tùy viên chỉ định Phó Tùy viên. Danh xưng đúng là “Phó của Tùy viên”. Một Phó Tuỳ viên được một Tùy viên chỉ định để làm việc trong một vùng nhất định và chỉ hoạt động với tư cách là người giúp việc trong phạm vi khu vực ấy. Các Phó Tùy viên, cũng như Tùy viên, hoạt động với tư cách cá nhân, chứ không phải là cơ cấu tư vấn.

Nhiệm kỳ của Phó Tùy viên do mỗi Ban Cố vấn Châu lục quyết định và không cần theo tiêu chuẩn chung. Các Tùy viên có thể chỉ định một số Phó Tùy viên có nhiệm kỳ nhất định, và một số khác thì không. Việc chỉ định có thể thực hiện từng thời kỳ giới hạn, như là một hoặc hai năm, với khả năng có thể cử lại. Trong một số trường hợp,

các Cố vấn có thể cho phép cử các Phó Tùy viên cho một dự án hoặc nhiều dự án, mà nhiệm kỳ có thể rất ngắn.

PHỤNG SỰ TRONG CÁC CƠ QUAN QUẢN TRỊ CẤP ĐỊA PHƯƠNG, VÙNG, QUỐC GIA

Tất cả tín đồ Baha’i thành niên, kể cả các Cố vấn Châu lục và các Tùy viên, đều có quyền bỏ phiếu bầu cử các đại biểu hoặc bầu cử Ủy viên Hội đồng Tinh thần Địa phương. Cương vị và nhiệm vụ đặc biệt của các Cố vấn không cho phép các vị ấy phụng sự trong các cơ quan quản trị cấp địa phương, vùng hoặc quốc gia. Các Tùy viên có thể được bầu vào cơ quan công cử, nhưng nếu được bầu vào cơ quan địa phương, vùng hoặc quốc gia, thì phải quyết định vẫn giữ nhiệm vụ Tùy viên hoặc chấp nhận vị trí công cử, bởi vì các vị không thể phụng sự ở hai vị trí cùng một lúc.

Khi được đắc cử vào Hội đồng Tinh thần hoặc Hội đồng Vùng, hoặc đại biểu Đại hội Toàn quốc, Tùy viên nên dành một thời gian hợp lý để lựa chọn và không nên buộc mình quyết định ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố. Làm Tùy viên được xem là lý do chính đáng để xin rút khỏi cơ quan công cử.

Trong khi mối liên hệ thân thiết nhất cần được nuôi dưỡng giữa Cơ cấu Cố vấn với các Hội đồng Tinh thần và các cơ quan của Hội đồng, các Tùy viên không được cử vào các Ủy ban, với tư cách là thành viên biểu quyết hoặc không biểu quyết. Một số cơ quan như Hội Nghiên cứu Baha’i, hoặc ủy ban chịu trách nhiệm về mặt phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi năng lực chuyên môn của các thành viên, đó là một loại khác. Các Cố vấn hoặc Tùy viên với kỹ năng chuyên môn cần thiết có thể phục vụ trong các cơ quan và ủy ban này, nhưng đương nhiên là công việc ấy không gây trở ngại cho nhiệm vụ của các vị ấy. Cũng thế, vị Tùy viên có thể có quan hệ người điều hành/nhân viên với Hội đồng Tinh thần Quốc gia, chẳng hạn như với tư cách chức việc giao tế hoặc tư cách người điều hành một cơ sở trực thuộc Hội đồng. Một vị Cố vấn cũng có thể nhân danh Hội đồng Quốc gia làm đại diện cho quyền lợi của một cộng đồng Baha’i trong các mối liên hệ với chính quyền của một nước.

Tham gia mật thiết vào các hoạt động của viện giáo lý là một phần các chức năng của Tùy viên, và vì vậy các Tùy viên có thể phụng sự trong các cơ quan hoặc ủy ban giám sát công việc của các viện giáo lý. Khi phụng sự với tư cách thành viên các ban ấy, vị Tùy viên không có đặc quyền hội ý hoặc quyết định khác với các thành viên khác trong ban. Sự tham gia của các Tùy viên trong công việc của viện giáo lý, dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong ban viện; nhiều vị cũng phụng sự với tư cách người phối hợp và làm việc với tư cách hướng dẫn viên.

Hội đồng Tinh thần Quốc gia, ủy ban toàn quốc, Hội đồng Vùng, hoặc Hội đồng Tinh thần Địa phương có thể trực tiếp yêu cầu một vị Tùy viên, như yêu cầu bất cứ tín đồ nào khác, thực hiện các giáo vụ như hướng dẫn một môn trong khoá học hè hoặc thuyết trình trước một cuộc hôi nghị. Vị Tùy viên được tự do xác định việc làm theo yêu cầu có gây trở ngại cho các việc khác hay không.

