Linh đạo mười hai bước

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 283 | Cật nhập lần cuối: 1/28/2022 4:06:18 PM | RSS

Chương X: Linh đạo mười hai bước

Linh đạo mười hai bướcNgay từ đầu tập sách này, tôi đã nói rằng: Để phục hồi và cổ võ lòng quý mến bản thân, không một chương trình, phương pháp hay kỹ thuật nào có thể mang lại kết quả lâu dài, nếu không nối kết với những nguyên tắc tâm linh vững chắc. Qua từ "tâm linh", tôi không muốn ám chỉ "đời sống tôn giáo" theo nghĩa thông dụng. Tôi cũng không muốn nói đến những người đạo hạnh, hay các tín hữu của một tôn giáo hay cộng đoàn tín ngưỡng. "Tâm linh" là một thực tại siêu việt những cấu tố thể lý, tâm lý và cảm xúc, và đi tới chỗ thâm sâu nhất trong nội tâm con người. Linh đạo là một hệ thống ý nghĩa của mỗi người, một quan điểm cơ bản về thế giới và cách thức chúng ta đối phó với "cuộc sống". Theo nghĩa đó thì ngay cả người vô thần cũng có một linh đạo.

Mọi hệ thống tôn giáo đều cung cấp một linh đạo, tức là nhận thức và thực hành trong cuộc sống. Ở đây, tôi không dám phân tích, phê bình và nhận xét về sự khác biệt giữa các tôn giáo cũng như các khẳng định của các tôn giáo. Nếu một hệ thống tôn giáo nào đó có thể giúp bạn gia tăng lòng yêu mến bản thân và yêu thương tha nhân, thì tất nhiên là bạn có thể vận dụng lợi ích của tôn giáo ấy. Nếu bạn chưa tìm thấy một hệ thống tôn giáo nào khả dĩ giúp bạn phát huy tất cả tiềm năng của mình, thì tôi đề nghị bạn hãy chiếu cố đến Linh Đạo Mười Hai Bước. Tôi nghĩ rằng Linh Đạo Mười Hai Bước là nguyên tắc tâm linh vững chắc của tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân.

Linh Đạo Mười Hai Bước không đứng chung hàng ngũ với bất cứ niềm tin tôn giáo nào, môn phái hay giáo phái nào. Linh Đạo Mười Hai Bước là con đường phát triển đời sống tâm linh, được rút ra từ các nguyên tắc cơ bản mà chúng ta thường tìm thấy nơi các tôn giáo lớn trong lịch sử nhân loại. Linh Đạo Mười Hai Bước không mâu thuẫn và cũng không chống đối bất cứ hệ thống tôn giáo nào. Linh Đạo Mười Hai Bước dành cho mọi người.

Linh Đạo Mười Hai Bước là nền móng của Hội Bài Rượu (1). Ở đây, chúng ta chỉ cần nhắc đến sự thành công chưa từng thấy của Hội Bài Rượu trên khắp thế giới và nhiều nhóm liên kết với Linh Đạo Mười Hai Bước, khi đối phó với nhiều hình thức nghiện và lệ thuộc. Những tổ chức ấy đã giúp hàng triệu người nghiện ngập tìm lại sức khỏe, ý nghĩa và từ bỏ chất gây nghiện. Linh Đạo Mười Hai Bước phải là một sức mạnh phi thường thì mới gặt hái được thành công như thế. "Linh Đạo Mười Hai Bước có hiệu lực, khi bạn thực hành linh đạo ấy". Trong khi một số người khó thực hành Linh Đạo Mười Hai Bước, linh đạo ấy vẫn là một điều đơn sơ và dễ hiểu. Một số tác giả tu đức hiện nay dám quả quyết rằng Linh Đạo Mười Hai Bước là làn sóng tâm linh tương lai.

Vả lại, Linh Đạo Mười Hai Bước không loại trừ và cũng không tán thành bất cứ hệ thống tôn giáo nào. Linh Đạo Mười Hai Bước có thể thích hợp với lối sống của mọi người, dù họ thuộc tôn giáo nào. Linh Đạo Mười Hai Bước cũng không tự giới thiệu và quảng cáo như một giải pháp tâm linh. Người ta đến với Linh Đạo Mười Hai Bước là vì "bị thu hút", nhất là họ đã thấy các thành viên trong chương trình Mười Hai Bước "đang được phục hồi".

Tôi xin bình luận một chút về Linh Đạo Mười Hai Bước, cốt để độc giả nhận thấy điều này: Tôi tin rằng Linh Đạo Mười Hai Bước là nguyên tắc vững vàng và có thể được mọi người chấp nhận trong tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân. Hy vọng rằng, dù tôi chỉ giới thiệu Linh Đạo Mười Hai Bước một cách vắn gọn, tôi cũng không hề gây bất lợi cho linh đạo ấy. Nếu muốn biết rõ hơn về Linh Đạo Mười Hai Bước và chương trình Mười Hai Bước, độc giả có thể tìm đọc những tác phẩm bày bán trong các nhà sách, hay tiếp xúc với bất cứ nhóm nào đang thực hành Linh Đạo Mười Hai Bước. Phần lớn các khu vực quan trọng đều có hàng trăm nhóm sinh hoạt vào những ngày nhất định. Bạn có thể tham khảo Danh Bạ Điện Thoại để biết thông tin về Hội Bài Rượu.

Trong những chương đầu của tập sách này, chúng ta đã đề cập khá nhiều về Ba Bước đầu của linh đạo này, vì Ba Bước ấy giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi và cổ võ lòng quý mến bản thân. Ba Bước đầu là nền móng, và những Bước còn lại tùy thuộc vào ba Bước ấy. Thứ tự Mười Hai Bước cũng có lý do. Mặc dầu tất cả các Bước đều ảnh hưởng hỗ tương, sự thành công của Mỗi Bước còn tùy thuộc Bước đi trước đó.

