Đức tin đời đời

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 551 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Làm sao để sống sót những lúc căng thẳng?


Câu chuyện của Na-ô-mi với một cuộc sống đầy dẫy lo âu, căng thẳng, khó khăn cũng là những tình huống mà trong xã hội ngày nay nhiều người, nhiều gia đình đang gặp phải. Cũng như nhiều người trong chúng ta, Na-ô-mi đã nhìn thấy được một cái nhìn rõ ràng hơn của một Đức Chúa Trời yêu thương, là Đấng yêu chúng ta vô bờ bến và chăm sóc chúng ta trong những lúc khó khăn. 
 
Một Cuộc Sống Vất Vả

Đây là một vài tình huống cam go mà Na-ô-mi của xứ Bết-lê-hem đã gặp phải. Có thể bạn sẽ thấy mình cũng có một vài – tôi hy vọng là chỉ một vài chứ không phải tất cả - lúc khó khăn như vậy trong cuộc sống của mình.

1. Đói Kém (Ru-tơ 1:1):

Có nhiều gia đình phải sống trong cảnh thiếu thốn những nhu cầu cần dùng cơ bản.1 Theo thống kê gần đây, có hơn 800 triệu người đang sống trong cảnh đói khát, và những người giàu có bậc nhất của thế giới, 1% dân số ở trên đỉnh cũng như 57% dân số thế giới là những người nghèo ở tuốt phía dưới cùng đang sống chung, sử dụng chung các nguồn tài nguyên.2 Rõ ràng, một vài người thì có quá nhiều, trong khi nhiều người khác lại có quá ít. Sự trớ trêu trong câu chuyện của gia đình Na-ô-mi chính là họ đã từ bỏ thành Bết-lê-hem, là nơi được gọi là “nhà của bánh” để đến một nơi khác tìm kiếm thức ăn. 

2. Tái Định Cư (Ru-tơ 1:1):

Dự tính có khoảng 214 triệu người di cư đến quốc gia khác trong năm 2010, điều này có nghĩa rằng cứ mỗi 33 người trên hành tinh này, thì có 1 người trong năm 2010 đã tái định cư ở một nơi khác.3 Các thuộc viên của hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm cũng không ngoại lệ khỏi khuynh hướng này. Nhiều người từ bỏ gia đình họ để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Gia đình của Na-ô-mi là hình ảnh đại diện cho tất cả những ai đang phải cố gắng hòa nhập vào trong mội trường khác văn hóa va khác tôn giáo mà không hề nhận được sự hỗ trợ nào. Nếu họ phải đối đầu với những khó khăn, họ phải đối đầu cách đơn độc, lẻ loi.

3. Góa Phụ (Ru-tơ 1:3):

Các thống kê cho thấy rằng việc mất đi người phối ngẫu là một trong những mất mát to lớn nhất, ảnh hưởng nặng nề nhất, và là một thảm cảnh đau thương nhất trong cuộc sống. Na-ô-mi đã phải trải qua nhưng kinh nghiệm đau thương, lẻ loi, đơn độc trong một xã hội trọng nam khinh nữ, một xã hội được cai trị bởi những người nam, một xã hội mà trong đó những người chồng phải chăm sóc cho sự an nguy của toàn gia đình. Sau cái chết của chồng, bà ta phải làm công việc dạy dỗ các con cái, thực hiện vai trò của cả người cha và người mẹ trong gia đình. Thật đáng buồn thay, đây là một thực trạng phổ biến trong cuộc sống ngày nay mà chúng ta cần phải lưu tâm nhiều hơn. Cũng như nhiều gia đình ngày nay, gia đình của Na-ô-mi phải gồng gánh những nhiệm vụ, chức năng mà họ bắt buộc phải làm để sống còn, chứ không phải theo cách mà họ thật lòng mong muốn nếu họ có sự chọn lựa. 

4. Nếm Trải Hội Chứng “Tổ Ấm Trống Vắng” (Ruth 1:4):

Quy luật của cuộc sống rằng con cái đến rồi con cái đi dường như xảy ra sau một đêm. Đây là cái mà chúng ta chờ đợi; nó cũng như một phần tất yếu khi lớn lên.Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau buồn khi con cái vắng mặt. Một căn phòng gọn gàng, ngăn nắp, không chút bụi bặm sẽ làm cho chúng ta hồi tưởng lại những ký ức trong quá khứ khi căn phòng ấy lộn xộn và ồn ào khi có sự hiện diện của con cái chúng ta lúc chúng còn bé. Hoàn cảnh này thường là nguồn gốc của những sự trầm cảm, đặc biệt đối với các bậc cha mẹ là những người dồn hết tất cả cho các con cái của mình mà giờ đây chúng không còn hiện diện nữa.

