Nghiêm khắc với chính mình

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 634 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Lời của Đức Chúa Giê-su được ghi lại trong Giăng 8:31-36 "Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi… ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi… Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do." Vậy chúng ta hiểu sự tự do đó như thế nào?

(1 Cô-rinh-tô 9:27)

I. Sự tự do thật

Sứ đồ Phao-lô khi đề cập đến sự tự do đã nói: "Vả, khi anh em còn làm tôi mọi tội lỗi, thì đối với sự công bình anh em được tự do… Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng." (Rô-ma 6:20-22)

Sứ đồ Phao-lô đã cụ thể hóa sự tự do đó như sau: "Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau… Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt… Nhưng, ví bằng anh em nhờ Thánh Linh chỉ dẫn, thì chẳng hề ở dưới luật pháp." (Ga-la-ti 5:13-18). Và vì yêu thương có bổn phận với người yếu đuối nên Phao-lô đã khuyên: "Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm. Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội thánh của Đức Chúa Trời; hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu." (1 Cô-rinh-tô 10:23,31-33)

Chính ông cũng đã nêu một gương: "Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn." Ông cũng mạnh dạn khuyên bảo người con tinh thần của ông: "Trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho mọi vật, và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ Phi-lát, ta khuyên con phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta…" (1 Ti-mô-thê 6:13-14)

II. Sự tự kỷ luật

Suy nghĩ kỹ sự so sánh trong Châm ngôn 16:32 "Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ; Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành." để thấy rằng sự tự chủ là một đức tính cần thiết để Cơ Đốc nhân chiến thắng trong cuộc thiện ác đấu tranh. Để tự chủ được, chúng ta cần rèn tập sự tự kỷ luật.

Trong thực tế đời sống, chúng ta từng trải kinh nghiệm hoặc chứng kiến người khác đã phạm tội chỉ trong giây phút vội vả, bị kích động, bị tức giận mà buông ra lời nói bất cẩn dẫn đến nhiều rắc rối trong cuộc sống, thậm chí phạm sai lầm nghiêm trọng dẫn đến tù tội, chết người.
Phao-lô ví đời sống của Cơ Đốc nhân như người chạy thi nơi đường đua: "Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát." (1 Cô-rinh-tô 9:25). Chính Phao-lô cũng tự kỷ luật mình: "…tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng." (1 Cô-rinh-tô 9:27)

Để được như lời cầu nguyện của sứ đồ Giăng cho Gai-út "thạnh vượng trong mọi sự và được khỏe mạnh phần xác cũng như được thạnh vượng về phần linh hồn" thì chúng ta phải tự kỷ luật mình cả 3 mặt thể, trí, linh.

III. Gương tự kỷ luật

1- Đa-vít tự răn mình

Đọc câu chuyện xảy ra ở hang đá Ên-ghê-đi để thấy Đa-vít đã tự răn mình để không làm theo điều ưa muốn của xác thịt (I Sa-mu-ên 24:1-23). Câu 3-4 "Sau-lơ bèn đem ba ngàn người chọn trong cả dân Y-sơ-ra-ên, kéo ra đi kiếm Đa-vít và những kẻ theo người…, có một hang đá; Sau-lơ bèn vào đó đặng đi tiện. Vả, Đa-vít và bọn theo người ở trong cùng hang." Đây là cơ hội tốt để Đa-vít kết thúc việc bị Sau-lơ săn đuổi, các thuộc hạ nghĩ rằng: đó là ý muốn của Đức Chúa Trời nên mạnh dạn thúc giục ông: "Này là ngày mà Đức Giê-hô-va có phán cùng ông: Ta sẽ phó kẻ thù nghịch ngươi vào tay ngươi. Hãy xử người tùy ý ông." (câu  5)

Chúng ta hiểu thế nào về việc Đa-vít "tự trách về điều mình đã cắt vạt áo tơi của vua"? Tôi nghĩ rằng, Đa-vít đã tự đấu tranh với sự tự trả thù và nhường sự đoán xét cho Đức Giê-hô-va.

Đa-vít đã kịp tự kỷ luật mình nên "nói cùng các kẻ theo mình rằng: nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. Đa-vít nói những lời ấy quở trách các kẻ theo mình, mà ngăn cản chúng xông vào mình Sau-lơ." (câu 7,8)

Đa-vít đã tự chủ được nhờ kính sợ Đức Chúa Trời "…hãy xem cái vạt áo tơi cha mà tôi cầm trong tay… mà không giết cha, thì nhơn đó khá biết và nhận rằng nơi tôi chẳng có sự ác hoặc sự phản nghịch… còn cha, lại săn mạng sống tôi để cất nó đi. Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét cha và tôi." (câu 12)

2- Một số gương được Kinh Thánh ghi lại

Giô-sép đã tự chủ được mình (cai trị được lòng mình). Không có ai nhìn thấy, thường là dịp để con người dễ dãi với mình. "Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?" (Sáng thế ký 39:1-12)

Vì sao Giô-na-đáp, con trai Rê-cáp được Đức Chúa Trời hứa: "…sẽ chẳng thiếu một người nam đứng trước mặt Ta đời đời"?
Vì "Lời Giô-na-đáp, con trai Rê-cáp, đã răn dạy con cháu mình rằng không được uống rượu, thì thành sự…" (Giê-rê-mi 35:14). Người Rê-cáp đã trung thành với tổ tiên: "Chúng tôi vâng theo tiếng của Giô-na-đáp, con trai Rê-cáp, tổ chúng tôi, trong mọi điều người đã răn dạy chúng tôi, thì trọn đời chúng tôi, cho đến vợ con trai, con gái chúng tôi, cũng không uống rượu." (câu 8)


Mặc dù Đa-ni-ên đã nghe "cấm lệnh nghiêm nhặt: trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào, hay một người nào ngoài vua thì kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử…" đã được vua Đa-ri-út ký tên rồi; vẫn "về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quỳ gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời như vẫn làm khi trước." (câu 10)

3- Gương tự kỷ luật của Nguyễn Bích Lan

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 ở Hưng Hà, Thái Bình. Năm học lớp 8 (14 tuổi) cố mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ tiến triển gây co rút cơ thể, thoái hóa đa khớp, suy tim. Cô đã tự học, trở thành giáo viên tiếng Anh, dịch giả, tác giả, nhiều tác phẩm đi vào lòng bạn đọc. Năm 2010 cô được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam và đoạt giải thưởng Hội nhà văn với tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột. Cũng năm ấy, nhà bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vinh danh cô là một trong tám người phụ nữ đương đại tiêu biểu cả nước.

Trong quyển tự truyện Không Gục Ngã cô đã viết: Tự học có nghĩa là tự khép mình vào kỷ luật chính bạn thiết lập. Việc đó không dễ dàng chút nào… tôi quy định mỗi tháng phải tự sát hạch kiến thức. Tôi làm giám thị trong phòng thi đặc biệt. Phòng thi chỉ có thí sinh duy nhất là tôi…

4- Đức Chúa Giê-su – gương mẫu tuyệt vời

Đức Chúa Giê-su là gương mẫu cho chúng ta trong mọi sự, trong đó có cả sự tự kỷ luật của Ngài.

Đức Chúa Cha đã chọn nơi để Ngài lớn lên. Lời của Na-tha-na-ên: "Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?" cho chúng ta hiểu rằng, từ lúc còn bé, Đức Chúa Giê-su đã sống trong một môi trường chứa nhiều sự cám dỗ và cạm bẫy nhưng nhờ "chịu lụy cha mẹ (phục tùng)." Mà Ngài "khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn càng đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta." (Lu-ca 2:51-52)

Đời sống Đấng Christ là một đời sống nghèo nàn và thiếu thốn. Ngoài tấm gương vượt khó, Ngài còn "Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình;" (1 Phi-e-rơ 2:22-23)

Khi thi hành chức vụ trên đất, Đức Chúa Giê-su đã tự quy định cho mình: "…chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào." (Giăng 12:49). Chính Ngài đã mạnh dạn nói: "…Ta yêu mến Cha và làm theo điều Cha đã phán…" (Giăng 14:31)

Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài biết trước những đau đớn và sỉ nhục mà Ngài sắp phải chịu, với thân thể con người, xác thịt Ngài không muốn đón nhận điều đó. Nhưng sự tự kỷ luật đã khiến Ngài ba lần vượt qua "điều ưa muốn của xác thịt" khi khẩn thiết cầu xin: "…Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên." (Ma-thi-ơ 26:42)

Khi bị bắt, Ngài không tự cứu mình cũng không cho ai cứu mình: "Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao? Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?"(Ma-thi-ơ 26:53-54); "Ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho Ta uống sao? (Giăng 18:11). Thật Đức Chúa Giê-su đã "…vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." (Phi-líp 2:8)

Trên hành trình đi theo Chúa, chúng ta dù trẻ hay già đều đã được Đức Chúa Trời "đặt luật pháp của Ngài trong trí và ghi tạc vào lòng", còn chúng ta vì yêu mến Chúa nên cho dù "dây kẻ ác đã vương vào tôi, nhưng tôi không quên luật pháp Chúa" (Thi thiên 119:61) mà phải "cẩn thận làm theo" (Thi thiên 119:9). Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình.

Lời của Nick Vujicic (người không tay không chân) khích lệ tôi mỗi ngày "Tôi là sự sáng tạo của Chúa, và sự có mặt của tôi trên cõi đời này nằm trong kế hoạch của Người. Tôi nói thế không có nghĩa rằng Chúa đã an bài, đã sắp đặt tất thảy mọi sự và không có chỗ cho sự tự hoàn thiện bản thân của mỗi người trong chúng ta trên cõi đời này. Lúc nào cũng như lúc nào, tôi luôn cố gắng hết sức để trở thành một con người tốt hơn, tốt hơn nữa để tôi có thể phụng sự Chúa nhiều hơn, giúp ích cho đời nhiều hơn!"

Cầu xin Thánh linh Đức Chúa Trời giúp ta đạt được lời kết của Thánh ca số 188 "Khám phá mỗi ngày, chốn cao hơn hoài, Chúa gia ơn càng lên chốn cao hơn."

Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ ở với hết thảy chúng ta, A men.


cdpl
(Theo Muối Của Đất số 112 - Tháng 02/2013)


Huỳnh Thị Hữu Đức

Nguồn: codocphuclam.org