Ngày báo hiếu báo ân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 247 | Cật nhập lần cuối: 8/30/2023 9:00:43 AM | RSS

Ngày báo hiếu báo ânNgày rằm tháng Bảy đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay. Không chỉ riêng đạo Phật, mà hễ là người Việt Nam thì đây là dịp nhắc nhớ về nguồn cội gốc gác của mình.

Vào ngày này, tất cả Phật tử trở về chùa để được nghe giảng về ý nghĩa lễ hội Vu lan. Đây là một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính nhân văn, khơi dậy những tình cảm thiêng liêng cao đẹp của con người. Nói đến Vu lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật.

Thời Phật tại thế, lúc bấy giờ Ngài đang giáo hóa tại một vùng quê nghèo, nơi đó mất mùa, hạn hán, đói kém, người dân chết đói nhiều đến độ xương trắng rải rác khắp nơi. Người sống sót chỉ là một số người khá giả. Mỗi buổi sáng Đức Phật đi vào trong làng để khất thực. Ngày thứ nhất Ngài ôm bình bát đi rồi về, không một chút thức ăn. Ngày thứ hai đi khất thực bình bát cũng trống trơn. Đến ngày thứ ba, buổi sáng Ngài đắp y, cầm bát đi khất thực, trở về cũng với bình bát trống trơn.

Lúc này Ngài cảm thấy đói. Một Tỳ-kheo mấy ngày liên tục cũng không được ai cúng dường thức ăn, gặp Đức Phật, Tỳ-kheo thưa: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đi khất thực có được thức ăn không?”. Phật nói: “Như Lai khất thực ba ngày liên tục không có hạt cơm nào”. Nghe vậy, vị Tỳ-kheo vật vã người xuống đất ôm mặt khóc nức nở. Thương Đức Thế Tôn đấng phước điền vô thượng mà hôm nay nhịn đói như vậy, tự nghĩ mình đói chẳng sao, Đức Thế Tôn đói thì làm sao hoằng hóa độ sanh. Vì lòng hiếu kính quá đỗi, Tỳ-kheo mới nghĩ ra một cách, đem bán ba chiếc y để mua một bát cơm và ít thức ăn dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn. Khi đem cơm dâng lên, Đức Phật có thần thông biết rõ việc này, nhưng Ngài vẫn hỏi:

- Này Tỳ-kheo, dân chúng lầm than đói khát đến như vậy, cơm này từ đâu ông có được?

Tỳ-kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn, do con bán ba y đổi lấy.

Thế Tôn nói:

- Ba y là tướng phước điền của thế gian, rất quan trọng đối với một Tỳ-kheo mà ông lại bán đi đổi lấy thức ăn dâng lên Ta, Ta làm sao thọ dụng được, e là không tiêu.

Tỳ-kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không tiêu được thì ở thế gian này ai tiêu nổi.

Thế Tôn hỏi:

- Ông còn cha mẹ chăng?

- Dạ còn.

- Nếu vậy ông hãy đem thức ăn này dâng cho cha mẹ.

- Bạch Thế Tôn, cha mẹ con làm sao tiêu nổi.

- Cha mẹ ông có quy y Tam bảo, có kính tín Tam bảo không?

- Thưa Thế Tôn, không.

- Nhưng trong lúc đói khát như thế này, nếu ông đem về cúng dường cho cha mẹ thì chắc chắn họ sẽ kính tín Tam bảo, phát tâm quy y Tam bảo, có như thế thì cơm này mới tiêu được.

Tại sao Đức Phật không thọ nhận mà khuyên vị Tỳ-kheo đem về cúng dường cha mẹ và chỉ cần cha mẹ phát khởi lòng kính tín Tam bảo thì tiêu được. Cha mẹ là những người có đại trọng ân đối với chúng ta, sinh ra và nuôi nấng chúng ta được như ngày nay. Cho nên cơm này dâng cho cha mẹ, làm cho cha mẹ phát khởi niềm tin Tam bảo thì chắc chắn tiêu được. Tiêu ở đây nghĩa là tín thí khó tiêu. Phàm người tu nhận phẩm vật cúng dường từ người tín thí khá giả thì bình thường, nhưng nếu là của người nghèo khó, họ phải chắt chiu nhịn ăn nhịn mặc, tịnh tài tịnh vật tuy ít nhưng với họ là tài sản quý phải bỏ công sức mồ hôi nước mắt mới có được, nhưng bây giờ dám dâng lên cúng dường, cho thấy tấm lòng của họ hướng về Tam bảo rất mạnh mẽ, thành kính.

