Mùa nhịn chay tháng Ramadan

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1451 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nhân ngày khai mạc tháng nhịn chay Ramadan của các tín đồ Islam, BBT Nhịp cầu Tâm giao xin giới thiệu với quý bạn đọc bài viết về ý nghĩa và cách thực hành theo niềm tin của người Muslim (Hồi giáo), do Hamide  &  Giusô Adot biên soạn.


*  *  *


Ý nghĩa của tháng Ramadan  trong Islam  


Tháng Ramađan là tháng 9 của niên lịch Hijrah. Niên lịch Hijrah là niên lịch đánh dấu cuộc dời cư của Nabi Muhammad (SAW)  từ Thánh địa Makkah sang vùng đất thiêng Mađinah. Năm nay là năm 1433 Hijrah tương ứng với năm 2012 (*).dương lịch. Cần xác định ngay, cuộc dời cư lịch sử của Nabi Muhammad (SAW) không đánh dấu khởi điểm sáng lập đạo Islam như lập luận sai lệch trên một số sách báo phương Tây, bởi lẽ Ðức Tin Islam xác lập mối tương quan giữa con người và Ðấng Tạo Hóa Allah đã hiện có ngay từ thời điểm Nabi AÐam và Siti Hawa, vốn là thủy tổ của loài người, và từ đó, Ðấng Tạo Hóa Allah đã lần lượt cử phái xuống trần thế, theo từng thời điểm, 25 vị Thiên sứ mệnh danh là Rasulullah và Nabi Muhammad (SAW) được khẳng định là vị Rasul cuối cùng.


Trong tín lý Islam, tháng Ramađan là tháng thiêng liêng do bởi trong tháng này, được học giới Islam ước tính nhằm năm 610 hoặc 611 Tây lịch, một chàng thanh niên Ả Rập cao quý vào khoảng 40 tuổi đầu, đang ngồi một mình suy tưởng và cầu nguyện dâng lên Ðấng Tạo Hóa trong hang núi Hira gần Makkah (nước Ả Rập Saudi ngày nay), thì thình lình Thiên Thần Jibroel xuất hiện. Thiên Thần Jibroel là vị Thiên Thần thường mang Thiên Khải (wahy) đến với tất cả các vị Thiên sứ (Rasulullah) theo từng thời điểm trong lịch sử nhân loại. Thiên Thần Jibroel  đã chánh thức thông báo cho Muhammad (SAW) biết, Thượng Ðế Allah đã chọn Người và bổ nhiệm Người thành Thiên sứ (Rasulullah) với sứ mạng tiếp nhận và truyền chuyển Thông Ðiệp Islam đến với muôn loài. Thiên Thần Jibroel đã chuyển cho Muhammad (SAW) những từ ngữ đầu tiên của Thiên khải (Wahy), được ghi lại trong Surat 96 câu 1-5  của Thiên kinh Qur’An trong dân gian người Chăm Châu đốc thường nhắc nhở nhau với bài kinh “Iqrok” như sau:


اقْرَأْ بِاسْمِ رَبِّكَ الَّذِي خَلَقَ

خَلَقَ الْإِنسَانَ مِنْ عَلَقٍ

اقْرَأْ وَرَبُّكَ الْأَكْرَمُ

الَّذِي عَلَّمَ بِالْقَلَمِ

عَلَّمَ الْإِنسَانَ مَا لَمْ يَعْلَمْ

 

Hãy đọc! Nhân danh Ðấng Tối Thượng (Rabb) của Ngươi
Ðấng đã tạo ra con người từ một hòn máu đặc.
Hãy đọc! Do bởi Ðấng Tối Thượng của Ngươi Rất Mực Ðộ Lượng,
Ðấng đã chỉ dạy con người sử dụng cây viết
và đã chỉ dạy con người những gì y không biết.


Có thể nói đây là bản tuyên ngôn đầu tiên, từ đó, với những Thiên khải tiếp theo trong 23 năm, Nabi Muhammad (SAW) với danh nghĩa Thiên sứ (Rasulullah) đã xây dựng nền móng cho  Islam thành một ngọn đuốc Ðức Tin sáng rực  chuẩn bị cho một cộng đồng mộ đạo và ngay chánh tôn thờ Allah, Ðấng Tạo Hóa Toàn Tri Toàn Năng của vũ trụ và loài người.


