Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (11)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 658 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

CON NGƯỜI LÀ GÌ?

"Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
"

(Tv 8, 5-6)


Toàn bộ cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới lệ thuộc phần lớn vào câu trả lời cho câu hỏi này. Thật vậy, con người là con tốt trên bàn cờ hay là một nhân vị? Một bánh xe trong cỗ máy hay một hữu thể tự do, có khả năng sáng tạo và chịu trách nhiệm về các hành vi của mình? Câu hỏi này cũng xưa như con người và cũng mới như tờ báo sáng nay. Ðặt câu hỏi thì hầu như mọi người đều nhất trí; còn trả lời câu hỏi thì gây nhiều tranh luận.


Những người theo thuyết duy vật thì cho rằng con người chỉ là một con vật, một vật nhỏ bé trong một tổng thể to lớn đang vận hành, tức là thiên nhiên, hoàn toàn vô thức và phi nhân cách. Toàn bộ đời sống con người có thể giải thích bằng biến hóa của vật chất. Một hệ thống tư tưởng như thế khẳng định rằng hành động con người bị điều kiện hóa; trí tuệ con người cũng chỉ là sản phẩm của bộ não.


Những quan niệm con người như thế thường có thái độ bi quan. Họ đồng quan điểm với một tác giả thời nay cho rằng con người chỉ là một tai nạn xảy ra trong vũ trụ, một căn bệnh khó chữa trị trên mặt đất, hoặc với Jonathan Swift khi ông viết: "Con người là loài sâu bọ tác hại nhất chưa từng có trước nay mà thiên nhiên để cho sinh sản và tràn lan khắp địa cầu".


Thuyết nhân bản vô thần cũng thường được xem là một câu trả lời khác cho câu hỏi "Con người là gì?". Không tin vào Thiên Chúa cũng như vào sự hiện hữu của một sức mạnh siêu nhiên, thuyết nhân bản vô thần cho rằng con người là một hình thái hiện hữu cao nhất mà vũ trụ tự nhiên có thể làm thành. Thay vì bi quan, những kẻ theo thuyết này lại tỏ ra lạc quan - một sự lạc quan tột độ, đắc thắng như Shakespeare mô tả trong vở kịch Hamlet:


"Con người đích thực là một tuyệt tác: với lý trí trổi vượt và các khả năng vô tận, với dáng điệu duyên dáng như thiên thần và trí tuệ minh mẫn như thần minh. Con người là tinh hoa của vũ trụ, trổi vượt muôn loài muôn vật, về mọi phương diện".


Một số người tỏ ra thực tế hơn, và tìm cách "dung hòa" các học thuyết đối lập trên, đồng thời tránh được tính cực đoan của các học thuyết này. Họ cho rằng sự thật về con người không ở nơi chính đề là thuyết duy vật bi quan cũng không ở nơi phản đề là thuyết nhân bản lạc quan, nhưng ở nơi một hợp đề cao hơn. Cũng không phải là gian ác, cũng không phải là anh hùng, đúng hơn con người vừa gian ác vừa anh hùng. Họ nhất trí với Carlyle khi nói rằng: "Nơi con người còn có những vực thẳm sâu hơn địa ngục sâu nhất, và cũng có những đỉnh cao vươn tới tận tầng trời cao nhất. Vì trời cao và hỏa ngục lại chẳng do con người tạo ra đó sao? Ðích thực đây là điều kỳ lạ, nhiệm mầu muôn đời!".


Cách đây nhiều thế kỷ, tác giả thánh vịnh đã ngắm tầng trời và muôn sao trong hệ mặt trời, chiêm ngưỡng vẻ đẹp huy hoàng của trăng sao. Trước vũ trụ bao la vận hành trật tự, câu hỏi cổ xưa và quen thuộc lại xuất hiện trong tâm trí: "Con người là gì?". Và câu trả lời xuất phát từ chân lý cho biết con người là một thụ tạo: "Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên" (Tv 8, 6).


Các lời này sẽ là nền tảng cho các suy tư khả dĩ giúp chúng ta có được một cái nhìn về con người, vừa đúng với thực tế, vừa hợp với tinh thần Kitô giáo.


I


Trước hết nhân sinh quan Kitô giáo nhìn nhận con người là một sinh vật, có thân xác. Theo nghĩa này, con người là một con vật. Vì thế, tác giả thánh vịnh nói: "Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy". Ta đừng vội nghĩ rằng Thiên Chúa có thân xác. Thiên Chúa là Ðấng thần linh, vượt trên mọi phạm trù thời gian và không gian; còn con người thua kém Thiên Chúa nên bị giới hạn trong không gian và thời gian. Con người ở trong thiên nhiên và không bao giờ lại có thể không thừa nhận rằng mình liên kết với thiên nhiên.


