100 năm Tin Lành đến VN II - Giai đoạn chuẩn bị trước khi Truyền giáo Tin Lành cho VN (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 713 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại


Việc làm chứng đạo Tin Lành đầu tiên ở Việt Nam đã được Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại phát động cuối năm 1820.  Nhưng vì sự chống đối kỳ thị của cả người Việt Nam lẫn người Pháp, Hội phải hoạt động từ Thượng Hải. (Hồi ấy cơ quan này gọi là Thánh Thơ Công Hội).


Năm 1890 Ông Bonet, một giáo sư thuộc Trường Ngôn Ngữ Á Ðông tại Paris, là người chắc hẳn đã từng ở Việt Nam đã phiên dịch Phúc âm Lu-ca từ tiếng Pháp ra tiếng An-nam (có thể là tiếng Nôm, vì lúc đó chữ quốc ngữ chưa phổ thông).


Năm 1898, hai người Anh là James và Lawrence, đi thuyền từ Thượng Hải đến Trung Việt để thám hiểm khả năng truyền giáo. Hai ông mua một chiếc thuyền và dương buồm theo dọc theo bờ biển và vào các sông để phân phát các phần Phúc Âm bằng tiếng Việt (có lẽ là chữ Nôm hay chữ Hán) . Chưa đầy một năm sau hai ông bị trục xuất khỏi xứ vì “truyền đạo trái phép”, nhưng lúc đó ông James đã dịch xong phúc âm Mác ra tiếng Việt (Nôm) (Reimer paper).


100 1 b thanh kinh hoi

Chiếc thuyền của Thánh Kinh Hội đi dọc theo các vùng biển của xứ Tourane


Năm 1903 ông Charles Bonnet, một người Pháp khác gặp may mắn hơn, ngay sau khi đến Việt Nam, ông này đã quy tụ xung quanh một số người Việt mà ông huấn luyện họ làm người phát và bán sách (colporteurs), và khởi sự phân phát Lời Chúa.  Có hai mục sư người Pháp yểm trợ là mục sư Pannier ở Hà Nội và Richmond ở Huế. Hai vị mục sư này có lẽ chỉ biết giảng tiếng Pháp nhưng đời sống họ và công việc họ làm chắc cũng ảnh hưởng nhiều đến người Việt Nam.


Sau một dự định khởi đầu phiên dịch Kinh thánh ở Sài-gòn không thành, Thánh Kinh Hội đưa Ông Bonnet ra Tourane năm 1902.  Ông Bonnet mua một miếng đất của ông Nguyễn Văn Phúc, tọa lạc tại khoảng giữa ga xe lửa và kho đạn của thành phố Tourane. Từ trung tâm nhỏ bé này ông Bonnet đã cử các ông như Ấm, Lộ và Yến làm người phân phát và bán sách Tân Ước và các Phúc Âm bằng chữ Hán trong vùng tỉnh Quảng Nam. Không có tài liệu nào ghi lại kết quả ra sao.


Trong khi đó tại Mỹ


Chúa giục lòng ông Albert Simpson, 39 tuổi, một mục sư Canada thuộc hội Trưởng Lão ở Louisvilla, KY (Presbyterian clergyman in Louisville, KY.)  Ông nói cho bà vợ hay là ông có một khải tượng về một sân khấu vĩ đại, trên đó toàn là những gương mặt Á Ðông. Ông cho rằng Chúa kêu gọi ông vào cánh đồng truyền giáo.


100 1 b vo chong giao si ab simpson

Vợ chồng ông bà giáo sỹ A.B Simpson


Năm 1882, Tạp chí The Word, The Work and The World lần đầu tiên nhắc đến  “Cochin China and Tonkin...” Tức là Nam Kỳ và Bắc Kỳ.


Năm 1887, Mục sư Simpson viết “Vương quốc Annam phải được chiếm hữu cho Ðấng Christ…(The Word, The Work and The World).

 

Cuộc thăm dò của Người Tin Lành


Năm 1890, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại thăm viếng Việt Nam (BFBS-UBS).


Năm 1893, Mục sư David LeLacheur thăm Sài-gòn. Khi về đã khuyên giục người bạn thân là A.B.Simpson phải đem “Phúc Âm chiếm hữu Nam-kỳ (Cochin China).


Năm 1894, Mục sư Simpson kêu gọi khẩn cấp các giáo sĩ đem Phúc Âm đến Tibet, Sudan và Cochin China (Nam Kỳ).


Năm 1896,  Mục sư C. H. Reeves mở cuộc khảo sát từ Lũng Châu, Trung-hoa  sang thăm Lạng Sơn tháng Tám (ông mất đầu năm 1898).


Tiếp đó Ông R. A. Jaffray (23 tuổi) kêu cứu cho Ðông Dương trong lễ nhậm chức của ông tại New York. Năm 1889 Giáo sĩ Jaffray, tại nam Hoa, dự định từ Lũng Châu truyền giáo vào Việt Nam, nhưng không thành, vì người Pháp không cho phép.


100 1 b thoi tham do le nhiem chuc jaffray tai newyork

Tại buổi lễ nhậm chức của mục sư Jaffray tại New York


Từ năm 1901-1910, Ông Jaffray đi khảo sát thường xuyên hơn từ Trung Hoa sang Việt Nam. Ông tiếp tục hối thúc uỷ ban truyền giáo CMA khởi đầu công việc tại Việt Nam.


100 1 b 3 giao si tien phong i.r. stebbins d.i. jeffrey va e.f. irwin

Ba giáo sỹ tiên phong đến Việt Nam: (từ trái sang) I.R Stebbins, D.I. Jeffrey, E.F. Irwin


Ngoài ra, trong thời gian này, các thanh niên thiếu nữ Mỹ được khuyến khích dâng mình truyền giáo cho Việt Nam và nhiều người đã dấn thân: Họ trẻ tuổi (22-36) độc thân. Sau này sang Việt Nam mới gặp bạn đời và kết hôn như:  Cadman, Irwin, Olsen, Jeffrey ..v.v.


* Đã quá lâu cho ngày chờ đợi, Đức Chúa Trời đang vận hành những điều to lớn để thực thi chương trình cứu rỗi trên dân tộc Việt Nam. Mời quí độc giả đón đọc kỳ tiếp theo của Chuyên đề “100 năm Tin lành đến Việt Nam” với nhan đề: Giai Đoạn Thành Lập Hội Thánh Sơ Khai (1911-1927).


(còn tiếp)


Tác giả: Nguyễn Sinh

Biên tập: Lê Tuấn – Linh Ân

Nguồn Tài Liệu tham khảo:
Lê Hoàng Phu Thesis
Reg Reimer Thesis
Catholic Encyclopedia
With Christ In Indochina
CMA Archives
Nguồn: hoithanh.com