Hiệp hành và đời sống đan tu: một kinh nghiệm được Chúa Thánh Thần truyền ban

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 120 | Cật nhập lần cuối: 10/19/2023 6:32:26 PM | RSS

Hiep hanh va doi song dan tu: mot kinh nghiem duoc Chua Thanh Than truyen banDưới ánh sáng của Thánh Clare thành Assisi, Sơ Chiara Francesca Lacchini, một nữ đan sĩ dòng Thánh Clara Capuchinô đưa ra một số suy tư sâu sắc về đời sống đan viện, những điều cần thiết cho tính hiệp hành, bao gồm cả ý nghĩa Kinh thánh về công lý và quyền lực được giới hạn. Trong đời sống đan tu luôn có sự lắng nghe, sự tham gia và phân định chung với xác tín rằng “những điều liên quan đến mọi người đều phải được tất cả đồng thuận.”

Sơ Chiara Francesca chia sẻ: Trong thời gian Thượng Hội đồng, tôi vui khi nghĩ rằng thế giới đan tu sẽ có điều gì đó để nói về việc thực hành quý giá này của Giáo hội, một thực hành không xuất phát từ sự uyên bác mà đúng hơn từ bản chất đời sống cộng đoàn và khổ tu, huynh đệ và trong tình chị em, luôn được đặc trưng bởi nhiều hình thức khác nhau của tính hiệp hành tích cực và hiệu quả.

Theo những cách khác nhau tùy theo truyền thống thiêng liêng, một đặc điểm của các đan sĩ nam nữ là quy tụ cùng nhau cầu nguyện, học hiểu, quyết định, chào đón, phân định. Thuật ngữ này diễn tả rõ ràng ý nghĩa cụ thể của tính hiệp hành trong cuộc sống hàng ngày, và trong các gia đình cũng như trong các tương quan năng động của chúng ta, chúng ta cố gắng sống thế nào một kinh nghiệm giáo hội và thiêng liêng đích thực, điều luôn bao hàm sự sẵn sàng cùng nhau bước đi, chia sẻ một tầm nhìn, một quan điểm thu hút chúng ta và xác định các giai đoạn cũng như phương pháp kích hoạt sự thay đổi lâu dài và hiệu quả trong mỗi cá nhân và trong cộng đoàn.

Đó là một kinh nghiệm được Chúa Thánh Thần yêu cầu và có tính cởi mở rộng rãi và không thể đoán trước, vốn là những đặc điểm điển hình của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi và đi đến bất cứ nơi nào Người muốn.

Đề cập đến truyền thống mà tôi biết rõ nhất, truyền thống của Thánh Clara thành Assisi, tôi có thể khẳng định rằng Thánh Clara mời gọi mọi người nhìn nhận quyền và quyền phát biểu của mọi người trong các mối quan hệ của chúng ta, và kêu gọi chúng ta có thái độ lắng nghe để cho phép mỗi người đóng góp suy nghĩ riêng trong đời sống cộng đoàn. Kinh nghiệm của ngài dạy chúng ta rằng mọi lời nói dựa trên sự năng động trong đời sống của mỗi nữ tu và của Tin Mừng đều quý giá, là và đó là một món quà đổi mới và nâng cao khả năng phân định của toàn thể dân Chúa. Trong những khẳng định này chúng ta tìm thấy những điều mà kinh nghiệm hàng thế kỷ của đời sống đan tu đã được bày tỏ từ trước đây rất lâu bởi thánh Biển Đức và điều mà Thánh Clara đã nói qua những lời này: “Hãy để Mẹ [bề trên] tham khảo ý kiến của tất cả các nữ tu ở đó [trong Tu nghị] về bất cứ điều gì liên quan đến lợi ích của đan viện, vì Chúa thường tỏ ra điều tốt nhất cho những người hèn mọn nhất [trong chúng ta]”.

Đó là một cách thực hành đức tin và hy vọng đích thực mà vẫn kiên định và trung thành quy tụ với nhau, và tin rằng sẽ không lãng phí thời gian để tạo ra một không gian trong đó mọi người có thể nói, mọi người đều có quyền nói và trong đó mọi người đều có thể đứng lên phát biểu! Một tiến trình hiệp hành đích thực, với hy vọng về một sự tham gia nhiều hơn là chỉ sẵn sàng cùng nhau vụ và làm việc vì lợi ích chung; đó là một nơi mà không còn những lời biện minh của những người che giấu sự sợ hãi trình bày ý kiến của mình đằng sau những lý do "không thể nói ở đây"; và là nơi trong đó nỗi sợ rằng cho phép phát biểu và suy nghĩ có thể dẫn đến tình trạng vô kỷ luật hoặc gây nên rối loạn sẽ biến mất.

Trong đời sống đan tu, không gian và thời gian của các cuộc đối thoại cộng đoàn, của những nỗ lực cùng nhau hiểu biết và quyết định phải được bảo vệ, chăm sóc để chúng trở thành một kinh nghiệm trong đó mọi người có thể cảm nhận được sự thừa nhận phẩm giá của lời nói và có thể học nghệ thuật diễn tả nó, cảm thấy mình là một phần của cuộc hành trình. Điều này chắc chắn không hề đơn giản cũng không dễ dàng, và đòi hỏi những tiến trình dài hơn và phức tạp hơn, được tạo nên từ sự đa dạng và sự kết hợp của những khác biệt, trong đó đôi khi những con đường của cộng đoàn bị phân tán bởi sự chậm chạp xuất phát từ những ý kiến ​​“khác”, bởi những ý tưởng không được thể hiện đầy đủ theo tinh thần Phúc âm, và được diễn tả theo cách mệt mỏi và đôi khi thiếu tế nhị, và/hoặc bằng những lời buộc tội cá nhân. Nhưng đây chính là một thách đố đối với hành trình không ngừng hoán cải để hiệp hành, để đến “với nhau”, điều mà theo Thánh Clara, liên tục nảy sinh từ trải nghiệm ban đầu nơi Thánh Đamiano.

