Ngày thứ nhất (18/1) - Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 607 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY

Ngày Thứ Nhất

  Chủ đề: Được biến đổi nhờ Chúa Kitô, Người Tôi Tớ

 

Lời Chúa: Con Người đến để phục vụ (x. Mc 10, 45)

Các bài đọc
 
Dcr 9,9-10: Đức Vua chính trực, toàn thắng, khiêm tốn
 
Tv 131: Lòng con chẳng dám tự cao
 
Rm 12, 3-8: Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người để phục vụ mọi người.
 
Mc 10,42-45: Con Người đến để phục vụ
 
Suy niệm
 
Đấng Messia đã đến và Ngài chiến thắng bằng tinh thần phục vụ. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài cũng phải có tinh thần phục vụ từ trong tâm hồn. Ngài dạy cho chúng ta biết rằng sự cao cả đích thực hệ tại việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Chúa Kitô cũng ban cho chúng ta lòng can đảm để như các Kitô hữu các thế kỷ đầu tiên, chúng ta nhận ra Ngài là Đấng hiển trị bằng phục vụ.
 
Lời tiên tri của Dacaria về Đức Vua toàn thắng và khiêm tốn đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài là Vua Hòa Bình, Ngài đã đến nhà mình là Giêrusalem, Thành Đô An lạc. Ngài không chiếm lấy Thành Đô bằng lừa dối cũng không bằng vũ lực; nhưng bằng sự hiền lành và khiêm tốn.
 
Thánh vịnh 131 đã mô tả một cách ngắn gọn nhưng hùng hồn về tình trạng an bình trong tâm hồn, một sự an bình xuất phát từ lòng khiêm tốn. Hình ảnh người mẹ và đứa con tượng trưng cho lòng dịu dàng của Thiên Chúa và lòng tin tưởng mà tất cả cộng đoàn tín hữu được mời gọi đặt để nơi Ngài.
 
Thánh Phaolô Tông đồ thì thúc đẩy chúng ta tự đánh giá về chính mình một cách khiêm tốn và tự hạ và chúng ta phải ý thức được khả năng cá nhân của mình. Nếu như trong chúng ta có nhiều đặc sủng khác nhau, thì chúng ta cũng chỉ là một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô. Chúng ta có nhiều truyền thống khác nhau, mỗi truyền thống được Chúa ban cho một số đặc sủng để chúng ta sử dụng mà phục vụ người khác.
 
Vì Con người đến không phải để cho người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người”(Mc 10,45). Khi tự nguyện trở nên người phục vụ, Chúa Giêsu chuộc lại lỗi lầm mà chúng ta đã gây ra do chúng ta chối từ phục vụ Thiên Chúa. Ngài đã hiến thân để phục hồi tất cả mối quan hệ giữa con người với nhau: “Ai muốn làm người đứng đầu mọi người, thì phải làm đầy tớ mọi người” từ nay trở nên tiêu chuẩn để đánh giá cái nhất và chỗ nhất.
 
Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã nhắc lại chúng ta những đặc sủng khác nhau mà Thiên Chúa ban cho chúng ta như ơn nói tiên tri, ơn phục vụ, ơn giảng dạy, ơn khuyên răn, ơn phân phát, ơn lãnh đạo và nhân từ là nhằm để phục vụ mọi người. Dù chúng ta có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chúng ta chỉ làm nên một thân thể trong Đức Kitô và tất cả chúng ta đều là chi thể của thân thể ấy. Khi chúng ta biết sử dụng những đặc sủng phong phú mà Thiên Chúa ban để phục vụ nhân loại, khi ấy chúng ta làm cho sự hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô trở nên hữu hình. Việc các Kitô hữu cùng nhau hành động để chống lại nghèo đói và dốt nát, để bảo vệ những người bị áp bức, thúc đẩy hòa bình và bảo vệ sự sống, phát triển khoa học, văn hóa và nghệ thuật là một hình thức biểu lộ đại kết cách cụ thể mà Giáo hội và thế giới đang rất cần. Noi gương Chúa Kitô Phục Vụ, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Tin mừng cách thuyết phục không chỉ làm cho người khác khẩu phục mà còn tâm phục. Việc các Kitô hữu cùng nhau phục vụ là dấu chỉ Vương Quốc của Thiên Chúa- Vương Quốc Chúa Ki-tô Phục Vụ đang tới.
 
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Chúa đã dùng con đường phục vụ tuyệt hảo để dẫn đưa chúng con từ chỗ ngạo mạn bất tuân trở nên khiêm hạ trong lòng. Xin thương hiệp nhất chúng con, nhờ Thánh Thần Chúa, để qua công việc phục vụ của chúng con, khuôn mặt đích thực của Ngài được tỏa rạng. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 
Gợi ý suy tư
 1. Những khi phục vụ nào có nguy cơ làm cho người ta kiêu căng ngạo mạn?
 2. Phải làm gì để các Kitô hữu ngày càng hiểu được rằng sứ vụ của họ là sứ mạng phục vụ?
 3. Trong khu vực của các bạn, các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau đã làm gì chung với nhau chứ không là cách cục bộ để loan báo Chúa Kitô Phục Vụ?

NHỮNG GỢI Ý PHỤ THÊM CHO PHẦN CỬ HÀNH NGHI THỨC

Những lời cầu nguyện gợi ý cho các ngày từ thứ nhất đến thứ tám ngay dưới đây được dựa trên chủ đề cầu nguyện của mỗi ngày. Nếu chúng ta nối kết các lời cầu nguyện này với các bài đọc Kinh thánh và các lời cầu nguyện đã được gợi ý cho các ngày, nó sẽ tạo nên buổi cử hành đơn giản xuyên suốt cho mỗi ngày trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất.


Ngày Thứ Nhất: Người Tôi Tớ Chiến Thắng
Cs: Lạy Chúa, sự bất tuân của Adam và Eva đã nhấn chìm chúng con trong đau khổ và sự chết, và gia đình nhân loại đã bị tổn thương và xâu xé. Xin Chúa thương xót chúng con!
 
Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con!
 
Cs: Lạy Chúa Kitô, qua những người phục vụ Lời Chúa, Chúa đã tìm kiếm dạy dỗ chúng con nhưng chúng con đã cứng lòng. Xin Chúa thương xót chúng con!
 
Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con!
 
Cs: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con đã không phục vụ Chúa trong anh chị em chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con!
 
Cđ: Xin Chúa thương xót chúng con!