Đức Giêsu Kitô – Đường tôi tớ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 452 | Cật nhập lần cuối: 11/2/2020 10:24:09 AM | RSS

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giêsu Kitô (11)

Đức Giêsu Kitô
ĐƯỜNG TÔI TỚ

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 11 năm 2020

Các bạn trẻ thân mến,

Đức Giêsu Kitô – Đường tôi tớTháng Mười vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giêsu Kitô - Đường Khiêm Hạ. Tháng Mười Một này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giêsu Kitô - Đường Tôi Tớ. Người đã khởi đầu con đường này bằng việc trút bỏ chính mình để thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa giữa trần gian. Trong thân phận con người, Đức Giêsu đã trở thành Người Tôi Tớ của Thiên Chúa để yêu thương và phục vụ nhằm khôi phục phẩm giá mọi người, đồng thời, giúp mọi người trở thành con cái Thiên Chúa.

Thông thường, khái niệm 'tôi tớ' (servant) chỉ người phục vụ, hầu hạ hoặc người được ủy thác để làm những công việc của chủ mình, đặc biệt là phục vụ bàn ăn. Người tôi tớ luôn sẵn sàng vâng phục, thi hành ý muốn của chủ, trao đổi, tiếp xúc với chủ cũng như những người khác bằng trái tim cháy bỏng, ánh mắt thông hiểu và đôi tay chai sạn. Tất cả những gì mà người tôi tớ thực hiện nhằm đem lại sự dễ chịu cho chủ hay người mình chăm sóc. Khái niệm 'tôi tớ' còn được sử dụng theo nghĩa rộng hơn, chẳng hạn như tôi tớ nhân dân hay tôi tớ mọi người.

Trong Giáo hội Công giáo, Tôi Tớ Thiên Chúa (Servus Dei, Servant of God) là bậc đầu tiên trong tiến trình phong thánh. Từ bậc Tôi Tớ Thiên Chúa, tiến trình điều tra bắt đầu để tìm hiểu những nhân đức trổi vượt của người được đề nghị tuyên phong hiển thánh. Sau bậc Tôi Tớ Thiên Chúa là bậc Đáng Kính (Venerable), Chân Phước (Blessed) và Hiển Thánh (Saint). Chúng ta cũng cần phân biệt tước hiệu Tôi Tớ Thiên Chúa của người trong tiến trình được phong thánh với tước hiệu Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ (Servus Servorum Dei, Servant of the Servants of God), một trong những tước hiệu của các Đức Giáo hoàng. Người đầu tiên dùng tước hiệu này là thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (540-604, thi hành tác vụ Mục Tử Giáo hội hoàn vũ trong khoảng thời gian 590-604). Đây là tước hiệu diễn tả sự khiêm hạ của người kế vị thánh Phêrô trong Giáo hội do Đức Giêsu thiết lập. Từ thế kỷ XII trở đi, tước hiệu này được hầu hết các Đức Giáo hoàng sử dụng.

Hình ảnh 'chủ - tớ' thường được dùng trong Kinh Thánh để chỉ tương quan giữa Thiên Chúa và con người, trong đó Thiên Chúa là 'Chủ', con người là 'tớ'. Các nhân vật điển hình trong Kinh Thánh như Nôê, Ápraham, Giacóp và con cháu ông, Môsê, Đavít, Đức Maria, thánh Giuse, thánh Gioan Tẩy Giả được gọi là các tôi tớ Thiên Chúa. Chẳng hạn, Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia: “Còn ngươi, hỡi Giacóp, tôi tớ của Ta, đừng sợ hãi” (Gr 46, 28). Tác giả Thánh Vịnh 123 viết: "Như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta" (Tv 123, 2). Đức Maria nói với sứ thần Gáprien: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1, 38). Các tôi tớ Thiên Chúa trong Kinh Thánh là hình ảnh báo trước sự xuất hiện của Đức Giêsu, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa và cũng là Người Tôi Tớ của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người.

Khoảng 700 năm trước Đức Giêsu, ngôn sứ Isaia đã loan báo về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: "Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành" (Is 53,2-5). Trước khi Đức Giê-su xuất hiện, lịch sử nhân loại chưa từng ghi nhận người tôi tớ nào như I-sai-a diễn tả ở trên. Nói cách khác, những lời đó đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu trong hành trình trần thế. Chính thánh Phêrô cũng đã khẳng định như thế khi viết: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em…Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành“ (1 Pr 2,21-24).

