Các ngôi vườn của những người nhịn chay (3) - Những điều không làm hỏng nhịn chay

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2441 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

C. Những Điều Không Làm Hỏng Nhịn Chay (*)

 

Hỏi: Tôi đang nhịn chay và tôi đã ngủ quên trong Masjid (nhà thờ của người Muslim), sau khi thức dậy tôi phát hiện mình đã bị mộng tinh, xin cho hỏi việc mộng tinh có làm hỏng ảnh hưởng đến sự nhịn chay không, xin nói rõ là tôi chưa tắm và tôi đã dâng lễ nguyện trong tình trạng như vậy, và trong một lần khác đầu tôi bị một cục đá rơi trúng làm chảy máu, xin hỏi tôi có bị hỏng sự nhịn chay vì lý do chảy máu không, và ói mửa có làm hỏng nhịn chay không? Hy vọng được giải đáp!

 

Trả lời: Mộng tinh không làm hỏng việc nhịn chay bởi vì nó không phải là sự lựa chọn của người bề tôi. Tuy nhiên, bắt buộc phải tắm rửa Aljana-bah (nghi thức tắm bắt buộc sau khi đã xuất tinh, dứt kinh nguyệt và máu hậu sản) khi xuất tinh, khi Nabi được hỏi về điều này thì Người trả lời cho người nằm mộng tinh rằng phải tắm khi thấy nước tức tinh dịch; còn việc bạn dâng lễ nguyện khi mà bạn vẫn chưa tắm là sai, có tội rất lớn, bạn phải dâng lễ nguyện lại đồng thời phải xám hối với Allah, Đấng Tối Cao; còn việc bạn bị chảy máu do bị đá rơi trúng thì sự việc đó không làm hỏng việc nhịn chay của bạn và sự ói mửa nếu như  nó xảy ra không phải nằm trong sự lựa chọn của bạn thì nó không làm hỏng việc nhịn chay bởi Nabi nói:


Ai ói mửa không có chủ ý thì không cần phải nhịn chay trả lại (tức sự nhịn chay không bị hỏng), còn ai ói mửa có chủ ý thì bắt buộc y phải nhịn chay trả lại (tức sự nhịn chay của y đã bị hỏng)” (Ahmad cùng với những nhà Sunan: Abu Dawood, Tirmizhi, Annasa-i, Ibn Ma-jah với đường dẫn truyền chính xác).

 

Hỏi: Việc xuất tinh tương “Mazhi” dưới mọi hình thức có làm hỏng sự nhịn chay hay không?

 

Trả lời: Người nhịn chay sẽ không bị hỏng việc nhịn chay của mình bởi sự xuất tinh tương, đây là quan điểm hợp lý và đúng nhất trong các quan điểm của giới học giả Islam.

 

Hỏi: Điều luật thế nào khi một người nhịn chay bơm chất thụt ruột vào cơ thể khi có nhu cầu?

 

Trả lời: Không vấn đề gì nếu như bệnh nhân cần đến việc làm đó, đây là câu nói hợp lý và đúng nhất trong các câu nói của các vị Ulama, và đây cũng là sự chọn lựa của Sheikh Islam Ibnu Taymiyah  cùng đa số các học giả Islam khác, theo họ việc làm này không mang ý nghĩa giống như ăn hay uống.

 

Hỏi: Điều luật như thế nào cho việc dùng tiêm chích theo đường gân máu và tiêm chích theo đường cơ bắp... và xin cho biết sự khác biệt giữa hai cách tiêm chích này đối với người nhịn chay là gì?

 

Trả lời: Bismilliah, walhamdulillah..., đích thực là hai cách tiêm chích đó đều không làm hỏng sự nhịn chay, sự tiêm chích làm hỏng nhịn chay chỉ đặc biệt đối với tiêm chích để truyền dịch “nước biển” vào cơ thể, tương tự nếu lấy máu để xét nghiệm cũng không làm cho người nhịn chay bị hỏng sự nhịn chay của mình bởi vì nó không phải là hình thức giác cắt, việc giác cắt mới là điều làm hỏng sự nhịn chay của cả người giác cắt và người được giác cắt, đây là quan điểm đúng nhất trong các quan điểm của giới Ulama bởi Nabi có nói:


Người cắt giác và người được cắt giác cả hai đều không nhịn chay(Albukhari).

 

Hỏi: Khi một người bị đau răng, y đi đến nha sĩ và vị nha sĩ làm vệ sinh răng và làm lại cho y hoặc nhổ một chiếc răng nào đó của y, xin hỏi những việc làm đó có ảnh hưởng đến việc nhịn chay không? Và nếu như vị nha sĩ tiêm cho y thuốc tê để làm tê răng thì việc nhịn chay có ảnh hưởng gì không?

