FABC: Hội nghị Đối thoại Đại kết và Liên tôn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 757 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
1. Thông tin

Văn phòng đặc trách Đại kết và Đối thoại liên tôn (OEIA) thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) đã tổ chức Hội nghị tại Bangkok dành cho các Giám mục với đề tài: “Vai trò đặc biệt của các Giám mục với lời mời gọi đối thoại của Giáo Hội” (The Church’s Call to dialogue: special role of Bishops).


Được Hội đồng Giám mục Việt Nam uỷ nhiệm, phái đoàn Việt Nam gồm 3 đại biểu: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Giáo phận Thành phố HCM đã lên đường tham dự Hội nghị từ Thành phố Hồ Chí Minh trưa ngày thứ Hai, 20-07-2009.


Các đại biểu tham dự đến từ 11 nước: tổng số 29 đại biểu, gồm 15 giám mục, 6 linh mục, 2 khách mời thuộc một tổ chức tài trợ và các nhân viên của Văn phòng.


 

FABC: Hội nghị Đối thoại Đại kết và Liên tôn

 

2. Nội dung Hội nghị

Sau lời cầu nguyện và bài diễn văn chào mừng của Đức cha Chủ tịch Capalla, người Philippines, linh mục Francis Kroeger, dòng Marynoll, đã trình bày về lịch sử FABC và những hoạt động của FABC liên quan đến đối thoại liên tôn và đối thoại đại kết. Kể từ ngày thành lập (năm 1970), FABC đã luôn ý thức việc đối thoại là một trong những mục tiêu chính của công cuộc loan báo Tin Mừng tại một châu lục mênh mông mà số tín hữu Kitô luôn là thiểu số. Những Hội nghị, Đại hội do FABC tổ chức, từ Hội nghị đầu tiên năm 1974 tại Taipei, cho đến Hội nghị gần đây nhất được tổ chức tại Manila năm 2009 đều coi việc đối thoại với các tôn giáo trong khu vực như một trong những đề tài quan trọng nhất. Điều đó cho thấy, Giáo Hội tại Á Châu không thể tách rời việc loan báo Tin Mừng với những cố gắng đối thoại liên tôn và đại kết. Giáo Hội muốn phát triển và ăn rễ sâu tại Á Châu, cần phải đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, để cùng nhau dấn thân phục vụ người nghèo.


Buổi chiều ngày 22 tháng 07, các tham dự viên đã chia thành nhóm để thảo luận và chia sẻ theo những câu hỏi được đặt ra liên quan đến mối liên hệ giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác; về những cố gắng cộng tác giữa các tôn giáo để phục vụ người nghèo, tham gia hoạt động xã hội; về những thách đố cụ thể trong thời đại đa tôn giáo và đa văn hóa hôm nay. Các tham dự viên Việt Nam thảo luận cùng nhóm với các nước: Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Myamar. Các đại biểu đều nói về những sáng kiến và những hoạt động của địa phương mình.


Trong hai ngày 23 và 24 tháng 07, Hội nghị được nghe thuyết trình của linh mục Dòng Tên Francis Xavier D’SA, người Ấn Độ. Nội dung của bài thuyết trình trước hết nhằm triển khai Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo về vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau. Thuyết trình viên đã nhấn mạnh đến những điểm chính yếu sau:


a/ Cần có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa

Mỗi quốc gia có những phong tục tập quán riêng. Mỗi nền văn hóa được phát biểu qua những biểu tượng khác nhau. Mọi nền văn hóa đều có cách tiếp cận đặc thù với thực tại, chân lý và lịch sử, đồng thời được đánh dấu bởi những quan điểm khác nhau về Thiên Chúa, thế giới và con người. Điều này được biểu hiện rõ ở 3 cấp độ: Thế Giới của Sự Nhận Thức (thế giới vật chất), Thế Giới của Sự Hiểu Biết (thế giới của con người) và Thế Giới của Đức Tin (thế giới của niềm tin, ý nghĩa trong cuộc sống, v.v…)


b/ Đối thoại liên tôn là một sứ mạng quan trọng của Giáo Hội

Đây không phải là một hoạt động phụ thêm hay bổ túc, nhưng “đối thoại liên tôn là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội” (Thông điệp sứ mạng Đấng Cứu Thế (Redemptoris Misio, số 55). Vấn đề này rất tiếc là chưa được hiểu đúng và chưa được áp dụng tại nhiều nơi trong Giáo Hội. Thuyết trình viên đã khai triển nội dung của Thông điệp, khi nói đến những giá trị hiện hữu nơi các tôn giáo. Cũng như các nền văn hóa, mỗi tôn giáo đều ẩn chứa những giá trị thiêng liêng, đến nỗi chúng ta có thể nhận ra nơi những tôn giáo ấy sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô. Thông điệp đã khẳng định: “Mọi tôn giáo khác đều tạo nên một thách đố mang tính tích cực cho Giáo Hội: các tôn giáo ấy khuyến khích Giáo Hội khám phá và nhận ra những dấu chỉ hiện diện của Chúa Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần, đồng thời giúp Giáo Hội khám phá cách sâu xa hơn về căn tính của mình và làm chứng cho sự viên mãn của ơn Mặc khải mà Giáo Hội đã được lãnh nhận vì lợi ích của mọi tôn giáo”.