Ngôn sứ Isaia cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giêsu không chỉ là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa (Servant of God) mà còn là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa (the Suffering Servant of God), bởi vì Người đã mang lấy toàn bộ những khiếm khuyết, tội lỗi và sự chết của nhân loại. Trong hành trình trần thế, Đức Giêsu diễn tả mình là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa để thông phần với những đau khổ của nhân loại hơn là thực thi những chiến công hiển hách nhằm minh chứng quyền năng của Người. Câu hỏi đặt ra là tại sao gia đình nhân loại phải cần đến Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa? Thưa, tại vì con người không có khả năng giải thoát mình khỏi tất cả các hình thức đau khổ và sự chết. Chỉ có Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa mới có thể làm được những điều đó.

Đức Giê-su là Thiên Chúa, nhưng Người diễn tả uy quyền của Người trong thân phận Người Tôi Tớ qua sự cảm thông, chia sẻ, phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, cùng cực, bị áp bức và muôn hình thức đau khổ khác. Uy quyền của Đức Giêsu khác với uy quyền của những người đương thời, chẳng hạn, khác với uy quyền của tầng lớp lãnh đạo thuộc đế chế Rôma đang cai trị vùng Paléttin. Uy quyền của Đức Giê-su khác với uy quyền của những người lãnh đạo dân sự hay tôn giáo trong xã hội Do-thái. Trong khi các vị lãnh đạo dân sự hay tôn giáo Do-thái xem mình như là những người quan trọng, 'những hoàng tử' của dân tộc, Đức Giê-su diễn tả mình như Người Tôi Tớ tận tình hiến thân phục vụ mọi người.

Để diễn tả tương quan giữa con người và Thiên Chúa cách cụ thể hơn, Đức Giêsu cũng đã dùng hình ảnh 'chủ - tớ'. Chẳng hạn, Người dạy các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng thi hành tác vụ của mình để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ" (Lc 12,35-37). Người cũng nói với họ cần phải phục vụ chủ mình cách chân tình, khiêm tốn: "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,9-10). Đối với Đức Giêsu, con người chỉ có thể trở nên vĩ đại khi tận tình phục vụ anh chị em mình bằng trái tim đầy lòng thương xót.

Đức Giêsu còn dùng hình ảnh 'chủ-tớ' để diễn tả tình yêu thương trắc ẩn giữa con người với nhau. Dụ ngôn 'tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót' cho chúng ta hiểu biết điều đó (Mt 18,23-35). Theo dụ ngôn này, tên đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng (khoảng 60 triệu ngày công). Vì thương cảm hoàn cảnh túng thiếu, vua đã tha nợ cho ông. Tuy nhiên, khi gặp đồng bạn mắc nợ ông chỉ một trăm quan tiền (khoảng 100 ngày công) thì ông lại bóp cổ đồng bạn bắt trả nợ bằng được. Cuối cùng thì câu chuyện cũng đến tai vua và tên đầy tớ phải chịu cực hình vì không biết thương xót người khác như đức vua đã thương xót ông. Quả thật, ông là đầy tớ của vua, nhưng lại là chủ nợ của đồng bạn. Đáng lẽ, tình yêu của đức vua phải được chia sẻ và lan tỏa tới đồng bạn của ông. Tuy nhiên, vì nhỏ nhen ích kỷ, ông đã đối xử tàn nhẫn với đồng bạn mình và phải gánh lấy hậu quả xứng hợp.