 

Trả lời: Những gì được đề cập đến trong câu hỏi thực sự không có ảnh hưởng đến việc nhịn chay, mà các việc làm đó đều được thông cảm. Tuy nhiên, người đó cũng phải cẩn thận coi chừng nuốt vào trong bụng của mình những gì từ thuốc cũng như máu, tương tự, việc tiêm thuốc tê cũng không làm ảnh hưởng đến việc nhịn chay vì nó không mang ý nghĩa giống như ăn và uống..., và về căn bản là việc nhịn chay luôn ở trạng thái có hiệu lực và an toàn.

 

Hỏi: Xin hỏi người nhịn chay có được phép dùng kem đánh răng vào ban ngày Ramadan không?

 

Trả lời: Không vấn đề  gì trong sự  việc này miễn sao cố gắng không để nuốt vào, việc làm này giống như người nhịn chay được phép dùng Siwaak (một loại cây  trầm hương thân nhỏ mà Nabi thường dùng để vệ sinh răng miệng) vào đầu và  cuối ngày Ramadan. Tuy nhiên, có một số học giả Islam lại cho rằng việc dùng Siwaak vào lúc sau khi mặt trời nghiêng bóng trở đi là Makruh (đáng khiển  trách, không nên làm), câu nói hợp lý và đúng nhất cho việc làm này là nó không Makruh vì lời di huấn chung chung của Nabi :


Siwaak sẽ làm sạch miệng và làm Thượng Đế hài lòng(Do học giả Annasa-i ghi chép lại với đường dẫn truyền xác thực từ bà A-isha – cầu xin Allah hài lòng với bà).


Nếu như không gây khó khăn cho các tín đồ của Ta thì chắc chắn Ta đã ra lệnh bảo họ dùng Siwaak mỗi khi muốn dâng lễ nguyện Salah(Hadith được toàn thể các học giả thống nhất về tính xác thực của nó).

 

Lời di huấn này bao hàm tất cả các giờ dâng lễ nguyện trong ngày, trong đó giờ Zhuhur và Asr đều là các giờ sau khi mặt trời đã nghiêng bóng, và Allah là Đấng chấn chỉnh mọi sự việc.

 

Hỏi: Việc dùng thuốc nhỏ mắt vào ban ngày Ramadan có làm hỏng nhịn chay không?

 

Trả lời: Đúng nhất và hợp lý nhất là thuốc nhỏ mắt không làm hỏng sự nhịn chay mặc dù đây là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Một số học giả cho rằng nếu vị của thuốc ngấm xuống cuống họng thì sẽ làm hỏng sự nhịn chay nhưng đúng nhất và hợp lý nhất là thuốc nhỏ mắt không làm hỏng sự nhịn chay trong bất kỳ tình huống nào bởi vì mắt không phải là một đường dẫn thức ăn. Tuy nhiên, nếu cẩn thận và muốn thoát khỏi sự bất đồng của các quan điểm khác nhau thì có thể nhịn chay trả lại nếu ai nếm thấy vị của thuốc ở cổ họng, nhưng đúng nhất điều đó không làm hỏng nhịn chay dù thuốc được nhỏ vào mắt hay vào tai.

 

Hỏi: Tôi là người đàn ông bị bệnh suyễn, tôi được bác sĩ khuyên nên dùng phương pháp trị liệu phun xịt vào miệng, xin cho biết điều luật cho cách điều trị này khi tôi đang nhịn chay tháng Ramadan? Cầu xin Allah ban phúc lành cho ông!

 

Trả lời: Bismillah, Alhamdulillah, điều luật cho sự việc này là được phép trong trường hợp hết sức cần thiết (không có cách nào khác) bởi vì Allah, Đấng Nhân

từ đã phán:


(Và quả thật, Ngài (Allah) đã giải thích rõ cho các ngươi những gì không được phép ngoại trừ vì nhu cầu bắt buộc phải dùng (để sống)) (Chương 6 – Al-An-a’m, câu 119)

 

Và bởi vì cách điều trị này không mang ý nghĩa giống như ăn và uống mà nó giống như việc lấy máu để xét nghiệm và tiêm chích vào cơ thể những chất không phải là nguồn dinh dưỡng.

 

Hỏi: Trong các nhà thuốc có bán loại dầu khử mùi cho miệng, nó được dùng bằng hình thức xịt vào miệng, vậy xin cho biết có được phép dùng chất khử mùi này vào ban ngày Ramadan với mục đích làm mất đi mùi hôi của miệng không?

