Đại kết Kitô giáo cần hiểu biết nhau và đối thoại với nhau (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 304 | Cật nhập lần cuối: 4/17/2023 10:18:27 AM | RSS

Đại kết Kitô giáo liên quan đến Việc làm Chứng nhân
(Ngỏ cùng Phái đoàn Đại biểu Đại kết Balan trong Chuyến Tông du Balan Thứ Năm 25.05.2006)

Đại kết Kitô giáo cần hiểu biết nhau và đối thoại với nhau (2)“‘Kìa, Người đang đến trên đám mây và mọi con mắt sẽ được trông thấy Người’ (Rev 1, 7). Những lời này của Sách Khải huyền nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đang hành trình tiến đến cuộc hội ngộ tối hậu với Chúa Kitô, khi Người tỏ mình ra trước mắt chúng ta cái ý nghĩa của lịch sử con người, một lịch sử có tâm điểm là Thập Tự Giá của hy tế cứu độ. Là cộng đồng môn đệ, chúng ta được hướng dẫn tới cuộc hội ngộ ấy, một cuộc hội ngộ đối với chúng ta là ngày cứu độ tràn đầy hy vọng và tin tưởng, ngày mà tất cả mọi niềm khát vọng của chúng ta được nên trọn, nhờ việc chúng ta sẵn sàng để mình được hướng dẫn bởi một đức ái hỗ tương là những gì do Thần Linh gợi lên trong chúng ta. Chúng ta hãy xây dựng niềm tin tưởng này không phải bằng công lênh của mình mà bằng việc nguyện cầu là việc Chúa Kitô nhờ đó tỏ cho thấy ý nghĩa về việc Người đến trên thế gian và về cái chết cứu độ của Người: ‘Lạy Cha, con muốn rằng cả họ nữa, thành phần Cha đã ban cho Con, cũng được ở với Con để chiêm ngưỡng vinh hiển Cha đã ban cho Con vì yêu Con trước khi tạo thành thế gian’ (Jn 17, 24). Trong cuộc hành trình của chúng ta tiến tới cuộc hội ngộ với Chúa Kitô là Đấng ‘đang đến trên đám mây’, bằng đời sống của mình, chúng ta loan truyền việc Người chịu chết, chúng ta tuyên xưng việc Người sống lại, khi chúng ta đang đợi chờ Người lại đến. Chúng ta cảm thấy gánh nặng của trách nhiệm được tất cả những sự ấy bao gồm; thật vậy, sứ điệp của Chúa Kitô cần phải loan tới hết mọi người trên trái đất này, nhờ việc dấn thân của những ai tin vào Người và những ai được kêu gọi làm chứng rằng Người thực sự là Đấng được Cha sai (x Jn 17, 23). Bởi thế, khi chúng ta loan báo Phúc Âm, chúng ta cần phải được tác động bởi ước vọng muốn vun trồng những mối liên hệ hỗ tương của đức ái chân tình, nhờ đó, căn cứ vào đấy, tất cả sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con và Ngài yêu thương Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta như Ngài đã yêu Con (x Jn 17, 23). Công việc của thành phần môn đệ Chúa Kitô, công việc của mỗi người chúng ta, do đó, là hướng về mối hiệp nhất, bằng cách Kitô hữu chúng ta trở nên dấu hiệu hữu hình cho sứ điệp cứu độ của Người muốn ngỏ cùng hết mọi con người”.