Trong xã hội Do-thái thời Đức Giêsu, những người lãnh đạo, chẳng hạn như các luật sĩ, biệt phái không bao giờ quan tâm đến vai trò tôi tớ, vai trò phục vụ của mình. Họ xem mình là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, được sinh ra để ăn trên ngồi trốc. Não trạng của họ luôn là não trạng 'kẻ cả' như thể họ được sinh ra là để được tôn vinh chứ không tôn vinh ai, để lãnh đạo chứ không phục vụ ai, để ra lệnh chứ không vâng lời ai, để giảng dạy chứ không học hỏi ai, để lên tiếng chứ không lắng nghe ai. Họ luôn 'giữ khoảng cách' với những người thuộc các tầng lớp thấp kém hơn mình, nhất là những người mà họ xem là ngoại bang, tội lỗi. Hình ảnh của họ hoàn toàn trái ngược với hình ảnh Đức Giêsu, Người Tôi Tớ. Trong thời gian ba năm Người rao giảng Tin Mừng cách công khai cũng là thời gian Người dấn thân thi hành vai trò tôi tớ phục vụ, đặc biệt, lời nói và việc làm của Người luôn đi đôi với nhau.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ mình. Đối với các nền văn hóa trên thế giới, đặc biệt vùng Paléttin, vua rửa chân cho dân, thầy rửa chân cho trò, chủ rửa chân cho tớ là điều không thể tưởng được. Tuy nhiên, với Đức Giêsu, điều khó tin đã trở thành hiện thực. Chúng ta biết rằng thời Đức Giêsu, đường sá bụi bặm, thông thường khi chủ nhà đi đâu về thì tôi tớ rửa chân cho chủ nhà hay khi chủ nhà mời bạn bè tới dự tiệc, thì chủ nhà cũng sai tôi tớ rửa chân cho họ để tỏ lòng hiếu khách. Trong bối cảnh Đức Giêsu và các môn đệ mừng Lễ Vượt Qua, không có ai là tôi tớ cả và Đức Giê-su đã tự mình trở thành tôi tớ rửa chân cho các môn đệ. Với Đức Giêsu, trật tự vua-dân, thầy-trò, chủ-tớ đã hoàn toàn thay đổi.

Việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ diễn tả sự gần gũi của Thiên Chúa với con người. Điều này có nghĩa rằng Thiên Chúa không còn ở xa con người nữa, Thiên Chúa không chỉ giam hãm mình trong thế giới linh tượng như một số triết gia Hy-lạp chủ trương. Thiên Chúa đích thật là Đấng Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa ở gần con người hơn con người có thể tưởng nghĩ, bởi vì, qua việc rửa chân, Thiên Chúa đã đụng chạm đến da thịt con người. Thiên Chúa gần gũi con người hơn con người gần gũi anh chị em thân thuộc. Theo ngôn ngữ của thánh Augúttinô, Thiên Chúa ở gần con người hơn con người với chính mình.

Việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ diễn ra trong bối cảnh Người chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn. Thông thường, trước cảnh bi thương sắp xảy đến, ai cũng lo lắng, buồn sầu và có những hành xử tiêu cực. Tuy nhiên, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng Người không hành xử theo cách đó. Trái lại, Người diễn tả tình yêu phục vụ của Người ở mức độ cao cả nhất. Cũng trong biến cố này, Đức Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể và công bố Giới Răn Mới, Giới Răn Yêu Thương, yêu thương đến nỗi gọi các môn đệ của mình là bạn, yêu thương đến nỗi chết cho bạn hữu của mình (Ga 15,13-15).

Đức Giêsu không chỉ rửa chân cho 'các môn đệ tốt lành', mà còn rửa chân cho Giuđa Ítcariốt, môn đệ phản bội. Người ta tranh luận nhiều về mục đích Giuđa Ítcariốt bán Đức Giêsu. Có người cho rằng Giuđa Ítcariốt bán Đức Giêsu vì mục đích tốt là để Đức Giêsu sớm ra tay quyền lực tiêu diệt mọi quân thù. Nhờ đó, Ítraen sẽ trở nên hùng cường với Đức Giêsu là Vua, còn các môn đệ trở thành những bậc vị vọng trong đất nước. Tuy nhiên, cho dù là mục đích tốt thì việc Giuđa Ítcariốt bán Thầy mình là không thể chấp nhận được, bởi vì 'mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu'. Đức Giêsu đã cho Giuđa Ítcariốt cơ hội để hoán cải nhưng Giuđa Ítcariốt vẫn cố chấp theo chương trình mà bản thân định sẵn. Việc Đức Giêsu rửa chân cho Giuđa Ítcariốt là bài học quý giá cho chúng ta, bởi vì, chúng ta thường yêu thương, phục vụ những người đối xử tốt với chúng ta, chứ không yêu thương, phục vụ những người đối xử xấu với chúng ta.

