Thánh gia và Thánh giá

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2057 | Cật nhập lần cuối: 4/14/2017 11:27:25 AM | RSS

Không có thánh gia nào mà không có thánh giá. Có lẽ hiếm gia đình Việt Nam Công giáo nào mà không có treo thánh giá trong nhà, dù rằng tượng hay ảnh Đức Mẹ xem ra nhiều hơn và thường có kích thước lớn hơn. Ngày nay, thập giá xuất hiện trong nhiều không gian khác nhau ngoài nhà thờ, vì thập giá không chỉ được mang như biểu tượng của niềm tin, mà còn trở thành một thứ trang sức. Không chỉ tu sĩ linh mục mang hình thập giá mà người ngoài Kitô giáo, ca sĩ, diễn viên cũng đính lên người biểu tượng này.

I. Sự đa dạng của thập giá

1. Tác nhân

a. Tư tưởng: sợ người khác nghĩ xấu về mình hơn là mình nghĩ xấu về người khác. Nỗi lo sợ không nói ra này tạo nên thập giá. Người quá sợ dư luận thường dễ đánh mất chính mình. (chuyện ông lão, đứa bé và con lừa). Ngược lại, bất chấp ý kiến của người khác, bất cần sự góp ý của người xung quanh, không những hạn chế sự phát triển của mình, mà còn thường gây đau khổ hay tạo nên thập giá cho người khác, nhất là người thân cận.

b. Lời nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều này rất dễ thực hành khi hai người mới có cảm tình với nhau hay đang thời yêu nhau, nhưng dường như càng ngày càng khó thực hiện khi nghĩ rằng đã quá quen biết hay đã có thể “đi guốc trong bụng”!

c. Cử chỉ: Nếu như có những nghĩa cử “đẹp” mang lại niềm vui, ý nghĩa cho đời mình và đời người, thì trong cuộc sống cũng không thiếu những cử chỉ, thái độ khiến cho người ta “dễ xa nhau”. Những cử chỉ này thường làm tổn thương danh dự, xúc phạm đến lòng tự ái của anh chị em mà đôi khi vì không ý thức, chúng ta thường làm buồn lòng nhau.

2. Thành viên

a. Vợ chồng

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Thương nhau lắm, cắn nhau đau”, nhưng trong thực tế, khi bớt thương nhau rồi thì sao ? Thưa “cắn nhau còn đau hơn nữa!”. Thay vì “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, thì đôi khi vợ chồng lại trở nên gánh nặng cho nhau. Những gánh nặng đó có thể là:

- Nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của vợ hay của chồng, nhất là những lúc nóng giận, dù đã hơn một lần nói là đã xí xóa, bỏ qua.

- Dửng dưng trước những lo âu hay vui buồn của người bạn đời của mình.

- Không bao giờ cho rằng vợ hay chồng có lý. Đổ lỗi cho nhau, trước thất bại của gia đình hay con cái.

- So sánh hay đánh giá thấp chồng hay vợ của mình.v.v..

b. Con cái-cha mẹ

Tôi được nghe vài vị phụ huynh than thở rằng: “Đã qua rồi cái thời cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Nay đến thời con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy!”. Trong một số gia đình, con cái lại trở nên gánh nặng và nguồn gốc sự đau khổ của cha mẹ, thay vì là niềm hãnh diện, niềm vui hay sự ủi an cho những người sinh thành nên mình.

Ngược lại, về phần giới trẻ, họ cũng cảm thấy không được cảm thông, hiểu biết bởi cha mẹ của mình. Sự khác biệt về tuổi tác, cộng thêm môi trường văn hóa thay đổi, điều kiện sống, não trạng tây phương khác biệt với cách suy nghĩ, ứng xử theo kiểu Việt Nam lại thường dễ làm cho khoảng cách giữa hai thế hệ mỗi ngày một thêm xa nhau.

Lắng nghe giới trẻ Pháp cũng như Việt tâm sự, tôi nhận ra rằng lòng các bạn trẻ cũng rất yêu thương cha mẹ mình. Tuy nhiên, trong thực tế, các bạn thường không được lắng nghe hay có một số vấn đề mà hai thế hệ suy nghĩ khác nhau ; hoặc cảm thấy miễn cưỡng phải làm theo ý cha mẹ dù không muốn chút nào, nên đôi khi buồn giận chính cha mẹ của mình. Họ thường cảm thấy thoải mái khi ở ngoài gia đình hơn là ở trong nhà, có những chuyện nói với bạn bè hay người ngoài dễ hơn là trao đổi với cha mẹ.

c. Anh chị em

Một trong những loại “virus” độc hại có thể phá hủy sự hài hòa của cả một gia đình, đó là ganh tỵ. Sách Sáng thế ký kể lại câu chuyện của gia đình Giacóp, con của tổ phụ Isaac, trong đó Giuse bị bán cho con buôn vì sự ganh tỵ của anh em, khi thấy cha “cưng chiều“ cậu út. Thật vậy, sự ghen tương thường dễ nhen nhúm khi con cái có cảm tưởng rằng cha mẹ đối xử không đồng đều với con cái, hay khi mẹ cha chiều chuộng đặc biệt một người con nào đó quá mức.

Một trường hợp khác được thánh Luca ghi lại trong câu chuyện người cha nhân từ (Lc 15,11-31), cho chúng ta thấy người anh, vì phân bì, không chịu vô nhà khi người cha đãi tiệc thịnh soạn ăn mừng người em trở về. Anh ta cho rằng cha mình bất công và không ghi nhận sự đóng góp của anh cho gia đình bấy lâu nay.

Ganh tỵ, phân bì không những gây nên thập giá cho anh chị em, mà còn cho chính bản thân người hay ghen tương. Chẳng hạn như mỗi khi nghe người khác khen anh chị em, thì mình lại tìm cách chê bai, hoặc kê khai ra một tính xấu của người anh chị em đó. Người hay ganh tỵ thường cảm thấy không vui trước thành công hay tài năng của người khác. Và nếu đi sâu vào lương tâm của mình, chúng ta sẽ khám phá ra nguồn gốc của những hình thức ganh tỵ này thường là kiêu ngạo hay tự kiêu.

* Một điểm khác liên quan đến mối quan hệ huynh đệ trong các gia đình mà tôi được chứng kiến, đó là có những anh chị em rất thương yêu nhau, lo lắng đùm bọc nhau khi còn độc thân, nhưng từ khi mỗi người lập gia đình riêng, thì tình nghĩa anh chị em không còn đậm đà như trước. Đó là điều xem ra tự nhiên, vì ai cũng phải có trách nhiệm đối với tổ ấm riêng của mình, nhưng nếu chúng ta thật sự quan tâm đến nhau, thì chúng ta cũng có cách để biểu lộ tình thương này. Tuy nhiên, một khi đã có chuyện xích mích, bất hòa giữa hai gia đình anh chị em, nhất là sau khi cha mẹ từ trần, thì tình huynh đệ lại còn có nguy cơ sứt mẻ hay rạn nứt trầm trọng hơn. Tôi đã phải can gián một cuộc ẩu đả có vũ khí giữa em chồng và chị dâu.

3. Tự do

a. Có những nỗi đau do sự chọn lựa của chính mình. Bình thường, ai cũng ngại giải phẫu, tuy nhiên, cũng không ít người chấp nhận đau đớn do giải phẫu thẩm mỹ để cải thiện khuôn mặt hay thân thể cho dễ xem hơn. Một bác sĩ thẩm mỹ cho biết động cơ của một cô khách hàng trẻ tuổi: nhằm mục đích làm cho khác với hình ảnh của người mẹ thường bị cha hành hung.