Các tín đồ có thể vừa phụng sự với tư cách Phó Tùy viên và với tư cách ủy viên Hội đồng Địa phương, Quốc gia, Hội đồng Vùng và ủy ban, và có thể nhận các chức vụ trong đó. Như thế, việc cử một tín đồ làm Phó Tùy viên không đòi hỏi người ấy phải rút khỏi các cơ quan quản trị khác, và đó không phải là lý do để chấp nhận sự từ chức. Nếu một người tin rằng mình có lý do đặc biệt để không nhận sự chỉ định làm Phó Tùy viên, dĩ nhiên người đó được tự do nêu vấn đề với vị Tùy viên liên hệ hoặc trao đổi với Hội đồng Tinh thần.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CỐ VẤN CHÂU LỤC VÀ CÁC TÙY VIÊN

Các Cố vấn Châu lục và các Hội đồng Tinh thần Quốc gia cùng có các chức năng cụ thể liên quan tới việc bảo vệ và quảng bá Chánh Đạo. Nhiệm vụ của các Cố vấn bao gồm việc điều động các Tùy viên, hội ý và cộng tác với các Hội đồng Tinh thần Quốc gia, và báo cáo thường xuyên với Trung tâm Truyền giáo Quốc tế và Toà Công lý Quốc tế về tinh hình Chánh Đạo trong khu vực của mình.

Các Cố vấn có nhiệm vụ khơi dậy trên mỗi châu lục việc phát triển và củng cố Chánh Đạo và nâng cao các mặt tâm linh, trí tuệ và xã hội của đời sống Baha’i. Sức khoẻ tâm linh của cộng đồng và sức mạnh đức tin của cá nhân, việc củng cố nền móng gia đình và việc học tập Giáo lý nhận được sự quan tâm đặc biệt của các Cố vấn và những người được kêu gọi để giúp đỡ các vị ấy. Các vị cũng lưu tâm tới việc nâng cao năng lực các đạo hữu và các cơ cấu trong việc thảo kế hoạch hành động có hệ thống, thực thi các kế hoạch đầy nhiệt tình, và học hỏi từ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nền văn minh thế giới theo phác hoạ của Đức Baha’u’llah. Trong phạm vi này, việc nâng cao văn hoá tăng trưởng trong cộng đồng Baha’i là công việc căn bản của các Cố vấn.

Các Tùy viên Bảo vệ và Quảng bá có những chức năng khác nhau. Tuy nhiên, các vị ấy có một số chức năng chung, đặc biệt trong việc học chuyên sâu và củng cố. Ngay từ đầu, Đức Giáo hộ đã dự liệu rằng các Tùy viên sẽ giúp các vị Giáo thủ “trong việc thực thi nhiệm vụ song hành và thiêng liêng là bảo vệ Chánh Đạo và đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo.” Trong số các giáo vụ Đức Giáo hộ quy định cho các Tùy viên có: khuyến khích và củng cố việc truyền giáo trong sự hợp tác với các cơ quan quản trị hiện hữu; giúp làm mạnh lại các Hội đồng, các nhóm, các trung tâm yếu bằng các cuộc viếng thăm; giúp thực hiện nhanh và hữu hiệu các kế hoạch; giữ sự liên lạc với những người xung phong truyền giáo, giúp họ kiên trì và vạch cho họ thấy tính cách thiêng liêng về trách nhiệm của họ; khuyến khích các cá nhân và các Hội đồng bằng thư từ và các cuộc viếng thăm; làm cho các tín đồ ý thức rõ rằng nền móng của mọi

hoạt động Baha’i là sự thống nhất; khuyến khích các đạo hữu đóng góp rộng rãi vào các Quĩ khác nhau; và làm cho họ chú ý tới tầm quan trọng của sáng kiến và nỗ lực cá nhân. Ngoài ra, Đức Shoghi Effendi còn giao cho Ban Tùy viên Bảo vệ nhiệm vụ đặc biệt là theo dõi sự an toàn của Chánh Đạo. Các Tùy viên Bảo vệ, như kinh nghiệm cho thấy, cũng giúp vào việc phát triển Chánh Đạo, nhưng tập trung sức lực nhiều hơn cho việc nâng cao sự hiểu biết của các đạo hữu về Giao ước và nuôi dưỡng tinh thần thương yêu và thống nhất. Nỗ lực của các vị ấy đã đóng góp to lớn cho sự lớn mạnh của cộng đồng Baha’i, cho việc Bảo vệ Chánh Đạo gắn chặt với việc Quảng bá Chánh Đạo.

