Đã biết vô thường

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 553 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Những người yêu nhạc Trịnh, đôi lúc ngồi nghe một cách bình thản ca từ về “chết”, vốn xuất hiện rất nhiều trong nhạc của ông, nhưng không vì thế mà ca khúc của ông khiến cho người ta sợ vì cái mùi vị “Sinh, lão, bệnh, tử”; ngược lại, người ta vẫn hát một cách say mê: 


“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài…

... Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày…”
                                                                           (Cát bụi)

 

Nhìn những lần mùa thu đi qua:

 

Em nghe sầu lên trong nắng/ và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…” (Nhìn những mùa thu đi).

 

Và có một ca khúc có rất nhiều từ “chết” từ đầu đến cuối, một thời người ta vẫn hát như thường mà không hề sợ hãi:

 

“Tôi có người yêu chết trận Plei-me; tôi có người yêu ở chiến khu Đ, chết trận Đồng Xoài, chết ngoài…, chết lặn lội dọc theo biên giới…” (Tình ca người mất trí).

 

Chỉ mới đi qua 3 ca khúc thôi mà đã có quá nhiều từ “chết”, còn lại hơn sáu trăm ca khúc của ông thì hãy còn rất nhiều từ ấy. Có lẽ ông là một nhạc sĩ phù thủy biết cách làm say mê công chúng bằng ngôn ngữ âm nhạc theo phong cách riêng không lẫn vào ai, cho dù ông đã sử dụng rất nhiều cái từ đáng sợ nhất: “Chết”.

 

Tôi nhớ ngày xưa còn bé, chị em chúng tôi nếu đôi lúc nói ra từ “chết”, tức thì mẹ tôi đưa tay bịt miệng lại: “Chém mồm chém miệng con tôi”, và căn dặn không được nói cái từ chết chóc ấy. Thay từ “chết” bằng từ “mất” hay “qua đời”.

 

Người xưa ăn nói kiêng cữ như vậy đó.


vo_thuong_lotus_216682044.jpg

Hình minh họa

Người trần tục thì nghiệp chất chồng, khiến người ta sợ cái từ ấy; còn bậc xuất gia tu hành có một thời người ta thích chữ “Tử” lên trán để tu.


Tử là “chết”. “Chết” là một trong 4 tướng khổ đau bất tận của kiếp nhân sinh (sinh, lão, bệnh, tử). Thái tử Siddhartha đã cảm nhận sâu sắc nỗi khổ đau đó nên Ngài đã quyết rời bỏ cung vàng điện ngọc với bao lạc thú xa hoa, quyết tâm ra đi tìm cho bằng được giải pháp đưa chúng sanh thoát khỏi hiểm họa tử sinh; cuối cùng Ngài đến dưới cây bồ-đề ngồi nhập định suốt 49 ngày đêm và đã tìm ra giải pháp chặn đứng dòng sông khổ ưu đã chảy xiết từ vô lượng kiếp; giải quyết được rốt ráo vấn đề sinh tử. Từ đó, Ngài hoàn toàn giải thoát, tự tại an vui. Với lòng đại từ bi ấy, Ngài đã dìu dắt bao người hữu duyên, đưa họ ra khỏi bến mê, bước lên bờ giải thoát.


Để giải quyết được rốt ráo vấn đề sinh tử thì cần phải tu học rất nhiều theo con đường của Như Lai. Đó là một bài toán tuy khó, nhưng không phải không thể lĩnh hội được đối với những người tại gia học Phật như tôi.


Một mùa Đản sinh gần kề, ngồi kiểm điểm lại hai thứ hành lý trong tôi đó là tình thương và trí huệ; bởi vì phải có đủ tình thương và có đủ trí huệ thì ta mới có thể vượt qua sinh tử một cách dễ dàng, để thảnh thơi đi về Lạc cảnh.


Đã biết vô thường, sao còn phiền não! Tôi bỗng cất tiếng cười vang giữa căn phòng nghi ngút khói hương, chỉ có mình tôi ngồi chơi với Bụt. Tôi bỗng vu vơ câu hát Trịnh:


“Và như thế

Tôi sống vui từng ngày

Và như thế

Tôi đến trong cuộc đời

Đã yêu cuộc đời này

Bằng trái tim của tôi”.

(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui - TCS) 


Lê Đàn

Nguồn: giacngo.vn