Ðạo Islam được xây dựng trên 5 giáo điều quy định rường cột bằng chữ Ả Rập kể sau, mà phàm là người Muslim thì đều phải thuộc nằm lòng, trong khung tín lý gọi là Rukun Islam. Ðó là:

  • Kalima Shahadat

Mùa nhịn chay tháng Ramadan

  • La ilaha ilallah (Không có Thượng Ðế (nào khác), mà chỉ có Allah)
    • Muhammadar Rasulullah (Muhammad là Thiên sứ);
  • Salat tức dâng lễ nguyện mỗi ngày 5 lần (waktu);(trong dân gian người Chăm Châu Ðốc nói là Sambahyăng, từ ngữ du nhập từ Malaysaia);
  • Sawm có nghĩa là nhịn chay; trong dân gian người Chăm Châu Ðốc gọi là “ơk”.
  •  Zakat là một từ ngữ A Rạp không có từ tương ứng trong các ngôn ngữ khác, nội dung được hiểu là quy định chia sẻ cho người có nhu cầu;
  • Hajj hành hương Thánh địa Makkah.

Trong 5 giáo điều quy định rường cột kể trên, việc  nhịn chay được thực hiện vào tháng Ramadan, là một động thái thích hợp nhứt biểu tỏ ơn sâu của người Muslim vì Thiên kinh Qur’An; Trong lịch sử, Thiên khải có mối quan hệ đặc biệt với việc nhịn chay:

  • Nabi MuSa (Moses) (ALHSL) đã ở bên Thượng Ðế trong 40 ngày, 40 đêm, không ăn bánh mì, không uống nước. Và Nabi đã ghi nhận về các bảng ngôn từ của tờ Thỏa hiệp, mười điều răn. (Exodus 34:28)
  • Nabi YSa (Giê Su)  (ALHSL) đã nhịn chay khi tiếp nhận sứ mạng Thiên sứ ở gần con sông Jordan (Mathew 4:2ff)
  • Nabi Muhammad (SAW)  cũng đã đang nhịn chay khi tiếp nhận Thiên khải đầu tiên. (Sahih al-Bukhary, quyển 1, Chương về bắt đầu Thiên khải).
Trong xã hội Việt Nam, các tôn giáo khác như Phật giáo chẳng hạn, có lễ thức “ăn chay” với ý nghĩa vẫn duy trì các bữa ăn bình thường trong những ngày ăn chay, các món ăn không có thịt mỡ mà chỉ có rau. Do đó, cần xác định rõ để tránh nhầm lẫn giữa hai lễ thức này.

Khác biệt với lễ thức “ăn chay”, trong lễ thức nhịn chay tháng Ramadan của Islam, người Muslim tuyệt đối kiêng cử, không ăn, không uống, và không giao hợp sinh lý từ rạng sáng cho đến chạng vạng tối. Do đó, cơ thể không được thỏa mãn về các nhu cầu thể chất thường lệ, cho đến cuối ngày mới được đáp ứng trong điều độ, để rồi con người lại tiếp tục tự chế, kiêng cử vào sáng ngày hôm sau. Như vậy, người Muslim đã được tạo điều kiện tự rèn luyện bản thân đi vào một nền nếp kiêng cử và thỏa mãn trong nguyên một tháng, phải phấn đấu tự kềm chế và tự làm chủ bản thân, ý thức rõ rệt khi nào thuận, khi nào phải khước từ bác bỏ để sống trong một thế giới của thiện và ác, của các cơ hội, các thách đố, và các cám dỗ. Người Muslim, tin và tôn thờ Ðấng Tạo hóa Allah, phải có kỷ luật để sống theo Lời Phán Dạy của Allah, theo Thiên kinh Qur’An.


Các sự kiện kể trên cho thấy, việc nhịn chay trong Islam đánh thức con tim, soi sáng tinh thần, và chuẩn bị não trạng con người để tiếp nhận Lời Phán Truyền trang trọng của Allah. Khi tấm gương linh hồn được trong và sáng thì Lời Phán của Allah hiện xuống như là một sự phản chiếu tươi đẹp. Việc nhịn chay theo Islam, do đó, cần được hiểu là phương thức tối hảo trong sự thanh lọc hóa bản thân, sự tự chế và tự làm chủ  mình.


