Lòng thương xót (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1204 | Cật nhập lần cuối: 5/30/2016 9:32:33 AM | RSS

(tiếp theo)

Lòng thương xót (3)3. Mẹ Maria, kiểu mẫu nguyên thủy của lòng xót thương

Những gì xuất hiện một cách ấn tượng trong vô số lời kinh và trong các tác phẩm nghệ thuật tìm được sự diễn tả mang tính Thần học của thánh Ambrôsiô. Trong bài suy niệm Tin Mừng thánh Luca, thánh Ambrôsiô đã gọi Mẹ Maria là “kiểu mẫu nguyên thủy” của Giáo hội. Công Đồng Vaticanô II đã sử dụng lại cụm từ này một cách cụ thể. Với tư cách là người đầu tiên được cứu độ, Mẹ Maria là nguyên mẫu cho tất cả những người được cứu độ; vì là Mẹ Đấng Cứu Chuộc, Maria đồng thời cũng là Mẹ của mọi kẻ được chuộc tội. Người là Mẹ chúng ta trong chiều kích ân sủng. Công Đồng Vaticanô II vì vậy đã diễn tả niềm xác tín này, là niềm xác tín của đa số Kitô hữu với những lời lẽ như sau:

“Tình Mẹ khiến ngài chăm lo cho các anh em của Con mình khi họ chưa đi hết con đường hành hương, hay khi họ còn ở giữa những gian nguy và thử thách, cho tới lúc họ về tới quê hương vạn phúc”. (câu này được Đức Gioan Phaolô II trích trong: Thiên Chúa đầy lòng thương xót, 9)

Trong suốt chiều lịch sử của mình, Giáo hội đã học cách nhận thức Đức Maria không chỉ là một chứng nhân, một mẫu gương, mà còn như một thụ tạo đặc biệt, là kết quả của lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ Maria được cứu chuộc như tất cả mọi người nhưng với một cách khác vì Mẹ đã được giữ cho khỏi mắc tội nguyên tổ ngay từ giây phút được thành hình trong lòng thân mẫu của ngài. Vì lý do đó mà Giáo hội Phương Đông gọi Maria là Đấng Rất Thánh. Nơi Mẹ và trong cả cuộc đời của mẹ có sự bộc lộ của lòng Chúa thương xót, điều này ngăn cản tội lỗi và đẩy chúng ra xa để sự sống nảy mầm. Vì vậy, Mẹ là dấu chỉ để quyền lực của tội lỗi, về cơ bản, không thể chiến thắng kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa; và như vậy có thể nói Mẹ là chiếc tàu vững chãi trong cơn đại hồng thủy, thứ nhỏ bé lưu lại của loài người, một cách bình yên vô sự, và là ánh bình minh của công trình sáng tạo mới. Nơi vẻ đẹp Mẹ, được ngợi ca bởi thơ ca và nghệ thuật mọi lời, lóe lên vẻ đẹp nguyên sơ, tột đỉnh và trọn hảo. Mẹ là tạo vật tuyệt mỹ.

“Nơi Đức Maria, chúng ta vừa chiêm ngắm công trình nguyên thủy của Đấng Sáng Tạo vừa chiêm ngắm dự định của Người, đó chính là con người được cứu chuộc.” (1)

Những lời lẽ trên đây có thể mang vẻ không tưởng cho một tư duy trần thế với cách hiểu mờ nhạt và đáng chế giễu về hiện thực mà, thật ngược đời, chẳng có gi được xem là thánh thiện hơn cái phàm tục. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn sơ qua mảng thơ ca nơi chủ đề về Đức Mẹ không ngừng tiếp nối cho đến tận hôm nay thì chúng ta sẽ vỡ lẽ được nhiều điều. Người ta hay nghĩ đến Gretchen trong tác phẩm Faust de Goethe:

“Ôi! Xin cứu con khỏi sự chết, khỏi mọi ô nhục. Xin rủ lòng thương đến nỗi thống khổ của con, lạy Mẹ với trái tim rướm máu.”

