Chữ Nhẫn trong Nho giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1249 | Cật nhập lần cuối: 4/29/2020 4:29:18 PM | RSS

Chữ Nhẫn trong Nho giáoNhẫn là chữ trong Hán tự. Hán tự có hai chữ Nhẫn:

1. Chữ Nhẫn bộ tâm: bên trên là chữ Nhận, bên dưới là chữ Tâm (心).

Nhận là mũi nhọn, Tâm là trái tim.

Chữ Nhẫn hàm nghĩa: trái tim bị đâm. Từ đó chuyển sang ý nghĩa: chịu đựng đau đớn, chấp nhận đau lòng mà không than thở.

Chữ Nhẫn thường được dùng trong những từ kép:

* Kiên nhẫn: bền bỉ chịu đựng để làm xong công việc.

* Dung nhẫn: chịu đựng mà tha thứ, bao dung người đã làm mình đau khổ.

* Nhẫn nại: nín nhịn, chấp nhận hoàn cảnh không như ý.

* Nhẫn nhục: chịu đựng điều sỉ nhục.

Chữ Nhẫn còn có nghĩa là “nỡ

* Nhẫn tâm: nỡ lòng. Như “nhẫn tâm hại lý” nỡ lòng làm hại đạo lý (lẽ Trời).

Chữ Nhẫn (chịu đựng) đã được Việt hóa hay Nôm hóa như trong câu ca dao:

“Chữ Nhẫn là chữ tương vàng,
Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.”

Câu ca dao trên muốn nói rằng: Nhẫn có giá trị tương đương như vàng, một thứ kim loại quí giá. Ai mà giữ được chữ nhẫn và biến nó thành một nhân đức (đức nhẫn) thì có thể thoát được gian nguy để được sống lâu, lại còn có thể thành công lớn trong đời.

2. Chữ Nhẫn bộ ngôn: bên trái là chữ Ngôn, bên phả là chữ Nhận. Ngôn là lời nói, nhận là mũi nhọn.

Chữ Nhẫn này hàm 2 nghĩa:

* Lời nói phải thận trọng, ý tứ kẻo làm đau lòng người khác.

* Khó nói ra lời.

Chúng ta hãy xem trong vài kinh văn quan trọng của Nho giáo, đã có những câu nào sử dụng chữ Nhẫn và ý nghĩa ra sao.

Thiên Vệ Linh Công trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức. Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu: Lời nói khéo làm cho đạo đức rối loạn. Điều nhỏ không chịu đựng được thì làm hỏng mưu lược lớn.” (Vệ Linh-Công: 26). Lời nói khéo thường là những lời được uốn sửa, trau chuốt để làm vừa lòng người nghe. Đó là những lời thiếu trung thực, chỉ cốt đưa đẩy cho vừa tai người đối diện. Đã thiếu trung thực thì không thể phù hợp với đạo đức; hơn nữa còn làm rối loạn đạo đức. Để có thể nên người đức hạnh và thành công trong đời, chẳng những phải xa lánh những người nói khéo, lại còn phải biết chịu đựng. Nếu không chịu đựng được những điều nhỏ mọn, người ta có thể làm hỏng mưu lược lớn, kế hoạch lớn. Những việc chính trị, quân sự, ngoại giao, thương mại... được coi như những mặt trận lớn của một quốc gia. Ai đảm đương những mặt trận ấy lại càng cần chịu đựng nhiều. Chỉ sơ sót một chút, không chịu đựng được, mưu lược lớn bị phá hỏng, người ta dễ dàng thua trận lắm. Nhất là trên mặt trận ngoại giao; trong các cuộc hòa đàm diễn ra khi hai bên đang giao chiến, phái bộ hòa đàm cần có những người giỏi chịu đựng mới có thể đem thắng lợi đến cho đất nước.

Tương truyền rằng vào thời đại Mãn Thanh, cuối thế kỷ 18, trong một cuộc viễn du Giang Nam, vua Càn Long đã đến thăm một dòng tộc chung sống với nhau được chín đời; dân gian gọi là “cửu đại đồng đường” (chín đời cùng một nhà). Trong đó, con cháu sống với nhau thành một làng nhỏ do một vị trưởng tộc lãnh đạo, thế mà vẫn có sự hòa hảo tương đối. Vua Càn Long đã cho vời vị trưởng tộc của dòng họ đó đến, hỏi về bí quyết sống chung của dòng tộc này. Vị trưởng tộc đã khải bẩm với vua Càn Long đại ý như sau: “Hạ thần không thể nói hết bí quyết đó trong vài câu nói. Xin bệ hạ ban cho giấy bút để hạ thần viết ra.” Sau khi được trao giấy bút, vị trưởng tộc nằm bò ra thềm, cẩn thận viết 100 chữ Nhẫn lớn lên 100 tờ giấy và dâng lên vua Càn Long. Đó là bí quyết: “Bách nhẫn” Phải nhẫn nhịn 100 lần mới có thể duy trì sự đoàn tụ và an vui trong một dòng tộc: ông bà làm gương nhẫn nhịn cho cháu; cha mẹ làm gương nhẫn nhịn cho con; chồng làm gương nhẫn nhịn cho vợ; anh em làm gương nhẫn nhịn cho nhau...

Chúng ta có thể mở ngoặc nhìn sang Kitô giáo để nhận ra Đức Giêsu Kitô đã viết chữ Nhẫn này một cách cụ thể trong công cuộc cứu độ nhân loại. Ngài đã chấp nhận mũi giáo (chữ Nhận) đâm thấu trái tim (chữ Tâm) do một quân nhân Do Thái đâm vào cạnh sườn Ngài trên đồi Golgotha để nêu gương nshịn nhục!

Trong chương Cáo Tử hạ, sách Mạnh Tử, Mạnh Tử viết: "Thuấn phát ư quyến mẫu chi trung; Phó Duyệt cử ư bản trúc chi gian; Giao Cách cử ư ngư diêm chi trung; Quản Di Ngô cử ư sĩ; Tôn Thúc Ngao cử ư hải; Bách Lý Hề cử ư thị.

Cố Thiên tương giáng đại nhiệm ư thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngã kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phật loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng: Ông Thuấn phát khởi ở trong ruộng rẫy; ông Phó Duyệt nổi lên ở gian nhà đất ván; ông Giao Cách nổi lên ở trong chốn cá muối; ông Quản Di Ngô nổi lên ở kẻ học trò; ông Tôn Thúc Ngao nổi lên ở mé biển; ông Bách Lý Hề nổi lên ở chợ búa.

Cho nên Trời sắp trao trách nhiệm lớn cho các nhân vật ấy, ắt trước hết làm khổ tâm chí của họ, làm mệt nhọc gân cốt của họ, khiến da thịt họ phải đói lả, khiến thân xác họ phải nghèo túng, gây ra những ngang trái rối loạn trong các hành vi của họ, cốt để phát động cái tâm, nhẫn nhục cái tính, cho tăng thêm những gì họ chưa có khả năng.” (Cáo Tử hạ: 15).

Mạnh Tử nhận thấy các nhân vật trên đều là những người ban đầu nghèo khó, khốn khổ, chật vật trong sinh kế, phải lo toan mọi bề; thế mà sau này lập nên sự nghiệp lớn lao, giúp cho dân chúng được an thịnh lâu dài, lưu danh muôn thuở. Do đó, Mạnh Tử rút ra kết luận rằng: trước khi Trời trao cho ai trách nhiệm lớn lao, nặng nề, thì Trời đều tạo ra những thử thách khắc nghiệt như: làm khốn khổ tâm chí, làm mệt nhọc gân cốt, làm cho thân xác đói lả vì nghèo túng, gặp những tình cảnh ngang trái rối loạn đau lòng, gặp bất như ý mỗi khi hành động... tạo cho tâm trí được mở mang, tính tình quen chịu nhẫn nhục; từ đó tài năng sáng tạo mới được phát huy. Như vậy, làm cho nhẫn nhục cái tính hay tập luyện cho có cái tính giỏi chịu đựng là đường lối của Trời.

Hai kinh văn ở trên của Khổng Tử và Mạnh Tử đã dùng chữ Nhẫn theo nghĩa “chịu đựng

Trong sách Luận Ngữ, thiên Bát Dật có câu: “Khổng tử vị Quí thị bát dật vũ ư đình: thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã!: Đức Khổng nói về việc múa tám hàng ở sân miếu của họ Quí rằng: điều ấy có thể nỡ làm, thì điều gì không nỡ làm!

Múa tám hàng (bát dật vũ) là nghi lễ dành cho thiên tử nhà Chu (bậc Vương) khi cúng tế các tiên vương. Chu Lễ ấn định:

* Lễ cúng tế tổ tiên dành cho thiên tử được dùng 8 hàng, mỗi hàng 8 người; tổng cộng có 64 vũ công múa trước sân miếu (Bát dật).

* Lễ cúng tế tổ tiên dành cho vua chư hầu (bậc Công) được dùng 6 hàng, mỗi hàng 6 người múa (Lục dật).

