Tình liên đới nhân loại

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1186 | Cật nhập lần cuối: 7/3/2018 10:34:41 AM | RSS

Tình liên đới nhân loạiTin Mừng không đặt chúng ta vào thời đại của sợ hãi, mà vào thời đại của niềm tin tưởng. Tin Mừng không có cái nhìn bi quan về hiện hữu con người.

Hạnh phúc thay ai nhận lãnh được từ nơi Đấng Phục sinh một niềm tin tưởng không bao giờ mất, không bao giờ mòn mỏi. Thay vì trốn chạy tình liên đới nhân loại, niềm tin tưởng ấy thúc đẩy chúng ta sống Chúa Kitô cho tha nhân và đảm nhận lấy những trách nhiệm.

Vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng, ai sẽ tìm cách giảm trừ những khổ đau, ở những nơi có bệnh tật, nghèo đói và những căn nhà cùng khốn? Ai sẽ có thể nhắm mắt trước cảnh người ta bị đàn áp, bị đối xử tàn tệ, bị khai thác bóc lột? Ai có thể dửng dưng trước cảnh con người bị xúc phạm, bị tổn thương?

Làm cho trái đất này trở nên mời đón và có thể ở được, đặc biệt đòi hỏi sử dụng những khả năng vô tận của khoa học và kỹ thuật. Những phương tiện ấy có thể nâng đỡ những ai lâm cảnh cùng khốn, xóa bỏ nạn nghèo đói, nuôi sống gia đình nhân loại trên khắp trái đất đang tăng trưởng theo những tỷ lệ chưa bao giờ thấy.

Những phương tiện lớn lao ấy tuy cần thiết không thể thiếu, nhưng chỉ có chúng mà thôi thì không đủ. Nếu chúng ta thức dậy vào một buổi sáng nào đó trong những xã hội thiết dụng, kỹ thuật cao, nhưng trong đó tắt mất sự phó thác của niềm tin, sự hiểu biết của con tim, một sự khao khát hòa giải… thì tương lai gia đình nhân loại sẽ ra sao?

Ai sẽ là người để ý tới nỗi lo âu của người vô tội: những trẻ em mang dấu vết sự rạn nứt của gia đình, những người già trong cảnh cô đơn không thể chịu nổi?

Khi các trẻ em thấy những người thân của mình đụng độ với nhau, hay đi tới chỗ chia ly, thì tâm hồn chúng sẽ phải mang suốt đời một vết thương đau. Không phải là quá đáng khi nói rằng những sự tan vỡ về tình cảm và chuyện bị đồng loại bỏ rơi, là những nỗi sợ hãi ám ảnh con người nhiều nhất ở cuối thế kỷ XX này. Nếu các bạn thanh niên đến với các thiếu nhi đau khổ vì sự tan vỡ gia đình, dành thì giờ cho chúng, lắng nghe chúng, trao đổi với chúng, có thể sẽ đưa chúng vào một lời cầu nguyện chung.

Một số bạn trẻ rơi vào tình trạng ngờ vực, và không còn đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống, họ đã bị bỏ rơi bởi những người Chúa đã trao phó cho, ngay từ khi họ mới sinh ra. Nơi họ đã có một hố sâu trống rỗng mà họ không thể nào lấp đầy. Và giờ đây họ như muốn chạy và chạy thêm mãi, để tìm vận may để sống, tìm một người mẹ, một người cha.

Khi trái tim họ đã chết, khi tiếng kêu cô đơn thoát ra từ trong vực thẳm tâm hồn, và từ ruột gan họ lên tiếng hỏi: vậy thì Thiên Chúa ở đâu? Khi ấy, ai sẽ là người nhắc nhở cho họ rằng, đối với Thiên Chúa, “mỗi một con người là thánh thiêng, vâng, mỗi một con người được thánh hiến, bởi tuổi thơ trong trắng của họ đã bị thương tổn”?

Biết bao nhiêu người già cả sống trong cảnh cô đơn. Đôi khi họ nghĩ rằng đã không tồn tại, đã không hoàn thành được gì cả. Tuy nhiên cũng có khá nhiều người già có khả năng nghe với thái độ vô tư, và hiểu được những vấn nạn của những người trẻ. Họ thường có mặt trong các nhà thờ. Tại sao không tới đó mà gặp họ? Chính họ giúp cho Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trong gia đình nhân loại. Ai sẽ đến hôn những bàn tay khô héo của họ để tỏ lòng biết ơn?

Nói đến tình liên đới nhân loại, tôi xin nói đôi lời về các anh em tôi. Ngày từ những ngày đầu của cộng đồng, chúng tôi đã bị lôi vào trong những cảnh vực của gia đình nhân loại, với những sự thăng trầm liên tục. Chúng tôi tự hỏi: làm thể nào để mình khỏi bị cuốn trôi đi theo những đợt sóng tiếp nối ấy? Và chúng tôi đã hiểu rằng tình liên đới nhân loại cần được nuôi dưỡng từ mạch suối đức tin, trong một đời sống nội tâm.