Cho nên, chư Tăng khi nhận cúng dường từ những người này phải có tâm tỉnh giác. Trong lúc đói khát, bán ba lá y mua được bát cơm dâng cúng mà Đức Phật nói không tiêu, nhưng nếu đem về cúng dường cha mẹ mới tiêu được, bởi vì ân nghĩa cha mẹ rất lớn. Chúng ta là người đệ tử Phật học theo đạo từ bi, đối với chúng sanh không phải bà con huyết thống thân thuộc mà còn đem tâm từ bi thương xót khi họ gặp cảnh khó khăn gian khổ, huống nữa là cha mẹ mình. Nếu cha mẹ không thương yêu, kính trọng, phụng dưỡng, chăm sóc mà nói thương yêu người ngoài thì tình thương đó không thật.

Kinh Tạp bảo tạng có chép: “Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.

Qua đoạn kinh này, Đức Phật đã ví cha mẹ bằng với Phạm Thiên, Đế Thích, thiên thần, địa vị cha mẹ bằng Thánh Hiền và Phật. Theo quan niệm của người Ấn Độ, Phạm Thiên, Đế Thích là những đấng bề trên lý tưởng mà họ rất kính tín, ngưỡng mộ. Ở đây Phật dạy, Phạm Thiên, Đế Thích chính là cha mẹ mình chứ không phải ai khác. Lấy giáo lý của ngoại đạo, một Nhân cách thần của ngoại đạo để quy tụ trở về cha mẹ. Cho nên, không thể coi thường địa vị cha mẹ, vì không có cha mẹ thì không có chúng ta.

Giả sử sinh ra trong một gia đình nghèo cũng đừng đổ lỗi cha mẹ, vì nghiệp của mình thế nào thì sinh ra trong hoàn cảnh tương ưng như vậy. Sinh ra trong gia đình có văn hóa hay không văn hóa, có đạo đức hay không đạo đức, giàu hay nghèo... thì đây là duyên nghiệp giữa cha mẹ và mình tương ưng từ quá khứ, dù thế nào cũng phải đội ơn cha mẹ, chứ không phải vì hoàn cảnh nghèo khổ mà trách cứ cha mẹ. Nếu cha mẹ không lo được chu toàn thì cũng không vì thế mà bất hiếu.

Ở đây Phật dùng từ “cúng dường” cha mẹ, chứ không dùng từ bố thí, vì cha mẹ là đấng ân trọng mình chịu ơn lớn, cúng dường cha mẹ tức là cúng dường Thánh Hiền và Phật. Có những người muốn cầu phước lớn, cúng dường Tam bảo rất nhiều, nhưng cha mẹ thì để cho thiếu thốn, đối xử tệ bạc... thì người này rõ ràng không có hiểu biết. Cúng dường Tam bảo là để hỗ trợ chư Tăng Ni có điều kiện tu học, phát triển chùa chiền, có nơi để mọi người trở về tu hành và nghe pháp. Điều đó là tốt, nhưng nếu chưa tròn bổn phận với cha mẹ mà chỉ một bề lo cho Tam bảo thì việc làm đó cũng không có căn bản đạo đức, không có ý nghĩa gì.

Ở đây, nâng địa vị cha mẹ bằng Phật, Thánh Hiền, cho thấy sự vĩ đại trong nhân cách và tư tưởng của Đức Phật. Ngài dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Có thể nói, hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật. Chính Đức Phật Thích Ca sau khi giác ngộ đã trở về hoàng cung giáo hóa cho vua cha, cho cả hoàng tộc và cứu độ tất cả chúng sanh.