Sự thành công của chương trình Mười Hai Bước phụ thuộc việc trí óc và con tim cởi mở tiếp nhận và cố gắng thực hành. Chương trình là một kế hoạch hành động. Các Bước cần được thực hiện. Như đã nói, việc chúng ta cần thực hiện chính là hoạt động nội tâm. Theo ý tác giả của Chương Trình Mười Hai Bước, phần lớn các hoạt động nội tâm sẽ diễn ra trong nội tâm thâm sâu của tầng vô thức. Nội tâm thâm sâu chính là nơi diễn ra tiến trình phục hồi và biến đổi nội tâm.

Linh Đạo Mười Hai Bước là một chương trình hết sức thích hợp với việc phục hồi lòng quý mến bản thân. Linh Đạo Mười Hai Bước là con đường phát triển lòng quý mến bản thân. Qua Linh Đạo Mười Hai Bước, chúng ta tìm cách biết mình và đánh giá bản thân một cách chính xác. Chúng ta tìm biết cốt lõi đích thực của mình, và khi đã tìm thấy, chúng ta phục hồi lòng quý mến bản thân sao cho phải lẽ.

(Lưu ý: Phần tóm lược và diễn giải là của tôi, chứ không phải là những điều đã được Hội Bài Rượu và những chương trình Mười Hai Bước xác nhận hay phê chuẩn).

Bước 1: Chúng ta thừa nhận mình không có quyền hành (đối với rượu, tình dục, cảm xúc, ma túy, công việc, người khác, yêu thương bản thân, v.v…) và chúng ta không thể quản lý cuộc đời của mình.

Bước thứ nhất là điều khó khăn nhất đối với phần lớn chúng ta, nhất là những ai chưa yêu thương bản thân cho phải lẽ. Vì không an tâm trong việc yêu thương bản thân, chúng ta thường khao khát "kiểm soát" và tìm kiếm sự bảo đảm và an toàn ngoại giới. Không ai trong chúng ta muốn nhìn nhận mình là kẻ bất lực trong hết mọi việc. Nhu cầu kiểm soát tồn tại trong chúng ta như Vua Con hay Hoàng Hậu Nhỏ. Vua Con và Hoàng Hậu Nhỏ không bao giờ muốn buông bỏ "quyền kiểm soát". Bước thứ nhất đặt chúng ta đứng trước nghịch lý thứ nhất, khi cam đoan rằng: Chúng ta sẽ thắng, nếu chúng ta chịu thua; chúng ta sẽ "nhận" được, nếu chúng ta "từ bỏ"; và chúng ta sẽ giành lại quyền điều khiển cuộc sống của mình, nếu chúng ta từ bỏ mọi quyền hành. Ví dụ, người nghiện chỉ bắt đầu phục hồi, nếu họ chấp nhận rằng họ không thể tự làm cho mình bình phục được.

Vì Vua Con, chúng ta bị nghiện ngập, thúc bách và ám ảnh quá sức tưởng tượng, đến mức chúng ta không muốn chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mất quyền kiểm soát đối với các thói nghiện ngập và ám ảnh. Cuộc sống không bảo đảm với ai vì bất cứ điều gì. Chúng ta chẳng hề được bảo đảm là mình sẽ phục hồi lòng quý mến bản thân, ngay cả khi chúng ta thực hiện chương trình một cách nghiêm túc. Cuộc sống chúng ta thì tràn ngập những điều huyền nhiệm và không thể dự đoán. Một vi khuẩn cực nhỏ cũng có thể chấm dứt mọi ước mơ và kế hoạch cao đẹp của chúng ta. Bất chấp sự phủ nhận ngoan cố của Vua Con, chúng ta ít có khả năng "kiểm soát" cuộc sống hay chẳng hề có khả năng "kiểm soát" cuộc sống.

Vì những đòi hỏi liên miên của Vua Con, nên chúng ta không thể quản lý cuộc sống của mình. Bất chấp mọi nỗ lực của mình, chúng ta không thể trở nên người như chúng ta muốn. Chúng ta không đạt tới chỗ chúng ta muốn. Bất chấp mọi mưu toan nhằm điều khiển người khác, các biến cố và cuộc sống của mình, mọi sự không diễn ra như chúng ta dự tính. Chúng ta không yêu thương bản thân như chúng ta cần yêu thương. Chúng ta không cảm thấy hạnh phúc như chúng ta muốn. Chúng ta không bình an như chúng ta muốn. Đơn giản là vì chúng ta không thể tự mình mà thực hiện được những điều ấy. Qua Bước thứ nhất, chúng ta có thể thẳng thắn nhìn nhận sự thật ấy.

Bước 2: Hãy tin rằng Quyền Năng Thượng Đẳng thì mạnh mẽ hơn chúng ta và có thể làm cho sức khỏe chúng ta được phục hồi.

Nếu chúng ta làm cho Vua Con chấp nhận sự bất lực của mình, chứ đừng phủ nhận và phản kháng nữa, thì đó sẽ là một bước đi rất quan trọng, khả dĩ giúp chúng ta chấp nhận điều này: Phải có một thế lực hay một ai mạnh mẽ hơn chúng ta và có thể giúp chúng ta thực hiện điều mà chúng ta không thể làm cho bản thân. Nếu chúng ta đủ khiêm tốn mà nhìn ngắm thế giới mênh mông, kỳ diệu và bí ẩn đang tiến hóa, chúng ta có thể thấy được điều này: Có những thế lực ở trên chúng ta và siêu việt chúng ta. Khi chúng ta từ bỏ cái ảo tưởng về quyền kiểm soát của mình, chúng ta có thể biết được sự thật này: Có một Quyền Năng đang điều khiển và hướng dẫn toàn thể tạo thành - một Quyền Năng đang điều khiển chúng ta, xét như thành phần của tạo thành, bất kể chúng ta có thích hay không và chúng ta muốn nghĩ tới điều ấy hay không - và Quyền Năng ấy quan tâm đến lợi ích của chúng ta và luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta muốn.