Đại kết Kitô giáo đã Thành Đạt song vẫn cần Tiếp Tiến
(Diễn văn ngỏ cùng những vị Đại diện Liên hiệp Lutherô Thế giới 07.11.2005)

“Qua nhiều năm tháng, Giáo hội Công giáo và Liên hiệp Luthêrô Thế giới đã hoan hưởng những liên hệ chặt chẽ và tham gia vào cuộc đối thoại đại kết. Cuộc trao đổi tư tưởng này đã từng là những gì mang lại hoa trái và đầy hứa hẹn. Thật vậy, một trong những kết quả của cuộc đối thoại tốt đẹp này là Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa, một bản tuyên ngôn trở thành một mốc điểm quan trọng cho việc chúng ta cùng tiến bước trên con đường hướng đến mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn. Đó là một thành đạt quan trọng. Để để xây dựng trên cuộc thành đạt này, chúng ta cần phải chấp nhận những khác biệt vẫn còn đó liên quan tới vấn đề chính yếu của tín điều công chính hóa; những khác biệt này cần phải được giải quyết, cùng với những đường lối qua đó ân sủng Chúa được thông đạt nơi và qua Giáo hội.

“Như tôi đã đề cập tới trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi ở Cologne, đó là tôi hy vọng rằng vấn đề tiến bộ sau này của việc chúng ta đối thoại về những vấn đề ấy sẽ không những liên quan tới những vấn đề ‘về cơ cấu’, mà còn chú trọng tới cả nguồn mạch thực sự của tất cả mọi thừa tác vụ trong Giáo hội nữa. Thật thế, sứ vụ của Giáo Hội là làm chứng cho sự thật về Chúa Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể. Lời và chứng từ đi liền với nhau: Lời phát sinh chứng từ và hình thức hóa chứng từ; chứng từ có được tính chất chuyên chính của mình từ việc hoàn toàn trung thành với Lời, như được thể hiện và sống trong cộng đồng đức tin tông truyền theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.

“Ủy ban Quốc tế Luthêrô và Công giáo Rôma về Hiệp Nhất chẳng bao lâu nữa sẽ xong giai đoạn đối thoại thứ tư và sẽ phổ biến những nhận định của mình trong một bản văn kiện về Tông Truyền Tính của Giáo hội. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng việc đối thoại huynh đệ của chúng ta gặp khó khăn thử thách chẳng những bởi nhu cầu cần phải chứng thực việc nhận lãnh những công thức tín điều chung này nơi những mối hiệp thông tương ứng của chúng ta, mà thậm chí còn hơn thế nữa bởi bầu khí chung của những gì là bất ổn định liên quan tới những chân lý Kitô giáo cùng những nguyên tắc về đạo lý là những gì trước đây không có vấn đề gì cả. Gia sản chung này, ở một số trường hợp, đang bị giảm sút bởi những phương sách giải thích bị đổi thay.

“Con đường đại kết cùng nhau của chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó khăn và đòi phải nhẫn nại đối thoại. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nhiều phấn khởi trước truyền thống vững chắc của việc nghiêm cẩn nghiên cứu và trao đổi là những gì làm nên đặc tính nơi mối liên hệ giữa Công giáo và Luthêrô qua nhiều tháng năm. Chúng ta cảm thấy an ủi trước sự kiện là việc chúng ta tìm kiếm mối hiệp nhất được hướng dẫn bởi sự hiện diện của Chúa Phục sinh cũng như bởi quyền lực vô tận của Thần Linh người ‘muốn thổi đâu thì thổi’ (Jn 3, 8). Trong khi chúng ta đang sửa soạn kỷ niệm 500 năm biến cố năm 1517, chúng ta cần phải gia tăng nỗ lực để hiểu biết sâu xa hơn những gì chúng ta có chung và những gì chia cách chúng ta, cũng như các tặng ân chúng ta cần phải cống hiến cho nhau. Bằng việc kiên trì với đường lối này, chúng ta nguyện cầu là dung nhan của Chúa Kitô được chiếu tỏa rạng ngời hơn nơi thành phần môn đệ của Người để tất cả được nên một cho thế gian tin tưởng (x Jn 17, 21)”.

