Lời Chúa và lòng hiếu khách liên kết chúng ta

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 72 | Cật nhập lần cuối: 1/31/2024 9:23:00 AM | RSS

Loi Chua va long hieu khach lien ket chung taTheo các cuộc khảo sát những năm 2007 cho đến 2017 đưa ra con số hàng trăm nhánh anh em Tin lành khác nhau. Điếu đó khiến nhiếu người ngạc nhiên đặt ra câu hỏi: tại sao chỉ có một Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất mà lại có nhiều giáo hội Kitô giáo thế. Chưa kể những cuộc phân ly vĩ đại như Công giáo và Chính Thống (1054), Tin lành và Công giáo (1517), anh em Kitô giáo đã hiện diện ngày càng rộng khắp và ngày càng đa dạng đến nỗi khác nhau trong nhiều sự. Do đó, cầu nguyện cho ơn hiệp nhất các Kitô hữu là việc khẩn thiết đối với các Kitô hữu. Do đó, chúng ta có lý do thực hành tuần lễ này trong dòng lịch sử của giáo hội, với nhiều hình thức phong phú từ việc tổ chức tưng bừng ở Vatican cho đến những sinh hoạt chân tình giáo hội địa phương như Giáo hội Việt Nam chúng ta với những mong ước chính đáng và niềm hy vọng cho ơn hiệp nhất mà Chúa muốn.

Tuần lễ khởi cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu khởi đi từ khát mong của nhiều giáo hội Kitô khác nhau với ước muốn đáp lại lời nguyện của Chúa Kitô cho “mọi người hiệp nhất nên một” và đã manh nha diễn ra nhỏ lẻ ở nhiều giáo hội địa phương nhưng vào những thời điềm khác nhau. Từ năm 1878, Hội nghị Lambert của anh em Anh giáo đã đề nghị chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất vào tuần lễ Chúa thăng thiên. Nhưng mãi cho đến năm 1908 Thomas Wattson đã đề nghị thực hành việc này trong khoảng thời gian từ 18 đến 25 tháng 01; nghĩa là từ lễ kính việc thiết lập ngai tòa thánh Phêrô cho đến Lễ kính thánh Phaolô tông đồ trở lại. Về phía Công giáo, Đức thánh cha Piô X đã chính thức công nhận sinh hoạt ý nghĩa này vào năm 1916 (1). Như vậy, tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất khởi đi và kết thúc với hai lễ kính này, được xây dựng trên sự vững chắc của niềm tin Phêrô và gương sáng của vị tông đồ Phaolô. Được linh mục Paul Couturier (1881-1953) khởi xướng và được thực hành rộng khắp Hoa kỳ nhờ cố gắng của linh mục Thomas Wattson (1863-1940) từ hơn 100 năm nay. Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo, với sự cẩn trọng, đã khích lệ các tín hữu tích cực thực hành việc tốt đẹp này. Kể từ đó, tuần lễ hiệp nhất trở nên một thì mạnh trong đời sống giáo hội, cách riêng ở Rôma.

Sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, Tuần lễ cầu nguyện cho ơn hiệp nhất có thể được xem là tâm điểm của đời sống đức tin tại Rôma. Trong suốt thời gian này, có rất nhiều hội nghị, hội thảo và những cuộc viếng thăm giữa các giáo hội anh em diễn ra khắp nơi. Nhưng bên cạnh tất cả những hoạt động mang cả tính mục vụ lẫn trí thức, thì buổi cầu nguyện đại kết vẫn là trọng tâm. Cầu nguyện giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận ước nguyện hiệp nhất mà Chúa Kitô dành cho những kẻ theo Người (x. Ga 17, 20). Khi mở lòng cầu nguyện, chúng ta được nhắc nhớ rằng chúng ta cùng chung một phép rửa, cùng tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa và cùng chung chia niềm tin vào Tin mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Tuần lễ này thường khép lại với buổi Kinh chiều do Đức thánh cha chủ sự với sự hiện diện của các lãnh đạo và đông đảo Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái khác nhau. Đẹp thay, anh chị em cùng ca ngợi Chúa, trong đại thánh đường thánh Phaolô trở lại, ở ngoại thành Rôma.

Hiệp thông cùng Kitô hữu toàn cầu, Giáo hội Việt Nam cử hành Tuần hiệp nhất này với lòng hiếu khách và việc việc suy tôn Lời Chúa. Năm nay là năm thứ 11 Tổng Giáo phận Sài Gòn tổ chức buổi cầu nguyện đại kết. Dù chỉ là những bước nhỏ trên một hành trình dài xây dựng tình huynh đệ Kitô giữa lòng nhiệm thể Chúa Kitô, nhưng là những bước đi đầy tin tưởng và thân thương.