Tác giả thánh vịnh nói tiếp rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người như thế. Như vậy, tự bản chất, bản tính con người không phải là điều gì xấu xa, vì sách Sáng Thế cho ta biết rằng mọi sự Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp. Có thân xác chẳng phải là điều gì xấu xa. Trái lại, đây là điều khác biệt quan trọng giữa nhân sinh quan Kitô giáo và nhân sinh quan Hy Lạp. Do ảnh hưởng của triết gia Platon, người Hy Lạp kết luận rằng, tự bản chất, thân xác là xấu xa, và linh hồn không thể vươn tới đỉnh toàn hảo bao lâu chưa được giải thoát khỏi ngục tù là thân xác. Mặt khác, Kitô giáo khẳng định rằng chính ý chí, chứ không phải thân xác, mới là nguyên lý của điều ác. Theo cách nhìn của Kitô giáo, thân xác có một ý nghĩa, có một phẩm giá thánh thiêng.


Một cuộc sống thoải mái, sung túc về mặt vật chất luôn là một vấn đề mà mọi học thuyết thực tế về con người phải quan tâm. Khi Ðức Giêsu nói con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, Người không muốn nói rằng con người có thể sống mà không nhờ cơm bánh. Là Kitô hữu, chúng ta không chỉ nghĩ về "ngôi nhà chúng ta ở trên trời", mà còn về các khu nhà ổ chuột, các khu tập trung đang làm băng hoại linh hồn con người; chúng ta không chỉ hướng về các con đường rộng lớn trên thiên quốc, "nơi tràn đầy sữa và mật ong", mà còn về hàng triệu con người phải đi vào giấc ngủ trong khi không có gì để nhét cho đầy bụng. Một tôn giáo chỉ quan tâm đến linh hồn, trong khi lại tỏ ra thờ ơ đối với các điều kiện kinh tế đang làm băng hoại linh hồn, thì chỉ có thể là một tôn giáo già nua cằn cỗi, cần được tiếp máu để có được một sức sống mới. Một tôn giáo như thế quả thực sai lầm vì quên rằng con người là một con vật và, vì thế, cần có điều kiện thể lý và vật chất để sinh sống.


II


Con người có thể được giải thích một cách nông cạn như thế sao? Ta đâu có thể dùng quan niệm duy vật để giải thích được thiên tài của Shakespeare về văn chương, của Beethoven về âm nhạc, của Michel Ange về nghệ thuật? Cũng như tinh thần đạo lý của Ðức Giêsu? Hay mầu nhiệm tuyệt vời của linh hồn con người? Chắc chắn là không. Nơi con người có một cái gì đó mà hóa học cũng như sinh học không thể nào giải thích được, vì con người không chỉ là một số phân tử vận hành theo những quy luật riêng của chúng.


Ðiều này dẫn ta đến một yếu tố thứ hai mà mọi học thuyết Kitô giáo xem như một yếu tố cấu thành: con người là một hữu thể có tinh thần. Con người đưa "các ý tưởng tổng quát trừu tượng" vào thế giới kỳ diệu của tư duy. Lương tâm con người lên tiếng nhắc con người nhớ lại các thực tại thần linh. Ðó là điều tác giả thánh vịnh muốn nói khi nói rằng con người được ban "vinh quang danh dự làm mũ triều thiên".


Chính tinh thần làm cho con người có khả năng sống trên hai bình diện: ở trong thiên nhiên nhưng lại trổi vượt trên thiên nhiên; ở trong thời gian và không gian nhưng lại vượt trên không gian và thời gian. Con người có thể suy nghĩ và sáng tác một bài thơ, một bản hòa tấu; con người hướng về một nền văn minh vĩ đại và làm cho nền văn minh này trở thành hiện thực. Nhờ vậy, con người không hoàn toàn bị trói buộc bởi không gian và thời gian. Con người có thể là John Bunyan bị cầm giữ trong nhà tù Bedford, nhưng tinh thần lại vượt ra ngoài các song sắt để sáng tác cuốn Pilgrim's Progress (Sự tiến tới của người lữ hành). Con người cũng có thể là một Handel, bị mù vào cuối đời, nhưng lại đưa hồn lên tận trời, trong tiếng hát vui tươi hay tiếng thì thầm êm dịu của bản hòa tấu lừng danh là: "Ðấng Messia". Nhờ các khả năng kỳ diệu là lý trí, trí nhớ, trí tưởng tượng, con người vươn lên trên không gian và thời gian. Trí tuệ con người cũng kỳ diệu như các vì sao mà con người nhìn ngắm và nghiên cứu.


