Những người sống Hạnh Phúc và Bình An

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1080 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nhiều người cho rằng để có hạnh phúc phải tìm kiếm cả đời. Một số người tìm được những mảnh vụn vặt của hạnh phúc, nhưng rốt lại chúng ta khám phá ra hạnh phúc thật – loại hạnh phúc thật sâu đậm, bền vững mãi mãi – thì không thể nào tìm được trong vạn vật, từ các tình huống hoặc thậm chí ở con người. Bởi vì mọi vật sẽ trở nên cằn cỗi, già nua, khô héo, đổ nát; còn tình huống thì thay đổi và con người đôi khi khiến chúng ta thất vọng, cuối cùng họ lại ra đi (vì hoàn cảnh, do chọn lựa hay qua đời).    

Những con người hạnh phúc

Là những con người hy vọng, chúng ta biết rằng hạnh phúc của chúng ta được xây dựng trên một Đấng vĩ đại hơn con người, là Đấng "hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi." (Hê-bơ-rơ 13:8). Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta - hạnh phúc không đến khi ta cứ chú tâm vào những ước muốn của riêng mình, nhưng hãy hướng đến người khác và chăm sóc họ. "Hãy hằng có tình yêu thương lẫn nhau... Chớ quên sự tiếp khách... Hãy nhớ những kẻ trong vòng tù tội... và những ai bị ngược đãi... Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân... Chớ tham tiền hãy lấy điều mình có làm đủ rồi vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: "Ta sẽ chẳng lìa người đâu, chẳng bỏ ngươi đâu." (Hê-bơ-rơ 13:1-5) 

Kinh Thánh có nhiều lời hứa nhắc chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Chúa và đi theo kế hoạch của Ngài thì sẽ nhận được hạnh phúc lâu bền. "Phước cho người nào có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp đỡ mình; để lòng trông cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình!... Đức Giê-hô-va nâng đỡ những kẻ ngã lòng; Đức Giê-hô-va yêu mến người công chính." Thi-thiên (146:5, 8).

Nhưng Kinh Thánh nói gì khi bất hạnh gõ cửa và cảm giác tuyệt vọng len lõi vào tâm hồn chúng ta? Trong khi trải qua những thử thách thật đau đớn, sách Gióp nhắc chúng ta nhớ rằng hạnh phúc có thể đến ngay cả trong sự khổ đau. "Phước cho người được Đức Chúa Trời khiển trách! Vậy anh chớ coi thường sự sửa phạt của Đấng Toàn Năng. Vì Ngài làm cho bị thương, nhưng Ngài băng bó lại; Ngài đánh đau, nhưng tay Ngài lại chữa lành." Gióp 5:17,18)

Hạnh phúc thật thì quan trọng hơn niềm vui thoáng qua. Hạnh phúc là cảm xúc lâu bền của niềm vui và sự mãn nguyện, vì biết rằng số phận đời đời của chúng ta được châm rễ trong Đấng vĩ đại hơn mình. Chúng ta tin Đức Chúa Giê-su, "là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời." (Hê-bơ-rơ 12:2).

Những con người bình an

Giống như hạnh phúc, bao người đeo đuổi tìm sự an bình suốt nhiều thế kỷ nhưng thành công thì rất ít. Theo báo cáo từ một nghiên cứu cách đây vài năm cho biết "trong 3.530 năm lịch sử ghi chép lại, chỉ có 286 năm là thế giới được an ổn, hòa bình. Ngoài ra, hơn 8.000 hiệp ước hòa bình được ký kết – rồi cũng bị phá vỡ." Thế giới thiếu sự bình an, trong gia đình của nhiều nền văn hóa khác nhau cũng không tìm thấy bình an ở mỗi người. Thống kê cảnh báo mức độ ly dị tăng cao, bạo lực, nghèo đói, tội ác, chán nản và tự sát, chúng ta tự hỏi liệu có ai tìm được bình an.

"Bình an" theo từ điển là "không còn lo âu, bối rối, không làm mất yên tĩnh, không náo loạn…" là "thanh bình, yên tĩnh, im lặng". Yên lặng chính là điều các môn đồ tìm kiếm vào một đêm nọ trên biển Ga-li-lê. Đầu tiên họ nghĩ rằng mình có thể tự xoay sở được mọi việc. Họ là những ngư dân đầy kinh nghiệm. Giữ chặt mái chèo, những người đàn ông lực lưỡng vật lộn với sóng gió cho đến khi họ nhận ra điều họ làm là vô ích. Trong khi họ nỗ lực để tự cứu chính mình, họ đã quên mất Chúa Giê-su, khi họ sợ hãi, đức tin yếu ớt của họ lộ rõ. Bóng tối vây quanh, nước biển nhanh chóng tràn vào thuyền. Như thể chỉ còn vài giây nữa tất cả đều biến mất. Đến phút cuối họ chợt nhớ đến Giê-su, họ tìm thấy Ngài đang ngủ. Lẽ nào Chúa không quan tâm đến họ sắp chết rồi sao? Biết mình không thể tự lo liệu được, các môn đồ gào thét lên: "Chúa ơi, xin cứu chúng con với! Chúng ta chết mất!" (Ma-thi-ơ 8:25). Lập tức, Chúa đứng dậy, đưa tay cao lên, ra lệnh, "Hãy yên đi, lặng đi!" (Mác 4:39).

Chúa Giê-su đem lại bình an.

