Nguyện đáp từ ân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 220 | Cật nhập lần cuối: 8/30/2023 8:53:57 AM | RSS

Nguyện đáp từ ânRằm tháng bảy còn gọi là ngày lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ lớn cho những người con nước Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục của mình.

Ai cũng có cha, có mẹ. Nếu không có cha mẹ làm sao có chúng ta. Vu lan là ngày lễ của cha mẹ. Vì vậy vào những ngày này mỗi người con đều cảm nhận sự da diết trong lòng. Bởi có người may mắn thì cha mẹ còn sống, nhưng có người cha mẹ đã qua đời. Dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời, nghiệm lại chúng ta vẫn chưa đền đáp được phần nào thâm ân dưỡng dục cao thâm, mà niềm lo nỗi nhớ mình đem đến cho cha mẹ thì chất chồng đầy vơi.

Trong chúng ta, không phải ai cũng có thể phụng dưỡng cha mẹ đúng với bổn phận làm con. Có khi cha mẹ còn tại thế, chúng ta không thấy được sự quý giá, không thấy được lòng yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái. Chúng ta chỉ thấy những nhu cầu của bản thân và đôi khi lại đinh ninh rằng cha mẹ phải có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu đó cho ta. Vì vậy, con cái đến với cha mẹ không phải để lo lắng, bù đắp, trả ơn cho cha mẹ mà ngược lại cha mẹ phải nuôi nấng, lo lắng, bù đắp cho chúng ta nhiều hơn.

Khi cha mẹ không còn nữa, chúng ta lớn lên và bắt đầu già đi, mới nhớ lại cảnh già nua của cha mẹ. Từng năm tháng song đường sống trong cô đơn, héo hắt, trông đợi. Chừng ấy nuối tiếc, đau xót, hối hận bao nhiêu cũng không đủ. Bởi vì tất cả đã không còn, mãi không còn, chỉ còn lại niềm ăn năn ray rứt khôn nguôi. Thế mới thấy chúng ta thật có lỗi với cha mẹ.

Người con Phật, tu tập theo giáo pháp Như Lai thì việc thực hiện bổn phận làm con đối với bậc sinh thành dưỡng dục, không đơn giản chỉ là làm tròn trách nhiệm, mà còn là một pháp tu. Người thế gian đối với cha mẹ luôn lấy chữ hiếu làm đầu. Người con Phật cũng luôn khắc chữ hiếu ở trong lòng, nhưng khác hơn người đời. Đối với cha mẹ, chúng ta không chỉ phụng dưỡng, tôn kính, giữ tròn đạo nghĩa; mà còn phải tu tập thế nào để tịnh hóa được tâm mình. Từ đó tác động tới tâm thanh tịnh của cha mẹ. Nếu ngày trước cha mẹ tà kiến, không tin Phật pháp, thì nay nhờ tâm trong sạch và lòng chí thành của mình tác động, mà cha mẹ biết kính tin Tam bảo, nhờ đó thoát khỏi tà kiến, hướng đến chánh đạo phát tâm tu hành.

Nếu chúng ta chỉ sống trong tình yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ một cách thường tình như người thế gian, tâm vẫn chìm đắm trong tham sân si, tật đố thì không gọi là báo hiếu như lời Phật dạy. Cho nên chữ hiếu trong đạo Phật cao hơn và khó làm hơn chữ hiếu ngoài thế gian nhiều. Khó là bởi muốn báo hiếu cho cha mẹ thì bản thân chúng ta phải thành tựu cho được đạo nghiệp. Điều này không dễ dàng chút nào.

Trong mỗi chúng ta, vừa có tâm ô nhiễm đi cùng với tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm thật, tâm ô nhiễm là tâm vọng. Nếu tâm nào được dùng nhiều hơn hoặc tâm nào được tác động nhiều hơn thì tâm đó sẽ hiển thị ra nhiều, còn tâm nào bị bỏ quên thì tâm đó chìm ẩn. Điều này được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống. Nếu ta gặp người vui vẻ hiền lành thì lòng mình cũng thấy an yên. Ngược lại, gặp người luôn than thở sầu khổ thì lòng mình cũng buồn bã bất an.

Tất cả chúng ta đều đang trên con đường tu học. Quý thầy cô thì đã xuất gia rời xa cha mẹ, quý Phật tử vẫn còn đang ở cạnh cha mẹ, mỗi người đều có một cách báo hiếu theo nhân duyên và sở nguyện riêng của mình. Nhưng đã là đệ tử của Đức Phật, chúng ta phát nguyện đi theo con đường của chư Phật, chư Hiền Thánh tăng, thì không nên làm khác lời Phật dạy.