(Ngỏ cùng Phái đoàn Đại biểu Đại kết Phần Lan 19.01.2006)

“Ủy Ban Đối thoại Luthêrô và Công giáo hiện nay ở Phần Lan và Thụy Điển được xây dựng trên việc thành đạt chính yếu của Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa. Trong môi trường đặc biệt ở các quốc gia Bắc Âu, ủy ban này đang tiếp tục nghiên cứu việc chiếm đạt và những hàm ý thực tiễn của Bản Tuyên Ngôn Chung này. Nhờ đó nó tìm cách giải quyết những khác nhau vẫn còn tồn tại giữa người Luthêrô và Công giáo liên quan tới một số vấn đề đức tin và đời sống xã hội, trong khi vẫn nhiệt thành làm chứng cho sự thật của Phúc Âm”.

Đại Kết Kitô giáo tiến triển từ Biến cố hủy bỏ vạ Tuyệt thông với Giáo hội Chính Thống
(Sứ Điệp gửi Thượng phụ Toàn cầu Bartholomew I dịp Lễ Thánh Anrê 26.11.2005)

“Năm nay chúng ta tưởng nhớ đến đệ tứ chu niên ngày 07.12.1965, ngày Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras, không hài lòng về những gì xẩy ra vào năm 1054, đã cùng nhau quyết định ở Rôma và Constantinople ‘hủy bỏ khỏi ký ức của Giáo hội bản án tuyệt thông đã được ban bố’. Biến cố trọng yếu này trở thành nền tảng cho mối liên hệ mới có tính cách tương kính và hòa giải.

“Thật vậy, việc hủy bỏ này đánh dấu khởi điểm của một mùa mới trong đời sống xã hội, một mùa đối thoại trao đổi, một mùa cho thấy những tiến bộ đáng kể tuy vẫn còn khó khăn cần phải tiếp tục kiên trì theo đuổi những mục tiêu hết sức dấu yêu của nó. Về vấn đề này, nó khiến tôi lấy làm mãn nguyện khi thấy rằng sau vài năm ngưng đọng việc đối thoại về thần học của chúng ta lại được tái diễn. Tôi cầu xin để nó thực sự sinh hoa kết trái và tin tưởng rằng mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để đạt được mục đích này”.

Đại Kết Kitô giáo đang trên đà phát triển hứa hẹn
(Ngỏ lời cùng Hội đồng Thế giới Methodist 09.12.2005)

“Từ năm 1967, việc đối thoại của chúng ta đã bàn giải những vấn đề chính về thần học, chẳng hạn như: mạc khải và đức tin, truyền thống và quyền giảng dạy trong Giáo hội. Những nỗ lực này là những gì thẳng thắn trong việc nêu lên những lãnh vực khác nhau. Những lãnh vực này cho thấy một mức độ đáng kể đồng qui và là những gì đáng suy tư cùng nghiên cứu học hỏi. Việc đối thoại của chúng ta cùng với nhiều đường lối được những người Công giáo và Methodist trở thành quen thuộc hơn là những gì giúp cho chúng ta có thể cùng nhau nhìn nhận một số điều trong ‘các kho tàng Kitô giáo rất quí giá’. Có lúc việc nhìn nhận này khiến chúng ta có thể cùng nhau lên tiếng về các vấn đề về xã hội và đạo lý trong một thế giới càng ngày càng bị tục hóa.

“Tôi lấy làm phấn khởi trước sáng kiến có thể mang các giáo hội phần tử của Hội Đồng Thế Giới Methodist tham gia Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa là văn kiện được Giáo hội Công giáo và Liên hiệp Luthêrô Thế giới ký nhận vào năm 1999. Nếu Hội đồng Thế giới Methodist bày tỏ ý định của mình trong việc muốn tham gia vào bản Tuyên Ngôn Chung này thì hội đồng này sẽ giúp vào việc chữa lành và hòa giải được chúng ta thiết tha mong ước, và sẽ là một bước tiến tới mục đích đã được đề ra là mối hiệp nhất hữu hình trọn vẹn trong đức tin”.

(Ngỏ cùng Phái đoàn Đại biểu Đại kết Balan trong Chuyến Tông du Balan Thứ Năm 25.05.2006)

“Xin cho tôi được nhắc lại một lần nữa về việc gặp gỡ đại kết đã xẩy ra tại nhà thờ này với sự tham dự của nhân vật đại đồng hương Gioan Phaolô II của anh chị em, cũng như về bài diễn từ của ngài, trong đó, ngài đã phác tả như sau nhãn quan của ngài về các nỗ lực nhắm đến mối hiệp nhất trọn vẹn của Kitô hữu: ‘Cái thách đố chúng ta đang phải đối đầu đó là việc thắng vượt những trở ngại từng bước một…. và là việc cùng nhau lớn lên trong mối hiệp nhất duy nhất ấy của Chúa Kitô, một mối hiệp nhất Người đã trang điểm cho Giáo hội từ ban đầu. Tính cách hệ trọng của công việc này không cho phép tất cả những gì là hấp tấp hay bất nhẫn, nhưng nhiệm vụ cần phải đáp ứng ý muốn của Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta cứ vững mạnh trên con đường tiến đến bình an và hiệp nhất giữa tất cả mọi Kitô hữu. Chúng ta quá rõ là không phải chúng ta là người sẽ chữa lành những vết thương chia rẽ và tái thiết hiệp nhất; chúng ta chỉ là những dụng cụ tầm thường được Thiên Chúa sử dụng. Mối hiệp nhất giữa Kitô hữu sẽ là một tặng ân Chúa ban, vào thời điểm hồng ân của Ngài. Chúng ta hãy khiêm nhượng hướng về ngày ấy, bằng việc lớn lên trong tình yêu thương, trong việc thứ tha cho nhau và trong niềm tin tưởng lẫn nhau’.

“Từ cuộc hội ngộ này đã có nhiều sự đổi thay. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thực hiện nhiều tiến bộ đối với vấn đề hiểu biết nhau và thân thiện với nhau. Xin cho tôi được nhắc lại một số biến cố đại kết đã xẩy ra trên thế giới trong thời gian ấy, đó là việc ban hành Thông Điệp Để Họ Được Hiệp Nhất Nên Một – Ut Unum Sint; những đồng ý về Kitô học với các Giáo hội tiền Chalcedonia; việc ký kết ở Augsburg bản ‘Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa’; việc gặp gỡ nhân dịp Đại năm Thánh 2000 và việc tưởng niệm đại kết các nhân chứng đức tin của thế kỷ 20; việc tái thiết cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở cấp hoàn cầu, lễ an táng Giáo hoàng Gioan Phaolô II với sự tham dự của hầu hết tất cả các Giáo hội cùng các Cộng đồng Giáo hội. Tôi cũng nhận thấy sự kiện là cả ở Balan đây nữa, khát vọng của tình huynh đệ hướng về mối hiệp nhất có thể hãnh diện với những thành đạt cụ thể. Tôi xin nhắc lại nhân dịp này đó là việc ký kết vào năm 2000 tại chính ngôi nhà thờ này đây, giữa Giáo hội Công giáo Rôma và Chư Giáo hội thuộc Hội Đồng Balan Về Đại kết, bản tuyên ngôn cùng công nhận tính cách hiệu thành của Bí Tích Rửa Tội; việc thiết lập Ủy Ban về Đối thoại của Hội đồng Giám mục Balan và của Hội đồng Balan Về Đại Kết, một ủy ban bao gồm các Vị Giám mục Công giáo và các vị lãnh đạo Chư Giáo hội khác; việc thiết lập các ủy ban đa phương cho cuộc đối thoại thần học giữa các tín hữu Công giáo, Chính Thống, Lutherô, Giáo hội Quốc gia Balan, Mariavites và Adventists; việc phát hành bản dịch đại kết bộ Sách Tân Ước và Sách Thánh vịnh; sáng kiến ‘Cứu Trợ Trẻ Em Dịp Lễ Giáng Sinh’ do các tổ chức bác ái thuộc các Giáo hội Công giáo, Chính Thống và Tin Lành cùng nhau thực hiện”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh (tổng hợp và tuyển dịch)
Nguồn: thoidiemmaria.net