c/ Một linh đạo cho đối thoại liên tôn

Dựa trên nội dung của Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Cha Francis Xavier D’SA dành khá nhiều thời gian để nói về vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngôi Ba Thiên Chúa là tác nhân chính yếu của mọi đối thoại. Bởi lẽ mọi hoạt động của Giáo Hội, cũng như mọi hoạt động của chính Đức Giêsu trong công cuộc loan báo Nước Trời, đều do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn. Ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động nơi Giáo Hội và nơi các thành viên. Cụ thể, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mạch của Sự Sống, Tình Yêu và Ánh Sáng – ba yếu tố của sự hoàn hảo! Sự Sống diễn tả chiều kích vũ trụ, Tình Yêu đề cập đến chiều kích cá vị và Ánh Sáng mang ý nghĩa Thần Linh hay chiều sâu. Mọi cuộc đối thoại phải được thể hiện ở cả ba chiều kích. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong các nền văn hóa và các tôn giáo khác, nên cần phải chân thành và trân trọng những giá trị đó. Tuy vậy, Giáo Hội có trách nhiệm phân định (discern) thực sự đâu là hoa trái của Chúa Thánh Thần

 

FABC: Hội nghị Đối thoại Đại kết và Liên tôn

Các tham dự viên Giám mục và chuyên viên Hội nghị Bangkok (22 - 25/7/2009)


d/ Đối thoại và hội nhập văn hóa

Một yếu tố không thể thiếu trong tiến trình đối thoại, đó là hội nhập văn hóa. Đây là sự tiếp xúc bình đẳng giữa hai thực tại. Trong cuộc gặp gỡ này, cần phải lắng nghe Chúa Thánh Thần để có thể phân định những ý nghĩa khác nhau của cùng một ngôn ngữ. Thông điệp Redemptoris Missio cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần chính là tác nhân chính yếu của quá trình hội nhập văn hoá. Chính vì thế chúng ta cần đến những ngôn sứ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để tiếp tục giúp chúng ta tìm hiểu với óc phê bình về những gì đang diễn ra trong quá trình hội nhập văn hoá. Chúng ta cần phải bắt đầu với những quan điểm và giá trị của chúng ta. Trong quá trình tương tác qua lại của văn hoá, chúng ta có thể nhận ra được những điều chúng ta đang thủ đắc và điều chúng ta chưa đạt được, nhờ việc lắng nghe người khác. Chúng ta cần lắng nghe không chỉ những gì người khác nói nhưng cả những gì người khác có ý muốn nói. Hội nhập văn hóa thường được hiểu là dấn thân vào một nền văn hóa và mang sắc thái của nền văn hóa đó, nhưng cũng cần phải hiểu theo nghĩa phúc âm hóa chính nền văn hóa mà Giáo Hội muốn hội nhập (évangéliser la culture).


Sau ba ngày làm việc, trong phần tổng kết, Hội nghị đã lắng nghe chia sẻ và nhận định của các tham dự viên. Cùng với những nhận định tốt đẹp về nội dung và cách tổ chức của Hội nghị, một số tham dự viên đã đóng góp ý kiến và cho rằng FABC nên tổ chức thường xuyên những khóa học hỏi cho các Giám mục, nhất là các Giám mục mới được tấn phong để giúp các ngài hiểu rõ hơn về Giáo Hội tại Á Châu. Khóa tu nghiệp được tổ chức cho các Giám mục mới tại Rôma nhằm mục đích giới thiệu bổn phận và sứ mạng của Giám mục, nhưng ở một mức độ phổ quát. Chính những cuộc gặp gỡ của các Giám mục trong khu vực sẽ liên kết các ngài trong tình huynh đệ, đồng thời là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe và học hỏi nhau. Các tham dự viên cũng đề nghị nên có những khóa hội thảo hay học hỏi về Phật Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, là những tôn giáo lớn của Thế giới và nhất là của khu vực Á Châu.


3. Nhận định

Được tổ chức tại bệnh viện Thánh Louis (St Louis Hospital), là một tòa nhà của Tổng Giáo phận Bangkok, Ban Điều hành đã chuẩn bị rất chu đáo trong việc đón tiếp, ẩm thực, nhất là chương trình nghị sự của Hội nghị. Đức Tổng Giám mục Fernando Capalla, Giáo phận Davao (Philippines), Chủ tịch Văn phòng đặc trách về Đại kết và Đối thoại liên tôn trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã đón tiếp các tham dự viên với sự cởi mở thân tình, tạo nên những ấn tượng tốt đẹp cho mọi người. Ngài cũng chăm chú lắng nghe ý kiến của các đại biểu trong khi chủ tọa và điều hành Hội nghị.


Tuy Hội nghị được tổ chức trong thời gian ngắn (3 ngày) nhưng các tham dự viên đều ghi nhận đây là một dịp tốt đẹp để các giám mục, linh mục đến từ nhiều nước Á Châu có điều kiện gặp gỡ nhau, kết nối tình bạn và chia sẻ những thao thức của Giáo Hội. Đó cũng chính là thao thức của Đức Giêsu, khi Người cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21).


Trong thời gian Hội nghị, các tham dự viên được mời đến thăm và dùng cơm tại Tòa Sứ Thần tại Bangkok chiều ngày 23-07. Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh đã tiếp đón phái đoàn cách chu đáo và thân tình, với sự hiện diện của Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám mục Bangkok.


Những tiếp xúc với linh mục, tu sĩ và người dân Thái cũng tạo một ấn tượng tốt đẹp về một dân tộc hiếu khách, hiền hòa. Phái đoàn Việt Nam xin cám ơn Đức cha Chủ tịch và Ban điều hành Văn phòng OEIA. Đặc biệt, xin cám ơn hai nữ tu dòng Lasan tại Bangkok, Sr. Mary Chindahan Damrond (Bề trên) và Sr Mary-Anne Sunantha. Quý sơ đã tận tình đón tiếp và hướng dẫn phái đoàn thăm thủ đô Bangkok, nhà thờ Chính tòa và những danh lam thắng cảnh của Đất Nước Nụ Cười.

 

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên