Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3108 | Cật nhập lần cuối: 3/22/2016 2:58:15 PM | RSS

PHẦN I. MẦU NHIỆM VÀ Ý NGHĨA

CHƯƠNG I. THIÊN CHÚA: MỘT HÀI NHI

Những suy tư thâm trầm về cuộc sống (1)Những hình ảnh của Thiên Chúa thì nhiều vô số. Mỗi người là một hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thích đơn giản hóa sự khác biệt vô số đó bằng cách cho Thiên Chúa những hình ảnh thể hiện các vai trò của Ngài. Chúng ta thấy Thiên Chúa với tư cách là người Cha, người Mẹ, Đấng Tạo Hóa, Đức Vua, vị Thẩm Phán, Hôn Phu, Hài Nhi... Những hình ảnh chỉ diễn tả được một phần của thực tại không thể diễn tả, và thực tại này vượt quá mọi danh hiệu cũng như mọi hình thức.

Nếu hình ảnh ưa thích của chúng ta về Thiên Chúa không tỏ lộ nhiều về Thiên Chúa, nó lừa dối chúng ta, và cách chúng ta nhìn về mình, về thế giới, và về Thiên Chúa. Lễ Giáng Sinh đặt trước mắt chúng ta hình ảnh Thiên Chúa là một hài nhi. Hình ảnh này có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta?

Truyền thống lâu đời của Kitô giáo có khuynh hướng nhìn thấy nó trong một mầu nhiệm: Thiên Chúa vô hạn ở trong hình dạng con người. Có một sự ngạc nhiên ở đây. Chúng ta cảm thấy kính sợ và tạ ơn. Chúng ta quá hạnh phúc vì có Thiên Chúa ở với chúng ta. Một lối tiếp cận nhấn mạnh đến hình dạng con người mà Thiên Chúa đảm nhận. Chúng ta nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá, với các thú vật ở chung quanh trong một đêm tối lạnh lẽo, một người vô gia cư. Có một sự thương cảm, thậm chí thương hại cho một hài nhi nghèo khổ, cô độc. Nỗi kính sợ của người ta về mầu nhiệm được đào sâu.

Ở Ấn Độ, chúng ta đã quen với những vị thần trẻ con: thần Krishna, thần Murugan, thần Ayyappa. Những hình ảnh này gợi lên bảng năng làm cha, làm mẹ của chúng ta. Các bài hát vào dịp Giáng Sinh bằng tiếng Ấn Độ là một dấu chỉ của việc hội nhập văn hóa vào truyền thống này. Người ta cảm thấy không chỉ ngạc nhiên và thương cảm, nhưng còn tâm tình trìu mến và yêu thương. Những điều này là phương thuốc chữa trị nỗi sợ hãi. Người ta nhớ đến lời Chúa Giêsu nói: Nếu chúng ta không trở nên như trẻ nhỏ thì không được vào nước Trời. Thiên Chúa-Hài Nhi trở nên một biểu tượng và mẫu mực cho sự vô tội, đơn sơ và phó thác.

Những ai ủng hộ việc giải phóng người nghèo sẽ thấy Thiên Chúa-Hài Nhi với tính cách là một cam kết dấn thân cụ thể đứng về phía người nghèo của Thiên Chúa. Thiên Chúa trở nên một Hài Nhi nghèo khổ để giải thoát người nghèo khỏi cảnh nghèo khổ của họ.

Tất cả những cách nhìn về hình ảnh của Thiên Chúa với tính cách là một Hài Nhi này đều có giá trị và những yếu tố đáng lưu ý. Chúng nhấn mạnh nhiều khía cạnh khác nhau của hình ảnh. Chúng làm phong phú cho nhau như màu sắc trong một kính vạn hoa. Nhưng tôi nghĩ rằng hình ảnh Thiên Chúa-Hài Nhi là một thách đố mang tính cách ngôn sứ cho các ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, thế giới, cuộc sống và chính chúng ta. Khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa, chúng ta thường có khuynh hướng tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh của chúng ta.

Chúng ta nghĩ về quyền lực và sự thống trị, sự hoàn hảo và tròn đầy. Thiên Chúa không có nhu cầu. Những điều này cũng là những giá trị mà chúng ta đánh giá cao trong những người khác và trong thế giới. Đây cũng là những đặc điểm mà chúng ta muốn có về mình. Thiên Chúa-Hài Nhi thách đố chúng ta xem xét lại những giá trị này

Trong một thế giới được bao quanh bởi giàu sang, bạo lực và quyền lực, Thiên Chúa đến với chúng ta với tư cách là một hài nhi nghèo khổ, không có quyền thế và khiêm tốn. Chúng ta tôn vinh sự hoàn hảo của con người không có nhu cầu gì, Thiên Chúa đến hoàn toàn lệ thuộc. Sự chọn lựa không có quyền thế, và phụ thuộc hoàn toàn thì không phải là một chiến lược tinh vi trong việc tìm kiếm quyền lực và sự độc lập. Đúng hơn nó mời gọi một sự thay đổi hoàn toàn về cách nhìn. Hạnh phúc và sự thành toàn đích thực và cộng đoàn này nảy sinh từ sự tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau. Tình yêu đích thực cần đến người khác. Sự tự mãn là cái chết của cộng đoàn. Khi chúng ta và sẵn sàng nhận lãnh cũng như trao ban, lúc ấy chúng ta được chúc phúc đích thực.

Trong một thế giới theo đuổi quyền lực qua tiền bạc và bạo lực, Thiên Chúa-Hài Nhi là một khẳng định mang tính ngôn sứ về một nền văn hóa dựa trên sự tổn thương, nghèo khó và tình yêu. Đây là con đường duy nhất, con đường của Thiên Chúa đưa đến sự bình an.

(còn tiếp)

Lm. Michael Amaladoss, S.J.

Nguyên tác: Creative Conflict: Theological Musings on Life
Chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016, tr. 11-13.