Tìm hiểu về vai trò của Phụ nữ trong Islam

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5104 | Cật nhập lần cuối: 3/9/2016 1:51:28 PM | RSS

Tìm hiểu về vai trò của Phụ nữ trong IslamCũng như nhiều tôn giáo nói chung, đối với người phụ nữ ở chừng mực nhất định nào đó đều được coi là một thực thể không hoàn chỉnh. Nhưng nội dung Thiên kinh Qur’an và những lời thuyết đạo của Thiên sứ Muhammad cho thấy người phụ nữ Muslim có giá trị sống như nam giới và bình đẳng với người đàn ông. Tuy nhiên, những người ngoài Muslim nhìn nhận còn phiến diện, được hiểu rằng trong xã hội Hồi giáo thân phận người phụ nữ thấp kém hơn đàn ông?

Không phải chỉ có riêng trong gia đình và xã hội Hồi giáo, mà lịch sử xã hội con người nói chung, tự nó đã phân rõ sự khác nhau về chức năng của người phụ nữ với người đàn ông; tính “bình đẳng” và sự “đồng dạng” là hai mặt khác nhau. Để hiểu đúng thân trạng người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo, chúng ta thử tìm hiểu những điều do Allah ban phát, đã được ghi nhận trong chương IV Thiên kinh Qur’an – điều nói về phụ nữ, rằng:

“… Người đàn ông là trụ cột (của gia đình) trên người đàn bà bởi vì Allah ban cho người này sức lực hơn, bởi vì họ chỉ dùng tài sản của họ vào việc cấp dưỡng gia đình. Do đó, người đàn bà đức hạnh nên phục tùng chồng và trông coi (nhà cửa) trong lúc chồng vắng mặt và đối với các bà vợ mà các ngươi sợ họ thất tiết và bướng bỉnh (trước hết) hãy cảnh cáo họ, (kế đó) từ chối ăn nằm với họ, và (cuối cùng) đánh họ (nhẹ tay), bởi thế họ chịu nghe thì các ngươi chớ kiếm chuyện (rày rà) với họ;

“… Việc con cái của các ngươi hưởng gia tài (như sau). Phần của con trai bằng hai phần con gái. Nhưng nếu chỉ con gái và số con gái nhiều hơn hai, thì phần của tất cả các con gái là hai phần ba (2/3) của gia tài để lại; và nếu chỉ có một đứa con gái thì phần của nữ là một nửa (1/2) gia tài để lại. Nếu người chết có con, thì cả cha lẫn mẹ mỗi người được hưởng một phần sáu (1/6 của gia tài để lại). Nhưng nếu (người chết) không có con và chỉ có cha mẹ là người thừa kế, thì người mẹ được hưởng một phần ba (1/3) của gia tài để lại. Nếu người chết có đông anh, chị em thì người mẹ được hưởng một phần sáu (1/6);

“… Nếu các ngươi muốn lấy vợ sau thay cho người vợ trước và các người đã cho mỗi bà đống vàng (Qintar) làm quà cưới, thì các ngươi không được phép lấy lại một tí nào cả”. Và, “Các ngươi không được phép cưỡng bức vợ để thừa hưởng gia tài của họ, cũng không được nhốt (hành hạ) họ để lấy lại một phần nào tiền cưới (Mahr) mà các ngươi đã tặng cho họ, ngoại trừ trường hợp họ công khai phạm tội thông gian. Ngược lại, hãy sống chung với họ một cách tử tế;