"Giữa những bộn bề của những nỗi mất mát và bi kịch của cuộc sống, bạn hãy dành một lúc để hình dung trong đầu hình ảnh bà Na-ô-mi ngồi trên ghế dựa, bồng ẵm Ô-bết trên đùi mình và nhẹ nhàng đu đưa.


5. Mất Mát Con Cái (Ru-tơ 1:5):

Sự mất đi 2 người con trai chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến sự đau buồn tột độ cho bà Na-ô-mi. Nếu một người nào đó mất đi cha mẹ mình, họ trở nên mồ côi; nếu một người đàn bà mất chồng, sẽ trở thành góa phụ - tuy nhiên sự mất mát con cái không có từ ngữ nào dành cho hoàn cảnh đó cả. Bà Na-ô-mi đã phải gánh chịu nỗi đau không tên này. Chúng ta thường thấy lẽ thường tình là con cái chon cất cho cha mẹ, chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên, cuộc sống đâu phải lúc nào cũng đi theo cái lẽ thường tình đó!

6. Lo Lắng, Cô Đơn, và Tuổi Già (Ru-tơ 1:12):


Bà Na-ô-mi chắc hẳn đã có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc trong đầu mình. Bà đã phải đối diện với kinh nghiệm rất khó khăn đó chính là nếm trải sự im lặng của một Đức Chúa Trời hằng sống.Và còn gì nữa, giờ đây tuổi bà đã già, và những sự chọn lựa trong cuộc sống của bà thật ít ỏi và giới hạn.Điều này thật khác, nó không giống những kinh nghiệm phải đối đầu những sự khó khăn trong cuộc sống khi một người còn trẻ tuổi và tràn đầy sinh lực, bà đã già, sức cùng lực cạn bởi những năm tháng vất vả khổ cực. Chính tại thời điểm này bà Na-ô-mi đã quyết định quay trở lại Bết-lê-hem – một chuyến đi đầy mạo hiểm đối với một người phụ nữ đơn độc. Hãy hình dung hình ảnh một người phụ nữ khi về đến quê nhà của mình, phải kể đi kể lại câu chuyện buồn của gia đình cho những người khác trong dòng họ và bạn bè nghe. 

Thật xót xa và trái ngược làm sao khi so sánh giữa những gì bà Na-ô-mi đã từng hy vọng có được và những gì thật sự xảy đến cho bà! Bà đã ra đi cùng với cả gia đình, nhưng khi trở về chỉ có 1 mình.Bà đã rời khỏi thành Bết-lê-hem hy vọng có được một cuộc sống tốt hơn cho gia đình bà nhưng ngày trở về, bà đã phải về với câu chuyện thật thương tâm.Bà ra đi với tên gọi là Na-ô-mi (tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “ngọt ngào”) và đã trở về với tên gọi là Ma-ra (có nghĩa là “cay đắng” [Ru-tơ 1:20, 21]).
 
Một Tia Hy Vọng 

Ru-tơ, đứa con dâu người Mô-áp của Na-ô-mi, cũng đã trải qua những nỗi mất mát tương tự: cô đã tiếc thương đưa tiễn người chồng quá cố của mình và cũng cảm thấy tương lai của mình thật mù mịt, ảm đạm. Dù vậy, cô đã quyết định sẽ không rời bỏ mẹ chồng của mình, và cô đã mạnh dạn tuyên bố niềm tin mãnh liệt của mình rằng “dân sự của mẹ tức là dân sự của con, Đức Chúa Trời của Mẹ tức là Đức Chúa Trời của con” (câu 16).

Hiển nhiên, Ru-tơ và Na-ô-mi là hình ảnh đại diện cho những ai, với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, đã thử mọi cách tốt nhất có thể để vượt qua được những sự thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Thay vì trở nên đau khổ, đắng cay, hay hoài nghi, họ vẫn tiếp tục sống, yêu thương và tìm tòi sự thỏa lòng và niềm vui trong sự phục vụ những người khác. Họ thể hiện ra rằng đức tin chính là chìa khóa để trở nên kiên cường cả về cảm xúc cũng như thuộc linh.