 

Trả lời: Tôi không thấy có vấn đề gì trong việc dùng những thứ gì đó có tính chất làm vệ sinh và không nằm trong các điều cấm để khử đi mùi hôi của miệng đối với người nhịn chay và người không nhịn chay cả.

 

Hỏi: Xin cho biết việc dùng phấn côn (một thứ phấn đen đánh mi mắt của người Ả rập) và một số loại mỹ phẩm dành riêng cho phụ nữ vào lúc ban ngày của tháng Ramadan có làm hỏng việc nhịn chay không?

 

Trả lời: Phấn côn không làm hỏng việc nhịn chay của phụ nữ hay đàn ông, đây là quan điểm đúng nhất và hợp lý nhất trong hai quan điểm bất đồng nhau của giới học giả Islam. Tuy nhiên, nên dùng vào ban đêm thì tốt hơn đối với người nhịn chay. Và tương tự như vậy, những gì thuộc các loại mỹ phẩm làm đẹp như sữa tắm, các loại kem bôi, thoa và những thứ khác dùng ngoài  da  để  trang  điểm  làm  đẹp.  Sẵn  đây  một  lời khuyên đến các đồng đạo là không nên dùng các mỹ phẩm làm đẹp nếu như nó có hại đến gương mặt, và Allah là Đấng ban cho điều tốt đẹp.

 

Hỏi: Điều luật thế nào khi người nhịn chay nuốt nước bọt của mình?

 

Trả lời: Không vấn đề gì cho sự việc đó, và tôi chưa từng biết trong giới học giả Islam có sự tranh cãi nhau về sự việc này bao giờ, nhưng còn đối với đờm dãi thì phải khạc nhổ ra ngoài nếu như nó đã ra đến miệng, người nhịn chay không được phép nuốt nếu có khả năng nhổ nó ra ngoài; và Allah là Đấng ban sự thành công tốt đẹp.

 

Hỏi: Có được phép dùng các loại nước hoa, dầu tinh chế từ gỗ trầm hương hoặc đốt gỗ trầm hương vào ban ngày tháng Ramadan không?

 

Trả lời: Vâng, được phép dùng với điều kiện là không được hít hương trầm vào.

 

Hỏi: Việc nói xấu sau lưng người khác có làm hỏng việc nhịn chay không?

 

Trả  lời:  Việc  nói  xấu  sau  lưng  người  khác không làm hỏng sự nhịn chay, và nói xấu sau lưng có nghĩa là đề cập đến người anh em đồng đạo của mình khi y không có mặt về những gì y không thích, và việc làm này là tội lỗi bởi Allah, Đấng Tối Cao phán rằng:


(Và chớ nói xấu lẫn nhau) (Chương 49 – Al-Hujurat, câu 12).

 

Tương tự, việc mách lẻo, chửi bới, nói dối, tất cả đều không làm hỏng sự nhịn chay nhưng tất cả đều là những hành vi tội lỗi bắt buộc người nhịn chay hay không nhịn  chay phải  cẩn  thận  mà  tránh  xa  nó, và những hành vị tội lỗi đó sẽ làm mất đi giá trị của việc nhịn chay và làm giảm đi công đức của người nhịn chay, Nabi nói:


Người  nào  không  từ  bỏ  những  lời  nói  tội  lỗi  và ngoan cố thực hiện nó thì  hãy biết rằng quả thật Allah đâu cần đến việc y bỏ thức ăn, thức uống của y.” (Do Imam Albukhari ghi chép trong bộ Sahih của ông).


Nhịn chay là một sự bảo vệ, do đó vào ngày nhịn chay thì các người đừng nói lời xàm bậy và cũng đừng to tiếng gắt gỏng, nếu có ai chửi bới hay gây sự thì hãy nói: Tôi đang nhịn chay(Hadith được thống nhất về tính xác thực của nó bởi tất cả giới học giả Islam). Có rất nhiều Hadith mang ý nội dung tương tư.


(còn tiếp)
 
 Tác giả: Abdul Azeez bin Abdullah bin Baaz Và Muhammad Al-Soleh Al-Uthaimeen
Dịch thuật: Abu Zaytune Usman Ibrahim
Kiểm định: Abu Hisaan Ibnu Ysa

Nguồn: chanlyislam.net

___________________________________

Chú thích:


(*) “Bộ Fata-wa và những lời giải đáp của Imam Bin Baz – cầu xin Allah thương yêu ông.

 

= = = = = = = = = =

Bài liên quan:

 

Các ngôi vườn của những người nhịn chay (1) - Lời khuyên nhân dịp đón tháng Ramadan

Các ngôi vườn của những người nhịn chay (2) - Những điều làm hỏng nhịn chay