Khi tôi thấy một số anh em tôi dâng hiến đời mình cho những người đã được giao phó cho họ, tại Taizé hay trong những khu vực nghèo khó, trong những điều kiện khó khăn vất vả nhất, rải rác trên thế giới này, tôi tự nhủ: sự quên mình, tinh thần vô vị lợi, đó chính là một trong những hơi thở nóng bỏng nhất của Tin Mừng.

Chúng tôi đã chọn lựa con đường của sự đơn sơ giản dị nhất. Ơn gọi của chúng tôi đòi chúng tôi chấp nhận sống chỉ với bàn tay lao động của mình, không nhận tặng vật, gia tài, quà cáp, không gì cả, tuyệt đối không gì cả. Từ mấy thập kỷ, khi đón tiếp các trẻ Tây phương, và bây giờ cả bên Đông nữa, chúng tôi đã khám phá được gì? Với rất ít những phương tiện vật chất, vậy mà chúng tôi phải làm công việc đón tiếp này, lúc đầu tưởng chừng không thể nào thực hiện nổi.

Trên mọi lục địa, biết bao thanh niên, phụ nữ, đàn ông và cả con nít nữa, có tất cả để chữa trị những hoàn cảnh đổ vỡ, tổn thương. Bạn có phải là một trong số những người đó không?

Một thanh niên người Ét-tô-ni nói: “Nếu chúng tôi thành người tín hữu, nếu chúng tôi ở Taizé, chính là nhờ các bà nội bà ngoại của chúng tôi, và chúng tôi sẽ sung sướng được đưa các cụ đến Taizé. Phần đông các bà nội bà ngoại của chúng tôi đã bị đem đi đày trong nhiều năm trời, từ mười lăm đến mười bảy năm. Tại những nơi lưu đày đó, để đứng vững, họ chỉ có niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Đó là những phụ nữ đơn sơ chất phác. Họ đã chẳng hiểu tại sao lại có biết bao đau khổ như vậy, tại sao nhà cửa của họ lại bị phá hủy như thế, và tại sao chồng con họ lại bị giết như vậy. Một số người trong những người này từ Xi-bê-ri trở về, không có gì tỏ cho thấy họ chua chát. Đối với chúng tôi bây giờ, các bà nội bà ngoại đều là những vị thánh”.
Để cho niềm tin tưởng lớn mạnh bên Đông cũng như bên Tây, ở Bắc cũng như ở Nam, cần có cuộc sống của bạn và của đông đảo những con người không cần kinh nghiệm của cả một cuộc sống để khởi sự.

Trong những năm này, có những người đã chỗi dậy, và với những bàn tay không, đã đánh đổ được những bức tường thành của sự sợ hãi và xỉ nhục. Họ biết rằng không có một dân tộc nào có lỗi hơn dân tộc khác. Thật là một điều thiết yếu là đừng bao giờ xỉ nhục các thành viên của một cộng đồng dân tộc, vì một số người lãnh đạo của họ đã có những hành vi khủng bố trong lịch sử.

Có vô vàn vô số người đã dâng hiến phần tốt đẹp nhất của mình để trở nên men của niềm tin tưởng giữa những cá nhân và giữa các dân tộc. Họ đã nổi bật lên giữa loài người như là dấu chỉ của niềm hi vọng không thể ngờ tới. Họ đã xây dựng nội tâm mình trong những giờ thử thách không thể nào hiểu nổi. Họ đã nhẫn nại bất chấp mọi sự. Rất nhiều người trong số họ là những người đã làm chiếu tỏa sự thánh thiện của Chúa Kitô, bằng chính cuộc đời mình, nhưng nhiều khi chính họ lại không biết.

Còn bạn, bạn có sẽ đi xa tới mức hiến dâng đời mình như thế không? Bạn có nghe tiếng Chúa Giêsu Kitô kêu gọi mỗi người: “Phần con, hãy theo Thầy”?

Có thể bạn sẽ nói: tôi không có can đảm. Thế thì hãy nhớ lời kêu gọi này: hãy bỏ xa sự chán nản, hãy bỏ xa sự tuyệt vọng, tâm hồn bạn hãy sống động lên! Phải, nhân danh Chúa Kitô, trái tim bạn hãy sống động lên!

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa không muốn cho ai tuyệt vọng từ trong tâm hồn. Và Chúa đến soi sáng trong chúng con mầu nhiệm sâu thẳm của nỗi khổ đau của con người. Vì thế, nhờ đó mà chúng con có thể tiến gần đến Chúa một cách thân mật. Lạy Chúa Thánh Thần ban niềm an ủi, xin giúp chúng con làm giảm nhẹ nỗi khổ đau của những người vô tội, và quan tâm đến những người bị đặt vào những tình trạng thử thách, nhưng làm sáng tỏ sự thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô, bằng cuộc đời của họ.

Sư huynh Roger

Mẹ Têrêxa – Sư huynh Roger
Thiện Cẩm OP
(chuyển dịch)
Trích “Cầu nguyện: Dòng suối mát trong”, tr. 85-90