Trong khi Ru-tơ chăm sóc Na-ô-mi, đi mót lúa ở ngoài đồng, nàng đã gặp được Bô-ô, là người đã bị chinh phục bởi thái độ và đức tính của người quá phụ trẻ tuổi này. Bô-ô đã cho Ru-tơ nước cũng như bảo vệ nàng; ông cũng chia sẽ với nàng thức ăn của mình, động viên nàng, giúp nàng khỏi những cám giác ngại ngùng, không thoải mái, và cho nàng những cơ hội để nàng tự giúp chính mình (Ru-tơ 2:9-17).

Lúc trời tối, khi Ru-tơ kể cho bà gia mình những ơn phước mà nàng nhận được, Na-ô-mi đã mô tả Bô-ô giống như một người chuộc (câu 20). Từ này trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “chuộc lại.”

Câu chuyện của Na-ô-mi và Ru-tơ nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời hiểu được hết những nhu cầu của gia đình chúng ta. Trong sự quan phòng của Ngài, Ngài đã ban cho Ru-tơ và Na-ô-mi một người chuộc. Thì cũng như vậy, Ngài cũng sẽ chu cấp một người chuộc cho những gia đình đang bị tổn thương trong chúng ta. Bô-ô, một người chuộc, cũng giống như hình ảnh của Đấng Christ, như bà Ellen White đã viết: “Sự kế thừa của chúng ta (đã bị mất đi bởi tội lỗi) và việc chuộc lại chúng ta đã đổ trên vai Ngài, là Đấng rất “gần gũi” với chúng ta. Chính vì muốn cứu chuộc chúng ta mà Ngài đã trở nên giống như loài người. Gần với chúng ta hơn cả cha, mẹ, anh chị em, bạn bè hoặc người yêu không ai khác ngoài Chúa là Đấng Cứu Thế chúng ta.” 4

Cuốn cùng, Ru-tơ đã nài xin Bô-ô để ông đứng ra gánh trách nhiệm như một người chuộc và chuộc lại gia sản cho gia đình nàng. Bô-ô đã rất vui mừng đồng ý và cưới Ru-tơ về làm vợ.
 
Kết Thúc Có Hậu

Kế đến, chúng ta thấy Na-ô-mi đang chăm sóc Ô-bết, con trai của Ru-tơ.5 Một sự thay đổi hoàn toàn, một người đã từng bị mất mát rất nhiều giờ đây đã được ban cho một đứa con trai để chăm sóc. Gương mặt của bà đã hằng lên những nếp nhăn nheo, đôi mắt của bà trước đây thường chỉ để khóc than, giờ đã lóe lên những tia hy vọng. Trên đùi của Na-ô-mi là hạt giống của Đấng Cứu Chuộc trong tương lai, Chúa Giê-su của chúng ta.Ô-bết là ông nội của Đa-vít, và từ dòng dõi nhà Đa-vít đã sanh ra Đấng Cứu Thế của cả nhân loại.

Giữa những bộn bề của những nỗi mất mát và bi kịch của cuộc sống, bạn hãy dành một lúc để hình dung trong đầu hình ảnh bà Na-ô-mi ngồi trên ghế dựa, bồng ẵm Ô-bết trên đùi mình và nhẹ nhàng đu đưa, tin tưởng rằng tương lai đã được bảo đảm, nhờ vào người chuộc.Ở đây, chúng ta có thể thấy rằng đức tin có thể chống chọi lại với những thử thách và đau khổ. 

Đức Chúa Giê-su hiểu được những sự đau khổ của chúng ta, vì Ngài cũng như vậy, đã “từng trải sự buồn bực” (Ê-sai 53:3).Ngài luôn sẵn lòng và có khả năng để trở thành Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Ngài muốn phục hồi lại tấm lòng của chúng ta, chữa lành những vết thương, và mang hy vọng, bình an đến với những tấm lòng đau thương của chúng ta. 


                                                                                                                             Thế giới Cơ Đốc Phục Lâm - Adventist World - 02/2013

Nguồn: codocphuclam.org (Theo vn.adventistworld.org)


__________________________
Chú thích:
1) Compare the United Nations report at http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=43235&Cr=food+security&Cr1.


2) See “From Left Business Observer,” at http://www.marxmail.org/facts/inequality.htm.


3) World Migration Report 2010 (International Organization for Migration); cited at http://www.iom.int/cms/en/sites/iom/home/about-migration/facts--figures-1.html.


4) Ellen G. White, The Desire of Ages (Mountain View, Calif.: Pacific Press Pub. Assn., 1898), p. 327.


5) Note that while the neighbors in Ruth 4:17 declare Obed to be a son of Naomi, strictly speaking he was not even her grandson.