Bước này đưa chúng ta đến câu hỏi cơ bản mà chúng ta đã đề cập trong chương V: Phải chăng chúng ta chỉ là những hạt bụi trôi nổi bồng bềnh trong vũ trụ, hay chúng ta là con cái của Đấng Tạo Hóa đầy lòng nhân từ? Nếu chúng ta là hạt bụi vũ trụ, thì tôi không nên viết ra những lời này và bạn cũng không nên đọc những lời ấy. Trái lại, nếu chúng ta là con cái của Quyền Năng nhân từ, chúng ta có thể tin là mình đang nằm trong lòng bàn tay của Đấng Tốt Lành. Chúng ta có thể tin tưởng rằng đôi bàn tay ấy sẽ dẫn dắt chúng ta đến một cuộc sống lành mạnh và dễ thương hơn, nếu chúng ta muốn.

Bước 3: Bạn hãy quyết định trao phó ý muốn và cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

"Hãy buông bỏ và để Chúa lo": Đó là một khẩu hiệu của chương trình Mười Hai Bước. "Trao phó" là sẵn sàng từ bỏ ước muốn kiểm soát. Đây hẳn là một điều nghịch lý: Trao phó là hành động quan trọng nhất của việc yêu thương bản thân. Khi chúng ta trao phó ý muốn và cuộc đời mình cho Thiên Chúa, chúng ta làm cho bản thân biết rằng chúng ta đang chăm sóc và yêu thương bản thân, đồng thời chúng ta cung cấp cho bản thân một sự chăm sóc tốt nhất mà chúng ta có thể tìm thấy.

Chỉ nhìn nhận Thiên Chúa mà thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần phải trao phó ý muốn và cuộc đời cho Thiên Chúa, để Người chăm sóc cho chúng ta. Việc trao phó chỉ hữu hiệu, nếu chúng ta trao phó tận đáy lòng. Như chúng ta đã thấy, trao phó như thế hẳn là một việc khó thực hiện. Đó là lý do khiến chúng ta được yêu cầu phải lấy "quyết định trao phó" - ít nữa là chúng ta "sẵn sàng" trao phó bản thân. Cần có thời gian và ân sủng của Quyền Năng Thượng Đẳng thì chúng ta mới có thể trao phó bản thân thật sự.

Trao phó là để cho Quyền Năng Thượng Đẳng ngồi trên ngai vàng thay cho Vua Con. Đó là điều khiển chúng ta rất do dự. Vua Con đâu muốn thoái vị. Chúng ta luôn luôn tìm cách thoái thác. Chúng ta từ bỏ điều này một chút và điều kia một chút, nhưng chúng ta vẫn muốn điều khiển cuộc đời của mình. Chúng ta khao khát duy trì một chút quyền hành đối với cuộc đời của mình, vì chúng ta mang ảo tưởng mà nghĩ rằng chút quyền hành ấy sẽ có tác dụng. Thế nhưng, chút quyền hành ấy chẳng bao giờ có tác dụng.

Ở đây, chúng ta không đồng tình với nhiều tác giả cổ võ sự "tự lập" và chương trình nhắm đến mục tiêu chính yếu là giúp chúng ta tăng cường ý chí và quyền "kiểm soát" nhiều hơn. Trong khi đưa ra những chiến lược xuất sắc để kiến tạo lòng tự trọng và quý mến bản thân, họ lại đề nghị chúng ta thực hiện những chiến lược ấy trong một hoàn cảnh mà chúng ta chẳng làm được gì. Đó chính là lý do khiến cho các tác phẩm cổ võ sự tự lập "không có tác dụng", như một người bạn của tôi đã khẳng định. Khi thực hiện những chiến lược ấy, họ không "trao phó" bản thân, nhưng vận dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát nhiều hơn. Họ không cậy dựa vào Quyền Năng Thượng Đẳng, nhưng đề cao vai trò của Vua Con.

Sở dĩ Linh Đạo Mười Hai Bước có tác dụng, ấy là vì chúng ta thực hiện linh đạo ấy trong tâm tình phó thác. Chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy lòng quý mến bản thân, nếu chúng ta mở rộng và đề cao quyền lực của mình. Chúng ta có thể tiếp tục phục hồi lòng quý mến bản thân, khi chúng ta thực hiện những hành động yêu thương vì lợi ích của mình (hay khi chúng ta thực hiện những chiến lược của nhiều tác giả cổ võ sự tự lập), bao lâu chúng ta đừng phấn đấu mà giành cho được quyền năng và quyền điều khiển giống như Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta khiêm tốn nhìn nhận bản tính phàm hèn và hữu hạn của mình, và nhìn nhận sự hiện diện của Quyền Năng Thượng Đẳng, bấy giờ những nỗ lực phục hồi lòng quý mến bản thân mới trở nên thiết thực. Chỉ khi nào chúng ta trao phó ý muốn và cuộc đời mình, chúng ta mới có được sự bình an nội tâm mà chúng ta khao khát. Trao phó bản thân càng ít, chúng ta càng chịu nhiều đau khổ.

Cần phải có thời gian thì chúng ta mới hiểu rõ bài học ấy. Có lẽ chúng ta cũng cần phải có thời gian thì mới biết được những điều này: Tự sức mình, chúng ta không thể thực hiện một công việc quan trọng như thế; có nhiều điều chúng ta nghĩ là tốt, nhưng lại không tốt cho cuộc sống chúng ta; và sau khi chúng ta đã chiếm được điều mà mình muốn, chúng ta thường nhận thấy đó chẳng phải là những điều thực sự cần thiết. Khi chúng ta từ bỏ bao nhiêu có thể, chúng ta nhận thấy mình chẳng mất mát bao nhiêu.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ dễ từ bỏ hơn, khi chúng ta nhận ra những sự tai hại mà Vua Con đã gây ra cho cuộc sống chúng ta. Sẽ dễ từ bỏ hơn, nếu chúng ta nhìn nhận rằng nếu không có thái độ phó thác, những chiến lược củng cố quyền lực và kiểm soát sẽ chẳng mấy có tác dụng trong việc phát triển bản thân.

Chúng ta luôn luôn cảm thấy ít nguy hiểm khi thực hiện những bước đi nhỏ nhặt. Chúng ta càng nỗ lực thực hiện Bước thư ba, chúng ta càng sẵn sàng từ bỏ và nhận thức rằng Quyền Năng Thượng Đẳng đang chăm sóc cho chúng ta hơn chúng ta mong ước. Có lẽ không phải lúc nào Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta những điều chúng ta muốn, nhưng nếu chúng ta chân thành trao phó bản thân trong tay Người, Người sẽ luôn luôn ban cho chúng ta những điều thật sự cần thiết. Sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm tình yêu thương của Quyền Năng Thượng Đẳng. và kể từ thời thơ ấu, có lẽ đó sẽ là lần đầu tiên mà chúng ta cảm thấy an toàn và an tâm.

Bước 4: Bạn hãy lấy lòng dũng cảm mà xét mình và liệt kê những phẩm chất đạo đức của mình.

Để yêu thương bản thân sao cho thích đáng, trước tiên chúng ta cần phải biết mình. Khám phá bản thân là một hành động quan trọng trong tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân. Chúng ta không thể quý mến điều chúng ta không biết. Nếu chúng ta muốn yêu thương bản thân cho phải lẽ, chúng ta cần biết những điều khiến mình khó chịu. Nếu bản thân có những điều khiến chúng ta yêu thích, chúng ta hảy khám phá tất cả. Nếu bản thân có những điều khiến chúng ta không thích, chúng ta hãy thay đổi.

Bước thứ tư thôi thúc, chúng ta khám phá tất cả những gì hiện diện nơi bản thân - điều tốt và điều xấu, mặt sáng và mặt tối. Điều ấy đòi hỏi chúng ta phải lấy lòng dũng cảm mà chân thành chấp nhận những gì chúng ta thấy và quan sát được nơi bản thân. Chúng ta không phê phán, lên án hay hổ thẹn vì bản thân. Chúng ta chỉ muốn nhận thức mình là ai và chúng ta thật sự là gì, rồi từ đó chúng ta sẽ rèn luyện bản thân.

Để liệt kê những phẩm chất đạo đức, chúng ta nên lập một danh sách bao gồm những điểm tích cực, tài năng, năng khiếu, tiềm năng, v.v…, và một danh sách bao gồm những điểm tiêu cực, khuyết điểm, lỗi lầm, "tội lỗi", v.v… Có thể phải mất hàng tuần hay hàng tháng mới có thể lập được những danh sách đó. Khi đã lập được những danh sách ấy, đúng là chúng ta đã bắt đầu biết mình là ai.

Bước 5: Trước mặt Thiên Chúa, bản thân và người khác, chúng ta hãy nhìn nhận những điều sai trái mà mình đã phạm.

Tất cả chúng ta đều che đậy những điều xấu xa. Có nhiều rác rưởi trong căn phòng linh hồn mà chúng ta chưa bao giờ quét dọn. Bao lâu rác rưởi vẫn còn ở đấy, bản thân chúng ta không bao giờ cảm thấy mình đáng yêu. Khi chúng ta lôi những "điều sai trái" ra ánh sáng, chứ không còn che đậy nữa, thì đó là một trong những hành động mà chúng ta có thể thực hiện để giữ gìn linh hồn mình.

Chúng ta sợ bộc lộ những khuyết điểm của mình, ngay cả với bản thân của mình. Để làm được điều ấy, ngay cả với bản thân của mình. Để làm được điều ấy, chúng ta cần phải có lòng khiêm hạ. Thế nhưng, khi chúng ta bộc lộ bản thân với Thiên Chúa, với chính mình và với người khác, thì đó thường là con đường duy nhất giúp chúng ta biến cảm xúc hổ thẹn thành cảm xúc có tội.

Như chúng ta đã nói, cảm xúc có tội là tâm trạng hối tiếc về những việc chúng ta đã làm, còn cảm xúc hổ thẹn là tâm trạng hối tiếc vì bản thân. Cảm xúc có tội cho chúng ta biết mình đã phạm sai lầm; còn cảm xúc hổ thẹn khẳng định chúng ta là kẻ sai lầm. Cảm xúc có tội thì lành mạnh và hoàn toàn chính đáng. Cảm xúc có tội giúp chúng ta nhận ra những điều cần phải thay đổi. Chúng ta trở nên lành mạnh và yêu thương bản thân nhiều hơn, khi chúng ta thay đổi những điều cần phải thay đổi. Trái lại, cảm xúc hổ thẹn thì không lành mạnh. Cảm xúc hổ thẹn gây nguy hại cho lòng quý mến bản thân. Thậm chí, cảm xúc hổ thẹn làm cho chúng ta không còn đủ sức để thay đổi những điều cần phải thay đổi hầu quý mến bản thân.

Khi chúng ta thừa nhận những điều sai trái và thú nhận trước mặt người khác, điều ấy làm cho chúng ta bước đi trên đường phục hồi lòng quý mến bản thân và thoát khỏi cảm xúc hổ thẹn là cảm xúc tai hại đối với chúng ta. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không mấy sẵn sàng nói cho người khác biết mặt tối của mình. Đó là lý do khiến chúng ta phải thận trọng khi chia sẻ với người khác. Chúng ta chỉ nên chia sẻ với người mà chúng ta tin tưởng. Tuy nhiên, việc chia sẻ giải thoát chúng ta khỏi áp lực của những "bí mật" ngày càng gia tặng. Về phương diện tâm lý, chúng ta chỉ có thể tha thứ cho bản thân, nếu chúng ta "lôi" những bí mật ấy ra ngoài. Chúng ta chỉ cảm thấy mình sẵn sàng phó thác, khi chúng ta để bản thân trong tình trạng dễ bị tổn thương, bằng cách nói cho người khác biết những gì đang cản trở chúng ta yêu thương bản thân.

Khi chúng ta chia sẻ như thế, có lẽ đó là kinh nghiệm đầu tiên về sự thân mật. Chia sẻ như thế là kinh nghiệm đầu tiên về việc chấp nhận bản tính nhân loại của mình. Chia sẻ như thế là kinh nghiệm đầu tiên vê việc giải thoát bản thân khỏi ngục tù.

Bất chấp những kinh nghiệm nói trên, Bước thứ năm là một thông điệp công bố cho bản thân biết điều này: Chúng ta đang yêu mến bản thân và chăm sóc cho bản thân, đồng thời chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, khi chúng ta bộc lộ những khiếm khuyết của mình để được xem xét, tha thứ và bỏ qua.

Bước 6: Bạn hãy sẵn sàng để cho Thiên Chúa loại trừ những khiếm khuyết của mình.

"Buông bỏ" hẳn là một việc hết sức khó khăn, ngay cả khi chúng ta phải buông bỏ những khuyết điểm không ngừng làm cho chúng ta cảm thấy vô giá trị. Tất cả chúng ta đều có một chút ái khổ (2). Chúng ta thích sống tại nơi chúng ta đã quen thuộc - dù nơi ấy có thể làm cho chúng ta khó chịu - chứ không muốn đến nơi mà chúng ta chưa biết.

Đôi khi chúng ta có cảm tưởng rằng, nếu chúng ta từ bỏ khiếm khuyết thì chúng ta chẳng còn lại gì nữa, hay cuộc sống sẽ trở nên hết sức nhạt nhẽo. Khi người nô lệ đã quen với xiềng xích, họ không tể tưởng tượng là mình có thể sống mà không mang xiềng xích. Chúng ta có thể tuyên bố là mình muốn trưởng thành, muốn yêu thương bản thân và tống khứ mọi trở ngại, nhưng "có trải qua thử thách mới biết thật giả". Cái cũ phải chết, thì cái mới sẽ xuất hiện.

Chúng ta đừng vội vàng tống khứ mọi khuyết điểm sau một lần lấy quyết định. Thời gian nội tâm sẽ hướng dẫn chúng ta. Yêu cầu của Bước thứ sáu là chúng ta phải "hoàn toàn sẵn sàng". Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để cho Thiên Chúa cất đi những khiếm khuyết, khi Người thấy thích hợp và bằng một cách thích hợp. Thật an ủi biết bao, khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa lãnh trách nhiệm loại trừ những khiếm khuyết của chúng ta. Chúng ta không buộc phải đi vào cơn lốc để thanh tẩy bản thân. Chúng ta đặt những khiếm khuyết của mình trong tay Thiên Chúa và ngay cả kế hoạch loại trừ những khiếm khuyết ấy.

Bước 7: Bạn hãy khiêm tốn nài xin Thiên Chúa loại trừ những thiếu sót của mình.

Nếu chúng ta thật sự sẵn sàng trao phó cuộc đời và ý muốn của mình, ắt chúng ta sẽ đặt bản thân trong tay Thiên Chúa. Chúng ta trao cho Người nhiệm vụ loại trừ những điều thiết sót đang ngăn cản chúng ta yêu thương bản thân. Phần mình, chúng ta không thể tự mình mà loại trừ những thiếu sót ấy được. Những thiếu sót ấy là một phần của bản thân. Chúng ta gắn bó với thiếu sót ấy. Thậm chí, chúng ta không muốn thừa nhận đó là những thiếu sót của mình. Thiên Chúa sẽ đảm nhận nhiệm vụ loại trừ những thiếu sót ấy vào thời điểm thích hợp. Trong Bước này, chúng ta được yêu cầu thể hiện lòng khiêm nhường - khiêm nhường nài xin điều chúng ta cần. Với thái độ khiêm nhường, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng có khả năng cải thiện chúng ta. Khi chúng ta không còn hống hách và đòi quyền điều khiển bản thân, ngay cả những sự thiếu sót của mình, bấy giờ chúng ta sẽ được tự do hơn mà trở nên chính mình.

Bước thứ bảy cũng giúp chúng ta khỏi phải đánh giá đâu là những điều thiếu sót. Có những điều nơi bản thân mà chúng ta có thể xem là thiếu sót, nhưng kỳ thực đó lại là tài nguyên của chúng ta. Có những điều chúng ta có thể xem là tài nguyên, nhưng thật sự là những thiếu sót. Chúng ta hãy để Thiên Chúa quyết định. Chúng ta hãy sẵn sàng chấp nhận bản thân, chứ đừng hạ nhục hay khiển trách bản thân, và cũng đừng trừng phạt hay làm cho bản thân cảm thấy hổ thẹn. Chúng ta chấp nhận bản thân cùng với những thiếu sót của mình, rồi để cho Quyền Năng Thượng Đẳng tùy ý loại trừ những thiếu sót ấy.

Bước 8: Bạn hãy lập một danh sách bao gồm mọi người mà bạn đã làm tổn thương, rồi bạn hãy quyết tâm bồi thường cho họ.

Khi tiếp tục tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân, sự thường thì chúng ta không thể biết những điều tai hại mà mình đã vô tình gây ra cho bản thân, trước khi chúng ta biết rõ những điều tai hại mà mình đã gây ra cho người khác. Đây là điều đáng ngạc nhiên: Những tổn thương mà chúng ta gây ra cho người khác, thường phản ánh những tổn thương mà chúng ta gây ra cho bản thân.

Chúng ta hãy liệt kê những người bị thiệt hại vì hành động của chúng ta, càng thấu đáo thì chúng ta càng cảm thấy hối tiếc. Danh sách ấy có thể khá dài. Chúng ta càng tiếp xúc với nhiều người, gia đình chúng ta càng lớn và mối tương quan của chúng ta càng rộng, thì chúng ta càng có nhiều "nguy cơ" gây tổn thương cho người khác. Dù chúng ta cảm thấy buồn phiền đến mấy đi nữa, đó là một hành động thanh luyện tâm hồn. Chúng ta chịu trách nhiệm về những tổn thương mà mình đã gây ra cho người khác. Khi chúng ta sẵn sàng đương đầu với những hành vi sai trái của mình, điều ấy chứng tỏ chúng ta đảm nhận trách nhiệm đối với bản thân.