Phao-lô là khuôn mặt phản diện của Giuđa Ítcariốt. Sau khi gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, ngài được biến đổi hoàn toàn. Ngài đã nhận thức được bổn phận của mình trong việc loan báo Đức Giêsu và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Với Phaolô, Đức Giêsu không chỉ là Người Tôi Tớ mà còn là Người Nô Lệ. Đức Giêsu mang lấy thân phận nô lệ để giải phóng con người khỏi các hình thức nô lệ, đặc biệt, nô lệ tội lỗi và sự chết. Hơn ai hết, Phao-lô là người diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giêsu cách ngắn gọn và đầy đủ nhất: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,6-8). Hai động từ rất quan trọng trong trích đoạn này là 'trút bỏ' và 'mặc lấy'. Đây là hai động từ chính yếu diễn tả chương trình Đức Giêsu giữa lòng thế giới. Trong nhãn quan của Phaolô, Đức Giêsu vừa 'trút bỏ vinh quang', vừa 'mặc lấy thân nô lệ' nữa. Những tôi tớ hay nô lệ khác trong xã hội loài người không 'trút bỏ', không 'mặc lấy', không phải tự mình trở thành tôi tớ hay nô lệ như Đức Giêsu.

Chúng ta nhận thức rằng Đức Giêsu có thể 'trút bỏ vinh quang' và 'mặc lấy thân phận' của bất cứ hạng người nào đó trong môi trường nhân loại, chẳng hạn như một vị vua, một vị hoàng tử, một vị tướng lãnh, một vị tư tế hay một thường dân. Câu hỏi đặt ra là 'tại sao Đức Giêsu lại mặc lấy thân nô lệ?'. Thưa, tại vì con người trở thành nô lệ của tội lỗi và sự chết, do đó, Đức Giêsu mặc lấy thân nô lệ để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết, không chỉ là sự chết thể lý (chết tự nhiên) hay sự chết luân lý (phạm tội trọng) mà còn là sự chết vĩnh cửu. Điều này diễn tả tình yêu vô bờ của Thiên Chúa và đường lối đặc biệt của Người đối với tất cả mọi người. Đức Giêsu vô tội, nhưng đã mang lấy thân phận tôi tớ, thân phận nô lệ để liên đới với con người trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong đau khổ và sự chết.

Những diễn tả của thánh Phaolô về Đức Giêsu giúp chúng ta nhớ lại câu chuyện Giuse, một trong mười hai người con trai của Giacóp trong Cựu Ước. Giuse bị các anh mình bán sang Ai-cập như một nô lệ (St 37,1-36). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã biến sự dữ thành sự lành, Giuse đã được trọng dụng và trở nên người quan trọng của triều đình Ai-cập. Trong cảnh đói kém, dân Do-thái đã tới tận Ai-cập tìm kiếm lương thực, thực phẩm để nuôi sống các thành viên trong đại gia đình. Tương tự như vậy, nhưng với mức độ kỳ diệu và huyền nhiệm hơn, Đức Giêsu đến trần gian, Người đã mặc lấy thân phận nô lệ (Pl 2,7). Người đã bị Giuđa bán với giá ba mươi đồng bạc (Mt 26, 15). Nhờ Giuse, con cháu nhà Gia-cóp được cứu khỏi cảnh chết đói, nhờ Đức Giêsu, toàn thể nhân loại được cứu khỏi cảnh chết đời đời. Như vậy, 'Giuse, Giêsu' là hình ảnh và thực tại, hình ảnh Giuse tiên báo thực tại Giêsu, Đấng thực hiện chương trình tình yêu của Thiên Chúa.

Trong tư cách là Tôi Tớ của con người, Đức Giêsu đã phục vụ con người, đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc và bình an. Nếu không có sự phục vụ của Đức Giê-su, con người không thể nào đạt được niềm vui, hạnh phúc và bình an đích thực. Đức Giêsu thể hiện mình là Người Tôi Tớ cho đến tận cùng, không chỉ tận cùng hành trình trần thế của Người, mà còn tận cùng hành trình trần thế của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài. Người nói: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45). Hiệu quả của chương trình Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện vẫn tiếp tục lan rộng trong môi trường nhân loại và toàn thể thế giới thụ tạo.