Ðây chính là điều Sách Thánh muốn nói khi nói rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. "Hình ảnh Thiên Chúa" đã được các học giả hiểu như là khả năng hiệp thông, lãnh nhận trách nhiệm, sử dụng lý trí, hành động theo lương tâm. Nhưng điều trổi vượt nơi con người vẫn là sự tự do. Con người là con người vì được tự do hành động trong khuôn khổ của vâïn mệnh mình. Con người được tự do tranh luận, lấy quyết định, lựa chọn nhiều giải pháp khác nhau. Con người khác với con vật nhờ sự tự do làm điều ác hay điều thiện, tiến tới trên con đường dẫn tới chân, thiện, mỹ hay đi theo con đường dẫn tới diệt vong.


III


Ðể không trở thành nạn nhân của ảo ảnh phát sinh từ một cái nhìn nông cạn như thế, phải nói rằng ta thật sai lầm khi cho rằng con người, vốn là hình ảnh Thiên Chúa, đã là một con người căn bản tốt lành khi sinh ra ở đời này. Quá hướng chiều về điều xấu, con người đã làm biến dạng hình ảnh Thiên Chúa.


Ta không muốn nghe nói rằng con người là một con người tội lỗi. Không gì làm tổn thương con người ngạo mạn thời đại ngày nay cho bằng nói lên điều này. Ta đã tìm kiếm một cách vô vọng những từ ngữ khác khả dĩ giải thích tội lỗi là gì - một sai lầm do bản tính tự nhiên, một sự trống vắng điều lành, một quan niệm sai lầm. Ta cũng dùng khoa tâm lý chiều sâu để xem tội lỗi chỉ như là hậu quả của cuộc xung đột nội tâm và các cấm đoán ngoại tại, của cuộc chiến giữa "phi ngãù" và "siêu ngã". Các khái niệm này nhắc ta thấy rằng nơi bản tính con người có một sự tha hóa bi thảm trong tương quan với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Có một sự hư hỏng nơi ý muốn của con người.


Nếu ta đặt mình trước mặt Thiên Chúa, thì ta nhìn nhận rằng ta biết sự thật nhưng lại nói dối; biết thế nào là công chính nhưng ta lại sống như người bất chính; biết yêu thương nhưng ta lại ghen ghét; biết ngã đường phải rẽ, nhưng ta lại chọn con đường quanh. "Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả" (Is 53, 6).


Tội lỗi đã tàn phá và dìm con người xuống tận đáy vực sâu đến nỗi Reinhold Niebuhr đã có viết một cuốn sách tựa đề là: "Con người đạo đức và xã hội vô luân". Con người tan biến trong tập thể, bộ lạc, chủng tộc, quốc gia có thể trở thành độc ác và hung bạo một cách không thể tưởng tượng được và còn hơn cả thú dữ nữa. Có nhiều dấu hiệu cho thấy tính cách bi thảm của xã hội vô luân: đó là nạn phân biệt chủng tộc, khi người da trắng tự cho mình có quyền khai thác, chà đạp người da đen; là hai cuộc thế chiến tàn bạo đã để lại những chiến trường đẫm máu, những món nợ cao như núi mà các quốc gia phải gánh chịu, những con người tàn phế về thể lý cũng như tinh thần, những cô nhi quả phụ không thể thống kê nổi. Con người là một con người tội lỗi cần được Thiên Chúa ban ơn tha thứ. Nhìn nhận điều đó không phải là rơi vào thái độ bi quan bóp nghẹt con người, nhưng là thái độ thực tế Kitô giáo.


Mặc dầu con người có khuynh hướng chấp nhận sống thấp kém và nhục nhã, nhưng có cái gì đó nhắc nhớ lại rằng con người không được dựng nên để sống như vậy. Khi con người lê bước trong cát bụi, có cái gì đó nhắc ta nhớ lại rằng con người được dựng nên để sống với các vì sao. Khi con người lăn xả vào cuộc sống điên rồ, có tiếng thì thầm trong lòng người cho ta biết con người được dựng nên để sống vĩnh cửu. Thiên Chúa không dễ dàng buông thả ta và luôn có một cái gì đó không bao giờ cho phép ta quên mất rằng ta là con người tốt trong khi làm điều xấu, hay xem một việc làm của ta là tự nhiên khi ta vi phạm luật tự nhiên.