Sau nhiều năm tham dự các buổi thảo luận, cầu nguyện đại kết ở ngoại quốc, tôi về Việt Nam và tìm xem có nơi nào để gặp gỡ cầu nguyện cùng nhau. Đáp lại lời mời gọi của Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn trên trang web tổng giáo phận, tôi đã tìm đến và hiện diện cùng anh chị em tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn. Vì không phải khách mời đặc biệt nên tôi tưởng rằng mình sẽ đi lên phòng cầu nguyện cách bình thường. Nhưng thật ngạc nhiên, tất cả đều được chào đón niềm nở ngay tại phòng khách, nơi đó, tôi thấy đức giám mục và quý mục sư cùng ngồi hàn huyên rất thân tình. Nơi đó, không có ghế VIP hay chỗ dành riêng, nhưng tôi biết dường như mọi người đều cảm thấy mình thuộc về: thuộc về một Chúa và thuộc về nhau; cảm thấy là người một nhà, dù có thể ở mức ruột thịt hay họ hàng gần. Sau những trao đổi thân tình và chân thành, tất cả cùng nhau quy tụ trong một căn phòng khác, không phải nhà nguyện, nhưng đủ chỗ để anh chị em đến từ các giáo hội anh em cảm thấy là nhà, thuộc cùng một nhóm như các tông đồ khi xưa họp nhau cầu nguyện trong cùng một căn phòng khi Chúa hiện đến.

Chúng tôi cùng nhau suy niệm Lời Chúa giữa những âm thanh chộn rộn của cuộc đời. Căn phòng nơi diễn ra buổi tôn vinh Lời Chúa không lý tưởng, không cách âm nên mọi người được lắng nghe Lời Chúa hòa quyện với những thanh âm đời thường, là sức sống của đồng bào chúng ta, là cánh đồng nơi chúng ta được mời gọi cùng chung chia sứ vụ loan Tin Mừng cứu độ của Chúa. Những tiếng rao, tiếng xe và tiếng trống múa lân gần Tết, không những không gây chia trí mà lại giúp mỗi người lắng nghe nhau cách chăm chú hơn, và cũng lắng nghe chính lòng mình và lòng dân tộc.

Tôi cũng ngạc nhiên nhận ra rằng mỗi vị đại diện lên đọc cùng một đoạn Lời Chúa nhưng với các bản dịch khác nhau theo từng Hội Thánh, ngôn ngữ có phần không đồng nhất. Nhưng dù từ ngữ có khác nhau đôi chút, sứ điệp Tin Mừng vẫn không thay đổi. Dù chúng ta có những khác biệt về thực hành đức tin -nhiều lúc như thể khá xa nhau, nhưng qua phần chia sẻ Lời Chúa lại thấy các giáo hội có cách đón nhận Lời rất gần nhau. Chúng ta gần nhau trong thao thức cho ơn cứu độ của tha nhân, đồng cảm trong những sẻ chia lòng chạnh thương của Chúa Kitô cho đồng bào của mình và cho chư dân khắp nơi. Qua đó, có thể xác quyết rằng chúng ta có nhiều điểm chung gắn kết trong niềm tin, hơn là những bất đồng chia rẽ.

Tuy nhiên, giữa bao xôn xao cuộc sống, tôi nhận ra một chút thiếu vắng. Thiếu vắng sự hiện diện của anh chị em Kitô hữu thuộc các giáo hội anh em. Dẫu cho hội trường gần kín chỗ với sự hiện diện gồm giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân Công giáo và quý vị mục sư đại diện các giáo hội anh em, nhưng thế vẫn là chưa đủ! Nếu có một ước mơ, tôi ước về sự hiện diện của nhiều anh chị em Công giáo hơn, đồng thời cũng nhiều anh chị em tín hữu từ các giáo hội anh em hơn, để chúng ta cùng nhau ca tụng Chúa, để nhờ qua việc cầu nguyện ta xích lại gần nhau hơn và để nhiều người nhận biết chúng ta là môn đệ Đức Kitô.

Tuy vẫn còn một chút thiếu vắng, nhưng việc cùng nhau quy tụ để tôn vinh Lời Chúa cũng là dịp để anh chị em Kitô hữu xích lại gần nhau, để lời Chúa soi dẫn và để qua lời Chúa và với lòng hiếu khách để đón nhận nhau trong tình con một Cha. Cầu mong những dịp tôn vinh Chúa lần tới sẽ mang đến nhiều anh chị em hơn để chúng ta được hiểu nhau hơn và yêu mến Chúa hơn.

Cảm nhận lần đầu dự buổi Gặp gỡ Đại kết tại TTMV Tổng Giáo phận Sài Gòn
Lm. Giuse Nguyễn Hoàng Vinh, O.P

____________________

(1) Geoffrey Curtis, Paul Couturier and Unity in Christ (London: SCM Press, 1964), 40-60.

* Hình ảnh liên quan:

Gặp gỡ Đại kết Kitô giáo (22.01.2024)