Tính linh động và nhẹ nhàng nhờ đó các Cố vấn và Tuỳ viên có thể đáp ứng một nhu cầu rõ rệt của cộng đồng – như là nhu cầu khuyến khích, giải thích các kế hoạch, học sâu về Giáo lý, bảo vệ Giao ước – là những yếu tố nổi bật trong hoạt động của các vị ấy. Tính linh động này giúp các vị hoạt động khi hoàn cảnh đòi hỏi, dù là đưa ra lời khuyên trong một cuộc họp, hướng dẫn riêng cho cá nhân, giúp các đạo hữu hiểu và tuân theo qui định của Hội đồng Tinh thần hoặc giải quyết các vấn đề về Giao ước. Trong tất cả các hoàn cảnh này, các vị ấy có thể nhắc lưu ý tới những Kinh bản liên hệ, chia sẻ thông tin, tìm hiểu tình hình, và tự làm quen với các hoàn cảnh theo những phương cách mà Hội đồng Tinh thần không thể làm được. Rồi các vị ấy có thể chia sẻ với Hội đồng Tinh thần, khi cần thiết, những ý tưởng, phân tích, nhận thức và lời khuyên, chắc chắn sẽ nâng cao năng lực các Hội đồng này trong việc phục vụ cộng đồng. Nơi mà các Hội đồng Địa phương còn mới và yếu, các Tùy viên khuyến khích các Hội đồng biết tổ chức công việc. Trong mọi hoàn cảnh, các vị ấy động viên các tín đồ địa phuơng ủng hộ sáng kiến của các Hội đồng.

Về vai trò của các Phó Tùy viên, các đạo hữu này có trách nhiệm chung là giúp các Tùy viên thực hiện chức năng của mình. Tuy nhiên, tính chất sự đóng góp của các Phó Tùy viên được phản ánh trong phạm vi các giáo vụ cụ thể được giao phó cho mỗi Tuỳ viên mà Phó Tùy viên giúp việc. Tính chất chính xác của các giáo vụ ấy được xác định do nhận thức của Tùy viên về các nhu cầu và tiềm năng của các cộng đồng nơi mình phụng sự, và chính trong phần lớn phạm vi này, sự định hướng và chỉ dẫn của các Phó Tùy viên trở thành rất có ý nghĩa.

HỢP TÁC VỚI CÁC HỘI ĐỒNG TINH THẦN QUỐC GIA

Quan hệ giữa các Ban Cố vấn Châu lục với các Hội đồng Tinh thần Quốc gia là một sự hợp tác yêu thương giữa hai cơ cấu của Chánh Đạo cùng phụng sự những mục đích chung và cùng khát khao được thấy những ơn bổ sức thiêng liêng như nhau tuôn đổ trên những nỗ lực của các đạo hữu để thúc đẩy và xây dựng vững chắc nền Chánh Đạo. Đây là mối quan hệ tiến hoá càng trở thành phong phú hơn khi hai cơ cấu đối diện với sự thách thức về việc xây dựng các cộng đồng Baha’i và chứng kiến với niềm hãnh diện bước tiến lên của Chánh Đạo.

Vì các Cố vấn Châu lục và các Hội đồng Tinh thần Quốc gia làm việc chung để bảo đảm cho sự phát triển và củng cố cộng đồng, các Hội đồng Tinh thần Quốc gia lập ra tất cả những quyết định hành pháp cần thiết và chịu trách nhiệm thực thi. Các Cố vấn mang đến cho các chức năng của các Hội đồng một tầm nhìn châu lục, mà khi chuyển đến Hội đồng dưới dạng lời tư vấn, khuyến cáo, đề nghị hoặc bình luận, làm phong phú cho nhận thức của Hội đồng, khiến Hội đồng làm quen với một kinh nghiệm rộng rãi hơn, và khuyến khích Hội đồng duy trì một nhãn quan bao trùm thế giới.

Với tư cách là những người được Toà Công lý Quốc tế chỉ định, các vị Cố vấn giúp Cơ quan Đầu não của Chánh Đạo mở rộng nền móng, nuôi dưỡng sức mạnh và bảo đảm sự an toàn của các Hội đồng Tinh thần Quốc gia, các cơ cấu, các cộng đồng dưới quyền quản trị của mình. Thông qua các Tùy viên, các vị Cố vấn mở rộng những lợi ích thuộc chức năng của mình đến các Hội đồng Tinh thần Địa phương và các cơ sở hạ tầng của cộng đồng.