Ðức Giêsu kể cho ta nghe câu chuyện người thanh niên rời bỏ gia đình để trẩy đi phương xa. Tại đây, từ cuộc mạo hiểm này đến cuộc mạo hiểm khác, từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, chàng đi tìm sự sống. Nhưng chẳng bao giờ chàng tìm được sự sống mà chỉ hứng chịu sự thất vọng cô đơn. Càng đi xa nhà cha mình, chàng càng tiến tới bờ vực thẳm tuyệt vọng. Càng làm điều mình thích, chàng lại chẳng cảm thấy thích thú với điều mình làm. Thay vì đưa chàng tới miền đất đầy tràn sữa và mật, cuộc phiêu lưu lại đưa chàng đến tận cái máng đựng thức ăn cho loài heo. Dụ ngôn này luôn là lời nhắc nhở cho ta biết rằng con người dựng nên để sống trong nhà của Ðấng là Cha chúng ta, và rằng mọi cuộc phiêu lưu đến một miền đất xa lạ chỉ đem lại thất vọng và luyến tiếc.


Thiên Chúa còn dùng dụ ngôn này để dạy cho ta biết nhiều điều hơn thế nữa. Ðứa con hoang đàng không biết mình đích thực là gì khi bỏ nhà cha mình ra đi và nghĩ rằng lạc thú là cùng đích của đời mình. Nó chỉ biết mình đích thực là gì khi quyết tâm trở về nhà cha mình và sống như người con. Nó tìm lại được người cha luôn yêu thương và rộng tay đón nhận nó, lòng vui mừng hân hoan. Khi con người trở về mái nhà đích thực của mình, thì luôn tìm được niềm vui.


Con người đã đi lạc trong các miền xa lạ của thế giới trần tục, vật chất, tình dục, bất công xã hội. Cuộc mạo hiểm này đã khơi dậy nơi nền văn minh Phương Tây một cơn đói khát về các giá trị đạo đức thiêng liêng. Nhưng không bao giờ quá trễ để trở về nhà.


Ngày nay, Cha chúng ta ở trên trời cũng nói với nền văn minh Phương Tây: "Trong miền xa lạ của chủ nghĩa thực dân, hơn sáu trăm triệu người anh em da màu bị đàn áp về chính trị, bóc lột về kinh tế, chà đạp về nhân phẩm. Vậy hãy trở về với mái nhà đích thực của mình là nơi có tự do, công lý, huynh đệ, và Ta sẽ hân hoan vui mừng đón tiếp các ngươi". Thiên Chúa cũng nói với châu Mỹ một cách khẩn thiết: "Trong miền xa lạ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, các bạn đã đàn áp mười chín triệu anh em da đen, không để cho họ có cơ may phát triển và cầm giữ họ trong các khu biệt cư, tước đoạt hết quyền làm người của họ, chà đạp nhân phẩm của họ đến độ họ nghĩ rằng họ chẳng còn là người nữa. Vậy, các bạn hãy trở về ngôi nhà đích thực của các bạn là nơi có dân chủ, huynh đệ và tình thương của Thiên Chúa, và Ta sẽ vui mừng hân hoan đón tiếp các bạn, ban cho các bạn cơ may trở thành một quốc gia vĩ đại".


Trong tư cách là cá nhân hay tập thể nhân loại, ta phải nhận biết rằng ta được dựng nên cho điều vĩ đại, thanh cao và tốt lành, và mái nhà đích thực của ta chính là thánh ý của Thiên Chúa Cha chúng ta. Ta hãy chọn con đường dẫn tới sự sống sung mãn.


Cầu xin Thiên Chúa ban cho ta biết chọn con đường dẫn tới các đỉnh cao; ở đó, bây giờ và mãi mãi, ta được tặng ban "vinh quang danh dự làm mũ triều thiên".


(còn tiếp)


Martin Luther King, JR.

"Minuit - Quelqu'un frappe à la porte" trong "La Force d'aimer", Ed. Casterman, Paris 1965. Tóm tắt

Chuyển ngữ: Lm. Anrê Trần Hữu Phương, OFM

Nguồn: nguoitinhuu.com


____________________________

Bài liên quan:

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (1)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (2)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (3)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (4)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (5)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (6)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (7)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (8)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (9)

Dũng mạnh để yêu thương - Martin Luther King (10)