Như đã được trình bày ở trên, thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả là người đầu tiên dùng tước hiệu Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ (Servus Servorum Dei) để nói về vai trò của ngài đối với Giáo hội. Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu không nói rằng Người là Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ. Tuy nhiên, căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người diễn tả điều đó. Tước hiệu 'Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ' mà thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả dùng có thể xem như là kết quả việc ngài suy niệm về Đức Giêsu. Bởi vì, hơn tất cả mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế, Đức Giêsu là Người Tôi Tớ Của Các Tôi Tớ, bởi vì Người đã phục vụ những người nghèo nhất trong số các người nghèo, những người bất hạnh nhất trong số các người bất hạnh, những người tội lỗi nhất trong số con cháu Ađam và Evà.

Đức Giêsu có nhiều tước hiệu và đa số là những tước hiệu cao quý‎. Những tước hiệu này thường được dùng cho những bậc vị vọng trong xã hội loài người, chẳng hạn như 'vua', 'hoàng tử', 'đấng giải phóng'. Thật là khập khiễng khi con người dùng các tước hiệu như thế để diễn tả Đức Giêsu, bởi vì Người là Vua, Hoàng Tử, Đấng Giải Phóng nhưng Người không giống bất cứ vị vua, hoàng tử, hay đấng giải phóng nào đó trong dòng lịch sử nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng các tước hiệu để diễn tả Đức Giê-su cần phải là 'các tước hiệu kép’. Chẳng hạn, Đức Giêsu là Vua nhưng là Vua Tôi Tớ (Servant King). Đức Giêsu là Hoàng Tử nhưng Hoàng Tử Tôi Tớ (Servant Prince). Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng nhưng là Đấng Giải Phóng Tôi Tớ (Servant Liberator). Có như vậy, chúng ta mới có thể hiểu được đầy đủ hơn căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người trong chương trình Thiên Chúa, bởi vì trong mọi hoàn cảnh Đức Giêsu đều diễn tả mình là Người Tôi Tớ phục vụ mọi người, phục vụ cho đến tận cùng.

Noi gương Đức Giêsu, các môn đệ của Người qua muôn thế hệ không ngừng suy niệm, học hỏi và thực thi tác vụ tôi tớ của Đức Giêsu. Chẳng hạn, Mẹ Têrêxa Cancútta minh định rằng 'hoa trái của tình yêu là phục vụ'. Mẹ đã thực hiện điều đó bằng cuộc đời hy sinh phục vụ theo mẫu gương Đức Giêsu. Mẹ ít khi loan báo Tin Mừng bằng lời nói nhưng bằng việc làm. Nhiều người theo Đạo Hindu (Hinduism, Ấn Độ giáo) làm chứng rằng Mẹ không bao giờ nói với họ hãy trở về với niềm tin Kitô giáo. Tuy nhiên, những công việc Mẹ làm đã giúp họ hiểu biết hơn về Đức Giêsu và giáo huấn của Người. Chính hành động tôi tớ, hành động phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo của Mẹ đã nói lên tất cả. Như thế, ai phục vụ người khác theo gương Đức Giêsu như Mẹ Têrêxa, người đó đã thực sự sống trong tình yêu của Đức Giêsu và sự phục vụ đó chính là 'tình yêu được diễn tả qua hành động'. Theo Mẹ Têrêxa, cách thức phục vụ của Mẹ có thể thực hiện trong bất cứ không gian, thời gian hay hoàn cảnh nào của xã hội loài người.

Trong những thập niên gần đây, môn học hay triết lý Lãnh Đạo Phục Vụ (Servant Leadership) đang được giảng dạy khá phổ biến ở nhiều trường học trên thế giới. Người ta tranh luận với nhau xem ai là người khởi xướng môn học này. Quả thật, hơn ai hết, Đức Giêsu đã mặc lấy và diễn tả thân phận tôi tớ, thân phận nô lệ cách đầy đủ nhất. Hơn nữa, Người đã dạy các môn đệ: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em" (Mt 20,25-27). Trong Bữa Tiệc Ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: "Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13,13-15). Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ thân thương của mình cũng như tất cả mọi người trong gia đình nhân loại môn học hay triết lý Lãnh Đạo Phục Vụ cách thiết thực nhất.