Người Muslim có đủ điều kiện về sức khỏe phải nhịn chay trọn tháng Ramađan. Nhưng cần lưu ý: niên lịch Hijrah là niên lịch được xây dựng trên hệ thống vận hành của mặt trăng nên so với Tây lịch mỗi năm chênh nhau 12 ngày. Với sự chênh lệch này, tháng Ramađan lần lượt đến theo từng năm với các mùa xuân, hạ, thu, đông, nhằm vào thời tiết nóng lạnh băng giá đủ cả.


Việc nhịn chay tháng Ramadan được quy định trong Thiên kinh Qur’An

 

Surah 2 al-buqarah đã ghi:


Ayat 183:


يَا أَيُّهَا الَّذِينَ آمَنُواْ كُتِبَ عَلَيْكُمُ الصِّيَامُ كَمَا كُتِبَ عَلَى الَّذِينَ مِن قَبْلِكُمْ لَعَلَّكُمْ تَتَّقُون


Hỡi những ai có niềm tin, việc nhịn chay được quy định cho các ngươi như đã được quy định cho những người trước các ngươi, để các ngươi có thể trở thành người ngoan đạo (al-Muttaqun).


Ayat 184:

أَيَّامًا مَّعْدُودَاتٍ فَمَن كَانَ مِنكُم مَّرِيضًا أَوْ عَلَى سَفَرٍ فَعِدَّةٌ مِّنْ أَيَّامٍ أُخَرَ وَعَلَى الَّذِينَ يُطِيقُونَهُ فِدْيَةٌ طَعَامُ مِسْكِينٍ فَمَن تَطَوَّعَ خَيْرًا فَهُوَ خَيْرٌ لَّهُ وَأَن تَصُومُواْ خَيْرٌ لَّكُمْ إِن كُنتُمْ تَعْلَمُونَ


Dịch nghĩa:


(Nhịn chay) trong một số ngày quy định, nhưng nếu ai trong các ngươi mắc bệnh hoặc đang đi xa, thì sẽ nhịn bù từ nhừng ngày khác. Và đối với những người có khó khăn trong việc nhịn chay (tức người già cả), họ có sự chọn lựa hoặc nhịn chay hoặc nuôi ăn một người nghèo khó (miskin) cho mỗi ngày không nhịn chay. Nhưng người nào làm tốt do chính bản thân mình thì sẽ tốt đẹp hơn cho mình. Và việc ngươi nhịn chay được tốt cho ngươi hơn nếu ngươi biết.


Ayat 185:

 شَهْرُ رَمَضَانَ الَّذِيَ أُنزِلَ فِيهِ الْقُرْآنُ هُدًى لِّلنَّاسِ وَبَيِّنَاتٍ مِّنَ الْهُدَى وَالْفُرْقَانِ فَمَن شَهِدَ مِنكُمُ الشَّهْرَ فَلْيَصُمْهُ وَمَن كَانَ مَرِيضًا أَوْ عَلَى سَفَرٍ فَعِدَّةٌ مِّنْ أَيَّامٍ أُخَرَ يُرِيدُ اللّهُ بِكُمُ الْيُسْرَ وَلاَ يُرِيدُ بِكُمُ الْعُسْرَ وَلِتُكْمِلُواْ الْعِدَّةَ وَلِتُكَبِّرُواْ اللّهَ عَلَى مَا هَدَاكُمْ وَلَعَلَّكُمْ تَشْكُرُونَ


Dịch nghĩa:


Tháng Ramadan là tháng Thiên kinh Qur’An được mặc khải, một hướng dẫn cho nhân loại và những bằng chứng rõ rệt cho sư hướng dẫn và các tiêu chuẩn (giữa đúng và sai). Do đó, ai trong các ngươi trông thấy (vành trăng lưỡi liềm vào đêm đầu tiên của tháng Ramadan (tức có mặt tại nhà), người đó phải nhịn chay tháng đó, và những ai  mắc bệnh hoặc đang đi xa, thì cùng số ngày không nhịn phải được nhịn bù lại từ những ngày khác. Allah có ý muốn làm dễ dàng cho các ngươi, và Allah không muốn gây khó khăn cho các ngươi. (Allah muốn) ngươi nhịn bù trong cùng số ngày không nhịn, và các ngươi phải vinh danh Allah (tức Takbir, Allahu Akbar,) Thượng Ðế vĩ đại do đã dẫn dắt các ngươi để các ngươi biết ơn Allah.