Trong đời sống tu trì và đan tu, không hiếm người trải qua cảm giác thất vọng, chán nản khi phải đấu tranh để thực hành sự chia sẻ. Tôi tin rằng một phần sứ mạng của chúng ta có thể là, với tư cách là một phần của Giáo hội và một cộng đoàn đan tu, bảo vệ một không gian cho các mối quan hệ và trao đổi giúp thực hiện điều này, và điều đó thể hiện những gì chúng ta hát trong Thánh Vịnh: "Ngọt ngào tốt đẹp biết bao anh em được sống vui vầy bên nhau!”.

Chúng tôi nghe từ các bên khác nhau rằng tính hiệp hành không thể xảy ra chỉ với một cơ cấu, với một hình thức điều hành (“Tôi, là người có thẩm quyền”, cho phép bạn phát biểu), với các sự kiện tìm cách thể hiện sự hiệp hành; nó cũng không thể được hiểu thuần túy như một thái độ nội tâm, điều sẽ có nguy cơ là không tạo được ảnh hưởng.

Trong kinh nghiệm đời sống đan tu, chúng tôi dám nói rằng - hy vọng không bị chứng minh là sai - lối sống của chúng tôi và cơ cấu của nó tiếp tục nhờ vào “cấu trúc hiệp hành”, là điều thấm nhuần và làm cho nó sinh động. Và nếu nó tiếp tục đứng vững, đó là nhờ vào ý chí không mệt mỏi và chuyên cần đặt Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người làm trung tâm, đưa mọi người trở lại khoảng cách đúng đắn với những gì thực sự quan trọng, trong mối quan hệ vâng phục lẫn nhau, trong đó việc thi hành quyền lực được hạn chế một cách có chủ ý bởi việc thực hành đồng trách nhiệm. Kinh nghiệm nhỏ bé và hạn chế của chúng tôi dám nói rằng không có tính hiệp hành, nếu không có việc giới hạn quyền lực. Bởi điều gì? Bởi sự tự do có trách nhiệm của cộng đoàn, không làm những gì họ muốn, mà đúng hơn là làm những gì họ tin, những gì Chúa Thánh Thần ủy thác cho họ, những gì mang lại ý nghĩa cho sứ mạng của họ trong và cho Giáo hội.

Và theo nghĩa này, sự nghèo khó của mỗi người trở thành sự bảo đảm của tự do cho tất cả mọi người; không phải là một thứ tự do ngây thơ và hời hợt tin rằng nó không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì hay bất cứ ai, mà là một thứ tự do mà, với nỗi đau và nỗ lực, phải trả giá bằng những hành trình liên tục của việc hoán cải và đồng quy, đã hiểu và hiểu được những gì cần bị ảnh hưởng.

Quyền lực được giới hạn thực sự trở thành quyền hành, theo nghĩa là nó đảm nhận vai trò tạo ra và phát triển, và nó không đáp lại hành vi nhân đức của một người đặc biệt thánh thiện, mà đáp ứng một chuẩn mực lương tri cũng được luật pháp thừa nhận, khi nó nhắc rằng “điều gì liên quan đến mọi người thì phải được tất cả chấp thuận”.

Trong một cộng đoàn - cũng như trong Giáo hội - có nhiều chức năng tương ứng với nhiều ân sủng: những ân tứ này không thể được quản lý riêng lẻ mà đòi hỏi sự tham gia của mọi người. Điều đang bị đe dọa không phải là sự quản lý dân chủ của cộng đoàn - một số đoạn Phúc âm làm suy yếu ý thức dân chủ hiện đại để ủng hộ ý nghĩa công bằng trong Kinh Thánh, trong đó mỗi người được trao những gì họ cần chứ không phải những gì được trao cho mọi người - nhưng việc thực hành sự phân định cộng đoàn, vốn là một trong những khía cạnh của quyền lực được giới hạn, có nhiệm vụ chính là khởi động các động lực đối thoại và lắng nghe để có thể dẫn đến sự nhất trí càng nhiều càng tốt. Những kinh nghiệm khác nhau về đời sống đan tu trong Giáo hội cho chúng ta biết rằng điều này có thể thực hiện được ở cả cộng đoàn nam và nữ, miễn là tất cả anh chị em nhận ra sự cần thiết phải hoán cải để đối thoại, thảo luận, tranh luận, bất đồng khi cần thiết, mà không nhất thiết phải là dấu hiệu của sự không phục tùng trật tự đã được thiết lập. Trong những thách đố và vấn đề lớn lao mà chúng ta phải đối mặt, việc cùng nhau quyết định và lựa chọn là sự bảo đảm cho lòng trung thành với Chúa và sự hiệp thông.

Sơ Chiara Francesca Lacchini, đan sĩ dòng Thánh Clara Capuchinô
Nguồn: vaticannews.va