Chúng ta biết rằng mô hình ‘lãnh đạo chuyên quyền’ là mô hình lãnh đạo khá phổ biến trong xã hội loài người từ trước tới nay. Mô hình này đem lại một số hiệu quả nhất định, chẳng hạn như duy trì tôn ti trật tự hay bảo đảm sự ổn định trong các hình thái xã hội. Tuy nhiên, mô hình này dễ bị lạm dụng và hậu quả là phẩm giá con người bị vi phạm, sự tự do và sáng tạo của con người bị kìm hãm. Với mô hình này, người hay nhóm người lãnh đạo khó nhận ra mình hay nhận ra những người khác để biến đổi bản thân và giúp người khác biến đổi nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện. Mô hình ‘lãnh đạo phục vụ’ đòi hỏi người hay nhóm người đứng đầu luôn quan tâm, chăm sóc, phục vụ mọi người. Nhờ đó, người hay nhóm người đứng đầu thấu hiểu, cảm thông và làm quen với những người dưới quyền mình, đồng thời, khuyến khích họ phát huy tiềm năng bản thân cũng như tinh thần sáng tạo nhằm đem lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng.

Chúng ta đang sống trong 'thế giới phẳng', thế giới mà mọi người đều có cơ hội để học hỏi lẫn nhau, bổ sung cho nhau và cùng nhau chia sẻ những hoa trái chung của toàn thể gia đình nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta thấy 'nhiều sự không phẳng' trong thế giới phẳng, chẳng hạn như sự không phẳng về phẩm giá con người, về điều kiện sinh hoạt, về đời sống kinh tế, về an sinh xã hội và về vô số lĩnh vực khác nữa. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nhiều sự không phẳng trong thế giới phẳng? Thưa, tại vì các hình thức chủ nghĩa, chẳng hạn như chủ nghĩa ích kỷ, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa lãnh đạm, chủ nghĩa tương đối đang hoành hành trong gia đình nhân loại. Não trạng 'ăn trên ngồi trốc' vẫn luôn bám chặt vào tâm trí con người. Đặc biệt, con người không ý thức đủ rằng mình là tôi tớ của nhau để yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Con cháu Ađam và Evà không thích 'thân phận tôi tớ' nhưng thích 'thân phận ông chủ'. Chẳng hạn, nhiều vị tướng lãnh hay vua chúa trong dòng lịch sử nhân loại từng nuôi hoài bão rằng mọi người, mọi dân tộc trên thế giới sẽ là nô lệ của mình, của dân tộc mình. Tuy nhiên, họ đã lìa trần và hoài bão không bao giờ trở thành hiện thực. Trong bối cảnh hiện tại cũng thế, một số vị lãnh đạo không ngừng cố gắng tìm cách để bản thân mình và quốc gia mình trở thành 'chủ' chứ không phải 'tớ' của các quốc gia khác. Não trạng cạnh tranh để phân định vai trò 'chủ-tớ' đã dẫn đến biết bao hệ lụy tàn khốc cho gia đình nhân loại. Chúng ta có thể nhận định rằng bao lâu các thành viên trong gia đình nhân loại không trở thành tôi tớ của nhau thì bấy lâu những bất công, bất hòa trong gia đình nhân loại vẫn còn tiếp diễn.

Câu chuyện ‘chủ-tớ’ không phải là câu chuyện xa xưa, câu chuyện đã đi vào dĩ vãng mà là câu chuyện của thế giới đương đại. Sự phân biệt sắc tộc, màu da, tôn giáo, chính kiến đang là thách đố lớn lao cho hầu hết các nước trên thế giới. Ai cũng nhận thức và biết rõ rằng con người bình đẳng về phẩm giá. Thế nhưng, thông thường ai cũng muốn mình có địa vị cao hơn, đáng tôn trọng hơn, đáng sống hơn người khác. Nhiều người mang trong mình những não trạng như thể 'họ đáng hiện hữu hơn người khác', 'hồn họ lớn hơn hồn người khác', 'họ đáng sở hữu nhiều hơn người khác'. Chính những não trạng như thế dẫn tới nhiều hậu quả tai hại và đẩy hàng triệu người vào các hình thức nô lệ mới.