Tri ân - báo ân là điều mà ai cũng phải làm, nó mang ý nghĩa phổ quát chứ không cá biệt cho riêng ai. Ở ngoài đời chúng ta nhận sự giáo dục của cha mẹ, của thầy cô giáo. Cha mẹ tập cho biết nói, biết đi. Thầy cô dạy chữ nghĩa vỡ lòng. Nhờ vậy mà chúng ta khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay. Dù đi đâu, ở phương trời nào thì trong tâm khảm chúng ta vẫn luôn nhớ hình dáng thân thương của những người lái đò năm cũ với một niềm quý kính. Trong đạo thì chúng ta nhận ơn giáo hóa của Thầy Tổ. Sau này dù có thành công, tài năng đức độ, giỏi hơn cha mẹ, giỏi hơn Thầy Tổ thì ơn sinh thành bú mớm, ơn căn bản đạo đức ban đầu mình phải cưu mang mãi mãi đến suốt cuộc đời.

Theo truyền thống, cứ vào dịp rằm tháng Bảy, những người con Phật với tất cả lòng thành kính hướng về Tam bảo, tứ sự cúng dường, thiết lễ trai tăng, hoặc phóng sanh, làm những việc thiện lành… hồi hướng công đức cho cha mẹ. Phạm vi không chỉ ở trong đạo Phật, mà ngoài xã hội vào ngày này các đoàn thể, hội, nhóm cũng phát tâm từ thiện, cứu trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn một cách mạnh mẽ. Như vậy, có thể nói đây là ngày truyền thống của dân tộc chứ không riêng Phật giáo Việt Nam. Đó là điểm vàng son, là nét văn hóa đạo đức truyền thống quý báu mà chúng ta luôn phải giữ gìn.

Còn đối với người xuất gia, đây là ngày hoan hỷ vì thêm một tuổi hạ, tức qua ba tháng công phu chuyên cần, tinh nghiêm, đạo lực thêm vững vàng, trí tuệ tăng trưởng. Vu lan Báo hiếu gắn liền với Tự tứ. Tự nghĩa là tự giác nói ra lỗi của mình, và nếu không thấy lỗi thì thỉnh chư Tăng cử lỗi để từ đó mình vui vẻ sám hối mà không trách cứ người chỉ lỗi mình (Tứ). Đây là tinh thần rất cao thượng. Chính vì vậy, rằm tháng Bảy mãn ba tháng an cư cũng là thời điểm Phật tử thiết lễ cúng dường trai tăng, ngõ hầu nương vào sức chú nguyện và cộng lực tu hành thanh tịnh của đoàn thể chư Tăng mà chuyển hóa những hương linh chưa được siêu thoát. Đó là lý do lễ Vu lan Báo hiếu gắn liền với Tự tứ.

Tinh thần hiếu đạo của ngày rằm tháng Bảy còn được nhân rộng hơn, bởi ngoài tưởng nhớ công ơn cha mẹ hiện đời, chúng ta còn phải nhớ đến công ơn đa sanh phụ mẫu, thất thế phụ mẫu, cửu huyền thất tổ, cho đến chư vị tiền hiền có công với đất nước, ông bà tổ tiên và tất cả những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân tộc. Chúng ta đâu biết được những kiếp trước cha mẹ mình là ai, nhưng đến ngày này cũng phải nhớ ơn, đó là nét đẹp. Giá trị nhân bản, nhân văn của con người, đó là lòng biết ơn và đền ơn vậy.

Như vậy, ngoài cõi hiện hữu này chúng ta còn hướng tâm đến những cõi sống khác. Đã là chúng sanh thì đa dạng nhiều hình thức, tùy nghiệp lực biểu hiện ra mà có cõi này cõi kia, trái đất này chỉ là trái đất có sự sống của cõi người và các loài động thực vật. Ngành khoa học thiên văn cũng đã khám phá ra, ngoài trái đất còn rất nhiều thế giới khác, ở đó cũng có sự sống, chúng sanh là vô cùng vô tận. Hằng hà sa số thế giới, hằng hà sa số chúng sanh thì cũng có hằng hà sa số chư Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền. Nhân ngày Vu lan, chúng ta cũng đồng hướng tâm đến chúng sanh trong các cõi, nguyện cầu hết thảy dù ở cõi giới nào cũng đều bớt khổ, được an vui thiện lành. Như vậy, chính ngày Vu lan tâm lượng chúng ta trải rộng mênh mông, phủ trùm mọi sự sống.

Thích Thông Huệ/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn