100 năm Tin Lành đến VN II - Giai đoạn chuẩn bị trước khi Truyền giáo Tin Lành cho VN (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 676 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Gần 19 thế kỷ sau khi Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu được hoàn tất, Tin Lành mới đến mảnh đất Việt Nam giữa bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn. Mời quí độc giả theo dõi tiếp kỳ hai của chuyên đề "100 năm Tin Lành đến Việt Nam".

Những bước khởi đầu - Giáo Hội Tin Lành Pháp


Thế kỷ 17: George Bois báo cáo rằng theo những gì Jaques Pannier tìm được trong Thư Viện Quốc Gia Hà Nội, thì một số người Tin Lành đã vào Ðông Dương từ thế kỷ 17.  Một số người Tin Lành từ Picardi (Bắc Pháp) đã theo  hãng buôn Dutch East India vào.  Charles Hartsingh, một thương gia và ngoại giao của hãng này lập một cơ sở đầu tiên cho hãng tại châu thổ Sông Hồng Hà (tài liệu MS Lê Hoàng Phu).


Thế kỷ 18: năm 1794, Chaigneau, một sĩ quan hải quân Tin Lành Pháp cùng một số sĩ quan Pháp khác tham gia các lực lượng hỗ trợ vua Gia Long trong cuộc nội chiến. Trong suốt 28 năm, viên quan này đã giúp thống nhất đất nước  và củng cố quyền hành cho Nguyễn Triều.  Sau ba năm về nghỉ ở Pháp, ông trở lại làm lãnh sự và đại diện đặc biệt cho Pháp, nhưng ông đã rời khỏi Việt Nam năm 1821 vì bất mãn về chính sách của vua Minh Mạng đối với nước Pháp. Viên quan này không bao giờ được xác nhận là người Tin Lành nhưng đã thành công trong việc giúp bốn giáo sĩ Công Giáo bí mật vào bờ biển Nam Việt.


100 1 b the ky 19

Việt Nam những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19


Thế kỷ 19: “Thế kỷ lớn của Công Cuộc Truyền Giáo của Tin Lành”:


Bối cảnh nước Việt Nam


Dân số Việt Nam lúc ấy khoảng 20 triệu, chia ra: Tonkin, Annam và Cochin-chine. VN có đường xe lửa với hai giá vé. Hệ thống đường bộ và đường thủy khá tốt. Có bưu điện, và điện tín. Điện đã phổ thông và đã có điện thoại công cộng. Nhà thương và trường học miễn phí. Giáo dục có đến cao đẳng và đại học.

Các giáo sĩ nhận xét: người Việt không phải dân tộc có tôn giáo. Đền thờ không giữ, dân rất ít ý niệm về đạo, chỉ thích hội hè hơn là thờ phượng. Đa số thờ cúng tổ tiên.


Dầu người Pháp đã chiếm lĩnh hoàn toàn Ðông Dương, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy  trong hàng ngũ Tin Lành Pháp có kế hoạch truyền giáo cho miền đất này. Rất ít người quan tâm đến Ðông Dương. Các tuyên úy Tin Lành Pháp cũng thuộc hàng ngũ các đoàn quân lê-dương gởi sang Ðông dương.  Vì nhiệm kỳ phục vụ tương đối ngắn ngủi nên các vị này không thể học tiếng Việt và cũng không trao đổi giao dịch dễ dàng với người bản xứ.


Năm 1884,  Hội Truyền Giáo cho các thuộc địa của Pháp gởi sang vị mục sư đầu tiên, đó là Mục Sư Théophile Boisset. Mục sư này đến Hải Phòng để tổ chức một hội thánh cho Người Tin Lành thuộc sắc dân châu Âu. Sau có hai nhà thờ khác được lập tại Hà Nội và Ðà Lạt (1902). Năm 1886, Mục sư Boisset kêu gọi Hội của ông “gởi giáo sĩ sang một cánh đồng truyền giáo rộng hơn cả nước Pháp, đang mở rộng cửa và thời gian rất ngắn ngủi, xin đừng đợi cho tới khi quá trễ…” Tuy nhiên, lời kêu gọi của vị mục sư này và những người khác không được Giáo Hội Tin Lành Pháp lưu tâm. Các vị mục sư và tuyên úy Pháp dường như quá bận rộn với đòi hỏi của người Âu tại Ðông Dương nên không ai có thời gian để lo cho công tác truyền giáo cho người Việt Nam. Ngay cả người Việt Nam nói tiếng Pháp cũng không được thu hút vào các nhà thờ dành riêng cho người Âu này.


Có một trường hợp đặc biệt là một người Việt Nam được ghi nhận tin Chúa trước năm 1911. Ðó là Trung sĩ Dương. Ông này không biết đã nghe Tin lành từ bên Pháp hay tại Việt Nam, không ai rõ.


Tháng Mười Một năm 1906, một số báo đặc biệt của tạp chí  Foi et Vie (Tin và Sống của Giáo Hội Tin Lành Pháp xuất bản) có đăng bài về nhu cầu tại Ðông dương.  Mục sư  Adolphe de Richmond (cựu mục sư cho nhà thờ Pháp tại Việt Nam) đưa ra ba nguyên tắc cho việc truyền giáo, tương đối khá cao xa trong giai đoạn đó:


1. Vì người dân bản xứ đã được văn minh hoá từ 15 thế kỷ rồi, nên cần phải có giáo sĩ có văn hóa cao để đảm nhận việc truyền giáo;


2. Các giáo sĩ này phải cẩn thận lựa chọn địa điểm truyền giáo để khỏi va chạm với việc truyền giáo của người Công Giáo;


3. Giáo sĩ không nên khiến người hỏi đạo trở thành người đạo Tin Lành, nhưng nỗ lực “thay đổi tâm linh họ” chứ không phải “chỉ đổi nhãn hiệu tôn giáo của họ mà thôi.”


(còn tiếp)


Tác giả: Nguyễn Sinh

Biên tập: Lê Tuấn – Linh Ân

Nguồn Tài Liệu tham khảo:
Lê Hoàng Phu Thesis, Reg Reimer Thesis, Catholic Encyclopedia
With Christ In Indochina, CMA Archives
Nguồn: hoithanh.com