Khi chúng ta "quyết tâm bồi thường" cho mọi người bị thiệt hại, chúng ta thể hiện trách nhiệm giải trình. Chúng ta không bao giờ có tinh thần "trách nhiệm" thực sự, trừ phi chúng ta chịu trách nhiệm về những hậu quả do việc chúng ta đã làm hay không làm. Chúng ta quyết tâm bồi thường, vì đó là cách thức giúp bản thân thấy rằng chúng ta muốn sống một cuộc đời liêm chính.

Trong kế hoạch mà Quyền Năng Thượng Đẳng đã dự liệu cho chúng ta, không một hành động nào của chúng ta được coi là ngẫu nhiên, kể cả những sai lầm. Những sai lầm trong quá khứ là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm chuẩn bị cho tương lai. Khi chúng ta chân thành nhìn nhận những tổn thương mà mình đã gây ra cho người khác và quyết tâm bồi thường, thì đó là cách thức loại bỏ cảm xúc hổ thẹn và biến những sai lầm của mình trở nên một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa. Những điều tiêu cực có thể trở nên tích cực.

Bước 9: Khi có thể, bạn hạy trực tiếp bồi thường cho những người ấy, trừ khi bạn làm như thế, ắt sẽ gây thiệt hại cho họ hay cho người khác.

Chúng ta không thể yêu thương bản thân cho phải lẽ, nếu chúng ta mang đầy cảm xúc tự khiển trách. Khi chúng ta yêu thương bản thân nhiều hơn, thì hầu chắc là chúng ta sẽ ý thức và nhạy bén hơn đối với những tổn thương mà chúng ta gây ra cho người khác. Điều đó có thể làm cho chúng ta hối lỗi.

Cảm xúc có tội là một tâm trạng lành mạnh và có thể thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành động có lợi cho mình, nếu chúng ta sẵn sàng làm một điều gì đó. Điều chúng ta cần thực hiện là bồi thường cho những kẻ bị thiệt hại, mỗi khi chúng ta có thể bồi thường. Chúng ta cần làm sáng tỏ trách nhiệm của mình và sửa chữa lỗi lầm. Nếu chúng ta không sửa chữa những thiệt hại mà mình đã gây ra, nội tâm chúng ta sẽ nhớ lại những điều ấy và tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại hơn chúng ta tưởng.

Trong nhiều trường hợp thì chúng ta không thể bồi thường trực tiếp. Chúng ta không còn tiếp xúc với rất nhiều người mà chúng ta đã xúc phạm trong quá khứ. Trong những trường hợp ấy, điều chúng ta có thể thực hiện là "đừng nghĩ đến những điều ấy" nữa và ước mong họ sẽ gặp được những điều tốt nhất. Nếu có những trường hợp cụ thể mà chúng ta cần phải bồi thường, thì chúng ta hãy thực hiện. Có thể là một lời xin lỗi hay hoàn lại của cải vật chất.

Khi bồi thường cho người thiệt hại trong quá khứ mà gặp nhiều bất lợi hơn thuận lợi, chúng ta đừng thực hiện. Chúng ta không thể chữa lành bản thân, khi chúng ta khơi lại những vết thương cũ mà làm cho người khác bị tổn thương thêm một lần nữa. Chúng ta làm hết sức để "thực hiện đức công bình", rồi để Quyền Năng Thượng Đẳng xử lý những việc còn lại.

Bước 10: Bạn hãy tiếp tục khám phá bản thân, và khi thấy mình sai trái thì hãy nhận lỗi.

"Nhà cửa ngăn nắp" là một bước quan trọng trong việc chữa lành bản thân. Chúng ta tỏ cho bản thân biết mình đang yêu thương bản thân, khi chúng ta loại bỏ những thứ hành trang chủ bại mà chúng ta mang theo từ quá khứ. Chúng ta thay đổi từng ngày, nhưng hành trình cải thiện bản thân thì không bao giờ hoàn thành. Là con người bất toàn, chúng ta sẽ tiếp tục phạm sai lầm.

Chúng ta không phải là người hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo. Bước thứ mười để cho chúng ta làm người bất toàn. Bước thứ mười cho phép chúng ta sống như phàm nhân. Bước này buộc chúng ta phải đối diện với những hạn chế trong cuộc sống hằng ngày và giúp chúng ta đừng dựa vào ảo tưởng "cầu toàn" mà phục hồi lòng quý mến bản thân. Chúng ta sẽ không phủ nhận những khiếm khuyết của mình, và cũng không che giấu tội lỗi của mình. Chúng ta sẽ đảm nhận trách nhiệm về bản thân và yêu thương bản thân đủ mức, để ngày nay chúng ta giám sát sự tiến bộ của mình. Khi chúng ta vi phạm các nguyên tắc của mình và rời xa con đường yêu thương bản thân, chúng ta sẽ thú nhận ngay lập tức. Chúng ta sẽ đối phó với vấn đề ấy khi có cơ hội.

Quả là một sự tự do tuyệt vời, khi chúng ta không còn để cho Vua Con phủ nhận những khiếm khuyết của mình. Hẳn là một sự khuây khỏa tuyệt vời, khi chúng ta có thể nhìn nhận những sai trái của mình và xin lỗi ngay lập tức. Chúng ta chấm dứt thói "nhút nhát" và tránh né, vốn là nguyên nhân làm cho chúng ta không ý thức về sự toàn vẹn của mình.

Bước 11: Qua việc cầu nguyện và suy gẫm, bạn hãy tìm cách cải thiện mối tương quan với Thiên Chúa, xin Người tỏ cho bạn biết Thánh Ý Người và ban cho bạn nghị lực để thực hiện Thánh Ý Người.

Các vị linh sư uyên thâm đã dạy rằng: Đấng Tạo Hóa, từ Bản Ngã Vĩnh Cửu, thì hiện diện trong cõi lòng thâm sâu của bản ngã chúng ta. Có vị còn cho rằng bản ngã thâm sâu có thể được đồng hóa với Bản Ngã Vĩnh Cửu. Bất chấp quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa, Quyền Năng Thượng Đẳng đang hiện diện trong linh hồn chúng ta. Quyền Năng Thượng Đẳng ở trong chúng ta, nơi chúng ta đích thật là chính mình. Đó là lý do duy nhất khiến chúng ta muốn tiếp xúc gần gũi với nguồn mạch vô biên.

