"Nhị Thập Tứ Hiếu" tập 1: Ngu Thuấn - Hiếu cảm động Trời

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1300 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Cây có cội, nước có nguồn, làm người ai cũng có Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Người Việt Nam xem đây là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, và không giờ phút nào lại không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục cù lao của Cha Mẹ:

 

“Công Cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

 

Nhắc đến ơn Cha cao như núi, nghĩa Mẹ như nước chảy từ nguồn. Trong kinh xưa thường dạy: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, trong muôn đức hạnh của con người, Hiếu là đức hạnh trọng yếu thứ nhất. Cha Mẹ, hy sinh tất cả đời sống của mình cho con, mong con khi khôn lớn sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội sau này:

 

“Công cha bao năm tình thương lai láng,

Nghĩa mẹ đậm đà, chín tháng cưu mang,

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,

Biết lấy gì đền đáp nghĩa khó khăn...”

 

Sau đây là 24 tấm gương hiếu thảo của người xưa do Lý Văn Phức (1785-1849) lược dịch theo thể thơ song thất lục bát. Chúng tôi sẽ gửi đến các gia đình, đặc biệt các bạn thiếu nhi loạt phim Nhị Thập Tứ Hiếu “hoạt hình”, mỗi ngày một nhân vật.


Video clip giới thiệu về tác phẩm “Nhị Thập Tứ Hiếu”



* * *


Tập 1: Ngu Thuấn - Hiếu cảm động Trời

 

Một vị vua trong Ngũ Đế thời thượng cổ họ Diêu tên Thuấn, một trang hiếu tử. Sau được vua Nghiêu, hiệu là Đào Đường gả hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh, rồi lại truyền ngôi báu cho. Vua Thuấn lên ngôi đặt niên hiệu là Đường Ngu.

 

Nguyên cha của Thuấn là người hung bạo, không biện biệt được người hay kẻ dở, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu (người mù mắt). Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu tục huyền với người đàn bà sau này sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của người kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cổ Tẩu không ưa Thuấn và định bụng giết đi. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn giữ trọn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, hòa thuận với đứa em độc ác, không một lời than oán.

 

Khi cha bắt đi cày ở đất Lịch Sơn cốt tìm cách trừ đi, vì nơi đây có tiếng là nhiều thú dữ hay ăn thịt người. Nhưng tấm lòng hiếu thảo và hòa mục của Thuấn động đến lòng trời, cả đàn voi ra giúp Thuấn cày đất và muông chim vô số đáp xuống nhặt cỏ hộ. Thấy không hại được Thuấn Cổ Tẩu và người dì ghẻ sai Thuấn đánh cá ở Hồ Lôi Trạch, nơi có nhiều sóng to gió lớn, nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên.

 

Đến khi được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, suốt 18 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn hát khúc Nam Phong mà trị bình thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca.


Đức Đại Thánh họ Ngu, vua Thuấn,

Buổi tiềm long gặp vận hàn vi,

Tuổi xanh khuất bóng từ vi

Cha là Cổ Tẩu người thì ương ương.

 

Mẹ ghẻ tính càng khe khắt,

Em Tượng thêm rất mực điêu ngoa,

Một mình thuận cả vừa ba,

Trên chiều cha mẹ dưới hòa cùng em.

 

Trăm cay đắng một niềm ngon ngọt,

Dẫu tử sinh không chút biến dời,

Xót tình khóc tối kêu mai

Xui lòng ghen ghét hóa vui dần dần,

 

Trời cao thẳm mấy lần cũng đến

Vật vô tri cũng mến lọ người.

Mấy phen non lịch pha phôi,

Cỏ chim vì nhặt, ruộng voi vì cày.

 

Tiếng hiếu hữu xa bay bệ thánh,

Mệnh trương dung trao chánh nhường ngôi

Cầm thi xiêm áo thảnh thơi,

Một nhà đầm ấm, muôn đời ngợi khen.

(Thơ: Lý Văn Phức)


Video clip: Tập 1 - Ngu Thuấn hiếu cảm động trời


Nguồn: gxdaminh.net