* Lễ cúng tế tổ tiên dành cho bậc đại phu được dùng 4 hàng, mỗi hàng 4 người múa (Tứ dật).

* Lễ cúng tế tổ tiên dành cho bậc quan sĩ được dùng 2 hàng, mỗi hàng 2 người múa (Nhị dật). Họ Quí là quan đại phu nước Lỗ, theo Chu Lễ, chỉ được dùng lễ Tứ dật. Nay họ Quí dùng lễ Bát dật, đó là vượt cả vua Lỗ, đặt mình ngang hàng với thiên tử nhà Chu. Như thế là lạm dụng nghi lễ bậc trên; đó là một hình thức phạm thượng.

Nghi lễ được đặt ra mang ý nghĩa sắp đặt một trật tự xã hội từ trên xuống dưới, tùy theo công lao đối với triều đại, đối với quốc gia. Trật tự được tuân giữ thì xã hội mới ổn định. Họ Quí đã lạm dụng nghi lễ, tỏ ý phạm thượng; điều đó biểu lộ thái độ tựcao tự đại; vô tình hay cố ý đã thể hiện ý muốn làm loạn hay khinh thị bậc trên. Đức Khổng cho rằng họ Quí nỡ làm việc tiếm lễ như thế, thì còn điều gì mà không có thể nỡ làm, kể cả việc cướp ngôi!

Trong sách Mạnh Tử, chương Lương Huệ Vương thượng, Mạnh Tử viết: “Quân tử chi ư cầm thú dã, kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử; văn kỳ thanh, bất nhẫn thực kỳ nhục. Thị dĩ quân tử viễn bào trù dã: Người quân tử đối với cầm thú, thấy chúng sống mà chẳng nỡ thấy chúng chết; nghe tiếng chúng mà chẳng nỡ ăn thịt chúng. Cho nên người quân tử xa lánh bếp núc là vậy.” (Lương Huệ Vương thượng: 7). Câu trên là lời của Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương nhằm khuyến khích Tuyên Vương từ chỗ không nỡ thấy con bò bị đem đi giết đến chỗ phát triển tấm lòng thương cảm, không nỡ thấy dân chúng bị thống khổ.

Ở chương Công Tôn Sửu thượng, Mạnh Tử viết: “Nhân giai hữu bất nhẫn nhân chi tâm. Tiên vương hữu bất nhẫn nhân chi tâm, tư hữu bất nhẫn nhân chi chính hỹ. Dĩ bất nhẫn nhân chi tâm, hành bất nhẫn nhân chi chính, trị thiên hạ khả vận chi chưởng thượng: Người ta đều có lòng chẳng nỡ đối với người khác. Các tiên vương có lòng chẳng nỡ đối với người khác, do đó có đường lối chính trị chẳng nỡ làm khổ người khác. Đem tấm lòng chẳng nỡ đối với người, thi hành đường lối chính trị chẳng nỡ làm khổ người, nên việc cai trị thiên hạ như thể vận động trên bàn tay.” (Công Tôn Sửu thượng: 6). Mạnh Tử cho rằng đã là người, ai cũng có lòng chẳng nỡ. Lòng chẳng nỡ là sự xúc động thương xót tự nhiên trước những hoạn nạn của người khác. Các tiên vương ngày xưa như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Hạ Vũ, vua Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương… đều có lòng chẳng nỡ ấy; khi đem tấm lòng ấy vào việc chính trị, các ngài chẳng nỡ xử tệ, chẳng nỡ tàn nhẫn với dân. Bằng đường lối chính trị khoan nhân độ lượng, các ngài đã cai trị dân một cách dễ dàng, không phải vất vả khó nhọc.

Mạnh Tử lại nói trong chương Tận Tâm hạ rằng: “Nhân giai hữu sở bất nhẫn; đạt chi ư kỳ sở nhẫn, nhân dã. Nhân giai hữu sở bất vi; đạt chi ư kỳ sở vi, nghĩa dã: Người ta đều có chỗ chẳng nỡ, đem chỗ chẳng nỡ ấy thấu suốt được sự tàn nhẫn, đó là nhân vậy. Người ta đều có chỗ không làm; đem chỗ không làm ấy thấu suốt được những việc mình làm, đó là nghĩa vậy.” (Tận Tâm hạ: 31).

Mọi người dù tốt hay xấu, thế nào cũng có lúc chẳng nỡ làm điều gì đó. Nếu người ta biết mở rộng chỗ chẳng nỡ đó, làm cho nó thấu suốt, bao trùm được sự tàn nhẫn, như thế là trở nên người nhân đức. Mọi người đều có trường hợp không chịu làm một điều gì đó. Nếu người ta biết từ chối làm những điều xấu mình đang làm hại cho người; như thế là trở nên người nghĩa khí.

Những chữ “Nhẫn” trong mấy câu kinh văn trên của Khổng Tử và Mạnh Tử đều có nghĩa là “nỡ”, “bất nhẫn” là “chẳng nỡ”. Với bộ tâm () trong những chữ “bất nhẫn” đều hàm ý một tấm lòng, một tâm tình của người biết xúc động trước nỗi đau đớn, biết dằn lòng mình, biết kiềm chế tư dục của mình, gián tiếp thể hiện tình yêu thương, nền tảng của đức hạnh con người.

Ngoài ra, chữ Nhẫn theo nghĩa “thận trọng lời nói” thì có trong đoạn kinh văn sau: “Tư Mã Ngưu vấn nhân. Tử viết: “Nhân giả, kỳ ngôn dã nhẫn.” Viết: “Kỳ ngôn dã nhẫn, tư vị chi nhân hỹ hồ” Tử viết: “Vi chi nan, ngôn chi đắc vô nhẫn hồ?” Tư Mã Ngưu hỏi về điều nhân. Đức Khổng nói: “Người nhân, nói năng phải thận trọng.”Lại hỏi: “Nói năng phải thận trọng, như thế gọi là nhân được chăng?” Đức Khổng nói: “Làm thì khó, vậy chứ nói năng mà không thận trọng sao?” (Luận Ngữ: Nhan Uyên: 3).

Tư Mã Ngưu, học trò Đức Khổng, tên Canh, tự Tử Ngưu, người nước Tống. Có lẽ ông hay bồng bột, nóng nảy trong lời nói; cho nên khi ông hỏi về điều nhân, câu trả lời của Đức Khổng hướng về lời nói: “Người nhân, nói năng phải thận trọng”. Nói năng thận trọng nghĩa là trước khi nói phả nghĩ ngợi đắn đo thấu đáo. Có thì nói có, không thì nói không, không thêm điều, đặt chuyện. Và cũng có những điều không nên nói ra, hay không nên nói hết. Lại có những điều nói được ở nơi này, lúc này, mà không nên nói ở nơi kia, lúc khác. Biết thận trọng trong lời nói là biết cân nhắc xem lời nói của mình có đem ơn ích cho người nghe không, có làm mất lòng người nghe không, có gây những hậu quả tai hại không. Một người biết cân nhắc lời nói như vậy hẳn là người nhân, tức là người có những đức tính tốt ở trong lòng, lại thêm kinh nghiệm xử thế.

Nghe câu trả lời của thầy, Tư Mã Ngưu tỏ ý nghi ngờ “Nói năng phải thận trọng, như thế gọi là nhân được chăng?” Hiểu được nỗi nghi ngờ ấy, Đức Khổng mới giải thêm: làm thì khó. Người thiếu nhân không lường được cái khó trong việc làm, cho nên mở miệng ra là nói cho thỏa thích, không nghĩ rằng sau này mình có làm được như lời đã nói không. Vì thế, tập làm người nhân, trước hết là phải thận trọng (nhẫn nhịn) lời nói của mình, liệu mình có làm được hãy nói.

Tóm lại, trong Nho giáo có hai chữ Nhẫn khác nhau: chữ Nhẫn bộ tâm nghĩa là “chịu đựng”, chữ Nhẫn bộ ngôn nghĩa là “nói năng thận trọng”. Tuy nhiên, xưa nay những người học đạo Nho đều chú ý tới chữ Nhẫn bộ tâm, thường khuyên con cháu hãy nhẫn nhịn trong cách cư xử trong hành động, trong giao tiếp: “Một điều nhịn là chín điều lành” (tục ngữ Việt Nam). Trong các gia đình ít nhiều được tiếp thu ảnh hưởng của Nho giáo, đều có viết chữ Nhẫn treo trên tường để răn dạy con cháu. Cho đến nay, mỗi độ Xuân về, người ta ra phố xin thầy đồ viết chữ; ngoài những chữ Phúc, Lộc, Thọ, còn xin thêm chữ Nhẫn để cho gia đạo được an vui tốt đẹp./.

Thiều Hoa Trang 16.10.2013
Lý Minh Tuấn
Trích "Chữ Nhẫn trong truyền thống các tôn giáo", NXB Phương Đông, tr.24-31