Chủ đề về Đức Mẹ còn được tìm thấy trong chủ nghĩa lãng mạn nơi các tác giả Brentano và Eichendorff. Tương tự như vậy với Holderlin và Rilke, nhưng không theo hướng thiêng liêng; tuy nhiên họ chỉ ra rằng Đức Maria đóng vai trò như một lý tưởng được biến đổi và là ngọn đèn pha cho nhân loại. Ngược lại, Gertrude von Le Ford, trong tác phẩm Hymne an die Kirche (Thánh Ca cho Giáo hội), sử dụng lại những khái niệm truyền thống nhưng khai thác chúng một cách mới mẻ trong một ngôn ngữ thơ văn đầy nhiệt huyết.

Như vậy, người ta không thể ngưng nói về Mẹ Maria, ngay cả trong thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống, như một tấm gương rõ nét và một công trình đặc biệt của lòng thương xót của Thiên Chúa. Bài viết này chỉ cho chúng ta hôm nay rằng thông điệp Kitô hữu về lòng thương xót đã bắt đầu thành hình một cách cụ thể và rằng chúng ta có thể hiểu được – không chỉ bằng cái đầu mà còn bằng trái tim – sức mạnh biến đổi của lòng Chúa xót thương.

Vượt trên mọi thụ tạo khác, Đức Maria là hiện thân của Tin Mừng về lòng Chúa thương xót. Mẹ thể hiện Tin Mừng ấy một cách trong sáng và tươi đẹp nhất, là tấm gương soi chiếu trung tâm và đỉnh cao của Tin Mừng. Mẹ chiếu tỏa toàn bộ nét duyên dáng của lòng thương xót của Thiên Chúa cũng như tỏ cho thấy sự rạng ngời và nét đẹp có sức biến đổi mọi sự, vẻ đẹp mà lòng thương xót của Thiên Chúa lan tỏa xuống trần gian. Cũng vậy, vì những điều kiện sống thường xuyên khó khăn và vì sự hiểu biết rất thấp về sự sống mà Mẹ Maria, ngày hôm nay, có thể là một kiểu mẫu và là tấm gương sáng cho một nền văn minh tình thương mới. Mẹ cũng có thể là gương mẫu cho đời sống của mỗi người Kitô hữu và của Giáo hội cũng như là sự trợ giúp cho những thành phần này được đổi mới bằng cách khởi đi từ khái niệm lòng thương xót, nhằm xây dựng một nền văn minh tình thương trong xã hội chúng ta. Với lý do này, chúng ta có thể gọi Đức Maria là bản mẫu nguyên thủy cho một nền văn minh Kitô được đổi mới và một nền linh đạo đầy thương xót.

Giáo hội Công giáo còn đi xa hơn khi công nhận Đức Maria không chỉ là một kiểu mẫu mà còn là trạng sư của Giáo hội và của các Kitô hữu. Từ thế kỷ XV, người ta đã thêm lời xin: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử” vào lời kinh Kính Mừng được phổ biến và được biết đến nhiều nhất, bắt nguồn từ lời chào của Sứ thần và của bà Êlisabét. Lời cầu xin này không xa lạ với Martin Luther trong những năm tháng tiên khởi của ông. Trong diễn giải về kinh Magnificat, ông đã biểu đạt niềm hy vọng về một sự can thiệp của Thiên Chúa thông qua trung gian của một thụ tạo. Ông kết thúc phần diễn giải thế này:

“Xin Chúa Kitô ban cho chúng ta sự này nhờ chuyển cầu và ý muốn của người Mẹ thân thương của Người, Đức Maria. Amen.”