"Cầu nguyện" là thưa chuyện với Quyền Năng Thượng Đẳng; "suy gẫm" là lắng nghe Quyền Năng Thượng Đẳng đang lên tiếng trong chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta xin cho mình biết được Thánh Ý Thiên Chúa; khi suy gẫm, chúng ta lắng nghe Người trả lời.

Khi cầu nguyện, chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh mà tự mình, chúng ta không thể có được. Khi cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa cho chúng ta biết thi hành Thành ý Người và tin tưởng rằng Người sẽ trợ giúp chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta yêu thương bản thân. Người luôn sẵn sàng thực hiện những điều làm cho chúng ta được viên thành, nếu chúng ta để cho Người thực hiện.

Quả là một điều an ủi, khích lệ và truyền cảm, khi chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa có thiện ý đối với chúng ta. Chúng ta không bị bỏ rơi hay quên lãng. Đấng Tạo Hóa đã lên kế hoạch cho chúng ta và Người sẽ thực hiện kế hoạch ấy vì lợi ích của chúng ta, nếu chúng ta để cho Người thực hiện.

Khi chúng ta cộng tác với Quyền Năng Thượng Đẳng, chúng ta sẽ để cho Quyền Năng Thượng Đẳng mang lấy gánh nặng của việc phục hồi thay cho chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là sẵn sàng phó thác mỗi ngày một hơn. Chúng ta càng buông bỏ, thì Thiên Chúa càng có thể hành động. Chúng ta thực hiện những gì cần phải làm, rồi ký thác mọi kết quả trong tay Thiên Chúa. Chúng ta "bơi xuôi theo dòng chảy". Chúng ta không đòi hỏi phải được "trợ giúp ngay lập tức". Chúng ta tin rằng mọi điều xảy đến với chúng ta đều nằm trong Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, những điều ấy đều có lợi cho chúng ta, dù chúng ta có thấy được hay không.

Bước 12: Sau khi đã được giác ngộ nhờ các bước trên đây, chúng ta tiếp tục chuyển tải sứ điệp ấy cho những người khác, và thực hành các nguyên tắc ấy trong mọi việc chúng ta làm.

Khi thực hiện mọi việc tốt lành, chúng ta đều khao khát chia sẻ "tin mừng" cho người khác. Khi chia sẻ niềm hạnh phúc với người khác, niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân lên gấp đôi.

Khi thực hành Linh Đạo Mười Hai Bước, chúng ta bộc lộ chuyện riêng của mình, "tin vui" và "tin mừng" của mình. Trên thực tế, nếu chúng ta thực hành Linh Đạo Mười Hai Bước, chúng ta sẽ được "giác ngộ". Linh Đạo ấy không thể không tác động đến khái niệm bản thân và hành vi của chúng ta. Linh Đạo ấy không thể không biến đổi chúng ta và ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc chúng ta nhận thức về bản thân và yêu thương bản thân.

Nếu "chưa được khai tâm" hay yếm thế, người ta có thể nghĩ rằng Linh Đạo Mười Hai Bước là một phương pháp quá đơn giản. Thế nhưng, sự thật đâu phải như vậy. Linh Đạo Mười Hai Bước là những nguyên tắc nền tảng của các tôn giáo lớn trong lịch sử nhân loại. Linh Đạo ấy đã tác động đến hàng triệu người. Linh Đạo ấy tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hàng triệu người đang khắc phục những thói nghiện ngập, trong lúc những phương pháp khác chẳng mấy thành công, nếu không muốn nói là chẳng hề thành công. Đừng vì tính chất "đơn giản" của Linh Đạo ấy mà coi nhẹ sức mạnh của Linh Đạo Mười Hai Bước.

"Hãy yêu thương tha nhân như chính mình". Một khi chúng ta đã giác ngộ và bắt đầu yêu thương bản thân thật sự, chúng ta thực hành bước kế tiếp là đem tin vui - tức là việc chúng ta đang được chữa lành - cho những ai đang cần được chữa lành. Lòng yêu thương bản thân bắt đầu tuôn trào ra ngoài ranh giới của bản thân và tuôn đổ trên những người khác. Đó là bản chất của tình yêu. Khi yêu thương người khác, chúng ta không thể không chia sẻ tình yêu với họ. Theo giáo huấn của phần lớn các tôn giáo, đây là lý do đầu tiên khiến Đấng Tạo Hóa dựng nên thế giới: Người đã tuôn đổ tình yêu và thế giới bắt đầu hiện hữu.

Tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân là một quà tặng. Ngay cả khi chúng ta thực hiện những hành động tích cực vì lợi ích của mình, chúng ta vẫn tiếp tục phó thác, vì tự mình chúng ta không đủ khả năng yêu thương bản thân. Khi phó thác, chúng ta đón nhận những gì làm cho chúng ta trở nên toàn vẹn. Chúng ta càng yêu thương bản thân, chúng ta càng sẵn sàng và có khả năng yêu thương những kẻ túng thiếu. Chúng ta vươn tay ra không phải để thay đổi người khác. Họ phải tự thay đổi vào thời điểm thích hợp, như chúng ta thay đổi vào lúc thích hợp. Không ai có thể lấp đầy "lỗ hổng" trong tâm hồn chúng ta, cho đến khi chúng ta đạt tới chỗ không thể quay trở lại và nhìn nhận sự vô hiệu của những nỗ lực mà chúng ta thực hiện nhằm mưu cầu hạnh phúc như chúng ta khao khát và đáng hưởng. Chúng ta cũng sẽ làm như thế khi ứng xử với người khác.

Chúng ta vươn mình ra để chia sẻ "niềm vui dạt dào của mình"và những công trình mà Quyền Năng Thượng Đẳng đã thực hiện nơi chúng ta. Chúng ta chia sẻ chuyện đời của mình, chứ không bảo người khác phải hành động như chúng ta. Chúng ta lôi kéo người khác đến với tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân, bằng cách làm cho họ thấy được tình yêu đang hoạt động nơi chúng ta, chứ không truyền dạy hay thúc bách họ thay đổi.