      

Thực hiện lễ thức nhịn chay

   

Ngày khởi đầu nhịn chay

Trên nguyên tắc, niên lịch Hijrah được soạn thảo và phổ biến hàng năm. Nhưng theo quy định, ngày khởi đầu nhịn chay không phải được xem một cách máy móc là mùng 1 tháng Ramadan. Ðể xác định ngày khởi đầu nhịn chay, người Muslim phải  thấy được vầng trăng lưỡi liềm sau khi mặt trời lặn vào ngày 29 tháng Sha’ban là tháng trước tháng Ramadan. Cá nhân người Muslim không thể tự mình quyết định về ngày này, vì nếu làm như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng xáo trộn trong cộng đồng. Quyết định tùy theo địa phương lệ thuộc vào vị Imam hoặc Qadi. Trường hợp vầng trăng lưỡi liềm không thấy xuất hiện vào ngày 29 tháng Sha’ban thì tháng Sha’ban được xem là bao gồm cả ngày 30, và bắt đầu ngày 1 nhịn chay tháng Ramadan vào ngày kế tiếp.


Quy lệ nhịn chay

  • Ai phải nhịn chay ? 

        Việc nhịn chay trong cả tháng Ramadan có tính bắt buộc đối với mọi người Muslim trưởng thành, cả nam lẫn nữ, những người lành lặn không đau ốm hoặc đang đi xa nhà.


Ðối với những người mắc bệnh tạm thời thì được phép không nhịn chay trong thời gian bệnh, nhưng sau đó, phải nhịn bù lại những ngày bị bệnh. Ðối với những người bệnh kinh niên, không thể chữa lành, thì được miễn nhịn chay nhưng phải trả khoản phí fidya có thể bằng tiền, cung ứng bữa ăn cho những người nghèo khó có nhu cầu.


Phụ nữ trong thời gian có kinh hoặc sau khi sanh nở (nifas) được miễn nhịn chay nhưng phải nhịn bù sau Ramadan. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, nếu có khó khăn trong việc nhịn chay, thì đụợc hoãn để nhịn bù trong thời gian sau, khi sức khỏe được khả quan hơn.


Về các chuyến đi xa nhà, tối thiểu khoảng 48 dặm (miles) hoặc 80 cây số (km) với lý do chánh đáng thì được hoãn nhịn chay, để nhịn bù vào thời điểm thuận tiện sau đó. Nhưng sẽ là một tội lỗi nếu cố tình đi xa trong tháng Ramadan chủ yếu là để tránh nhịn chay.

  • Lễ thức nhịn chay theo Sunnah:
    • Bữa ăn trước rạng sáng (sahur)

Ngày nhịn chay được khởi đầu bằng bữa ăn rạng sáng trước buổi lễ nguyện Faj trong dân gian người Chăm Châu đốc gọi là Waktu sambahyăng Suboh, thực tế, có thể sớm hơn tùy hoàn cảnh cá nhân, gia đình, hoặc tổ chức trong Jam’ah với bữa ăn tập thể hoặc gia đình.

  • Khởi đầu bữa nhịn chay, người nhịn chay phải chứng tỏ hoặc xác định ý thức của mình bằng lễ thức Niyyah , trong dân gian người Chăm Châu Ðốc gọi là Niêt, tức chân thành định trong bụng ý muốn nhịn chay vì Allah. Không cần thiết phải nói thành lời, nhưng nhứt quyết phải Niêt chân thật từ con tim và khối óc.

  • Trong suốt ngày nhịn chay, người Muslim phải tránh không nói và làm những điều sai quấy. Không gây lộn, không tranh cãi, và cần rộng lượng trong chuyện trò; không dùng những lời lẽ xấu xa, thô tục, nói chung, không làm những gì bị nghiêm cấm. Người Muslim nhịn chay cần kỷ luật bản thân về mặt luân lý, đạo đức, tự huấn luyện bản thân về thể chất lẫn tinh thần. Cần phải tỏ ra là một người hòa nhã trong giao dịch.