“… Và nếu hai người (đàn ông và đàn bà) trong các người phạm tội thông gian, thì hãy phạt cả hai thật nặng”. Thực tiễn trong xã hội Hồi giáo cho thấy, người đàn ông có trách nhiệm nuôi nấng, xây dựng gia đình không chỉ ở góc cạnh đạo đức mà nó là những điều ràng buộc bởi giáo luật. Người đàn ông là người duy nhất lo toan đời sống cho vợ và cho gia đình. Đồng thời, còn có bổn phận đóng góp tài chánh cho mọi hoạt động từ thiện – xã hội. Đổi lại, người phụ nữ không gánh vác bất cứ một trách nhiệm tài chính nào, ngoài việc tiêu xài cho riêng bản thân mình. Nói như vậy có nghĩa là, người phụ nữ luôn nhận được sự cung phụng: nếu người phụ nữ ấy là mẹ thì các con là người cung phụng; nếu người phụ nữ ấy là vợ thì sẽ được người chồng cung phụng hoặc nếu là con gái thì được người cha chu cấp… Mặt khác, người phụ nữ Muslim được hưởng dụng một số đặc quyền mà ở đàn ông không có, như: miễn dâng lễ nguyện, hoãn nhịn chay trong thời gian kinh kì và sanh đẻ; miễn dâng lễ nguyện tập thể và Thánh lễ trưa ngày thứ 6 và hãy làm chu đáo trách nhiệm lo toan công việc nội trợ, chăm sóc chồng con và giữ gìn mối liên hệ vật chất vững chắc trong gia đình. Và, đó là qui lệ mà người vợ phải biết vâng lời chồng. Về hôn nhân, một người phụ nữ goá phụ hoặc đã li dị, có thể cưới bất kì người đàn ông nào họ thấy thích hợp. Một phần không thể không có khi cưới vợ là người rể phải có một khoảng tiền (quà cưới) cho cô dâu; khác với nhiều dân tộc và tôn giáo, “tiền cưới của người Muslim là tài sản thuộc sở hữu riêng của cô dâu (vợ)”…

Đối với Hồi giáo, vai trò của người phụ nữ là một cái gì đó mang tính duy nhất, những gì sáng tạo, những gì thiêng liêng và không giống được trong mọi hệ thống khác nó. Những gì giáo luật Hồi giáo qui định cho người phụ nữ Muslim nó hoàn toàn phù hợp với bản chất của họ, không phải như những người ngoài Muslim ngộ nhận. Hồi giáo vẫn nhìn nhận phụ nữ là một thực thể bình đẳng xã hội, vì nếu người đàn ông là cha, thì người phụ nữ là mẹ, nhưng thiên chức làm mẹ là rất cao cả và rất thiêng liêng! Ngược lại, người Muslim không quan niệm phụ nữ là sản phẩm của tội lỗi hoặc mầm mống của tội lỗi xã hội.

Thực tiễn cho thấy, người phụ nữ Muslim bình đẳng với nam giới ở nhiều lĩnh vực, ngang hàng với đàn ông trong việc gánh vác trọng trách cá nhân và xã hội. Ngày nay, dưới xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ Muslim đứng ra gánh vác trọng trách (người đứng đầu Chính phủ) của một số quốc gia như: Thổ Nhĩ Kì, Pakistan, Bangladesh và Indonesia. Ở thập niên đầu của thế kỉ XXI, một sự kiện quan trọng cho thấy vai trò của người phụ nữ Muslim trong xã hội ngang bằng với đàn ông, đó là: Ngày 29 tháng 6 năm 2006, tại Kuwait đã diễn ra một cuộc bầu cử Quốc hội lịch sử, trong tổng số 149 ứng viên tham gia tranh cử vào 50 ghế Quốc hội nước này, có đến 28 người là phụ nữ.

Đi ngược lại lịch sử Hồi giáo, người phụ nữ Muslim buổi đầu cũng đã tháp tùng với các chiến binh trong những cuộc giao chiến. Quan điểm của bà Hindi (vợ của Abu Sufyan, sau này trở thành một tướng quân trong những người lãnh đạo Hồi giáo), đề nghị với giới lãnh đạo Makkah và được giới lãnh đạo Makkah đồng ý, tổ chức một đội quân phụ nữ, cùng đoàn chiến binh của Makkah giao chiến với người Muslim ở trận Uhud hoặc ở bộ lạc Hawazin, khi biết tin đại quân Hồi giáo đem quân tấn công bộ lạc, trong khi chiêu mộ binh lực để chống trả quân Hồi giáo, Malik một tướng trẻ của Banu Hawazin cũng tuyển mộ một đội quân nữ cùng nghinh chiến (trong đội quân nữ đó có bà Shayma là chị nuôi của Thiên sứ Muhammad, lúc ông ở bộ tộc Sa’d ibn Bakr), là một minh chứng… Họ hoàn toàn không bị giam cầm sau song cửa hoặc bị coi là những sanh linh không có tâm hồn.