Hiện tượng tatouage và piercing cũng là một ví dụ cho hình thức đau thương “tự chọn”. Theo thống kê do chương trình “Ça me révolte” phát hình ngày 11/3/2003, hàng năm tại Pháp có đến 100.000 người lớn và 300.000 thanh niên thực hiện piercing trên một bộ phận của thân thể mình. Lý do thường là muốn chứng tỏ tự do, cá tính, hay để thu hút sự chú ý của người khác. Ngoài ra, còn nhiều động cơ khác thường tiềm ẩn trong vô thức, nên có khi đương sự không ý thức đủ.

b. Kinh nghiệm chứng tỏ có nhiều thứ đau khổ ập đến bất ngờ, ngoài ý muốn. Thi rớt, tai nạn, bệnh tật, mất mát một người thân, mất danh dự, của cải hay bị thua lỗ trong công việc làm ăn.v.v… Đó là những thử thách trong đời, dù chẳng ai muốn cũng phải đối diện, phải đón nhận không nhiều thì ít. Điều quan trọng là chúng ta có đón nhận những thử thách này trong thái độ của người tin Chúa hay không.

c. Khổ đau do cảm thấy bị tước đoạt tự do. Chẳng hạn như thương người này mà bị ép buộc lấy người khác. Thích học ngành du lịch mà bị bắt học ngành thương mại. Mong tiếp tục học mà hoàn cảnh buộc phải đi làm hay ngược lại.

Thánh gia và Thánh giá

II. Biến đổi thập giá thành Thánh giá

Có bốn chìa khoá giúp chúng ta thánh hóa đau khổ. Nói cách khác, để biến đổi thập giá thành Thánh giá, chúng ta có thể áp dụng bốn bí quyết sau đây:

1. Vác thập giá theo Thầy Giêsu

Trong truyền thống khôn ngoan của đông phương, đệ tử là người tầm sư học đạo, môn sinh là người tìm đến học với sư phụ. Trong Kitô giáo, chính sư phụ tìm kiếm và chọn đệ tử. Kitô hữu là người môn đệ của Thầy Giêsu. Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Môn đệ là người bước theo Chúa Giêsu, với thập giá hằng ngày của mình (Lc 9, 23), với tất cả con người thật của mình.

Chỉ khi thập giá được mang với đức tin và tình yêu, thập giá mới trở nên con đường của phục sinh và của cuộc sống mới cho nhân loại (x. GH tại Á châu số 28). Thập giá, đau khổ, tự nó không có giá trị và đe dọa hạnh phúc của cá nhân cũng như tập thể. Vì thế, tự nhiên, không ai muốn chuốc khổ hay mang hoạ vào thân. Chính nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu và tình yêu đối với Người mới làm cho thập giá trở nên thánh giá, nghĩa là làm cho những vất vả, đau khổ của đời mình trở nên có giá trị và mang lại hạnh phúc cho bản thân cũng như tha nhân.

2. Để cho Chúa Giêsu chia sẻ thập giá

Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo nói chung. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra nơi sự khác nhau giữa các nhà thờ Công giáo và Tin Lành, đó là trên thập giá trong các thánh đường Công giáo thường có tượng Chúa Giêsu, trong trạng thái tử nạn hay phục sinh. Dấu thánh giá gắn liền với đời sống Kitô hữu: từ thuở sơ sinh đến lúc nhắm mắt xuôi tay từ trần. Nhưng có thể vì quá quen thuộc, cử chỉ làm dấu thánh giá của chúng ta đã trở nên máy móc, chiếu lệ.

Làm sao mỗi lần ghi dấu thánh giá, chúng ta bày tỏ ý muốn để cho Đức Kitô chia sẻ thập giá, gánh nặng, khổ đau của mình. Làm thế nào để mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta ý thức rằng hôm nay, lúc này tôi để cho Chúa Giêsu ký tên Người trên thân xác và tâm hồn mình. Tôi thuộc về Giêsu và chính Chúa Giêsu sống trong tôi (x. Gl 2, 20). Nếu như chữ ký của chúng ta là dấu chỉ quyền sở hữu của mình trên ngân phiếu, trách nhiệm cá nhân trên những văn bản hành chánh, hợp đồng làm việc, thì chúng ta cũng hãy để cho chữ ký của Đức Kitô trên đời mình thực sự có giá trị. Dù là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương, Người đã ban tặng tự do cho mỗi người chúng ta, Người sẽ tôn trọng quà tặng cao quý này và sẽ không ép buộc bằng quyền lực. Tình yêu và bạo lực không thể chung sống dưới một mái nhà! Chính vì vậy, chỉ khi nào có sự chấp nhận tự do của chúng ta, Thiên Chúa mới can thiệp vào cuộc sống của chúng ta.