Ngày nay, các Kitô hữu Tin Lành thương e sợ rằng tính độc nhất khi suy gẫm về Chúa Kitô bị nguy hại vì sự tin tưởng vào lời chuyển cầu này. Đây là một sự hiểu lầm to lớn. Hiển nhiên là chúng ta không đặt Đức Maria ngang hàng với Chúa Giêsu và càng không thể có sự cạnh tranh. Chính Đức Maria đã hoàn toàn sống nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô và làm chứng về điều đó. Làm thế nào mà Giáo hội lại có thể gán cho Mẹ một vai trò độc lập bên cạnh Chúa Kitô hay cao trọng hơn Người được? Đức Maria không lấy bớt đi cái gì nơi Đức Kitô và cũng không thêm gì, bởi vì Đức Kitô là Đấng Trung gian duy nhất của ơn cứu độ. Bằng việc chuyển cầu, Mẹ thể hiện sự dấn thân vì và thay cho người khác một cách đặc biệt và duy nhất, điều này phải trở nên một nét độc đáo nơi mỗi Kitô hữu. Nếu chúng ta muốn biên dịch điều vừa mới nói sang ngôn ngữ kinh viện, thì chúng ta có thể nói như sau: Đức Maria sống và hành động hoàn toàn trong quyền năng của nguyên nhân đệ nhất của công trình cứu độ; được khai mở và hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân đệ nhất đó, Mẹ lãnh nhận từ nguyên nhân đệ nhất đó khả năng tham dự vào công trình cứu độ với tư cách là nguyên nhân đệ nhị.

Đó là nguyên do tại sao chúng ta không thờ lạy Đức Mẹ; chỉ có Chúa và duy nhất Thiên Chúa mà quy về mọi việc thờ lạy. Nhưng chúng ta tôn kính Đức Mẹ trước mọi thụ tạo khác như một thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa và như một khí cụ trong tay của Người. Vì Thiên Chúa là Chúa của muôn người nên Người muốn ban ơn cứu độ của Người cho con người thông qua con người. Đây cũng là một dấu chỉ cho thấy nhân loại tính và lòng thương xót của Chúa được chiếu sáng trên Đức Maria như một cách ví dụ và duy nhất.

Như vậy, nơi Đức Maria tập trung và phản ánh những mầu nhiệm lớn lao nhất của Đức Tin. Nơi Mẹ tỏa sáng một hình ảnh của con người mới, con người được cứu chuộc và được giải hòa, và của một thế giới mới được biến đổi – thế giới này có thể lôi cuốn chúng ta nhờ vào vẻ đẹp không thể bắt chước được của ngài và phải làm cho chúng ta thoát ra khỏi sự cứng lòng và nỗi thống khổ của chúng ta. Mẹ Maria nói và biểu lộ cho chúng ta thấy rằng Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô là tất cả những gì mà chúng ta có thể thấy và nghe một cách rõ ràng nhất; đồng thời tất cả những gì có thể tồn tại một cách tốt đẹp nhất bởi vì nó có thể biến đổi chúng ta và biến đổi thế giới chúng ta: Thiên Chúa trong sự thương xót vĩ đại của Người đã cho chúng ta nhìn thấy một hình ảnh phản chiếu vinh quang của Người. Lòng thương xót này là một ân ban của Thiên Chúa, đồng thời là một nghĩa vụ của người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta cần phải sống sự thương xót. Chúng ta phải làm chứng về lòng thương xót bằng lời nói và hành động của mình. Nhờ vậy, chỉ với một tia thương xót mà thế giới thương xuyên u tối và lạnh lẽo của chúng ta sẽ có thể được ấm lên, sáng lên đôi chút và trở thành một nơi đáng để sống hơn, một nơi đáng mến hơn. Lòng thương xót là sự phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa trong thế giới này và là đỉnh cao, thậm chí là cốt lõi của thông điệp mà Chúa Giêsu Kitô gởi đến chúng ta và đến lượt chúng ta, chúng ta cần phải làm lan truyền thông điệp này cho người khác.

Đức Hồng y Walter Kasper

Chuyển dịch: Lm. Gioakim Nguyễn Khương Duy, AA
Nt. Marie Paulina Nguyễn Thị Chung, RNDM
Nt. Maria Phạm Bích Giang, OA

Lòng thương xót - Cốt lõi của Tin Mừng và Chìa khóa của đời sống Kitô hữu, NXB Tôn giáo, tr. 244-2248

-------------------------------------

Lòng thương xót (1)

Lòng thương xót (2)

__________________________

Chú thích:

1) Schonborn, Nous avons obtenu miséricorde, tr.140