Các Cố vấn, trong khi thể hiện trách nhiệm của mình, ủng hộ các sáng kiến do Hội đồng Tinh thần Quốc gia đề ra, các sáng kiến thường phát sinh do các cuộc thảo luận chung của hai cơ cấu. Tùy viên giải thích cho các đạo hữu về tính chất và mục đích các sáng kiến này, động viên các đạo hữu đứng lên và đáp ứng lời kêu gọi của Hội đồng, khuyến khích các đạo hữu kiên trì trong hành động thống nhất. Dĩ nhiên, các vị Cố vấn có một phạm vi rộng lớn trong việc xác định cơ cấu nên làm cách nào để thực hiện các nhiệm vụ này.

Một nét quan trọng trong công việc của các Cố vấn khiến các vị có thể cống hiến lời khuyên giá trị cho các Hội đồng Tinh thần Quốc gia là sự xa rời hẳn các chi tiết về quản trị, một sự tự do cho phép các vị ấy tập trung vào những vấn đề chính yếu của Chánh Đạo. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý để cho sự xa rời này không đưa tới chỗ thái quá. Các Cố vấn không nên hạn chế tới mức không phát biểu quan điểm với các Hội đồng Quốc gia về những vấn đề quản trị, và các Hội đồng Quốc gia cũng không nên cảm thấy hạn chế tới mức không hội ý với Cố vấn về những vấn đề này.

Các Cố vấn không những có quyền mà còn có nghĩa vụ đưa ra lời khuyên và chuyển các đề nghị đến các Hội đồng Tinh thần Quốc gia trong khi thực hiện những chức năng đặc biệt của mình. Cố vấn báo động cho các Hội đồng Quốc gia về bất cứ vấn đề hoặc khuynh hướng nào trong cộng đồng Baha’i mà các vị nghĩ rằng cần phải lưu ý. Mối quan tâm của các vị về phương diện này liên hệ đến cả hoạt động của các Hội đồng Quốc gia. Nếu các Cố vấn thấy có sự lệch hướng trầm trọng về quản trị hoặc về các nguyên lý khác trong công việc của Hội đồng Quốc gia hoặc các cơ quan trực thuộc, các vị ấy phải hội ý với Hội đồng về vấn đề và đề nghị hành động chấn chỉnh. Điều này các vị ấy phải làm dù cho biết rằng bước đi như thế có thể tạo nên sự căng thẳng giữa hai cơ cấu.

Thái độ của các vị Cố vấn và các Hội đồng Tinh thần Quốc gia đối với nhau không phải được thôi thúc bởi sự áp dụng pháp lý về nguyên tắc trong mối tương quan chức năng. Việc hành sử trách nhiệm chung chỉ thực hiện được trong khuôn khổ các yêu cầu tâm linh cho tất cả mối quan hệ Baha’i thành công. Các sự tương tác giữa hai cơ cấu phát triển trong bầu không khí thương yêu và phù hợp với ý thức tương kính sâu sắc. Lời khuyên của Đức Baha’u’llah có tính giáo dục rất cao về điểm này. Ngài phán: “Chớ hạ thấp cương vị của những nhà học vấn trong Đấng Baha và chớ xem thường hàng ngũ những nhà quản trị đang điều hành công lý giữa các ngươi.”

Nhờ sự phối hợp hoat động trong tình yêu thương giữa hai trụ cột công cử và trụ cột chỉ định của nền Quản trị Baha'i mà Chánh Đạo Baha'i đã duy trì được sự thống nhất của nền Chánh Đạo sau khi Đấng Giáo tổ đã thăng thiên. Đây là một hiện tượng độc đáo, không có điểm đối chiếu trong lịch sử phát triển tôn giáo trên thế giới trước đây. Đến nay, sau 174 năm Cộng đồng Baha'i trên thế giới đã là một cộng đồng Baha'i duy nhất trên thế giới, gắn kết chặt chẽ với nhau bởi một hệ thống các cơ cấu công cử, bao gồm khoảng 13.000 Hội đồng Tinh thần Địa phương, 181 Hội đồng Tinh thần Quốc gia và một cơ quan quản trị quốc tế là Toà Công lý Quốc tế đặt trụ sở tại Trung tâm Baha'i Thế giới ở Haifa, Israel.

Nguồn: Cộng đồng Tôn giáo Baha'i Việt Nam

______________________________

Chú thích:

(1) Trích Thông điệp Tòa Công lý Quốc tế ngày 1/1/2001