Anh chị em hãy mở cửa tâm hồn mình cho Chúa Giêsu! Hãy làm cho chữ ký của Đức Kitô in sâu vào tâm khảm mình và với tất cả tự do, nghĩa là chấp nhận để cho Đức Kitô hành động qua cuộc sống của mình. Nói cách khác, mọi quyết định và hành động của tôi đều được thực hiện “nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô”. Như thế, tôi không đau khổ một mình, nhưng Đức Kitô cũng đau khổ với tôi và trong tôi. Tôi và Đức Kitô cùng đau khổ. Thiên Chúa cùng đau khổ với tôi.

Thật vậy, nếu trong tư cách là cha mẹ, chúng ta không bao giờ muốn con cái phải đau khổ, thì hơn ai hết, Thiên Chúa là Cha Mẹ của tất cả chúng ta luôn mong muốn cho chúng ta hạnh phúc. Và nếu vì bất cứ lý do gì, kể cả tội lỗi, mà con cái phải đau khổ thì hiếm khi nào mà cha mẹ lại bằng lòng dửng dưng trước nỗi đau của con mình. Thiên Chúa không bao giờ làm ngơ trước khổ đau của chúng ta, trái lại, Ngài cùng đau khổ với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.

3. Hy vọng trong mọi nghịch cảnh

Hy vọng là phương thế phục hồi lòng tin yêu và sự bình an. Chuyện 4 ngọn nến: hòa bình, đức tin, tình yêu và hy vọng. Dù cho ánh sáng của niềm tin không còn, nhiệt tình của lửa mến đã tắt và tâm tư đã đánh mất bình an, nếu còn nuôi dưỡng hy vọng, chúng ta vẫn còn có thể khơi dậy lòng tin, thắp sáng lại lòng mến và dần dà cảm nhận được an bình nội tâm. Xin anh chị em đừng bao giờ thất vọng! Con người có thể làm cho chúng ta nản lòng, thất vọng nhưng ai cậy trông vào Thiên Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng. Thiên Chúa chính là Hy Vọng chung cuộc của người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta có thể mất mát tất cả, nhưng nếu chúng ta còn Thiên Chúa, còn đặt hy vọng nơi Ngài, chúng ta sẽ tìm lại được tất cả trong Thiên Chúa.

Trong một dịp thăm trại phong Bến Sắn, tôi được tiếp xúc với một người vợ bị chồng bỏ rơi khi biết chị mắc bệnh phong. Không những không kêu ca trước hoàn cảnh bị ruồng bỏ này, chị lại còn chứng tỏ một lòng tin vững mạnh mà tôi ít gặp thấy nơi những người mạnh khoẻ. Còn giữ liên lạc với con, bà thường khuyên con theo Chúa, nhưng con bà cứ nhất định từ chối. Thay vì thất vọng trước sự cứng lòng của con, chị khẳng định với con: “dù con cứ tiếp tục ngoan cố, nhưng mẹ tin rằng con không thể thắng được lời cầu nguyện của mẹ đâu!”. Được gặp gỡ và lắng nghe tâm sự của người phụ nữ đầy nghị lực và niềm tin này, ngày hôm ấy, thay vì muốn đến nâng đỡ đức tin của các bệnh nhân, chính tôi đã được củng cố niềm tin cậy.

Một chứng từ khác diễn ra vào tam nhật Tĩnh Tâm năm 2002, tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sàigòn. Một người mẹ đau khổ vì có 2 con sa ngã, đã gởi cho linh mục chủ sự một lá thư đẫm nước mắt, qua đó chúng ta cảm nhận được một lòng cậy trông vững mạnh giữa bao đau khổ do con cái gây nên. Khi bà rủ người con gái đi Tĩnh Tâm, cô này đã từ chối ngay. Người mẹ buồn lắm và đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con rủ nó không đi, nhưng Chúa rủ nó, nó sẽ đi. Vậy xin Chúa hãy rủ nó đi Tĩnh Tâm trong quyền năng của Chúa!” Thế rồi sát giờ Tĩnh tâm, người mẹ đến rủ con và cô ta đã đồng ý. Hơn nữa, người con gái này lại là một trong những người đầu tiên bước lên để đóng đinh vào thập giá, theo đề nghị của linh mục, để bày tỏ ý thức tội lỗi của mình cũng như biểu lộ lòng sám hối (x. Gospelnet 92, tr. 5)

4. Chia sẻ thập giá của anh chị em đau khổ

“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gal 6, 2).