Chính Chúa Giê-su là Đấng đem lại bình an cho chúng ta. Ngài là "Chúa Bình An" (Ê-sai 9:5). Nhưng quá nhiều lần, giống như những người sống trong thời Chúa Giê-su, chúng ta từ chối hay hiểu sai về sự bình an Ngài mang lại. Hằng bao thế kỷ người Do-thái đã hy vọng Đấng Mê-si sẽ đem lại sự giàu sang và huy hoàng cho dân tộc họ - như trong thời vua Đa-vít và Sa-lô-môn.

Cho dù đền thờ thứ hai xây cất không đẹp như đền thờ của Sa-lô-môn, người Do-thái giữ mãi lời hứa được ban cho tiên tri A-ghê rằng: "Vinh quang sau này của đền thờ sẽ lớn hơn vinh quang trước kia" và "Ta sẽ ban bình an cho nơi này." A-ghê 2:9. Nhưng khi Chúa Bình An đến, họ không nhìn nhận Ngài bởi vì những gì Ngài nói khác với những điều họ mong đợi, khác với những điều họ muốn nghe. Thay vì chiến thắng kẻ thù, Ngài bảo họ, "Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con" (Ma-thi-ơ 5:44).

Thay vì giành lấy địa vị cao trọng, Chúa Giê-su dạy, "Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm cuối và làm đầy tớ cho mọi người" (Mác 9:35).

Thay vì cố đạt đến sự giàu có, Chúa Giê-su khuyên, "Hãy bán của cải mình mà làm việc thiện." (Lu-ca 12:33).

Chúa Giê-su biết thế gian này chỉ ban tặng sự bình an giả dối, hy vọng hão huyền – là những điều dựa trên chính họ hay trên người khác, hoặc dựa vào các tình huống hay sự vật. Ngài biết những lời hứa của thế gian, "Khi người ta nói: Hòa bình và an ninh thì sự hủy diệt bất thần ập đến..." (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:3).

Chúa Giê-su không hứa cùng những kẻ theo Ngài rằng họ sẽ không bao giờ gặp nan đề. Tuy vậy, Ngài đã hứa với họ: "Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi." (Giăng 14:27).

"Bình an" là từ ngữ cứ liên tục xuất hiện trên môi Giê-su. Ngài làm yên cơn bão, chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, đuổi quỷ; Ngài mời mọi người "đến với sự bình an."

Trong Kinh Thánh có hơn 400 lời hứa, lời chúc phước và lời chào thăm bình an. Như Thi-thiên 29:11 có ghi "Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước bình an cho dân Ngài."

Vậy mà tại sao đôi khi chúng ta lại không trải nghiệm sự bình an mà Chúa muốn ban tặng? Có phải là vì chúng ta thiếu sự trông cậy vào Đấng mà chúng ta không thể thấy trong cơn giông bão?

"Nhiều người tự nhận mình là tín đồ của Đấng Cơ Đốc lại có tấm lòng lo âu, phiền muộn bởi vì họ sợ giao phó bản thân mình cho Chúa. Họ không hoàn toàn đầu phục Ngài, họ e ngại phải nhận lấy kết quả từ sự đầu phục có thể mang lại. Họ không thể tìm được sự bình an, trừ khi họ đầu phục Chúa." (Ellen G. White, Chức Vụ Chữa Bệnh, trang 180, 181).

Giống như các sứ đồ, chúng ta nhận biết mình đã phí công vô ích khi tự mình tìm cách đạt tới sự bình an, bằng lòng biết ơn chúng ta đầu phục Chúa trọn vẹn và để Ngài chúc phước bình an cho chúng ta.

Những Người Tôn Ngợi Chúa

Một lần nọ có một người đàn ông bị què trên 40 năm. Ông ta ngồi buồn bã ở tại cửa đền thờ, khi ấy Phi-e-rơ và Giăng đến cầu nguyện. Nhìn thấy họ, người què xin hai ông bố thí nhưng ông đã nhận được nhiều hơn điều ông cầu xin hay suy tưởng. (Công vụ 3:1-10; Ê-phê-sô 3:20)


Nắm lấy tay phải của người què, Phi-e-rơ nói với ông: "Nhân danh Đức Chúa Giê-su Cơ Đốc người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi. Lập tức hai bàn chân và mắt cá chân ông trở nên cứng vững. Ông liền nhảy lên, đứng thẳng và bắt đầu bước đi, cùng hai ông vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ca ngợi Đức Chúa Trời." (Công vụ các sứ đồ 3:6-8).

Giống như người què, chúng ta cũng không thể tự mình bước đi. Chúng ta cần quyền năng chữa lành của Chúa Cơ Đốc cho đời sống chúng ta.

Điểm đặc trưng của những người hy vọng là hạnh phúc (ý thức luôn thỏa nguyện trong Đấng Cơ Đốc) và bình an (nhận thức đầy đủ rằng tương lai của chúng ta nằm trong tay Đức Chúa Trời), duy chỉ mình Chúa mới có thể ban tặng. Nói tóm lại, bình an và hạnh phúc là dấu của hy vọng trong lòng chúng ta và sẽ kết quả trong đời sống tràn đầy niềm vui ca ngợi Chúa là Đấng "đã làm cho chúng con những việc vĩ đại."(Thi-thiên 126:3) và sẽ làm những điều lớn lao hơn cho dân sự Ngài.

Suy gẫm - Chia sẻ:


Tại sao mọi vật và con người không thể mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc lâu bền?


Tại sao đôi khi chúng ta không trải nghiệm sự bình an mà Chúa muốn ban cho chúng ta?

 

Bài viết của GINA WAHLEN
Nữ văn sĩ sống tại Maryland – Hoa Kỳ


Trần Thị Phương Mai chuyển ngữ

cdpl (Theo Muối Của Đất số 117 - Tháng 07/2013)

Nguồn: codocphuclam.org