Theo đó, quyền tự do ngôn luận của phụ nữ trong Hồi giáo cũng được tôn trọng và bảo vệ như nam giới. Ý kiến của phụ nữ luôn được tôn trọng, được xem xét và càng không thể bị gạt bỏ vì lí do phụ nữ. Mặt nữa, người phụ nữ Hồi giáo rất trân trọng và luôn gìn giữ truyền thống của tấm mạng che mặt, nó không chỉ làm tăng thêm cái duyên dáng và cái đẹp của người phụ nữ, mà hơn thế nữa là bản năng tự kiềm chế những hành vi, không bộc lộ những cử chỉ duyên dáng và hấp dẫn của thân xác làm kích thích sự đam mê của bất kì người đàn ông nào ngoài ông chồng. Tấm mạng che mặt còn là điều kiện có thể làm cho người phụ nữ Hồi giáo tránh được những giây phút xao lòng, vượt lên những cám dỗ và sự đam mê nhằm gìn giữ tính vẹn toàn của người phụ nữ, bảo toàn cái trong sáng, sự trinh trắng về đức hạnh và phẩm giá cuộc sống trong xã hội.

Nói về vị trí người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo, B. Aisha Lemu viết: “Phụ nữ trong Islam, ngang bằng với đàn ông về đạo đức và trí tuệ, được khuyến khích hành đạo và phát triển các mặt kiến thức trong cả cuộc đời. Trong quan hệ nam giới cả hai phái phải khiêm tốn trong xử sự, ăn mặc và với đạo đức nghiêm túc, tức là không khuyến khích việc trai gái gặp nhau tùy tiện; quan hệ của cô với chồng dựa trên tình yêu thương từ hai phía. Người chồng có trách nhiệm bảo vệ vợ và con cái, và vợ tôn trọng chồng như người chủ trong gia đình. Cô ấy có trách nhiệm chăm sóc gia đình và giáo dục con cái khi chúng còn nhỏ. Cô ấy có thể sỡ hữu tài sản riêng, làm kinh doanh và có quyền thừa kế” (“Woman in Islam” nguyên bản tiếng Anh của B.Aisha Lemu và Fatima Heren, trang 14).

Xuất phát từ các bảo đảm do Allah ban chođã được ghi nhận trong chương IV của Thiên kinh Qur’an cùng với một số những dữ kiện lịch sử nói trên đây, đã cho thấy thân phận người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo không bao giờ thấp kém hơn người đàn ông.

Tóm lại, với một người Muslim là phụ nữ, Allah không đặt nặng trách nhiệm như đàn ông, bởi người đàn ông là người duy nhất gánh vác trách nhiệm chu cấp, lo toan bảo đảm cuộc sống không chỉ cho người vợ và cho cả gia đình mà còn có bổn phận đóng góp tài chính cho hoạt động xã hội. Ngược lại, người phụ nữ chỉ làm phận sự chăm sóc chồng con, nhắc nhở con cháu chuyện học hành, đến thánh đường dâng lễ nguyện. Không bắt buộc đến thánh đường lễ nguyện tập thể và lễ nguyện mỗi ngày thứ sáu; không gánh vác, lo toan tài chính cho gia đình… Mặt nữa, phụ nữ Muslim được nhìn nhận là một sanh linh, có quyền sống và bình đẳng trong sự sống của con người; họ được quyền thừa kế gia sản của cha mẹ để lại mà xã hội trước kỉ nguyên Hồi giáo, người phụ nữ các dân tộc Ả Rập không có quyền này bởi chính họ chỉ được xem là một thứ tài sản của đàn ông. Như đã biết, kinh Qur’An ghi nhận những điều này không chỉ là một dạng thức qui định mà giáo luật Hồi giáo có tất cả các biện pháp để bảo đảm thực thi như là những điều khoản của đức tin vào Allah (Thượng đế). Và, Hồi giáo (Islam) không bao giờ dung nạp những con người có thái độ thành kiến với phụ nữ; luôn lên án thái độ coi thường và coi phụ nữ thấp kém hơn đàn ông./.

Trần Tiến Thành
Nguồn: btgcp.gov.vn