Chúng ta nhận thức rằng trong cuộc sống hằng ngày, tùy từng khoảng không gian và thời gian, mỗi người đều là tôi tớ của ai đó, của hiện tượng hay biến cố nào đó. Chúng ta có thể là tôi tớ của Thiên Chúa trong hoàn cảnh này, nhưng lại là tôi tớ của tội lỗi trong hoàn cảnh khác; tôi tớ phục vụ mọi người trong lúc này, nhưng lại là tôi tớ những tính hư nết xấu trong lúc khác. Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi 'mình đang là tôi tớ của ai?' Tôi tớ của Thiên Chúa theo khuôn mẫu Đức Giêsu hay tôi tớ của ma quỉ, thế gian, xác thịt? Tôi tớ của sự thật, sự lành hay tôi tớ của bóng đêm sự dữ và các thế lực phản nghịch lại chương trình tình yêu Thiên Chúa? Chắc chắn rằng người môn đệ Đức Giê-su không thể 'làm tôi hai chủ' nên chúng ta cần thường xuyên suy ngẫm và trả lời cho những câu hỏi đó trong hành trình sống của mình.

Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta luôn được mời gọi trở nên những chứng nhân của Đức Giêsu, Đường Tôi Tớ. Câu hỏi đặt ra là 'bằng cách nào?' Thưa, bằng cách suy niệm và thực thi giáo huấn của Đức Giêsu trong đời sống mình. Kinh nghiệm cho biết chúng ta không gặp khó khăn trong sự nhận thức rằng, vì yêu thương, Đức Giêsu đã đi Đường Tôi Tớ để cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta lại gặp muôn vàn khó khăn trong hành trình theo Đường Tôi Tớ của Người để đến với Thiên Chúa và đến với mọi người. Bởi vì, theo Đường Tôi Tớ đồng nghĩa với việc chúng ta 'trút bỏ chính mình' và ‘mang lấy thân phận tôi tớ' để phục vụ Thiên Chúa qua việc phục vụ mọi người, nhất là những người yếu đuối mọn hèn mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

Ai không trở thành tôi tớ của Thiên Chúa theo khuôn mẫu Đức Giêsu thì cũng không được chia sẻ tình yêu, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Thời cánh chung, Thiên Chúa phán xét mỗi người không dựa trên kiến thức, sự nổi tiếng hay những việc lớn lao mà mỗi người hoàn thành trong hành trình dương thế, nhưng dựa trên tình yêu thương và sự quan tâm phục vụ của mỗi người đối với anh chị em đồng loại. Đức Giêsu liệt kê những công việc cụ thể mà ai cũng có thể làm được, chẳng hạn như 'cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng thăm người tù tội'. Trong hình thức xã hội nào, chúng ta cũng có thể gặp gỡ những người như thế. Chúng ta giúp họ chỉ vì họ cần giúp đỡ, chứ không phải giúp họ để được thưởng công mai ngày. Tuy nhiên, Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng khi chúng ta giúp đỡ những người như vậy là giúp đỡ chính Người (Mt 25,31-46). Thông thường, chúng ta hay để ý đến những người quan trọng, nổi tiếng và đóng góp nhiều cho những người đó hơn là chia sẻ cho những người yếu thế, đơn côi, nghèo khổ. Như vậy, theo Đường Tôi Tớ của Đức Giêsu, chúng ta hãy quan tâm phục vụ 'những người rốt hết', 'những người không tên' trong môi trường sống của chúng ta.

Từ những xem xét, đánh giá và khai triển trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng Đức Giêsu đã đi Đường Tôi Tớ để đến với thế giới thụ tạo, đến với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Là Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu đã hạ mình trở thành Người Tôi Tớ Đau Khổ để phục vụ con người. Những ai nhận Đức Giêsu là Thầy, là Bạn của mình luôn được mời gọi đi Đường Tôi Tớ để phục vụ Thiên Chúa qua việc phục vụ anh chị em mình. Hơn nữa, trong mọi hoàn cảnh, Đường Tôi Tớ cần phải được loan báo và làm chứng bởi các môn đệ trung tín của Đức Giê-su. Chúng ta xác quyết rằng 'nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống' mà nhân loại đang đồng tâm hiệp lực xây dựng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả mọi người luôn ý thức mình là tôi tớ của Thiên Chúa và tôi tớ của nhau theo khuôn mẫu Đức Giêsu trong hành trình dương thế này.

+ Pet. Nguyễn Văn Viên
Nguồn: hdgmvietnam.com