Nụ cười của cô lao công

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3208 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nụ cười của cô lao côngBước chân vào đại học, tôi mới biết rằng mình sẽ không phải làm công việc trực nhật lớp học nữa. Cái công việc mà ở cấp hai, cấp ba, bọn con trai luôn muốn né tránh, còn bọn con gái thì cứ tị nạnh nhau.

 

Lớp cũ của tôi thì có biết bao kỉ niệm về chuyện trực nhật này.


Suốt ba năm học phổ thông, tôi được bầu làm tổ trưởng tổ một, cái chức danh nhỏ nhoi trong ban cán sự lớp. Nhưng cũng tại vì nó mà nhiều đứa trong lớp ghét tôi lắm, bởi cái tính tôi khá thẳng thắn, không chịu bao che lỗi vi phạm cho chúng. Và cứ mỗi lúc đến tổ của tôi trực nhật, đều khiến tôi rất căng thẳng. Công việc thì tôi luôn chia đều cho mọi người trong tổ. Nhưng rõ khổ! Các bạn cứ lấy hết lí do này, lí do khác để đùn đẩy cho nhau. Đứa thì kêu nhà xa, đến trễ làm không kịp. Hai đứa con trai thì kêu “tui con trai, tui không quét nhà”, rồi lại không nhặt rác, ngay cả cái việc lau bảng mà cũng làm không xong nữa. Sổ đầu bài bị thầy cô giáo phê vệ sinh kém. Kết quả là hai đứa con trai kia được cô giáo chủ nhiệm hào phóng “tặng” thêm cho một chữ “Thị”. Khiến những cái tên mĩ miều nam tính của chúng chả mấy chốc lại trở nên “điệu đà” hơn hẳn. Khi ấy lớp tôi được một phen cười vỡ bụng, riêng tụi con gái thì lại càng khoái trá.


Lớp tôi ngày ấy con trai cũng như con gái: Ăn quà vặt, nghịch dại rất nhiều. Những trái sung, chùm khế… chấm muối ớt là đặc sản số một, bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng khổ nỗi, ăn xong chẳng đứa nào dọn, tất cả đều tuồn hết vào ngăn bàn. Bấy chừ, thầy phó hiệu trưởng mới đi qua, nhìn thấy lớp tôi ngăn bàn chỗ nào cũng đầy rác, cứ như là ở chung với rác, ăn chung với rác, học chung với rác. Thế là từ đấy danh hiệu: “Lớp 12C1 lười biếng nhất trường” chính thức được sắc phong, ra mắt toàn trường trong buổi lễ chào cờ vào đầu tuần kế tiếp. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!


Tạm biệt những ngày tháng ngô nghê và vui tươi ấy, tạm biệt cả cái công việc trực nhật đầy kỉ niệm. Tôi đến với giảng đường đại học, nơi mà đã ba năm tôi chưa một lần cầm lại cây chổi để quét lớp. Việc tôi cần làm giờ đây là học tập tốt và không đến lớp trễ giờ. Mọi công tác vệ sinh, lau dọn đã có các cô lao công của trường làm hết. Tôi từng thích thú vì điều ấy lắm chứ. Nhưng có lẽ không khí của trường đại học cuốn tôi vào sự tất bật hơn, nên niềm thích thú ấy sớm rơi vào quên lãng.


Sinh viên tụi tôi tự cho mình cái quyền được xả rác bừa ra lớp, và chính tôi cũng từng làm như vậy. Vì thế nên sau mỗi buổi học: Dưới sàn nhà, trong ngăn bàn, trên ghế và mặt bàn đều tràn đầy rác. Nào những giấy, đồ ăn thừa, những vỏ chai, vỏ ly. Nước thừa lại từ những chiếc ly có đá lạnh thấm ra, tung tóe trên mặt bàn, dưới sàn nhà đọng lại từng vũng nhỏ. Đèn điện, quạt máy thì cứ chạy hết công suất, dường như sinh viên chúng tôi chỉ biết bật chúng mà chưa bao giờ biết nút tắt ở đâu.


Cô lao công chờ sau mỗi cánh cửa giảng đường, cô chờ chúng tôi tan buổi học. Cô lại tiếp tục với công việc lặng thầm: Quét lớp, lau chùi bàn ghế và dọn rác. Cô cũng lại là người tắt đèn, quạt điện giúp chúng tôi, cái việc mà lẽ ra chúng tôi phải làm. Dường như tôi chưa một lần thấy cô lao công dọn dẹp những rác bẩn trong giảng đường dưới cái làn gió mát của những cánh quạt trần. Mà việc trước tiên cô làm sẽ là tắt nó đi, như tôi thường trông thấy.


Tôi chợt nghĩ lại mình đã hưởng ứng bao nhiêu lần sự kiện Giờ Trái Đất rồi nhỉ? Hình như là hai hay ba lần gì đó? Một năm, Giờ Trái Đất cũng chỉ diễn ra trong một ngày, và trong một ngày đó cũng chỉ thực hiện có một giờ không sử dụng điện, để góp phần làm xanh trái đất. Vậy thì với 364 ngày còn lại thì sao? Một việc làm nhỏ của học sinh, sinh viên, như tôi là tắt những chiếc quạt, đèn điện sau mỗi buổi học, tránh lãng phí. Như thế chẳng phải là ngày nào cũng thực hiện Giờ Trái Đất đó sao!


Tiếng chổi của cô lao công đánh thức tôi khỏi dòng suy nghĩ. Lớp học đã tan được một lúc, tôi đứng dậy thu dọn đồ đạc của mình. Chiếc vỏ chai nước ngọt dưới ngăn bàn rơi xuống nhà đánh cộp. Tôi cúi xuống nhặt lấy, bỏ vội vào cái túi gom rác cô lao công đang để gần đấy. Chợt cô ngước lên, nhìn tôi khẽ mỉm cười!


Hạnh Dương

Nguồn: vnexpress.net