Kinh nghiệm chữ Hiếu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 794 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. THỜ CÚNG TỔ TIÊN

Khi chúng ta nói đến chữ ĐẠO, ta nghĩ ngay TÔN GIÁO; nhưng nhà Nho nghĩ về ĐẠO NGHĨA, ĐẠO SỐNG, ĐẠO ĐỨC, ĐẠO GIÁO: nghĩa là sống sao cho phải đối với Bề Trên, Ông Bà Tổ Tiên, Anh Em và mọi người.

Tôi được sinh ra trong thời người Công giáo Á Đông bị ngại ngùng với việc Thờ Cúng Tổ Tiên, vì chúng ta chỉ được Thờ Lạy một mình Thiên Chúa, với chữ Thờ của Thần học nước ngoài.

Đang khi các gia đình bên lương đều có bàn thờ Tổ Tiên ngay tại gian trang trọng nhất của ngôi nhà. Họ được quỳ lạy cúng vái tổ tiên với một lòng hiếu thảo đặc biệt, mà cũng biết rằng Ông Bà Tổ Tiên không phải là Ông Thiên, Ông Trời.

Đại gia đình nào cũng giữ nhà của Cha Mẹ để lại mà gọi là TỪ ĐƯỜNG – “Nhà Thờ” tổ tiên… và bên Đạo đã dành chữ Nhà Thờ cho ngôi “Từ Đường” của gia đình Hội Thánh để thờ phượng Thiên Chúa, kính nhớ Đức Mẹ và các Thánh. Một sự thích nghi, hội nhập văn hóa có ý nghĩa.

Người bên lương vẫn cảm thấy Ông Trời, Ông Tạo là nguồn gốc tối cao mọi loài “thọ tạo”. Họ được dạy rằng đã có Nhà Vua đại diện dân nước lo việc Thờ Cúng Ông Trời. Nhưng họ vẫn thờ Ông Trời. Trong lòng ngoài miệng họ vẫn cầu Trời, nhờ ơn Trời, Lạy Trời. Và gia đình nào cũng có bàn thờ Ông Thiên ở đầu sân. Ngày nay dân đông đất chật, họ cố gắng dựng tạm bàn thờ Ông Thiên phía ngoài cửa, quay ra ngoài.

Vì sao bàn thờ Ông Thiên lại ở đầu sân, ở ngoài cửa chính và quay ra ngoài? Họ quan niệm rằng Trời Đất là nhà của Ông Thiên. Họ thờ cúng Tổ Tiên trong nhà mình, nhất là nhà ông bà cha mẹ để lại mà họ gọi là Từ Đường, nhà thờ, nhà gia tiên.

Còn khi thờ cúng cầu khẩn Ông Trời thì họ ra ngoài sân, ít ra họ ra khỏi cửa, quay lưng vô nhà, để đối diện với Ông Thiên, giữa trời đất. Họ đứng vái, quỳ lạy và cúng Ông Trời. Họ có vẻ quay lưng vô Ông Bà, nhưng thật ra họ biết có Ông Bà sau lưng. Sẵn dịp họ kêu cầu “Trời ơi, Trời đất quỷ thần ơi”, nói chung, như dân gian hay nói: “hữu sự khấn vái tứ phương,” cầu cứu “bốn phương trời mười phương đất”.

Cha NGUYỄN VĂN THÍCH, giáo phận Huế, khi theo Đạo và bị cụ thân sinh từ vì “bất hiếu,” đã được ông nội tôi – ông Mười SEN – đón tiếp bảo trợ như con trong nhà. Người đã để lại cho ông bà nội tôi và đại gia đình con cháu một lòng cảm mến và tiếc xót đối với nền đạo hiếu của các gia đình bên lương. Phải nói ngay: về sau Cha Thích đã chinh phục cả nhà ngài cho Chúa.

Thật là một sự giải phóng cho chúng ta khi ngày nay được đặt di ảnh Cha Mẹ Tổ Tiên trên bàn thờ Chúa trong gia đình., được vái lạy Tổ Tiên Ông Bà, được quỳ nhận lời chúc lành của Ông Bà Cha Mẹ trước bàn thờ trong dịp cưới hỏi, sinh nở, tết nhất và giỗ chạp. Tại sao phải bỏ đi chữ “thờ”, chữ “đạo”, theo nghĩa của Đạo Khổng, của dân tộc mà chỉ phải hiểu theo thần học cổ điển của Tây Phương và dành riêng cho Thiên Chúa, để rồi bị lệch pha với văn hóa dân tộc?

Làm sao giữ lại cảm giác vào nhà Ông Trời, khi ta ra khỏi nhà nhìn vào trời đất núi sông?

II. ĐÌNH LÀNG, THẦN LÀNG

Đình làng của tôi đã bị xói mòn, sụp xuống sông và không còn dấu tích. Khi nhỏ tôi thường tới chơi, leo lên mấy cây điệp, và lén dự xa xa những dịp làng xã cúng kiếng.

Đặc biệt một lần chứng kiến cảnh làng xã “RƯỚC SẮC” – sắc chỉ của nhà vua phong thần cho một vị anh hùng nào đó trong vùng bàn vị thần làng.

Có thể nói làng xã thờ cúng thần thánh của mình trong ĐÌNH của mình. Có thể nói đây là TỪ ĐƯỜNG của làng xã; và trong phong cảnh, vị trí của nó, Đình làng cũng đối diện, cũng dính liền, cũng ở trong khung cảnh sông núi, Từ Đường của Ông Thiên.

III. TẾ ĐÀN NAM GIAO

Mười năm Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế, tôi từng đi chơi nhiều lần tại Tế Đàn NAM GIAO, kề bên núi Ngự Bình, và trên đường đến vùng Lăng Tẩm các Vua Nhà Nguyễn.         

Phải xuất phát từ ĐIỆN NỘI, qua cửa NGỌ MÔN, hướng núi NGỰ BÌNH, đến Tế Đàn NAM GIAO… mới thấy hết.

Nếu trí nhớ tôi tốt, đó là mấy héc-ta trồng thông, có thành bao quanh, với đường đi ngang dọc đưa tới Tế Đàn. Tế Đàn là một “cung thánh” khá rộng, cao hơn xung quanh chừng hơn 1m.

Đặc biệt là không có mái che, cột kèo, vì ở giữa trời đất : trong nhà Ông Thiên!

Hằng năm Nhà Vua đại diện cho dân đến đây tế Trời. Thời tôi ở Đệ Tử, Vua Bảo Đại có đến tế Trời ít ra một lần. Có quan triều, lính lệ, voi ngựa, chuông trống, kèn đàn, cờ xí đủ cả.

Trước ngày lên Tế Đàn, Vua phải chay tịnh ở “trai cung” gần kề.

Mình còn nhỏ, chỉ đứng xa coi, nhưng về sau đọc sách mới thấm. Nếu không lầm thì chính Cha L. CADIÈRE nói khá rõ.

Đối với những ai còn nhớ lịch sử và tinh thần dân tộc, nơi đây có cái linh thiêng mà “đền thờ’ các ông thần khó mới mà có được.

IV. CHIA SẺ

Với tách cà phê sau điểm tâm, tôi xin được chia sẻ vài cảm xúc riêng.

1. Tôi đã làm Cha Sở gần ba chục năm… Từ nhà thờ ra, sau lễ Tết, tôi đi ngang ghé mừng tuổi các gia đình bên lương, thấy nhà nào cũng có bàn thờ Ông Thiên ở ngoài sân, và bàn thờ tổ tiên trong nhà, tôi có một tâm tình và cảm xúc kính trọng pha lẫn một chút tiếc xót.

2. Ngay sau lễ nhận sứ vụ Linh Mục, tôi được gặp Cha Mẹ Bà Con. Sau lời chào mừng, Cha Sở nói : “Mời Cha Mới ban phép lành đầu tiên cho Cha Mẹ”. Thật ra tôi đã âm thầm nghĩ chuyện này từ lâu.

Tôi đến trước mặt hai Đấng Sinh Thành lúc đó 47 tuổi (tôi 26). Tôi sụm đầu gối : “Xin Cha Mẹ chúc lành cho con trước”. Hai vị đặt tay trên đầu tôi và nói “Ba Mẹ xin Chúa chúc lành cho con”. Rồi quỳ xuống cho tôi chúc lành nhân danh Chúa Ba Ngôi, Theo phép Hội Thánh…

Tôi hay xin Cha Mẹ chúc lành như thế mỗi khi về nhà và ra đi; cách riêng khi ông bà gần về cùng Chúa. Cũng nhân danh Chúa.

3. Nhiều nhà đã và đang có hình ảnh Cha Mẹ Ông Bà trên bàn thờ gia đình, nhất là trong nhà Từ Đường. Nhưng khi lễ giỗ, sao bảy đời mười kiếp cứ phải lấy lễ cầu hồn với áo tím, mà không dám theo lễ Mồng Hai Tết : “Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ!?”


                                                                                                                                                       Lm Micae Nguyễn Hữu Phú, DCCT


Nhịp Cầu Tâm Giao 3, NXB Phương Đông (12/2010), tr. 21-24.