Chứng tá của ông Manuel Guillén, người thúc đẩy đạo đức nhân văn trong các công ty

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 144 | Cật nhập lần cuối: 4/18/2023 6:51:47 PM | RSS

Chứng tá của ông Manuel Guillén, người thúc đẩy đạo đức nhân văn trong các công tyÔng Manuel Guillén là người sáng lập và giám đốc của Viện Đạo đức trong Truyền thông và các Tổ chức, thường xuyên thúc đẩy chiều kích đạo đức trong kinh doanh. Dự án Đạo đức của Khoa Kinh tế thuộc Đại học Valencia và Tuyên ngôn ủng hộ Tổng cục Kinh doanh Nhân văn là một trong những dự án mà ông đã tham gia.

Sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư thực quản, ông Manuel Guillén, người Tây Ban Nha, nhà nghiên cứu và kinh tế học, một người dấn thân thúc đẩy đạo đức nhân văn trong các công ty, đã qua đời ở tuổi 53, vào thứ Năm Tuần Thánh vừa qua.

Cái chết của ông đã để lại một khoảng trống rất lớn trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và trong giới tri thức. Bởi vì không chỉ là một chuyên gia được mọi người biết đến, ông Manuel còn là một người tuyệt vời, một nhân cách sáng ngời, và trên hết một Kitô hữu sống theo tinh thần Tin Mừng.

Ông Manuel Guillén đã sáng lập và là giám đốc của Viện Đạo đức trong Truyền thông và các Tổ chức, và thường xuyên thúc đẩy chiều kích đạo đức trong kinh doanh. Dự án Đạo đức của Khoa Kinh tế thuộc Đại học Valencia và Tuyên ngôn ủng hộ Tổng cục Kinh doanh Nhân văn là một trong những dự án mà ông đã tham gia.

Ơn gọi dấn thân phục vụ theo tinh thần Kitô của Manuel xuất hiện rất sớm. Ở tuổi 14, Manuel đã đăng ký trở thành thành viên của Giám hạt tòng dân Opus Dei. Manuel trung thành với ơn gọi này trong suốt đời, qua sự phục vụ Chúa và tha nhân một cách gương mẫu. Những người biết ông đều nói ở nơi ông toát lên niềm vui của người biết mình là con Chúa. Ông thích dạy học, tìm mọi cách để truyền đạt cho người khác kiến thức và đạo đức nghề nghiệp.

Ông đã cam kết mạnh mẽ và quyết tâm mang đạo đức nhân văn đến các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp. Trong tang lễ của vị giáo sư yêu quý này, người em sinh đôi của ông, Antonio, đã kêu gọi giới tri thức đừng để di sản Manuel đã gây dựng bị mai một. Theo ông Antonio, sự kiên trì và dấn thân tuyệt vời, nét đặc trưng của Manuel là điều cần thiết để thực hiện Dự án Đạo đức của Khoa Kinh tế của Đại học Valencia. Điều này cần phải tiếp tục thực hiện.

Manuel làm việc không mệt mỏi, tận dụng tối đa thời gian cho công việc, nhưng cũng dành thời giờ cống hiến hết mình cho những ai cần đến ông. Ông biết cách phân chia thời gian cho khoa học và phục vụ tha nhân.

Để có thể sống gần gũi và tạo sự tương quan thân tình, ông sống trong các khu nội trú với sinh viên. Ở môi trường này, ông quảng đại trao ban chính mình và khiêm tốn đón nhận lòng quý mến của mọi người. Đời sống của ông là một cuộc đời làm việc chăm chỉ vì công ích. Có thể ông không nhận ra nhưng những người bạn của ông làm chứng, ông là người đã được giao 2 yến, hoặc 5 yến và đã biết gây lời thêm gấp đôi, được nói đến trong Tin Mừng Matthêu (Mt 25, 14-30).

Một trong những công lao to lớn của ông là nâng cao nhận thức về sự cần thiết của đạo đức kinh doanh, lấy con người làm trung tâm, cả trong lĩnh vực học thuật quốc gia và quốc tế, cũng như trong kinh doanh.

Ông cho rằng đạo đức nhân văn phác hoạ một vòng tròn đạo đức. Ông giải thích trong cuốn sách “Đạo đức trong các tổ chức. Xây dựng lòng tin”: Các hành vi đạo đức liên tục của các cá nhân mang phẩm chất con người - chân thật, công bằng, trung thành, v.v. - có tác động đến việc ra quyết định của chính người đó, và ở một khía cạnh khác tạo kết quả tích cực cho trật tự tâm lý-xã hội và kỹ thuật-kinh tế”.

Nhờ nghiên cứu về Aristotle, thánh Tôma Aquinô và Juan Antonio Pérez López, ông hiểu rằng cách tiếp cận của khoa học xã hội hiện tại thiếu một khía cạnh vị tha hoặc lấy con người làm trung tâm.

Ông bảo vệ động cơ làm việc cho người khác liên quan đến việc thờ phượng Chúa, có một vai trò quan trọng và có thể giải thích hành vi của con người một cách rất đầy đủ.

Sự kết hợp giữa nhu cầu của mỗi người với điều tốt đẹp có thể mang lại cho người khác là một cách tiếp cận rất mới lạ trong các lớp học và diễn đàn học thuật. Ông đã kết nối cuộc đối thoại của khoa học xã hội và nhân văn và cách chúng có thể mang lại lợi ích cho nhau, một đề xuất gây ấn tượng với công chúng.

Một trong những công lao của ông là cách ông phát triển “luận lý của tình yêu”. Theo đó, một người đang yêu nghĩa là đang phát triển, một ý tưởng mới lạ trong lĩnh vực học thuật và có tác động đến mọi người khi nghe đến. Ông rất dũng cảm khi bảo vệ ý tưởng này với tư cách là một nhà nghiên cứu, nhưng đồng thời, cũng phản ánh rất rõ phẩm chất con người của ông. Ông là người biết hiến thân, biết yêu thương tha nhân, hiến thân một cách tự do cho dù sức khỏe bị ảnh hưởng.

Những người quen biết ông vẫn nhớ mãi câu nói của nhà khoa học: “Ở đâu có niềm tin, sự hài lòng và động lực cá nhân trong công việc được tạo ra. Sau đó, các giá trị và hành động tiếp tục củng cố niềm tin được chia sẻ”.

Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va