Chư Thánh tăng làm gì thì trụ tâm ở đó. Khi ăn cơm tâm quý ngài thanh tịnh nơi bát cơm. Khi nói chuyện tâm quý ngài thanh tịnh trong mỗi lời nói phát ra. Chúng ta thì không như thế, khi ăn cơm lại hay nghĩ đến chuyện khác. Vọng tâm thường chạy nhảy lung tung, không biết đâu là điểm dừng.

Vào thời Phật còn tại thế, có một cụ bà phát tâm cúng dường thức ăn cho quý thầy trong mùa an cư. Có một thầy Tỳ-kheo cứ mỗi khi khởi nghĩ thèm ăn món gì thì bà liền dâng cúng món ấy. Có hôm thầy vừa nghĩ cà-ri, ít phút sau bà đem đến một tô cà-ri. Thầy rất vui, ăn ngon lành. Hôm sau thầy nghĩ chả giò, ngay sau đó bà đem chả giò tới. Thầy thích thú và hoan hỷ thọ nhận. Kế đó, thầy nghĩ chè, cháo… chẳng lâu sau, tất cả đều có đủ. Lúc này thầy bắt đầu cảm thấy bất an, tự hỏi tại sao cái gì cụ bà cũng biết. Thầy lo sợ và không dám khởi nghĩ đến món nào nữa. Vì vậy bà cụ cúng các món ăn bình thường như bao thầy khác. Sợ quá, thầy chỉ lo tu tập thiền định mà không dám khởi nghĩ lung tung, thời gian sau thầy chứng quả A-la-hán. Thật ra cụ bà là vị đã chứng đạo, hiện thân cư sĩ để hỗ trợ công phu cho quý thầy.

Ở thiền viện không có một vị Thánh nào, nếu có chắc chúng ta sẽ thành Phật hết, vì không dám khởi nghĩ điều gì. Tuy mình đã tu rồi, nhưng đôi khi chúng ta có những suy nghĩ thật kỳ khôi, mà chỉ có bản thân mình biết thôi, không dám nói cho ai nghe. Những thứ đó thuộc về tập nghiệp thế gian. Người tu mà còn nhiều xấu dở như vậy thì thật hổ thẹn. Chúng ta tu chưa được kết quả chi, tâm còn nhiều suy tưởng mông lung, không thanh tịnh như vậy thì phước đức đâu mà hồi hướng cho cha mẹ. Muốn cha mẹ được sanh về cõi lành mà tâm mình không lành thì làm sao cảm hóa đến được tâm của cha mẹ.

Cốt tủy trong bản kinh Vu lan đều dựa trên tinh thần tâm tâm tương ưng. Tâm thanh tịnh tác động đến tâm thanh tịnh, mới có thể cứu độ chuyển hóa cho người thân. Theo đúng tinh thần Phật dạy thì chúng ta phải độ cha mẹ, thân bằng quyến thuộc bằng tâm chân thật và thanh tịnh của mình. Tâm đó mỗi chúng ta đều có và muốn nó hiện hữu thì phải trừ bỏ những nhiễm ô, vọng động trong lòng.

Chúng ta đủ phước được làm thân người, được gặp Phật pháp và được thọ ân của cha mẹ, sư trưởng. Thế thì phải biết ơn và đền ơn. Nếu xét trên luật nhân quả, khi chúng ta gieo nhân là một người con có hiếu với cha mẹ thì sẽ gặt được quả là con cái có hiếu lại với chúng ta. Người xuất gia phụng sự cho Tam bảo, cho tha nhân, mà lại có hiếu với cha mẹ, với thầy tổ thì cũng sẽ có những vị đệ tử có hiếu sau này. Đó là chân lý muôn đời.

Ngày lễ Vu lan, hướng về vô lượng đấng thâm ân, chúng ta nguyện dâng hết lòng thành, nỗ lực chuyên cần tịnh hóa thân tâm. Bao nhiêu công đức có được, xin kết thành đài hương năm sắc, dâng lên cúng dường mười phương các bậc Thánh hiền, thầy tổ, song đường. Nguyện cha mẹ sớm viên thành cõi Phật trong lòng, để tất cả những người con trọn niềm hiếu đạo thâm ân.

Hạnh Chiếu/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn