Năm Rồng – Bay cao bay xa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 630 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Lời Chúa: Lv 11,45; Mt 5,1-10.14-16.48; 9,34; 19,21


Không hề khiên cưỡng một chút nào khi chúng ta áp dụng ý nghĩa biểu trưng của Rồng trong văn hóa Việt vào ơn gọi của các Kitô hữu. Đó là ơn gọi nên thánh, nên trọn lành, ơn gọi làm/thành/hóa rồng của các Kitô hữu. Vì chưng nên thánh, nên trọn lành chính là thoát khỏi những vướng bận, những trói buộc của trần gian để sống siêu thoát và thánh thiêng tương xứng với tư cách của những người được ơn làm con cái Thiên Chúa…


1. Rồng trong văn hóa Việt


Trong bài “Tết con Rồng Xứ Việt” đăng trên trang mạng LTCG ngày 17 tháng 1 năm 2012, Ts Huệ Dân viết:

 

“Mặc dù Rồng là con vật có thật hay không trong những truyền thuyết, nhưng hình tượng của nó đã gắn liền với văn hoá Việt Nam qua chữ Hồng Bàng (Hán: 鴻龐). Các di tích về con Rồng Việt Nam tuy còn khá ít. Nhưng con Rồng Việt Nam vẫn luôn mang bản sắc đặc biệt riêng của nó trong nền Văn hóa Việt.


Thời vua Lý dựng nghiệp, thấy Rồng bay lên nên gọi là Thăng Long. Các địa danh trong nước cũng mang hình ảnh Rồng như: Vịnh Hạ Long, núi Hàm Rồng,  Long Khánh, Long Biên, Vĩnh Long, Long Hải… Ngay cả trái cây như: Trái thanh long, long nhãn, cây xương rồng… Nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu trong đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ được biết qua hình ảnh Cửu Long Giang.


Trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam, con Rồng Đại Việt luôn có những đặc tính biểu trưng rõ ràng đặc trưng: Thân rồng có 12 khúc, trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. 12 khúc thân này đại diện cho 12 tháng trong năm. Thân mềm mại uốn lượn là biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết.


Đầu rồng có bờm dài, râu cằm, cặp sừng nhỏ, mắt lồi to, hàm mở rộng, răng nanh chĩa lên, lưỡi mảnh rất dài, cái mào ở mũi có những nét nổi sóng đều đặn. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên châu. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng…


Dù “Con Rồng, Cháu Tiên” chỉ là truyền thuyết của lịch sử Văn Lang, nhưng nó vẫn là ý thức nguyên hợp của xã hội nguyên thủy, để giúp cho việc tiến trình lịch sử của người Việt, từ khi rời bỏ cách sống du mục, tiến dần vào sự khám phá và biết khai thác thiên nhiên để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu trong đời sống của chính mình.


Trong 12 con giáp, Rồng được xem là con vật bay trên trời cao, ở gần các vị thần linh. Rồng tương trưng cho sự cao cả, anh hùng, vĩ đại, sức mạnh phi thường và cũng là biểu tượng cho sự phồn thịnh và vương giả.”


2. Ơn gọi làm/thành/hóa rồng của Kitô hữu


Không hề khiên cưỡng một chút nào khi chúng ta áp dụng ý nghĩa biểu trưng của Rồng trong văn hóa Việt vào ơn gọi của các Kitô hữu. Đó là ơn gọi nên thánh, nên trọn lành, ơn gọi làm/thành/hóa rồng của các Kitô hữu. Vì chưng nên thánh, nên trọn lành chính là thoát khỏi những vướng bận, những trói buộc của trần gian để sống siêu thoát và thánh thiêng tương xứng với tư cách của những người được ơn làm con cái Thiên Chúa. Nền tảng của ơn gọi đó là Lời Chúa trong Thánh Kinh:


Xin đơn cử một hai câu Lời Chúa:


* “Thật vậy, Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa các ngươi từ đất Ai Cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các ngươi; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh.” (Lv 11,45).


* “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.


“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh
 Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16).


*“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).


3. Càng muốn bay cao bay xa càng phải từ bỏ


* 
Từ bỏ để bay cao bay xa: Để có thể bay cao bay xa trong không trung rộng lớn mênh mông, các loài chim phải có đôi cánh thật khỏe. Để có thể bay cao bay xa trong đời sống tâm linh, các Kitô hữu phải có một nội lực sung mãn. Nội lực ấy là sức sống thần linh mà Thiên Chúa ban cho những ai sống mật thiết gắn bó với Người. Để có thể bay cao bay xa trong đời sống tâm linh, các Kitô hữu còn cần một điều quan trọng khác: đó là một tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, một nếp sống thanh bần và khiêm nhu. Nói cách khác Kitô hữu phải sống siêu thoát đối với của cải vật chất, chức quyền, danh vọng, lạc thú thế gian và lòng kiêu căng tự phụ của bản thân. Có thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của những thứ kể trên, các Kitô hữu mới có thể bay cao bay xa được trên vòm trời. Và càng muốn bay cao bay xa, các Kitô hữu càng phải từ bỏ nhiều hơn, chẳng những phải từ bỏ những thứ bất chính mà phải từ bỏ cả những thứ chính đáng nữa. Chính Đức Giêsu đã nói với chàng thanh niên giầu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19, 21). Người cũng nói đi nói lại với các môn đệ và quần chúng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 9, 34).


Sống bát phúc để bay cao bay xa


Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn bài giảng trên núi của Chúa Giêsu (Mt 5,1-10) vẫn thường được gọi là Tám Mối Phúc Thật, cho Thánh Lễ Giao Thừa. Mục đích của các ngài là muốn mọi thành phần Dân Chúa lấy đoạn Lời Chúa này làm kim chỉ nam, làm ngọn đèn soi sáng, làm định hướng cho cách sống đạo trong Năm Mới. Áp dụng vào Năm Nhâm Thìn thì ý nghĩa của bài giảng Bát Phúc càng sâu sắc hơn. Mỗi một mối phúc là một con đường, một phương thế bỏ mình và thanh luyện tâm hồn để các Kitô hữu có khả năng bay cao bay xa trên con đường theo Thầy Giêsu Chí Ái:


“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”: Có tâm hồn nghèo khó là có tâm hồn đơn sơ, khiêm nhượng, không dính bén vật chất, không ham hố danh vọng, quyền lực và cậy trông phó thác vào sự Quan Phòng Yêu Thương của Thiên Chúa là Cha!


“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”: Hiền lành là muốn điều tốt lành cho mọi người, đón nhận mọi người, mọi sự việc xẩy ra với lòng đơn sơ vui vẻ, không bon chen, kèn cựa với ai, không mưu hại ai, hài lòng với những gì đang có.


“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”: Sầu khổ vì thiếu thốn, nghèo đói, bệnh tật, bị khinh chê hay bị bóc lột….; cũng có thể sầu khổ vì chính những yếu đuối, tội lỗi, bất lực của bản thân hay của tha nhân, xã hội. Sầu khổ mà chịu đựng và chấp nhận, không oán Trời (Chúa) trách phận thì sẽ được Đấng ở cõi trên an ủi, nâng đỡ.


“Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”: Khao khát nên người công chính là khao khát sống đạo đức, thánh thiện, hy sinh, từ bỏ, siêu thoát, phục vụ theo tinh thần của Phúc âm, theo gương của chính Chúa Giêsu Kitô.


“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”: Xót thương người là biết đồng cảm và chia sẻ với những người kém may mắn và khổ sở hơn mình.


“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”: Có tâm hồn trong sạch chẳng những là có tâm hồn sạch tội mà còn là có tâm hồn trắng trong, thanh thoát trước mọi quyến rũ của xác thịt, lạc thú, tiền tài và danh vọng thế gian.


“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”: Xây dựng hòa bình là xây dựng mối tương quan nhân ái, yêu thương, hòa bình, hòa giải, hiểu biết, thông cảm, tương nhượng và tha thứ lẫn nhau giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, giữa quốc gia với quốc gia.


“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”: Bị bách hại vì sống công chính là bị mất mát, thiệt thòi, khinh rẻ, loại trừ (ví dụ: mất danh dự, chỗ làm hoặc bị thiệt thòi về tiền bạc), vì nỗ lực sống theo Phúc âm, theo giáo huấn của Chúa Giêsu.


4. Thay lời kết


N