Khi được phỏng vấn, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đã nói về vợ như sau: “Vợ là người phụ nữ số một trên thế gian, biết nhân đôi hạnh phúc, niềm vui, trừ bớt những lo âu trong lòng ta, cộng nhiều lần những con số biết nói và chia đôi gánh nặng đường đời” (Phụ nữ Tp. HCM). Hạnh phúc cho những người chồng nào có cùng một định nghĩa về vợ mình như nghệ sĩ này.

Xem ra phụ nữ là giới dễ gần gũi và chia sẻ thập giá của tha nhân. Thật vậy, dưới thập giá của Chúa Giêsu, trong số những người theo Chúa, ngoài thánh Gioan ra, chỉ thấy 4 khuôn mặt phụ nữ: Mẹ của Đức Giêsu và dì của Người, Maria vợ Clôpa và Maria Mađalêna (Ga 19, 25). Trong thời gian tại Lourdes, tôi cũng nhận thấy giữa những thiện nguyện viên, các người phục vụ các bệnh nhân, đa số là phụ nữ. Phải chăng vì người nữ dễ động lòng thương xót và nhạy cảm trước đau khổ của tha nhân ? Và có lẽ chính sự nhạy cảm này làm cho người nữ dễ bị tổn thương và đau khổ nhiều hơn. Nói như thế không có nghĩa là nam giới không biết xót thương hay xoa dịu nỗi đau của anh chị em, có điều cách thế biểu hiện của người nam có thể khác. Tại bệnh viện Ung Bướu ở quận Bình Thạnh (Gia Định), có một thanh niên sau khi mẹ mất vì bệnh ung thư, vẫn thường xuyên trở lại bệnh viện, để giặt giũ quần áo cho những bệnh nhân neo đơn. Nỗi đau mất mẹ, lòng thương nhớ mẹ của anh chuyển thành hành động phục vụ cho những anh chị em đã bị “kết án tử” vì bệnh ung thư.

“Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.” (Rm 15,1-2)

Thật ra, chúng ta không nên đo lường hay so sánh đau khổ của mình với người khác. Vì đau khổ, thập giá của tôi bao giờ cũng là thập giá nặng nhất, vì là của riêng bản thân tôi và không ai thay thế được. Có thể nói mỗi một nỗi đau mang tên của chính người đau khổ. Đôi khi, vì so sánh, chúng ta có cảm giác rằng gánh của người khác nhẹ nhàng hơn và thầm ước ao ở vào vị trí của người khác để đỡ khổ hơn. Nói một cách đơn sơ, là “đứng núi này mà trông núi nọ!” (chuyện đổi thập giá).

Người ta vẫn thường nói: “niềm vui biết chia sẻ, niềm vui được nhân lên. Đau khổ được chia sớt, khổ đau sẽ vơi đi”. Vẫn biết rằng trong thực tế của người đau khổ, không phải lúc nào cũng đạt được như vậy. Tuy nhiên, khi có người muốn chia sớt nỗi đau của mình, nếu không vơi đi, thì ít ra người đau khổ cũng nhận được một sự đồng cảm hay một hiện diện của lòng thương xót. “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5, 7).

* * *

Đức Giêsu đến trần gian không để giải thích về khổ đau, cũng không hủy bỏ mọi đau khổ, nhưng để mang lại cho đau khổ sự hiện diện của Thiên Chúa. Ước gì nhờ niềm tin được củng cố, chúng ta biết biến đổi thập giá của mình, của gia đình mình thành Thánh giá, nhờ sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương chúng ta và muốn cho chúng ta hạnh phúc.

Lm. Tâm Giao

Hãy ở lại, NXB Phương Đông