  • Trong thời gian nhịn chay, người Muslim cần tích cực đóng góp hành vi thiện nguyện và phải thực hiện lễ nguyện dâng lên Allah và xướng đọc Thiên kinh Qur’An.
  • Bữa ăn chấm dứt ngày nhịn chay (iftar)

Ngày nhịn chay được chấm dứt bằng bữa ăn, tiếng Ả Rập gọi là Iftar trong dân gian người Chăm Châu Ðốc gọi là taleh ơk với nghĩa chữ là cởi bỏ, giải toả nhịn chay, trong giới bình dân, còn gọi nôm na là Sả chay . Lễ thức Iftar, được thực hiện bởi cá nhân, trong khung sinh hoạt gia đình hoặc tập thể trong cộng đồng. Giờ giấc chấm dứt nhịn chay tại các tập thể (jam’ah) Chăm Châu Ðốc, được chánh thức Jama’ah thông báo bằng một hồi trống phát ra  từ các masjid hoặc Surao nối tiếp bằng giọng Azan, người Chăm Châu Ðốc gọi là Bhaang truyền thống.

  • Những điều làm cho việc nhịn chay vô hiệu

    Người Muslim nhịn chay cần tránh, không làm những điều khiến cho việc nhịn chay trở thành vô hiệu, sau đó phải nhịn bù (qodo):
    - Ăn, uống, hút thuốc có dụng ý;
    - Tự làm ói, mửa;
    - Xuất tinh do khêu gợi dục tình do hôn, ôm nhau;
    - Ăn, uống, hút thuốc, giao hợp sinh lý sau rạng sáng (Fajr) nghĩ lầm là chưa rạng sáng. Ngày nhịn chay cũng được xem như vô hiệu khi ăn, uống, giao hợp sinh lý trước chạng vạng, tưởng lầm là đã quá chạng vạng rồi.
    Giao hợp sinh lý trong khi đang nhịn chay là một tội lỗi nặng trong Islam. Người Muslim sai phạm điều này phải thực hiện qodo nhịn bù lại về sau.

Lễ nguyện Taraweeh


Một lễ nguyện đặc biệt được thực hiện trong suốt mùa nhịn chay tháng Ramadan là lễ nguyện Taraweeh được thực hiện sau lễ nguyện ‘Isha trong trọn tháng Ramadan.


Lễ nguyện Taraweeh là Sunnah của Nabi Muhammad (SAW) không có tính chất bắt buộc tức Fardu như lễ thức nhịn chay, Nhưng trên thực tế, lễ nguyện Taraweeh đã tạo thành một nền nếp sinh hoạt truyền thống tại các jama;ah. Quả là một điều tốt lành khi cùng các thân hữu Muslim khác đến dâng lễ nguyện Taraweeh trong Jama’ah tại các masjid hoặc surao, cùng tham gia sinh hoạt cộng đồng trong mùa chay Ramadan, cùng chia sẻ niềm hân hoan giao tiếp thông hiểu nhau giữa người Muslim anh em.


Tuy nhiên, nếu không đến tham gia dâng lễ Taraweeh cộng đồng, người Muslim không nên lơ là với lễ nguyện này. Tự một mình, người Muslim cũng có thể dâng lễ nguyện Taraweeh riêng tại nhà.


Trong lễ nguyện Taraweeh, một số người Muslim thực hiện 21 Rak’at tức bộ động tác bái lạy, một số người khác chỉ dâng lễ 8 rak’at, gây bất đồng và khác biệt ở một số Jama’ah. Nhưng thực tế, dù là 8 rak’at hay 21 rak’at trong Sunnah vẫn là Islam về mặt kỷ thuật thực hiện. Trên tinh thần tương kính cố hữu cần có giữa người Muslim với nhau, khác biệt về số lượng rak’at trong lễ nguyện Taraweeh nhứt quyết không thể được chấp nhận là lý do chánh đáng tạo nên chia cách, rạn nứt hoặc hiềm khích bè phái không cần thiết trong sinh hoạt an bình trong cộng đồng.


Mubarak Ramadan!


Thế giới Hồi giáo bắt đầu thánh lễ Ramadan - Tin180.com (Ảnh 15)

Điệu múa truyền thống mừng tháng Ramadan trong lễ hội Ajyalouna ở Beirut, Liban - Ảnh: tin180.com



Do Hamide  &  Giusô Adot

Nguồn: chamchaudoc.com


-----------------------

(*) BBT đã hiệu đính con số năm cho phù hợp với thời điểm hiện tại.


Nguồn tham khảo:


-  Dr Muzammil H. Siddiqy. Ramadan: The Blessed Month
Tajuddin B. Shu’aib, Essentials of Ramadan, The Fasting Month
Suzanne Haneef. What everyone should know about Islam and Muslims