Chúng ta không bao giờ biết đâu là những điều tốt nhất đối với người khác, nên cách tốt nhất mà chúng ta có thể trợ giúp họ là chúng ta thực hiện tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân của mình. Chúng ta gây ấn tượng cho người khác và lôi kéo họ tham gia vào tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân, khi chúng ta tác động đến những vấn đề của mình và đạt được những kết quả mỹ mãn.

Qua Bước này, chúng ta học được một điều rất nghịch lý: Chúng ta chỉ có thể nắm giữ một quà tặng, khi chúng ta trao ban quà tặng ấy cho người khác. Nếu chúng ta muốn tiếp tục tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân, nhất thiết chúng ta phải sẵn sàng chia sẻ tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận. Khi chúng ta thật lòng chia sẻ tình yêu với người khác, chúng ta càng biết cách yêu thương bản thân hơn. Khi chúng ta thay đổi, thì thái độ của chúng ta cũng thay đổi; và khi thay đổi thái độ, chúng ta nhận thấy người khác cũng đang thay đổi. Chúng ta hãy nhớ lại điều mà chúng ta đã nói trong những chương trước. Chúng ta thay đổi thế giới, khi chúng ta thay đổi bản thân. Khi thay đổi bản thân, chúng ta bắt đầu nhận thấy giá trị vô hạn của mỗi đồng loại và mọi đồng loại, vì họ cũng được kêu gọi hướng đến một số phận và vinh quang như chúng ta.

Chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc mà chúng ta đã học được qua Linh Đạo Mười Hai Bước trong mọi lối sống. Đó là lý do khiến chúng ta cam kết thực hành những nguyên tắc ấy qua mọi công việc hằng ngày. Linh Đạo Mười Hai Bước là một lối sống. Tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân là một lối sống.

Đánh giá đời sống tâm linh

Sẽ hữu ích cho việc phục hồi lòng quý mến bản thân, nếu chúng ta biết khám phá quá trình phát triển đời sống tâm linh. Những lời phát biểu dưới đây bắt nguồn từ Linh Đạo Mười Hai Bước và có thể hữu ích trong việc khám phá bản thân. Chúng ta có thể xác định mình đang đứng nơi đâu và những điều mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn. Chúng ta hãy kiểm tra và xem đâu là những điều mà chúng ta có thể áp dụng.

- Tôi đang sống trong giây phút hiện tại, vì biết rằng "HIỆN TẠI" là tất cả những gì thực hữu. Tôi chấp nhận "những điều đang hiện hữu" như những điều có ý nghĩa đối với tôi bây giờ.

- Tôi thích một cuộc sống giản dị; tôi thích những điều giản dị trong cuộc sống: Tôi cố gắng "giữ cho cuộc sống giản dị". Tôi quý trọng khẩu hiệu này: "Dĩ hòa vi quý".

- "Tiệm tiến và thận trọng". "Tôi sống từng ngày một". "Việc quan trọng thì làm trước". Tôi biết rằng bất cứ điều gì xảy đến rồi "cũng sẽ qua đi".

- Tôi nhìn nhận có một Quyền Năng đang hoạt động trong thế giới này và Quyền Năng ấy thì lớn hơn tôi. Tôi nhìn nhận rằng Quyền Năng ấy đang yêu thương và chăm sóc tôi.

- Tôi tin tưởng bản thân mình và chấp nhận lời sau đây như một chỉ thị quan trọng nhất: "Hãy tự mình bước đi". Tôi chấp nhận bản thân và biết ơn cuộc sống, cũng như các cơ hội hạnh phúc mà cuộc sống cung cấp cho tôi.

- Tôi chấp nhận rằng Thiên Chúa - như tôi tin - đã dự định một kế hoạch cho tôi. Tôi đang tiến bước hướng về số phận mà tôi được kêu gọi một cách cụ thể. Tôi có một sứ mạng. Tôi tin rằng Thiên Chúa đang chỉ dạy và hướng dẫn tôi hoàn thành số phận của mình. Tôi sẽ "buông bỏ và để Chúa lo".

- Tôi để ý đến khía cạnh tích cực trong mọi việc và sự việc có xoay vần thế nào đi nữa, thì đó cũng là điều tốt nhất đối với tôi.

- Tôi nhìn nhận mình là một phàm nhân bất toàn. Tôi không buộc phải trở nên hoàn hảo. Tôi nhìn nhận những sai lầm mà tôi sẽ phạm, tiếp tục hối tiếc về những lỗi lầm ấy và sửa đổi. Tôi quyết tâm để cho Thiên Chúa loại bỏ những nhược điểm nơi tính cách của tôi, từ nhược điểm này đến nhược điểm khác.

- Tôi nhìn nhận và chấp nhận rằng cuộc sống là một huyền nhiệm, cùng với những sự mơ hồ và nghịch lý trong cuộc sống.

- Tôi cảm thấy mình được nối kết với mọi người và mong sao cho họ gặt hái được những điều tốt đẹp nhất, như tôi muốn mình gặt hái được.

- Tôi sẵn sàng tha thứ.

- Càng ngày tôi càng có khả năng tách rời với bản thân và có một cái nhìn khách quan về bản thân; tôi xem cuộc sống mình như một vở kịch được trình diễn trên sân khấu. Tôi có thể cười chính mình.

- Mỗi ngày, tôi suy niệm và cầu nguyện với Quyền Năng Thượng Đẳng.

- Tôi tìm cách phát huy tiềm năng và ý thức của mình, đồng thời tôi cầu xin Quyền Năng Thượng Đẳng giúp tôi vượt qua chính mình.

- Tôi tìm cách kết hiệp với Đấng Tạo Hóa là Cội Nguồn của mọi sinh linh.

Michael R. Kent
Chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, OFM

Trích "Yêu thương bản thân, nguyên tắc và thực hành", tr. 304-327.

__________________________

Chú thích:

(1) Alcoholics Anonymous.

(2) Masochism: X. Bảng chú dẫn.